Cuối thu, đầu đông, hoa tam giác mạch nở tràn trên mảnh đất địa đầu Hà Giang, tô điểm cho những phiến đá tai mèo một sắc hồng phơn phớt ấm áp, như mời gọi những kẻ lữ hành tới chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp say lòng người.

Người ta bảo tam giác mạch là đặc sản riêng của vùng đất cực bắc Tổ quốc, bởi hàng năm, cứ khi se se lạnh, những đợt gió mùa đầu tiên bắt đầu thổi về, loài hoa nhỏ bé này lại đồng loạt nở ngập tràn trên các thửa ruộng nơi cao nguyên đá.


Hoa tam giác mạch thường nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11


Loài hoa này là “đặc sản” của cao nguyên đá Hà Giang

Dọc theo quốc lộ 4C, lạc bước vào các bản làng, hoa nấp mình trong các kẽ đá ở Lũng Cú, Đồng Văn, hoa bạt ngàn mênh mông Hoàng Su Phì, Xín Mần, hoa thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường đơn sơ ở Sủng Là, Phó Bảng,…

Tam giác mạch – loài hoa có cái tên kỳ lạ gắn với một sự tích cũng lạ kỳ không kém.


Hoa tam giác mạch kết thành từng chùm với hạt nhụy vàng ẩn bên trong, lá xanh mang hình tam giác


Hoa mang màu hồng phấn đậm ấm áp. Cũng có khi là sắc trắng tinh khôi


Rực rỡ khoe mình trong ánh nắng

Rừng hoa nhỏ bé với những cái lá xanh non này khi tạo quả đã cứu đói cho cả làng khi mùa cũ đã qua, vụ mới còn chưa tới. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời.

Người Mông còn gọi tam giác mạch là “chez”. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.


Hoa nở ngập tràn ô ruộng quanh co trên những sườn núi dốc


Đan xen với những rặng sa mộc và thân ngô già khẳng khiu


Em bé chơi đùa một mình trong ruộng hoa

Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt.

Không biết từ bao giờ, dân nhiếp ảnh và ham mê xê dịch đã bị loài hoa này quyến rũ, để rồi cứ vào thời điểm này lại í ới gọi nhau lên đường. Vượt hàng trăm cây số, họ chỉ mong được đắm mình trong không gian mờ ảo sương giăng kín núi rừng, thấp thoáng màu áo rực rỡ của cô gái dân tộc, ngắm màu hồng phớt xen lẫn trắng tinh khôi của tam giác mạch ngút ngàn.


Thấp thoáng bóng người đi chợ sớm


Những thửa tam giác mạch như những tấm khăn choàng trên đá tai mèo xanh xám nhìn từ đỉnh Mã Pí Lèng


Ẩn hiện trong sương mù và mây giăng khắp lối

Qua một khúc cua hiểm trở hay tới một thung lũng nhỏ, bạn sẽ ngỡ ngàng khi bất chợt gặp những triền núi phủ đầy hoa, xếp tầng tầng lớp lớp như những bức tranh trong chuyện cổ.


Tam giác mạch trồng lẫn với cải vàng đầu mùa


Cô gái người Mông thu hoạch hoa


Vẻ đẹp của tam giác mạch thu hút những cặp đôi uyên ương tới chụp ảnh cưới và khách du lịch ham mê khám phá

Chẳng phải lần đầu đặt chân đến đây, nhưng cứ mỗi khi ngắm những chùm hoa mỏng manh rung rinh trong gió, rực rỡ trong ánh nắng, tôi lại chợt hiểu vì sao mình yêu tam giác mạch, yêu sức sống của nó cũng như những con người trên mảnh đất cao nguyên hùng vĩ này.

Trên nhiều diễn đàn của dân phượt đang sôi sục bàn tán chủ đề “giặc hoa”, ám chỉ những người thiếu ý thức vô tư giẫm đạp tơi bời lên những cánh đồng tam giác mạch, chỉ để cố chụp được những bức hình đẹp đem về khoe trên các diễn đàn hay mạng xã hội.

Trên phuot.vn, nickname Giangcoi110690 viết: “Cả năm có vụ tam giác mạch đợi đến mùa thu hoạch, là nguồn lương thực của người dân nơi đây, vậy mà sau vài tuần hoa nở thì đã tan nát dưới chân khách du lịch. Nào thì áo váy xúng xính xinh tươi, nào thì áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, trông có vẻ yêu quê hương đất nước và hiểu biết lắm thế mà khi đi thì người dân nhận được gì chứ? Hoa tàn, cây nát và những dấu chân”.

“Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân. Tuy nhiên, có không ít bạn lại áp dụng nó theo đúng nghĩa đen: đi chỉ cốt để chụp thật nhiều ảnh. Và mỗi bước chân họ qua đều có ghi dấu bằng những hành động vô ý thức, không biết quý trọng sức lao động của đồng bào mà giữ gìn mùa màng cho người ta”, Jerry Phạm bức xúc bày tỏ tên Facebook.

Linh San
Ảnh: Seiya

Exit mobile version