Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là người chuyên viết về đề tài lịch sử, ông được coi là “người viết sử bằng văn chương”, hay đơn giản hơn, “nhà văn viết sử”. Nói đến ông, người ta thường nghĩ đến những tác phẩm như kịch Vũ Như Tô hay truyện thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng, với các nhân vật chính là Vũ Như Tô và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Điều này cũng dễ hiểu. Là một nhà văn say mê kịch nghệ và giàu tâm huyết với thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một trong những người viết kịch xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời là một nhà văn hàng đầu viết cho các em. Trần Quốc Toản là một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Trần, thời đại mà Nguyễn Huy Tưởng từng say mê thán phục và đã có một quá trình nghiền ngẫm lâu dài trước khi khắc họa chàng trong tác phẩm cuối cùng của mình. Còn Vũ Như Tô cũng là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt, và Nguyễn Huy Tưởng đã khai thác một cách thật sáng tạo cuộc đời người thợ xây họ Vũ để khái quát thành một hình tượng đầy tính bi kịch trong vở kịch được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của ông…
Cả hai nhân vật ấy, cũng như những Trịnh Sâm, Đặng Mộng Lân, Nguyễn Mại trong Đêm hội Long Trì, bác sĩ Thành, Kính, Quảng trong Những người ở lại, Thắng Đen trong Lũy hoa và Sống mãi với Thủ đô… đều là các nhân vật nam – điều ta dễ thấy qua phần lớn tác phẩm thuộc đề tài lịch sử hay chiến tranh cách mạng của Nguyễn Huy Tưởng. Bài viết này xin được nói đến hai nhân vật khác của ông, cả hai đều là nữ và đều đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Đó là Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì và công chúa An Tư trong tiểu thuyết cùng tên.
Chúng ta biết rằng Đặng Thị Huệ là ái phi của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, vị chúa nổi tiếng đa tình trong các đời chúa Trịnh; bằng vẻ đẹp sắc sảo và sự khôn khéo quỷ quyệt, bà đã mê hoặc chúa, khiến ông nhất nhất chiều theo ý mình, dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với nghiệp chúa nói riêng và sự an nguy của đất nước nói chung. An Tư là nàng công chúa đời Trần, em gái của Thượng hoàng Thánh Tông và cô ruột của vua Nhân Tông; do có sắc đẹp mê hồn, nàng bị triều đình đem hiến cho tướng giặc Thoát Hoa để đổi lấy hàng vạn quân Đại Việt bị giặc Nguyên Mông bắt làm tù binh, đồng thời làm trì hoãn sức tấn công của địch. Như vậy, có thể nói, cả hai nhân vật đều có tác động đến lịch sử nước nhà, mỗi người một cách. Tuy nhiên, ở đây không nói về các vị với tư cách là nhân vật lịch sử, cũng không phải với tư cách nhân vật tiểu thuyết; điều chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc là Nguyễn Huy Tưởng đã viết về họ như thế nào với tư cách là những… người đẹp. Hay đơn giản hơn, ông đã tả hai người đẹp đó như thế nào?
Đêm hội Long Trì (1942) là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng. Trước ông, đã có nhiều người viết về Đặng Thị Huệ, như Ngô Gia văn phái trong Hoàng Lê nhất thống chí, Phạm Đình Hồ trong Vũ trung tùy bút, Nguyễn Triệu Luật trong Bà chúa Chè… Đương nhiên đến lượt mình, Nguyễn Huy Tưởng phải có cách viết khác.
Để làm nổi bật vẻ đẹp của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thủ pháp dễ thấy của Nguyễn Huy Tưởng trong Đêm hội Long Trì là so sánh nàng với những người xung quanh, hay mượn lời của họ để nhấn mạnh về vẻ đẹp của nàng. Ngay ở đầu câu chuyện khi cho nàng xuất hiện, tác giả đã không tả mà để võ tướng Nguyễn Mại nói thay mình. Đấy là lúc nàng cùng các cung nữ theo chúa Tĩnh Đô đi thăm hội. Nhìn thấy người đẹp, viên tướng trẻ từng chỉ quen với chiến trận “đoán ngay là Đặng Tuyên phi. Bên cạnh phi thì bao nhiêu cung nữ, kể cả Quỳnh Hoa bị lu mờ, vì phi trông rực rỡ, toàn thắm, toàn tươi. Đẹp mà không nhạt nhẽo, hơi đẫy mà không thô, nồng nàn mà không lơi lả. Phi là một người đàn bà có một sắc đẹp quyến rũ yêu quái. Người phi là tiếng gọi của dục tình.”
Thế mà người đẹp ấy lại chính là chị của gã Đặng Lân ngỗ nghịch, kẻ vừa gây náo loạn ở Long Trì, phạm cả đến cuộc thi thơ ở Quần Anh hội do nàng Quỳnh Hoa, con gái yêu của chúa mở trong đêm hội. Thấy cha, Quỳnh Hoa đã định tâu về sự rông càn của Lân, nhưng cũng lại thôi ngay, vì: “Bắt gặp mắt sắc của Đặng phi, nàng cúi đầu, tự biết uy quyền của mình không sao chống được với cái uy quyền chúa tể kia.” Còn Nguyễn Mại thì chỉ còn biết nói: “Người đẹp thế kia làm gì mà chẳng gây vạ”.
Ngay đến Thái phi, mẹ chúa Tĩnh Đô khi trách con đã quá nghe Tuyên phi mà hại cả đến trung thần, cũng không dám nhắc trực tiếp đến nàng, vì “sợ gợi cái hình ảnh lộng lẫy kia trong óc chúa Tĩnh Đô. Chính bà cũng sợ cái ma lực của người con gái làng Chè”.
Còn trong mắt chúa thì sao. Chính là qua nhân vật này, Nguyễn Huy Tưởng đã có nhiều dịp để miêu tả gián tiếp vẻ đẹp đầy ma lực của Tuyên phi. Như hôm ngài đến thăm nàng ở Bội Lan thất: “Nàng liếc mắt nhìn Chúa, Chúa cả cười, không uống đã say”; hay trong chốn thâm cung: “Chúa nhìn nàng, như ngốn bằng đôi mắt đa tình, tất cả cái lâu đài xác thịt kia đã bao lần ngài ngắm mà không lần nào thấy chán; mỗi lần ngắm là một lần tìm thấy một vẻ đẹp khác”.
Người đẹp ấy không chỉ đẹp mà còn tài. Nàng đàn giỏi và pha chè rất khéo. Tả về ngón đàn của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Nguyễn Huy Tưởng cũng lại dùng thủ pháp miêu tả gián tiếp qua cảm nhận của một người khác, mà cụ thể là chúa Tĩnh Đô. Như về cách thức nàng ngồi đánh đàn: “Tuyên phi ngồi trên thảm gấm, dưới chân chúa Tĩnh Đô, mỗi tay cầm một chiếc búa ngà nho nhỏ, cổ tay trái bật nổi một vòng ngọc thạch màu xanh nhạt… Chúa đăm đăm nhìn vòng ngọc, ước ao được như nó luôn luôn quấn lấy cổ tay tuyệt mỹ”. Còn về tiếng đàn của nàng? Tác giả cũng lại mượn những ấn tượng mà âm thanh ấy tác động lên ông chúa si tình: “Dây đương so, Chúa tưởng như đàn đã thành. Chợt khúc đàn dìu dặt tấu lên, hồn Chúa trước còn lội trong bến, sau phiêu diêu bơi ra giữa dòng sông, thân đầm trong nhạc”…
Đêm hội Long Trì, như trên đã nói, là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng. Hẳn là ở cuộc thử sức đầu tiên với thể tài không dễ này, ngòi bút ông còn có những e dè khó tránh. Nhưng đến An Tư (1943), có thể nói nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng đã điêu luyện hơn hẳn. Mặc dù vẫn thiên về thủ pháp so sánh khi miêu tả nhân vật, nhưng là lối so sánh bằng hình ảnh có tính trực quan, và vì thế sinh động hơn nhiều. Ở vẻ đẹp nàng công chúa họ Trần, Nguyễn Huy Tưởng đặc biệt quan tâm đến các chi tiết gợi cảm của người phụ nữ, đó là mắt, tay, cổ và ngực. Ngay ở câu mở đầu, Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa chân dung nàng với hai yếu tố – bàn tay và mái tóc: “An Tư dừng mũi kim thêu, tay búp măng vuốt mái tóc đen mới xô xuống má”. Tiếp theo, tác giả sẽ còn nhiều lần đặc tả hai yếu tố này, như về bàn tay công chúa: “óng nuốt, trắng tinh dưới ánh nến”, “mềm mại và đài các”, “êm mát như nhung”…; và về mái tóc, như khi nàng vùng đứng dậy thì “xõa trôi theo lưng nàng xuống đất như làn sóng đen biếc”. Mái tóc ấy ám ảnh chàng tình lang Chiêu Thành Vương đến nỗi, trong giây phút say sưa nghĩ đến người yêu, chàng “tưởng như nàng ở trước mặt, giơ tay, để vuốt ve làn tóc đen dài”.
Hai yếu tố ấy – bàn tay và mái tóc – chính là những hình ảnh để nhận diện nàng công chúa trong suốt hai trăm trang tiểu thuyết, bên cạnh những yếu tố khác cũng gây ấn tượng không kém là chiếc cổ trắng tinh và bộ ngực căng tròn. Như “cổ nàng tròn trắng”, “đôi vú chắc và tròn, đầu đỏ chót như son”… là hai trong nhiều ví dụ mà ta có thể đọc thấy ở đoạn này đoạn kia trong tác phẩm.
Đáng thương thay nàng công chúa nhà Trần! Bấy nhiêu những vẻ đẹp tuyệt tác của tự nhiên mà lẽ ra phải được nâng niu, ôm ấp trong vòng tay tình ái, thì lại bị đem hiến cho tướng giặc để thỏa mãn lòng ngạo mạn của kẻ đắc thắng. Lần đầu tiên Nguyễn Huy Tưởng để cho tất cả vẻ đẹp của nàng được phơi bày cũng chính là lần nàng bị đưa đến cho tướng giặc Thoát Hoan và bị y cưỡng đoạt. Toàn thân nàng căng ra, cố cưỡng lại đến cùng để bảo toàn trinh tiết: “bàn tay xinh xắn cố hết sức ẩy Thoát Hoan ra, nhưng vô lực. Ngực nàng hổn hển, đôi vú tròn đẹp bỗng nổi lên, hai đầu nhỏ lẳn trên lụa như một đôi nụ mới nhô, và chiếc cổ trắng tinh ngả xuống, tóc đen nhánh đổ xô trên sàn tía, dài và nhiều, cuồn cuộn như sóng mây. Môi đỏ chót run lên vì tủi hờn và e thẹn”. Cái đẹp bị cưỡng đoạt cũng vẫn là cái đẹp, nhưng chính vì thế càng làm tăng vẻ tàn phũ mà nàng công chúa phải chịu đựng trong suốt thời gian thất thân cùng tướng giặc!
Cũng không ngoài mục đích ấy, Nguyễn Huy Tưởng còn một lần nữa phải tả sự bất nhẫn này. Bấy giờ đã sang hè, đã hai tháng An Tư ở trong tay giặc, hay như ta nói ngày nay, làm “nô lệ tình dục” cho Thoát Hoan. Thân xác là như thế, song còn tinh thần thì sao? Nguyễn Huy Tưởng đã tỏ vô cùng tinh tế khi để cho chính vẻ đẹp của nàng cất tiếng nói khi phải chịu sự cưỡng bức. Đêm ấy, “trời oi như một cái hầm”, An Tư không ngủ được lẻn ra hồ tắm, những mong khuây khỏa chút nào. Trớ trêu thay, nàng lại bị Thoát Hoan bắt gặp khi từ doanh trại trở về dinh: “Trên bực đá hoa ăn xuống hồ, nàng xõa tóc, khỏa thân trắng như tuyết, đang cầm gáo giội lên vai tròn trặn. Nước chảy trên mình như một làn lụa mỏng che mơ màng người ngọc, và cả cái đẹp trong sáng, lặng yên, mềm mại và khêu gợi lộ ra, với những đường cong như nặn, cánh tay như bột, đôi ngọc nhũ đương cương, chiếc quần lụa mỏng không đủ che thân dưới nhường thóc mách với mắt thèm thuồng chỗ sâu kín, mơ hồ và đẹp nhất của người mỹ nữ đương tơ”. Và điều phải đến đã đến. Nàng lại bị Thoát Hoan kéo vào cuộc truy hoan man dại. Để rồi, khi tỉnh dậy, “Cổ tròn và trắng như tuyết của nàng còn phập phồng vì thẹn thùng, đau đớn và tức giận”. Vẫn là yếu tố nhận diện ấy ở nàng công chúa – cổ tròn, trắng – nhưng lúc này đã hóa thành phương tiện để biểu đạt phẩm giá, khi tiết ra vẻ thẹn thùng, đau đớn, tức giận của cái đẹp bị xúc phạm!
*
* *
Nguyễn Huy Tưởng viết An Tư khi đến với cách mạng. Một đồng chí của ông trong Văn hóa cứu quốc, nhà văn Như Phong cho biết, để miêu tả nhân vật An Tư “đẹp nhất trời Nam”, ông đã phải mất khá nhiều công phu. Bấy giờ ở Nhà hát lớn Hà Nội đang diễn vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc. Thủ vai một nhân vật nữ của vở là K.D., một cô gái đẹp nổi tiếng Hà thành thời ấy. Nguyễn Huy Tưởng đã cố công kiếm bằng được một vé để xem cô diễn. Nhưng nói như nhà văn Như Phong, “chẳng phải anh màng gì đến K.D. Anh chỉ muốn mượn cô gái này làm người mẫu để miêu tả nhan sắc của công chúa An Tư!…”
Khó có thể biết Nguyễn Huy Tưởng đã mượn “ngoại hình” của K.D. đến đâu để tả công chúa An Tư. Nghệ thuật, suy cho cùng, là kết quả của tưởng tượng, của sáng tạo. Nhưng có điều chắc chắn, khi viết An Tư, Nguyễn Huy Tưởng đã có ý thức rõ rệt hơn về hiện thực tính, do ảnh hưởng của cách mạng. Kết quả là ông đã có được một nàng công chúa An Tư sinh động trong một tác phẩm đã chứng tỏ được sức sống đến ngày nay – tất cả xuất phát từ 15 chữ duy nhất trong sách xưa cho biết về nhân vật lịch sử này: “Khiển nhân tống An Tư công chúa, vu Thoát Hoan, dục thư quốc nan dã” (Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan để giảm nạn nước).
Tháng 5/2013
Nguồn: Vanvn.net