Tôi còn nhớ cách đây gần sáu năm, sau một Hội nghị do Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì về  việc triển khai thực hiện chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, có một ông già tóc bạc xóa, lững thững rời hội nghị đi ra phía Hồ Gươm “bắt” xe ôm trở về nhà. Đó là nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người viết kịch bản văn học Đêm Đại lễ diễn ra tối 10-10, vừa được các cấp lãnh đạo chấp nhận thông qua tại hội nghị trên.



Tôi còn nhớ cách đây gần sáu năm, sau một Hội nghị do Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì về  việc triển khai thực hiện chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, có một ông già tóc bạc xóa, lững thững rời hội nghị đi ra phía Hồ Gươm “bắt” xe ôm trở về nhà. Đó là nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người viết kịch bản văn học Đêm Đại lễ diễn ra tối 10-10, vừa được các cấp lãnh đạo chấp nhận thông qua tại hội nghị trên.

TRUYỀN CẢM HỨNG VĂN HÓA, CẢM HỨNG YÊU NƯỚC CHO THẾ HỆ TRẺ

Gặp nhau bên lề hội nghị trên, Nguyễn Khắc Phục hồ hởi cho tôi biết, ông vừa hoàn thành 2 kịch bản chi tiết (trong số 30 kịch bản chi tiết TP Hà Nội giao cho các nhà văn hóa, các đạo diễn, nghệ sĩ đảm nhiệm) trong 10 ngày của Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội diễn ra vào tháng 10-2010: Kịch bản “Thăng Long- Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” và kịch bản “Chương trình Đêm hội văn hóa-nghệ thuật mừng Đại lễ 1000 năm ở SVĐ Mỹ Đình”.

“Tôi muốn thông qua đêm diễn này để kể một câu chuyện về Thăng Long ngàn năm, và điều quan trọng nhất là truyền cảm hứng văn hóa, cảm hứng anh hùng của dân tộc Việt Nam cho thanh, thiếu niên hôm nay. Điều thôi thúc lớn nhất đối với tôi là ý tưởng đề cao văn hóa Diên Hồng là văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước. Hiện nay, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích tinh thần Diên Hồng là Đại Đoàn kết dân tộc. Hồng là hồng phúc, Diên là dài lâu, vậy Diên Hồng nghĩa là hồng phúc lâu dài của đất nước chính là sức mạnh Đại đoàn kết của dân tộc chúng ta”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục dẫn giải.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết, ông đã phải viết kịch bản chi tiết cho toàn bộ Đêm hội Văn hóa- Nghệ thuật này diễn ra trong đúng 100 phút theo yêu cầu của Chính phủ. “Chỉ cần 100 phút thôi, nếu diễn giỏi là sẽ để đời. Tôi muốn thông qua đêm diễn này để kể một câu chuyện về Thăng Long ngàn năm văn hiến và anh hung. Điều thôi thúc lớn nhất đối với tôi là ý tưởng đề cao văn hóa Diên Hồng là văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Tinh thần Diên Hồng vừa là động lực văn hóa, vừa là vũ khí vĩ đại nhất của người Việt Nam để dựng nước và giữ nước. Hiện nay, chúng ta có thể dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích tinh thần Diên Hồng là Đại Đoàn kết dân tộc. Hồng là hồng phúc, Diên là dài lâu, vậy Diên Hồng nghĩa là hồng phúc lâu dài của đất nước chính là sức mạnh Đại đoàn kết của dân tộc chúng ta”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết.

Thời gian ấy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn đi ở trọ thuê, sống một mình lặng lẽ, cặm cụi viết kịch bản và tiểu thuyết ở một xó xỉnh nào đó trong cái nội đô đầy bụi bặm và huyên náo của Hà Nội phố. Có hôm, tôi giật mình khi nghe nhà văn Văn Chinh kể lại chuyện, có lần ốm quá, nằm bê bết một thân, một giường không ai chăm sóc, cả tuần liền không dậy được, Nguyễn Khắc Phục mới thều thào gọi điện thoại cho Văn Chinh xuống “cõng” ông đi bệnh viện. Hôm ngồi uống bia với hai nhà văn này ở quán “Hiếu béo” gần Ô Chợ Dừa, tôi thấy họ “chiều chuộng” nhau lắm mặc dù cá tính hai người văn có vẻ khác biệt nhau. Văn Chinh bảo:“Cái lão này gàn lắm, già lão, ốm đau, đã ba lần phải vào bệnh viện phẫu thuật mà vẫn chỉ thích sống một mình, suốt đêm hì hụi viết lách rồi lại vẽ vời, lấy hơi sức đâu mà sống nữa…”. Nguyễn Khắc Phục cười mỉm nhẹ nhàng, nghiêng mái tóc bạc xuống bảo: “Ngày chỉ cần hai cốc bia hơi và bát bún bung là tớ có thể viết suốt đêm mà chẳng cần có ai ở bên cạnh, sống một mình thì mới viết được, các cậu phải hiểu rằng, chẳng ai được sướng như tớ đâu nhé…”. Tôi và Văn Chinh đành cười cợt nhìn ông đang trong “cơn” sung sướng với mấy ly bia cỏ.

Cho đến năm 65 tuổi, Nguyễn Khắc Phục vẫn sống đạm bạc một mình trong  căn nhà đi thuê ở một xóm ven đô Hà Nộị và vẫn phải thường xuyên phải thay đổi chỗ thuê trọ như vậy. Thật thương cho tấm thân già héo hon, gầy guộc của nhà văn. Ông đã phải mang vác biết bao thứ trên đời trong mỗi cuộc chuyển nhà “vã mồ hôi sôi máu mắt” với cả đống tranh sơn dầu ông vẽ trong nhiều năm qua.  “Các bạn đừng nghĩ tôi khổ, tôi sung sướng lắm chứ ! Vì tôi được làm tất cả những gì tôi muốn và tôi được nhiều người tin cậy. Tôi rất hạnh phúc khi viết kịch bản văn học cho Đêm Đại lễ 1000 năm. So với các bạn bè tôi đã nằm lại ở chiến trường phía Nam thì may mắn là cái chết chưa chặn tôi lại, và hiện nay bệnh tật cũng không chặn nổi tôi, mặc dù tôi đã phải 3 lần đại phẫu mổ dạ dày, mổ mật, cắt ruột non. Lần nào bạn bè cũng tưởng tôi sẽ ra đi, nhưng tôi vẫn sống, viết truyện, viết kịch bản và vẽ tranh chơi…”, nhà văn hào hứng nói.

Có thể nói, trước tiên Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hết lòng với nghề, với cuộc sống và quê hương mình với những đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Tuy “vang bóng” trên văn đàn như vậy, ông lại là một người có nếp sống rất giản dị và dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: “Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung rọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối”. Trong mấy thập niên qua, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng “khủng”. Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hàng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi, đàn đúm với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông “tút” đi liền, không do dự gì cả. Đi là để tích lũy vốn đời, đi và viết và lang thang sống, ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.

Khi tôi hỏi ông lấy sức đâu mà viết tới cả trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, kịch bản lễ hội và năm, sáu ngàn trang tiểu thuyết như vậy thì Nguyễn Khắc Phục nhìn tôi một cách rất hóm hỉnh và đầy ý nhị: “Mình chỉ là một kẻ ham chơi và ham sống, còn viết thì đã có một đấng  nào đó trong con người mình viết ra đấy, mình có làm gì đâu!”. Nguyễn Khắc Phục là như vậy, dù nho nhã, hiểu biết nhiều nhưng vẫn cứ rất mực khiêm tốn “Mình chả là cái quái gì trong cuộc đời này, cuộc đời này quan trọng, chứ còn các thứ khác cũng chả là đinh rỉ gì khiến mình phải quan tâm, cứ rong chơi vậy thôi…”. Tuy hồn nhiên bộc bạch như thế nhưng tôi vẫn thấy sau ánh mắt đăm chiêu, u ẩn của ông, một nguồn mạch sục sôi của sự sáng tạo không bao giờ chịu lụi tắt.

Khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết về người bạn thân Nguyễn Khắc Phục như thế này: “Dù tê giác là loài thú quí hiếm, hiện còn tồn tại mấy con ở rừng già Việt Nam thì cũng như con rồng, ít ai biết tới. Thế nhưng tê giác là linh vật được Kinh Phật nhắc tới. ý niệm về sự khỏe mạnh và trường tồn, đã ám ảnh một thằng người có tên là Nguyễn Khắc Phục, sinh vào hào lục, quẻ càn của tử vi; cất tiếng gọi mẹ đầu tiên vào giờ liên không; bởi thế, có tài mà đa đoan; cả đời đi tìm tri âm tri kỷ mà số đông chẳng mấy ai hiểu. Gã như một kẻ tội đồ, tự sám hối bằng cách đi tu không cần cắt tóc, không cần nâu sồng, gã đi tu không ở chùa mà ở giữa cái đám gọi là chợ người. Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nào phim, nào kịch, nào thơ, nào lý sự đông tây, nào báo chí, nào tiểu thuyết. Rút cục thì một câu hỏi lớn, lúc tóc đã bạc phơ, chân đi chếnh choáng, tim đập thất thường, gã vẫn không trả lời nổi: Liệu có đến được không, ngôi đền của cái Đẹp đang lộng lẫy tồn tại ở đường chân trời ?”.

Nguyễn Khắc Phục quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Ông sinh năm 1947 ở Sài Gòn, năm 1952 theo gia đình trở về quê Bắc. Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp hàng hải, Nguyễn Khắc Phục đã nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu “Người từ giã cuối cùng” sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay “Những ngôi sao biển”. Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận. Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: “Chiến trường chia nửa vầng trăng”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tự thú trước bình minh”, “Nhiệm vụ hoa hồng”,“Học trò thủy thần”, “Lạc cầm thứ mười ba” và đặc biệt là phim “Bọn trẻ” đã được trao giải thưởng huy chương vàng cho kịch bản văn học trong liên hoan phim quốc tế Á-Phi năm 1994. Năm nay, nhà văn Nguyễn Khắc Phục – người được mệnh danh là “Vua kịch bản lễ hội” đã 68 tuổi. Ông đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn, chưa kể hàng mấy chục kịch bản các “Lễ hội”, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Ông Phục bị bệnh trọng, đang phải điều trị tại Viện 103.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Khắc Phục-Trang Thanh

BA BỘ TIỂU THUYẾT ĐÃ HOÀN THÀNH

Cách đây mấy năm khi đến chơi với ông, Nguyễn Khắc Phục cho tôi xem bản thảo cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” đang viết dở của ông. Trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, ông tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Nhìn gương mặt nhà văn lúc ấy, phảng phất nét gì đấy cương trực, gân guốc của một sĩ phu yêu nước. Tóc bạc phơ, mắt khẽ nhắm lại, ông chậm rãi lý giải: “Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì nhỉ? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa. Thăng Long đứng vững được là còn do các triệu đại biết tập hợp tinh thần yêu nước của trăm họ. Đây không phải là câu chuyện của ngày hôm qua và cũng không phải là câu chuyện của riêng ngày mai khi hùng khí Thăng Long vẫn là sức mạnh muôn thủa…”.

Với sức làm việc đáng sợ nêu trên, người ta có thể gọi Nguyễn Khắc Phục là “vua kịch bản” của những lễ hội văn hóa. Khi tôi đề cập vấn đề này, nhà văn tâm sự: “ Mình chỉ tận dụng mọi cơ hội, tìm mọi cách để tham gia vào việc truyền cảm hứng anh hùng, cảm hứng yêu nước và cảm hứng văn hóa cho các bạn trẻ”. Tôi còn nhớ, tại một lần khai mạc “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây, nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc  ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kom Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác”. Nguyễn Khắc Phục là thế đó, tạm ngừng viết tiểu thuyết thì chuyển sang viết kịch bản liên miên, hết làm từ thiện lại đi vẽ tranh, viết và sống và rong chơi, đàn đúm trong cuộc đời này, ông như một người hiền còn sót lại của chốn phù du trong những năm tháng qua.

Có lẽ không ai hiểu nhà văn Nguyễn Khắc Phục như cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông đã viết về tiểu thuyết “Ngôi đền” của bạn với những dòng  trăn trối như sau: “Tê giác tiến bước theo kiểu tên lửa nhiều tầng bay trong không gian. Vừa bay, tên lửa vừa bỏ lại những thùng nhiên liệu đã trống rỗng. Tê giác cũng để lại sau lưng nó những khoảng trống ký ức…Nguyễn Khắc Phục không phải là con tê giác, gã là một nhà văn lớn và một thằng người nhỏ, đi lấp những khoảng trống ký ức mà con tê giác để lại. Suýt toi mạng theo nghĩa đen ở chiến trường Nam Trung Bộ. Suýt toi mạng theo nghĩa bóng ở đất tân đô Huế. Vinh thăng tiền bạc ở các kịch bản phim truyền hình nhiều tập. Ngập lụt ở những vở kịch mà vài đạo diễn không hiểu mình. Khoảng trống ký ức của đời thì Nguyễn Khắc Phục xông pha lấp, thế còn cái khoảng trống ký ức của chính đời Phục thì ai lấp đây? Hay Nguyễn Khắc Phục là con tê giác ấy còn kẻ đi lấp lại là cái anh lính Trường Sơn đẹp giai thủa nào tên là Phạm Tiến Duật đi lấp thay người? Thây kệ. Ngôi Đền vẫn sừng sững ở đường chân trời. Ngôi Đền ấy có tên là văn hóa, ấy là Muni của văn hóa Ấn; đó là Giaria Vácman, Xuria Vácman của văn hóa Chămpa; ấy là Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông Việt Nam. Phục đọc nhiều, thấm nhiều nền văn hóa mới có thể dựng nên hình tượng một chú tê giác của thần học, của triết học, chạy suốt từ đầu tập sách đến cuối tập sách mà không làm trang nào có tỳ vết. Vẫn hiện lên nàng tiên – Ma nữ Yến Huyết, vẫn hiện lên rác rưởi của con đường vạn dặm đi tìm NGÔI ĐỀN của cái đẹp, NGÔI ĐỀN của tình yêu và vĩnh phúc”.

Hạnh phúc đến bất ngờ với ông ở tuổi 65, Nguyễn Khắc Phục chia tay với cuộc sống lang thang cô đơn để đi lấy vợ. Người bạn đời của ông là nhà thơ, nhà báo Trang Thanh, kém ông khoảng hai chục tuổi. Nàng sinh cho ông một đứa con trai, vậy là đời ông mãn nguyện. Nhưng chỉ ba năm sau, khi thấy mình tự dưng bị ho nặng và mất tiếng, ông vào viện khám và kinh hoàng khi biết mình mắc chứng ung thư.

Cách đây dăm tháng, tôi vào thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục khi nghe tin anh vừa đi xạ trị ở Viện 103 về. Tôi  mừng cho anh đã “chịu khó” đi viện xạ trị bằng hóa chất chống ung thư để chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Nguyễn Khắc Phục ngày thường vào viện xạ trị, tối lại về nhà với vợ con và vẫn thức đêm để cố hoàn thành một cuốn sách. Tôi bất ngờ được nghe vợ anh, nhà thơ Trang Thanh hát cho chồng nghe bài thơ chị vừa mới viết cho anh với điệp khúc “ Anh đừng đi đâu nhé, nghe anh” rất da diết và đầy xúc động. Tôi cũng bất ngờ trước những bức tranh sơn mài khổ lớn mà Nguyễn Khắc Phục vẽ những năm qua đang hiện diện trên khắp các bức tường trong căn hộ của gia đình anh. Và, có lẽ tình yêu của người vợ và đứa con trai mới 3 tuổi cùng văn chương và hội họa đang cứu rỗi căn bệnh ung thư của ông “Vua kịch bản lễ hội văn hóa” Nguyễn Khắc Phục. Sau hôm xuống nhà thăm Nguyễn Khắc Phục bị bệnh trọng, tôi có làm bài thơ dưới đây tặng vợ chồng ông, mong được coi như một chút chia sẻ của một bạn văn với “Con tê giác văn chương” đang lâm bệnh trọng:

MỘT GÓC THIÊN ĐƯỜNG

(Tặng Nguyễn Khắc Phục)

Người văn ấy đang hạnh phúc

Tiếng trẻ bi bô

Như kẹo vãi khắp nhà

Trang viết của anh ấm mùi giấy kẹo

Ký ức anh thơm tho mùi kẹo

Và một thiên đường mở ra

Người thơ ấy đang hạnh phúc

Sau nhiều năm mê mải vật lộn với kịch trường và văn trường

Chiều nay anh thanh thản ngồi nghe vợ hát

Con sẻ nâu rưng rưng rước mây ấm về nhà

Và một thiên đường mở ra

Người bạn ấy đang hạnh phúc

Dẫu hơi thở sền sệt trong cơn đau âm ỉ

Anh cố giấu chính anh

Trong bức tranh sơn mài của hy vọng

Màu dâng lên

Và một thiên đường mở ra

Chỉ một thao thức với thiên đường vừa mở ra

Sau nhiều đau đớn tuyệt vọng

Để gặp một thiên đường khác

Trước khi phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh ung thư trầm kha, mấy năm gần đây, Nguyễn Khắc Phục dường như vui hơn và trẻ ra nhiều khi vợ ông sinh cho ông một đứa con trai, ông sướng lắm, gọi bạn văn tới nhậu lu bù. Nay ông phải nằm viện, chắc vẫn thèm lắm cái thời: “Cả ngày chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung rọc mùng là có thể viết một mạch từ sáng đến tối”. Vâng, bạn văn và những người yêu mến Nguyễn Khắc Phục vẫn mong ông khỏe lại như con- tê –giác-văn-chương thuở nào.


THƠ NGUYỄN KHẮC PHỤC


THƠ TRONG LỖ ĐEN


1

Sông Không Đáy bao giờ cạn nước

Đỉnh Không Tên cây cỏ không tên

Ai lên gội mớ tóc tiên

Sợi dài buộc gió sợi mềm gói trăng

Ai đi dệt tấm vô thường

Thêu nên hình tướng mười phương ta-bà

Yêu trong vô lượng thiên hà

Nhớ trong muôn một mới là nhớ nhung…


2


Em cãi cọ với cơ thể em

Anh phung phí tinh khí của mình

Thế là có hai cặp tình nhân dưới một mái nhà

Một cặp yêu nhau

Còn cặp kia lườm nguýt

Họ lôi cả thánh thần và Nit-sơ vào chăn

Các vị khách ướt sũng từ đầu đến chân

Ra đến cửa bỗng thầm thì xoa xuýt

– Phải yêu thôi, mặc mẹ các triết nhân!


3


Giữa khuya ta ngồi dậy

Ngõ hiu hắt ánh đèn

Gió vờn cây run rẩy

Ta đã thành nửa đêm


4


Anh chỉ biết tình này anh vô lượng

Vô lượng em và vô lượng anh

Vô lượng thời gian vô lượng không gian

Vô lượng cả những gì anh chưa nói

Vô lượng chứa những khổ đau hờn dỗi

Vô lượng tình thăm thẳm vô lượng yêu


5


Bên ta có gì nhỉ

Những câu thơ mất máu

Những bài ca ưu phiền

Tiếng quạt đêm rên rỉ

Ai gõ nhịp thời gian

Tóc thôi hết chỗ bạc

Mắt thôi hết rộn ràng

Hau háu nhìn lên mạng

Ta về chỗ muôn năm

Trên đỉnh Vô Danh ấy


6

Bàn phím mưa gõ nhịp trên cây

Ngõ hẹp phả ra tiếng thở dài oi bức

Ngân lên bài ca đêm cho những cặp tình nhân hạnh phúc

Anh mở toang khung cửa đợi em

Giang cánh bay về ào ạt thủy triều đêm


7


Anh xếp hàng chầu chực suốt đêm

6 giờ sáng thiên đường chưa chịu mở

Anh rít thuốc và càu nhàu một tí

Với viên quan già khó tính canh cửa thiên đường

Rồi quả quyết nịnh hắn ta là tốt nhất

Bèn làm thơ ca tụng chuyện xếp hàng


8


7 giờ không một tiếng chuông

Anh nhìn cánh cửa thiên đường lặng câm

Thôi không hát nữa hay quên

Hay mưa chìm nổi nỗi niềm ướt theo?


9

Em tối thượng gọi anh về Chính Ngọ

Vực trống đau thương bỏ lại dưới chân

Ngước mắt ngắm mặt trời rực rỡ

Anh lội qua sông Không Đáy gặp em


10


Anh tưởng đã trơ trơ làm đá gỗ

Chẳng bao giờ còn nức nở lời phiêu

Anh đã tưởng đêm tàn trong ngõ nhỏ

Chẳng bao giờ cô Tấm trả hài thêu

Anh đã tưởng bão rung chim vỡ tổ

Chẳng bao giờ được nhớ một người yêu…


BÀI HÁT CHO NGƯỜI KHÁC

(Thân yêu tặng anh Lưu Trùng Dương)


Đối với anh, hạnh phúc muộn màng sao

Không kịp nói thêm nửa lời về nó

Con sông lớn hứa cho anh gặp bể

Phút này thành tai họa dưới vực sâu

Anh đi trên triền đá ong

Bông trang đỏ, bông hoa bé nhỏ

Dài như kim đâm nát thịt da anh

Biển bắt đầu công việc về đêm

Sóng sủi trắng làm người nhìn tan nát

Ôi Tam Quan… Tam Quan

Anh sống lại nơi biển này bài hát

Tuổi thơ anh đã hát suốt một thời…

Dù điệu vần dại dột của tôi

Cũng nặng trĩu tình tôi vùi trong đất

Cho tôi sống, tôi yêu, tôi khóc

Khóc cũng có khi cần thiết cho đời

Anh thương người con gái qua đường

Mùa đông chiếc khăn quàng nhàu nát

Anh viết mãi những bài ca cho người khác

Anh mang cho họ niềm vui

Họ hái cho anh buổi chia tay nước mắt

Những người sau anh

Tuổi họ chín như quả cây xứ nóng

Tuổi trẻ họ cháy trong anh nóng bỏng

Sẽ không bao giờ nỗi nhớ nguôi đi

Chiều nay đi… từ biệt nơi này

Anh nhận chỗ một chiến trường khác biệt

Chiến trường ấy chúng tôi không đến được

Không ai giúp gì được cho anh

Chỉ có anh

Những câu thơ anh viết cho người khác

Và những tia sóng ngắn

Màn huỳnh quang ghi trận đánh cuối cùng

Nhưng anh không cô độc một mình đâu

Tất cả bạn bè anh

Những câu thơ chưa biết

Và tình yêu bất diệt

Đến giúp sức cho anh

Trong cuộc chiến tranh làm lại tế bào

Anh phải thắng!


– Theo Nguyễn Việt Chiến – Vanvn.net –

Exit mobile version