Xứ Đông Dương hồi ký Paul Doumer (tên tiếng Pháp: L’Indo-Chine francaise: Souvenirs) của Paul Doumer vừa được giới thiệu tới độc giả hôm 6/4 tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp (24, Tràng Tiền, Hà Nội).


LIH 5568
PGS.TS Dương Văn Quảng, ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Trung tâm hợp tác trí tuệ VICC và nhà văn Nguyễn Trương Quý (từ phải sang) chủ trì buổi tọa đàm


“Lịch sử vốn là bức thông điệp đa nghĩa, mà quá khứ luôn luôn nhắn gửi cho hiện tại. Tìm hiểu, suy ngẫm về bức tranh toàn cảnh của xã hội Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, những con người có vai trò ảnh hưởng tới xã hội ấy, trong đó có những hồi ức của Toàn quyền Paul Doumer, chắc chắn là những điều bổ ích và sẽ không bao giờ thừa” – PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ.

Xứ Đông Dương, được dịch nguyên bản từ tiếng Pháp. Tác giả cuốn sách là một trong những người góp phần tạo ra giai đoạn lịch sử đầy biến động – ông Joseph Athanase Paul Doumer, từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau này là Tổng thống Cộng hòa Pháp (1931-1932). Ông không chỉ là một nhà cai trị, ông còn là học giả, một nhà chính trị đầy tham vọng muốn biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông.

Trong cuốn sách, tác giả đã tái hiện một giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy biến động và đau thương dưới góc nhìn mới mẻ. Rất nhiều câu chuyện thú vị về Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được nhắc tới trong Xứ Đông Dương. Đó là quá trình xây dựng cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cầu Thành Thái (Tràng Tiền) tại sông Hương hay cầu Bình Lợi ở sông Sài Gòn. Đó là sự quyết tâm của Doumer trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt – tới mức báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt, là việc Hà Nội, dưới thời cai trị của Paul, trở thành thành phố châu Á đầu tiên có điện. Đặc biệt hơn nữa là nhận xét vào đầu thế kỷ XX của vị toàn quyền Đông Dương này về người Việt, rằng đó “chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh bởi sự thông minh, cần cù và dũng cảm”.


Cuốn sách Xứ Đông Dương


Nói về Xứ Đông Dương, PGS.TS Dương Văn Quảng cho biết: “Những năm tháng này cùng với những sự kiện diễn ra mang đậm dấu ấn lịch sử cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, khách quan, tránh những thành kiến và phê phán một chiều. Lịch sử phải chấp nhận cách nhìn đa chiều sự kiện thì nó mới là nó và mới hấp dẫn, thúc đẩy thế hệ trẻ tự tìm hiểu và yêu lịch sử, nhất là lịch sử nước mình…”. Theo ông, cuốn sách dưới góc nhìn của một nhà cai trị, người có tầm vóc lớn, một hiện tượng lịch sử để lại dấu ấn sâu đậm tới Việt Nam sẽ rất thu hút độc giả. “Đọc hết cuốn sách, bạn sẽ thấy nội dung của nó rất hấp dẫn, vượt xa khỏi thể loại hồi ký vì trước tiên, cuốn sách đã tạo cho tác giả một cơ hội lý tưởng để đưa ra những nhận xét, đánh giá, thậm chí cả lời khuyên mang đậm nhãn quan chiến lược về nhiều lĩnh vực của một chính trị gia, một nhà quản lý đầy kinh nghiệm và có nhận thức sâu sắc về thời cuộc” – TS. Dương Văn Quảng viết trong lời tựa cuốn sách.

Bên cạnh đó, tác giả còn cho độc giả thấy được lịch sử, bản sắc sống động cũng như mặt trái ở các nước láng giềng nước ta. Đặc biệt, tầm nhìn của ông về vị trí chiến lược của Singapore sau hơn một thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị. “Singapore là một trong những cảng tàu bè qua lại nhiều nhất để tới các vùng biển Viễn Đông. Mọi tuyến đường biển đều phải qua đây: châu Âu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia, Đông Dương và Xiêm La. Người ta thấy tầm quan trọng về thương mại và chiến lược của địa điểm này, “cái rốn” của hành tinh. Như mọi người nghĩ, người Anh không để cho nước khác nghĩ tới chuyện chiếm Singapore. Vì thế họ sở hữu gần như mọi điểm giao cắt trên thế giới và giám sát các tuyến hàng hải. Họ muốn làm chủ mặt biển và họ coi Singapore là một trong những cách hữu hiệu để đạt được mục đích đó”.

 

Theo Thu Linh – VNQĐ

Exit mobile version