Không đông đảo và ồn ào như lực lượng sáng tác văn học về đề tài đương đại, những tác giả trẻ viết về đề tài lịch sử khá ít ỏi và kiệm lời. Tuy nhiên sự im lặng của họ rất có thể gây ra bất ngờ trong văn đàn nay mai. Điểm trong đội ngũ này, nổi lên những tác giả: Lưu Sơn Minh, Nguyễn Thị Diệp Mai, Nguyễn Một, Nguyễn Anh Vũ, Uông Triều, Trần Ngọc Linh… Gần đây, đã có thêm nhiều tác giả dành mối quan tâm của mình cho mảng văn học sáng tác về đề tài lịch sử như: Nguyễn Phú, Trần Quỳnh Nga, Hoàng Tùng… Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển đa dạng của văn học trẻ.
Tiếp tục chuyên đề Văn học sáng tác về đề tài lịch sử, VNT đã có cuộc trò chuyện, và ghi lại ý kiến của tác giả Nguyễn Một, Nguyễn Anh Vũ xung quanh chủ đề “quyền hư cấu của nhà văn”.
Nguyễn Anh Vũ: Nhà văn có toàn quyền hư cấu
Hư cấu và tưởng tượng luôn quan trọng và thể hiện năng lực sáng tạo của nhà văn. Với riêng tôi thì lịch sử không phải là “đề tài”, lịch sử chỉ là một vùng văn chương mà tôi lựa chọn để mình nhúng những suy tư, những ý tưởng hoặc những cắt nghĩa, kiến giải cá nhân nào đó, mà nhân vật, câu chuyện hay bối cảnh lịch sử đó đôi khi chỉ là một sự “trùng sóng” của tưởng tượng.
Nhà văn có toàn quyền hư cấu với bất kỳ nhân vân vật hay câu chuyện nào mà anh ta viết ra. Xin đừng đem kiến văn hạn hẹp để vội quy tội nhà văn làm sai lệch, giải thiêng, hạ bệ hay bôi nhọ lịch sử! Tự thân anh nhà văn tích cực (hay đích thực) đã luôn có ý thức dân tộc cao, chỉ có do nhận định cá nhân, do lệch pha thời đại, do khoái trá văn vẻ nhất thời mà viết kiểu bế Bụt đi chơi… Suy cho cùng, nếu bỏ qua những giá trị (thật và huyền hoặc) nào đó (ai dám chắc lịch sử chính thống không có chút tô vẽ nào?!) thì nhân vật lịch sử và chúng ta hôm nay cũng bình đẳng dưới góc nhìn nhân văn. Tất nhiên, số đông nhân loại vẫn ưa thích thần thánh hóa ông bà tổ tiên nên khó chấp nhận chuyện các cụ sinh thời cũng yêu đương, tiêu hóa, bài tiết như… người. Cũng con người với ngần ấy cả thôi.
Tôi đề cao hư cấu “có lý”, phù hợp với trọng lượng và biên độ tư tưởng tác phẩm. Chẳng ai ngu ngơ “nhảy vào sử” chỉ để viết chuyện trai gái hay niềm đau lặt vặt. Vậy thì những hư cấu có thể gây “ nguy cơ” ấy có đem lại giá trị gì đủ lớn để người đọc (nhất thời và về sau) chấp nhận sự “sai lệch” trong tác phẩm đó không?!
Trên thực tế không thiếu gì những sáng tác “nhuận” sử, minh họa sử. Nhưng đó là nguy cơ của một số người viết mà thôi. Văn chương thăm thẳm mênh mông. Và chúng ta đã có không ít những tác phẩm mà chất liệu, hiện thực lịch sử được chuyển hóa rất nhuyễn, êm ngọt, giàu làm lượng văn chương.
Theo tôi, văn học viết về lịch sử là thứ rượu nặng không dành cho những ai uống coca cũng say hoặc những ai chỉ rượu nút lá chuối mới chuẩn.
Nếu thay bằng X, Y cho những cái tên “sử” trong một số sáng tác văn học xôn xao mùi lạ cho văn đàn gần đây thì sao nhỉ? Sẽ là nồng nàn thơm hay thoang thoảng khẳn? Tác phẩm có mang lại giá trị văn chương gì không, sao chúng ta không chú trọng điều đó trước tiên? Nhưng cũng đồ rằng nhiều người viết cố ý phạm húy kỵ để gây sóng gió mà không lường được ba đào nghiên mực… Trước đây khá lâu (khi chưa viết văn) tôi đã từng e dè với một vài sáng tác viết về những giai đoạn lịch sử hoặc nhân vật sử. Song, tự thử quên cái tên sử Việt cụ thể đó đi thì lại thấy hay, thấy dài rộng, thấy cảm thông với những chuyện chung vượt ra ngoài ranh giới những nước nhỏ Âm lịch.
Với tôi, khó nhất của việc sáng tác văn học về đề tài lịch sử là tác phẩm không hay! Một số người đề cao sự am tường và tầm thước nhưng tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề kỹ thuật viết.
Nguyễn Một: có hai xu hướng viết về đề tài lịch sử
Văn học dù sáng tác về đề tài gì thì tính hư cấu và tưởng tượng giữ vai trò quan trọng nhất và đề tài lịch sử cũng vậy. Trong văn học về đề tài lịch sử thì tôi nhớ có đọc đâu đó một quan niệm rằng: “yếu tố lịch sử là cái móc để nhà văn treo chiếc áo văn học của mình lên đó”, chứ văn học về đề tài lịch sử hoàn toàn không phải là lịch sử .
Trên thực tế có nhiều ý kiến khác nhau về cái gọi là “quyền hư cấu của nhà văn”. Tôi phản đối ý kiến: “nhà văn không được phép hư cấu…” Đây là ý kiến cực đoan, làm gì có chuyện một vài tác phẩm văn học có thể dẫn đến nguy cơ sai lệch lịch sử . Thực tế thì bản thân những cuốn sách lịch sử do các nhà viết sử viết ra cũng không phải hoàn toàn không có sai lệch, bởi lịch sử mà mọi người được học và được đọc luôn bị những yếu tố quyền lực của các triều đại cai trị tác động đến. Bản thân tôi không hoàn tin vào điều mà sách lịch sử viết ra, tôi đối chiếu với văn học để tìm ra một cách nhìn lịch sử cho riêng mình. Cần nhớ rằng lịch sử được viết ra bởi những nhà viết sử có làm quan hoặc được trả lương rồi lưu truyền bằng văn bản được coi là chính thống chưa hoàn toàn đầy đủ đâu mà nó được nhân dân bổ sung dưới hình thức văn học. Ví dụ trong hành trình khai khẩn phương nam sách lịch sử chỉ đưa ra sự kiện và con người, nhưng chỉ có văn học mà cụ thể là ca dao chuyện kể của thời trước nói lên tâm trạng của thời đại đó. Thông qua tâm trạng của nhân dân trong thời khai khẩn có thể cho ta cái nhìn tương đối về lịch sử khẩn hoang của cha ông và công trạng của những con người mà có thể vì những lý do tế nhị những người viết sử cố tình bỏ quên hoặc bóp méo. Cho dù văn học là những tác phẩm hư cấu, thì cũng không hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng thời đại mà nhà văn đang sống, vì vậy xin khẳng định sự hư cấu của nhà văn là hoàn toàn chấp nhận được trong văn học về đề tài lịch sử
Tất nhiên, việc hư cấu nhiều hay ít tùy theo mục đích sáng tác của nhà văn. Hiện nay tôi thấy có hai xu hướng viết về đề tài lịch sử:
– Một là kiểu sáng tác gần như trung thực với lịch sử nhằm minh họa hoặc giải oan cho nhân vật mà vì yếu tố chính trị của thời đại mà người viết sử đã cố tình bóp méo hình ảnh của những nhân vật lịch sử trong quá khứ, nhân vật lịch sử và địa danh đều tên thật, hành động thật, sự kiện thật chỉ có suy nghĩ nhân vật là hư cấu – Ở trường hợp này việc hư cấu có giới hạn hợp lý và đủ sức thuyết phục người đọc tin rằng chuyện anh viết đúng hơn sách lịch sử.
– Hai là mượn yếu tố lịch sử để sáng tác nhằm gởi gắm tư tưởng của nhà văn có thể dùng sự kiện thật nhưng nhân vật hư cấu thì nhà văn tha hồ tưởng tưởng hư cấu không giới hạn.
Hai cách này tôi đều áp dụng trong tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời” của mình. Đoạn này cần thuyết phục bạn đọc tin cái nhìn của tôi đúng hơn các nhà viết sử viết ra, tôi dùng cách một: tức tên thật của nhân vật, sự kiện thật, hoàn cảnh thật. Đoạn nào chỉ cần gởi gắm tư tưởng của mình hoặc phục vụ cho ý đồ sáng tác tôi dùng cách hai, tức là tên nhân vật lịch sử, hoàn cảnh hư cấu một phần hoặc hoàn toàn.
Nguồn: Vannghetre