Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2015), Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt hai tác phẩm mới về Hà Nội​ là tiểu thuyết “Hà Nội, một thời tuổi trẻ” của tác giả Trần Văn Thụ và tập tản văn “Thương thế, ngày xưa…” của nhà văn Lê Minh Hà.

Ra mắt hai cuốn sách mới viết về Hà Nội của thế kỷ trước


“Hà Nội, một thời tuổi trẻ”
là những trang viết sinh động, đầy cảm xúc về Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp, về cuộc sống của người dân Hà Nội, đặc biệt là của sinh viên, học sinh, thanh niên thanh lịch, hào hoa xếp bút nghiên để cầm súng, chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong ngày Toàn quốc kháng chiến…

Tiểu thuyết cũng đưa ra góc nhìn qua một lăng kính khác, là cuộc đời, số phận những thanh niên Pháp buộc phải trở thành binh lính của đội quân xâm lược, tới Việt Nam, Hà Nội vào thời điểm khốc liệt của cuộc giao tranh…

“Thương thế, ngày xưa…”
gồm 19 tản văn của nhà văn Lê Minh Hà về những món ngon của Hà Nội trong ký ức của tác giả từ thời thơ bé, những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Nhà báo Linh Thoại nhận xét rằng, sau Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam, tản văn của Lê Minh Hà góp thêm vào “văn chương ẩm thực” Việt Nam một giọng văn k​ỹ lưỡng và tinh tế.

Hai cuốn sách “Hà Nội, một thời tuổi trẻ”“Thương thế, ngày xưa…” góp phần làm dầy dặn thêm bộ sưu tập những tác phẩm về Thăng Long-Hà Nội của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Nhà giáo Trần Văn Thụ sinh năm 1928 tại Hà Nội, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng chính là tác giả bài hát “Năm ngón tay ngoan” được trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ yêu thích.

Nhà văn Lê Minh Hà sinh năm 1962 tại Hà Nội, từng dạy học 10 năm tại trường Trung học phổ thông Đan Phượng và Hà Nội-Amsterdam.

Chị rời Việt Nam từ 1994, hiện sống tại Berlin (Đức).

Cùng với tản văn “Thương thế, ngày xưa…,” Lê Minh Hà còn có nhiều tác phẩm khác như: truyện ngắn “Trăng góa,” “Gió biếc,” “Những giọt trầm,” “Sâm cầm,” “Truyện cổ viết lại”; các tiểu thuyết “Gió từ thời khuất mặt,” “Phố vẫn gió”; hai tản văn “Còn nhớ nhau không”“Chơi nhiều hết mệt”…/.

Theo Vietnam+

Exit mobile version