Sau khi được trao giải Nobel Văn học 2009, đây là lần đầu tiên Herta Muller cho in một cuốn sách, tờ Spiegel viết về bà và tập thơ gồm các chữ được dán lại với nhau, quyền lực và sự bất lực của ngôn ngữ.
Herta Muller lớn lên ở Rumani trong một ngôi làng dân tộc thiểu số Banat. Vài thế kỷ trước đây, dân Schwalben ở Bavaria đến ngụ cư nơi này và họ vẫn giữ được ngôn ngữ, truyền thống và văn hóa Đức của họ. Vì nguyên tắc chung sống vẫn tồn tại từ xa xưa, dân Schwalben-Banat sống đơn giản nên ngôn từ mà sau này Herta Muller dùng ở tư cách nhà văn cũng giản dị: ngôi làng, thành phố, người cha. Dĩ nhiên sự tồn tại ở đó với chế độ hà khắc và quá khứ phát xít, được quyết định bởi xung đột âm ỉ. Cuộc sống ở làng được Herta Muller mô tả trong cuốn sách đầu của bà “Những miền đất thấp” (Niederungen-1982) như là đối lập với cảnh điền viên. Các mâu thuẫn trong một thế giới chật hẹp vẫn là đề tài của bà, và chúng cũng được bà miêu tả cả về mặt ngôn ngữ. Bà kết hợp những khái niệm đơn giản thành các cụm từ theo ý riêng, một phương pháp mà nó cung cấp cho bà tiêu đề của một số cuốn tiểu thuyết: “Con vật trái tim” (Herztier-1994), “Nhịp thở cái đu” (Atemschaukel-2009). Mỗi từ đều được lựa chọn, nó đứng riêng một mình – phép làm thơ này cũng được bà dùng để sáng tác tập thơ bằng nghệ thuật cắt dán như là thơ – tranh “Cha điện thoại với ruồi” bài viết trên tờ Spiegel về tập thơ cắt dán của bà. Sau đây xin trích lược.
Các nhà nghiên cứu ngữ văn phải rất cố gắng tìm định nghĩa tập thơ – nghệ thuật cắt dán của Herta Muller thuộc về thể loại gì: người nói về “tập tranh thơ”, kẻ khác bảo “những mẩu chuyện ngắn nhất” hay những “tập thơ văn xuôi”. Nhưng với bà, đó đơn thuần chỉ là một cách viết. Trước đây vài năm, bà bắt đầu gửi tặng bạn bè những tấm bưu thiếp gồm những từ cắt ra rồi dán lại với nhau. Bà luôn mang theo cái kéo bên mình, trong máy bay khi đọc tạp chí thấy một từ hay, bà cắt ra. Rồi sau đó bà nhận ra, những từ đã tìm ra đó cho bà nhiều điều đến thế nào. Bà xổ ra cả một bàn đặc các từ. Không thể vứt chúng đi – hàng ngàn từ! Bây giờ thì chúng được sắp xếp ngăn nắp vào các ô, theo thứ tự abc.
Thậm chí có thể nói bà đã mắc tật nghiện ngôn từ. Buổi tối, bà đọc trên giường, để riêng các tạp chí đó ra, nhưng rồi có khi quên mất, và bà phải tìm cho ra từ đó. Trước đây khi còn ở Rumani, kỹ thuật in ấn cổ lỗ, các từ trên giấy đen nhẻm, bà luôn bị bẩn tay. Từ 1987 đến Đức, tất cả bỗng đổi khác! Quá nhiều màu sắc! ở các tạp chí, bà bỗng nghĩ: Lạy Chúa tôi, giấy mới đẹp làm sao! Và những chữ, những bức ảnh! Rồi phải vứt chúng hết đi. Thế nên bà muốn làm một cái gì đó từ đấy.
Bà đặt mua báo, tạp chí, nhất là tờ Spiegel để có nguyên liệu thực hành nghệ thuật cắt dán. ở Rumani trước kia không được như vậy. Khi đó bà phải giấu diếm mọi thứ trước lũ mật vụ, nay thì tự do, tự do viết, tự do sáng tác. Khác biệt giữa làm thơ cắt dán với viết tiểu thuyết như thế nào? Cắt dán gây nhiều cảm xúc, các từ có thể và được phép làm mọi thứ. Bà chỉ lấy những từ hết sức thông thường, và khi bà tập hợp chúng lại thì sẽ xuất hiện cái gì đó rất mới, nó bắt đầu lóe sáng lên. Không như văn xuôi, nó nằm trong đầu hàng ba, bốn năm, luôn ám ảnh và mình luôn phải sẵn sàng phục vụ. Nghệ thuật cắt dán, trái lại, ngắn gọn, đơn giản, đôi khi bà nghĩ không phải bà đang viết, mà các từ tự chúng viết, tự ghép vần. Như một động cơ nhỏ, nó đẩy toàn bộ tiến lên.
Nghệ thuật cắt dán thơ thường vui vẻ, nhưng trong các cuốn tiểu thuyết của Herta Muller, bà đã thất bại với những nét hài hước. Bởi lẽ ở tiểu thuyết, vấn đề xoay quanh nền độc tài, không thể đùa được. Dẫu sao thì hài hước vẫn là nét riêng, nét cá nhân của bà, nhất là với bạn bè. Hài hước xuất hiện khi ghép từ, tiếng Đức hay nhất vì nó gồm những từ ghép. Tiếng Rômăng thường có tiếp vĩ ngữ, rất khó làm được gì (tiếng Rumani có gốc Rômăng giống hệt như tiếng Pháp, khác với tiếng Đức gốc Giécmanh gần tiếng Anh gốc Ănglô-Xắcxông, NHT).
Herta Muller lớn lên trong dân tộc thiểu số Đức ở Rumani nói tiếng thổ âm, tức bà nói cả tiếng Đức chuẩn, tiếng Rumani và tiếng Đức thổ âm. Tiếng thổ âm giản dị, với bà nó kiều diễm và giàu cảm xúc, và bà luôn có thể đi vào đối thoại trực tiếp ngay được. Ngôn ngữ thân cận với nơi người ta xuất phát từ đó. Vậy nên bà tránh dùng từ ngoại lai. Các khái niệm trừu tượng không hề có trong các bài văn của bà. Từ “nền độc tài” chẳng hề được bà viết, thế nhưng tên độc tài, cá nhân đó, thì có thấy trong tập thơ-nghệ thuật cắt dán. Còn tiếng Rumani đối với bà, không chỉ là tiếng nói của quyền lực, bởi lẽ bà từng nói chuyện nhiều với người bình thường, những công nhân tại các xí nghiệp. Khi bà học thứ tiếng đó, bà bảo. Nó rất ngon, bà chẳng thể nói khác được. Ngôn ngữ thường nhật ở tiếng Ru là đẹp nhất, nó dung tục, nhưng không tầm thường. Cái dung tục tiếp nhận sự dịu dàng, xuất hiện tính trực tiếp giữa con người với nhau. Tiếng Đức không làm được việc đó. Tiếng Ru đã mọc lên và ăn sâu phát triển trong đầu bà, bà rời khỏi nước Rumani khi đã 34 tuổi.
Về sự khác biệt giữa tiếng Đức với tiếng Rumani, còn có cách dùng quán từ. Mùa đông ở tiếng Đức là giống đực, ở tiếng Ru là giống cái. Nên dù Herta Muller không hề cố ý, có lần bà đã nhầm giống. Với bà, đó là điều “điên điên” ở tiếng nói: chính từ ngữ đưa ra góc nhìn sự vật. Hoa hồng ở tiếng Rumani là “đực”, hoa huệ cũng vậy, nên kết cục là ta nhận được một bức tranh khác.
Herta Muller có một giọng nói đầy hình ảnh ở tập thơ-nghệ thuật cắt dán, chẳng những thế bà còn dán những bức ảnh nhỏ vào đó. Tuy nhiên bà lại không coi mình là một họa sĩ. Bà chỉ thích nét mỹ nghệ, những việc thủ công ở đó mà thôi: cắt, dán, sắp đặt. Mẹ bà muốn bà học nghề may, đã từng gửi bà tới ở nhà bà cô có tiệm may. Rồi bà còn đến làm việc một thời gian ở một tiệm may trên thành phố, bởi vì bà thấy quần áo may sẵn ở đó quá xấu. Đối với bà, vẻ đẹp ở trang phục và ngôn từ đều quan trọng như nhau. Chẳng bao giờ có từ trông thì đẹp mà nghe lại dở. Viết cũng đồng thời là nghe. Bà luôn đọc to lên tất cả những gì bà viết ra, và nếu nghe thấy tiếng gì chẳng thuận tai, thì nghĩa là có điều gì đó không ổn. Văn viết cũng phải là văn nói. Bởi lẽ cái mà ta đọc trong im lặng, vẫn vang lên trong đầu.
Có nhà văn bảo coi sách như con, Herta Muller không chịu được cách nói đó. Bà không muốn xây dựng một mối quan hệ gây trở ngại cho mình. Với bà, tiếng nói là cái gì đó ở bên ngoài. Nó không đáng tin cậy, vì nó có thể liên minh với tất cả mọi thứ. Nó có thể giết người, nhưng nó lại có thể cứu người, vấn đề là phải dùng chính xác. Thế nhưng bà cũng không nói rằng bà chẳng yêu ngôn ngữ. Bà quan sát nó, để xem trong thâm tâm, nó muốn gì. Thế nhưng khi được trao giải Nobel, bà từng nói: “Trong nội tâm tôi là viết. Nó là chỗ dựa cho tôi”, vậy làm sao bà lại có thể ngờ vực ngôn ngữ? Bà bảo, chỗ dựa cho bà không phải là chính bản thân ngôn ngữ, mà là công việc với nó. Người ta chẳng làm việc chỉ riêng bởi vì miếng cơm manh áo. Trong khi làm việc, chúng ta không tự giác ngộ về sự tồn tại của mình, chúng ta là cái mà chúng ta đang làm. Và điều đó làm ta yên lòng, không phải ta luôn có thể quay trở về chính mình. Trong công việc, người ta được tự giải phóng mình, sự viết cũng dẫn dắt ta đi khỏi ta. Mỗi công việc đều gây niềm đam mê, nếu ta tự đồng nhất hóa mình, thì ngôn ngữ sẽ gây cho mình niềm đam mê. Thế nhưng điều đó chẳng có liên quan gì đến ngôn ngữ, mà là cuộc sống. ở các cuốn sách, bà muốn nói cái gì xảy ra trong cuộc đời. Ngôn ngữ chỉ là công cụ.
Còn vì sao việc viết lách dẫn ra khỏi mình, thì là khi mình viết, mình có việc để làm, thời gian lấp đầy và trôi đi. Bà có một mối quan hệ xấu với cha mẹ. Cha bà vốn theo phát xít, trong gia đình luôn có tranh cãi về việc đó. Ông không biết rằng ông sắp chết, hố ngăn cách giữa hy vọng và trạng thái đó thật rất đáng sợ, nó hoành hành bà và làm bà bất lực. Thời thơ ấu bây giờ vĩnh viễn nằm ở đằng sau, cả ngôi làng nơi sinh ra bà, qua đó có điều gì đó bỗng hiện rõ. Vậy là bà viết về cái làng quê nhỏ bé, hiu quạnh, chốn thâm sơn cùng cốc này và cái thời gian đứng sững lại, đó cũng là cuốn sách đầu tiên: Miền đất thấp rất được giới phê bình khen ngợi. Khi đó bà chưa biết rằng mình đang viết văn mà chỉ muốn làm rõ với chính mình về một cái gì đó. Viết cũng còn được thúc đẩy bởi nỗi sợ trước đám mật vụ. Sợ hãi mở mắt, sự vật trở nên khác lạ. Và vì chúng trở nên khác lạ, ta quan sát chúng kỹ hơn, quan sát giữ cho ta luôn bận rộn.
Trong cuốn sách nổi tiếng nhất của bà, Nhịp thở, cũng như ở hầu hết các cuốn sách khác, cây cỏ luôn hiện diện. Nhân vật chính ở đó là một thanh niên Rumani gốc Đức lấy nguyên mẫu từ người bạn bà, nhà thơ Oskar Pastior mất năm 2006, sau Thế chiến II bị đưa đi cải tạo ở Ucraina, bị đói, phải ăn rau cải dại. Ông luôn kể cho bà nghe về cây cải hương nên họ cùng nhau đến vùng hoang mạc Ucraina để bà tìm đúng từ. Thì ra đó không phải cây cải hương mà là oải hương. Nay thì trong phòng bà có trồng cây oải hương.
Herta Muller rất chính xác với cách dùng từ. Trong Nhịp thở, bà dùng từ Heimweh- nỗi nhớ nhà để tả trại viên oằn oại nơi trại cải tạo. Pastior vốn cũng kể cho bà về Heimweh. Năm 2004, khi hai người lần đầu tiên về lại Ucraina, bà cứ tưởng ông phải tuyệt vọng, nhưng ông lại ăn như điên. Đó là sự hủy hoại. Cái người ta thích nhưng lại không thể chịu đựng được. Thế giới trại cải tạo là loại được tổ chức theo cái cách đáng sợ nhất, ở đó trại viên ai cũng thành mật thám, phải tố giác lẫn nhau, và cả khi ra tù. Pastior cũng đã từng làm việc này, tức là IM, mật báo viên, từ 1961 đến 1968, nhưng ông đã làm ở mức ít nhất có thể. Herta Muller đã từng bị mật vụ theo dõi, hành xử tàn tệ, nhưng Pastior giấu bà điều đó mãi mãi, chỉ đến tận sau khi ông chết, bà mới biết. Nhưng bà lại mừng, trước kia ông có thể nói gì với bà? Liệu bà có tin là ông làm ít nhất có thể, để không bị bắt lại? Chắc chắn bà đã chẳng tin, và đã cắt đứt mối quan hệ bạn bè. Nhưng họ lại giữ được mối quan hệ nào đó, bà được giải Nobel, ông giải Buchnerpreis (giải thưởng danh giá của văn học Đức, NHT). Từ 1987, hai năm trước khi CeauVescu bị treo cổ, bà đến Đức, ở đây bà được viết, đó là niềm đam mê đời bà. Liệu sắp tới sẽ ra mắt cuốn tiểu thuyết gì tiếp theo? Chẳng ai biết. Vì bà cũng chẳng là ai cả.
Nguồn: Vanvn.net