Trụ sở hội Văn Nghệ An Giang là một căn nhà mặt phố ở thành phố Long Xuyên, lẫn giữa các tiệm tạp hóa, tiệp nước thật khó tìm. Tìm thấy rồi, căn phòng lớn tầng trệt (thường là phòng khách) lại đang làm nhiệm vụ của một ga ra ô tô, chình ình một xe 7 chỗ! Cho mãi tới khi ông Chủ tịch Hội – nhà văn Mai Bưu Minh, trong đồng phục công sở màu mận chín bắt tay mời vào, mới thật tin đây là hội văn nghệ. Và câu chuyện bắt đầu…

P.V: Thưa ông. Được biết mãi tới tháng 11/2016 UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam mới có thông báo cấp kinh phí hỗ trợ tài khóa 2016 cho Hội Văn Nghệ các tỉnh, và chỉ cấp bằng phân nửa năm 2015 ( An Giang được cấp 290 triệu đồng). Hội văn nghệ An Giang hoạt đông như thế nào trong năm qua với kinh phí cắt giảm như thế?

Chúng tôi vẫn hoạt động. Chuyên ngành Sân khấu vẫn giỗ Tổ Sân khấu, đi giao lưu với nghệ sĩ Sân khấu tỉnh Tiền Giang,  đi thực tế sáng tác ở Chiến khu D miền Đông Nam bộ; đồng thời xuất bản 01 tập bài ca cổ, 01 tập kịch ngắn. Chuyên ngành Âm nhạc tổ chức thành công trại sáng tác ở huyện Thoại Sơn và có chuyến đi thực tế sáng tác ở Đồng Nai, xuất bản 02 tập ca khúc của 2 hội viên. Chuyên ngành Mỹ thuật có chuyến đi thực tế sáng tác ở Trà Vinh và vận động họa sĩ trong tỉnh vẽ tranh tham gia cuộc thi khu vực ĐBSCL, 2 tác giả đã nhận giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam;  Chuyên ngành Múa cũng  thực hiện được một cuộc thi Múa hiện đại mở rộng.

P.V:Xin ông nói kĩ hơn về hoạt động của chuyên ngành văn học!

Chuyên ngành Văn học ngay từ đầu năm vẫn tổ chức Ngày Thơ Việt Nam với hoạt động đêm thơ Nguyên Tiêu như các tỉnh. Tạp chí Thất Sơn kiên cường giữ vững 12 kỳ và số lượng xuất bản 1000 cuốn/kỳ… dù phải ép bụng trả nhuận bút thấp để duy trì diễn đàn văn học nghệ thuật cho văn nghệ sĩ giới thiệu tác phẩm của mình đến công chúng. Chúng tôi in được 5 đầu sách, tổ chức 2 chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi vui mừng vì một hội viên của tỉnh nhận Giải Ba cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, và một hội viên nhận Gỉải tác giả trẻ của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Đây là lần thứ 5 An Giang đã có 5 hội viên Trẻ liên tục nhận được giải này, hứa hẹn một đội ngũ kế thừa đầy tiềm năng.

P.V: Nếu bàn kĩ hơn về chuyện vượt khó kinh phí thì quyết định nào của ban chấp hành Hội là quyết định hay trong năm 2016 vừa qua.

Trong hoàn cảnh bị động về kinh phí, ngay từ tháng 6/2016  không chờ nữa, An Giang  mạnh dạn quyết định cứ tiến hành cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống hằng năm chào mừng sinh nhật Bác Tôn và ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Như 30 lần thi trước, đầu tháng 8 chấm ảnh, ngày 19/8 tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm. Đến ngày tổng kết, Thường trực Hội phải xin lỗi hội viên, thiếu nợ tiền treo ảnh, tiền giải thưởng…  Nhưng phải làm để còn vận động các NS Nhiếp ảnh tham gia dự thi Ảnh nghệ thuật ĐBSCL và tham gia một chuyến đi thực tế sáng tác ngoài tỉnh. Nhờ vậy mà năm 2016, chuyên ngành Nhiếp ảnh tiếp tục đoạt giải Nhất đồng đội ở cuộc thi truyền thống khu vực và 4 tác giả nhận giải thưởng nhiếp ảnh khu vực ĐBSCL, toàn quốc…Với kinh nghiệm này với sự đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành, sự nhiệt tình tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả hội viên, chúng tôi tin rằng trong năm 2017 này, hội Văn Nghệ An Giang sẽ tiếp tục đạt được những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là một đơn vị vừa nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

P.V: Xin cảm ơn ông đã trao đổi.

T. Q. T thực hiện

Chú thích ảnh: Nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Hội Văn Nghệ An Giang phát biểu tại trại sáng tác ca khúc đặt tại huyện Thoại Sơn.

Vanvn.net