Năm 1991, ở tuổi 20, Dina Yafasova phải chia tay với Liên Xô sụp đổ để nhận miền đất Uzbekistan là quê hương. Mười năm sau, lịch sử lặp lại, nhà báo Dina Yafasova phải rời bỏ quê hương thứ hai bởi sự dồn ép của cơ quan mật vụ, tìm được chốn nương thân ở Đan Mạch, sau 173 ngày tồn tại vô danh trong trại Sandhollm dành cho những người tỵ nạn. Câu chuyện này được viết trong “Thời gian đen tối nhất trước bình minh”(năm 2006 được xuất bản với tên gọi “Nhật ký từ Sandhollm”). Dina Yafasova được coi là công dân thế giới (cosmopolitan), nhà văn tha hương (writer-in-exile).

Nhà báo Dina Yafasova.

Sau đây là bài trả lời phỏng vấn của nhà văn, về những quê hương và cuốn tiểu thuyết “Đừng gọi tôi là nạn nhân!” của bà.

– Việc sinh ra và từng sống ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Uzbekistan, Liên bang Xôviết, có ý nghĩa thế nào với bà?

Đầu tiên phải nói một chút về chuyện gia đình. Trong Chiến tranh thế giới II, Uzbekistan không bị chiến tranh tàn phá, nên có hàng chục triệu người từ các nước cộng hòa khác đã đến đây lánh nạn và họ đã tìm ngay được nơi trú ẩn. Nếu trước chiến tranh có chừng 3 triệu người sinh sống, thì sau chiến tranh dân số của nước cộng hòa này đã có gần mười triệu người bao gồm người Nga, Ucraina, Triều Tiên, Do Thái và những người Đức vùng ngoại Volga.

Thêm vào đó, nhiều người khác đã phải di cư tới đây từ trước, vào năm 1937, khi cuộc Đại thanh trừng xua đuổi những trí thức tiến bộ. Mọi thành viên trong gia đình tôi cũng bị thời cuộc xô đẩy. Anh của cụ nội tôi từng là nhạc sĩ ba lê nổi tiếng đã bị hắt hủi và bị bắt giam với tội danh chống Xôviết, bị tuyên bố là kẻ thù của nhân dân và bị bắn chết. Các thành viên trong gia đình, trong đó có ông ngoại tôi tự dưng bị coi là những kẻ thù của nhân dân. Họ bị buộc rời khỏi nước Nga. Mọi người đã tới được Uzbekistan chỉ như một sự tình cờ…

Sau khi Xtalin qua đời, anh cụ nội tôi đã được phục hồi danh dự tại nơi chôn rau cắt rốn, và được vinh danh là anh hùng dân tộc, nhiều trường học và đường phố mang tên cụ. Song cả gia đình tôi vẫn lưu lại Uzbekistan, không muốn quay về bởi không tin vào ân sủng bất chợt, vả lại đã an cư ở miền Nam rồi.

Uzbekistan, nơi tôi đã lớn lên, là vùng hội giao của nhiều nền văn hóa, có thể coi là không gian đa văn hóa (mega-culture), đa dân tộc nhất không chỉ ở châu Âu, mà cả trên thế giới. Nơi đây có hơn 100 sắc tộc với gần 20 tôn giáo chính thức. Chỉ trong một lớp phổ thông của tôi với 25 học sinh đã có tới 20 dân tộc, nhưng tất cả đều nói tiếng Nga. Vậy là chúng tôi đã trở thành những công dân thế giới ngay từ khi chưa biết tới từ này. Song đây cũng là một xã hội khắc khổ. Vì vậy, Liên bang Xôviết là quê hương ngọt ngào và cay đắng của tôi.

– Bà tiếp nhận sự kiện quê hương Xôviết của mình bị tan rã năm 1991 như thế nào?

Khi Liên bang không còn nữa, tôi đang học tại khoa báo chí Đại học tổng hợp quốc gia Taskent. Vào thời điểm cả thế giới phương Tây hân hoan với sự sụp đổ của một đế chế hùng cường, chúng tôi từng là những công dân của đất nước đó đã không thể cầm được nước mắt. Không sao tin nổi một bộ máy như thế lại có thể biến mất. Chúng tôi hiểu rằng, Liên Xô không phải là nơi tốt nhất cho dân chủ. Song những gì đang thay thế vị trí của nó lại gây ra những lo ngại lớn. Mọi người sợ hãi những đường biên giới mới, lo lắng sẽ không có cơ hội gặp những người thân giờ đây đã sống ở những nước khác. Người ta lo lắng rằng Uzbekistan sẽ là vùng văn hóa đơn sắc, trở thành đất nước chỉ dành cho dân tộc đứng tên (Uzbek). Vì thế nhiều người đã di cư.

– Từ năm 14 tuổi bà đã bắt đầu viết. Bà đã có kinh nghiệm làm báo ở Liên Xô, cũng như ở Uzbek, chủ yếu là phóng sự điều tra. Với “Nhận diện bạch tuộc”, như bà đã viết trong một tiểu luận: “Sách phải là con tàu phá băng trên vùng biển đã đông cứng trong ta”. Và điều đó đã kết thúc bằng việc bà bị trục xuất vào năm 2001.

Những bước đi đầu tiên của tôi trong nghề làm báo đã diễn ra vào một giai đoạn ngắn ngủi, nhưng không thể nào quên của lịch sử Xôviết, khi “bức màn sắt” đã bị xé toang và Gorbachov tuyên bố các cuộc cải cách – cải tổ và công khai. Đó là thời kỳ hiếm có đối với một nhà báo mới vào nghề. Khi đó nhiều người đã ngây thơ tin rằng sự hà khắc trước đây là chương cuối cùng, và thế hệ mới các nhà báo, trong đó có tôi, đã sẵn sàng trở thành những con chó canh cửa cho ngôi nhà dân chủ trong mơ.

Khi Uzbekistan độc lập áp dụng lại chế độ kiểm duyệt, chuẩn mực nghề nghiệp của tôi đã được định hình – tôi đã quen làm việc tự do và tôi vẫn tiếp tục như thế. Vào năm 1997, tôi hoàn thành bộ phim tài liệu về sự nguy hại khi hút thuốc lá và việc kiểm soát thuốc lá. Cơ quan an ninh đã cấm công chiếu bộ phim. Họ cho rằng bộ phim có hại cho môi trường đầu tư của đất nước và có kẻ nào đó đứng sau vụ này. Đó là giọt nước tràn ly, tôi không thể nín nhịn. Tôi bị liệt vào sổ đen. Nhưng rồi vẫn xảy ra chuyện – bộ phim bị cấm ở Uzbekistan lại được mời đi công chiếu tại các cuộc hội thảo ở châu Âu, đầu tiên ở Kiev và Matxcơva, sau đến Hội nghị thượng đỉnh sinh thái châu Âu tại Aarhus (Đan Mạch). Tiếp sau đó một tạp chí y học Đan Mạch đã đề nghị tôi làm phóng viên thường trú tại Trung á. Tôi đến với báo chí quốc tế như vậy và đã làm việc cho tới khi hoàn cảnh không còn nghiệt ngã tới mức bị trục xuất là lối thoát duy nhất. Việc tôi ở Đan Mạch cũng chỉ là sự tình cờ hệt như Uzbekistan đối với ông của tôi vậy.

– Ba cụm từ nào xuất hiện đầu tiên khi bà nghĩ về Uzbekistan ở thời kỳ Cải tổ?

Đa dân tộc, Hiếu khách và Con đường tơ lụa.

– Vậy hiện nay?

Nhục hình, Độc tài và Không có tự do ngôn luận. Đáng tiếc, Uzbekistan ngày nay vẫn giữ vị trí hàng đầu trong danh sách những quốc gia độc tài nhất thế giới. Nhiều năm rồi Uzbekistan đứng hàng đầu ở khu vực châu Âu và Trung á về số lượng các nhà báo ở trong tù, giờ đây còn là hàng đầu về số lượng các nhà báo bị trục xuất.

– Vì sao là Con đường tơ lụa?

Còn sao nữa! Uzbekistan đã và đang là cây cầu nối giữa Đông và Tây.

– Trong một tiểu luận bà viết rằng khi bà mất những cội nguồn, tức đã rời quê hương, bà dường như đã trở về với bản thân. Điều đó có nghĩa là gì?

Việc trục xuất đã giải thoát tôi khỏi gông cùm. Nó có nghĩa là sự hiện diện của tôi ở Sandhollm không chỉ đã phân định cuộc đời tôi thành “trước” và “sau”, mà còn trở thành bàn đạp đến với văn học. Trục xuất trở thành điều kiện cho sáng tác. Nó dẫn đến việc thay đổi thể loại, thay đổi nhiệt tình sáng tạo. Từ lĩnh vực báo chí năng động, biết nhiều, nhưng cô đọng, tôi đã chuyển sang lao động viết văn đơn độc, từ nghiên cứu các vấn đề xã hội sang chinh phục những vũ trụ của con người. Hơn nữa, dù làm báo hay viết văn, tôi vẫn tiếp tục làm việc như trước đây đã làm. Viết – đó là một trong những phương pháp thầm lặng để thay đổi thế giới này.

– Coi mình là công dân thế giới (cosmopolitan), đồng thời bà nói rằng chỉ ở trong kho báu tiếng Nga mới cảm giác mình thực sự ở nhà, thậm chí không có ý định viết bằng tiếng Đan Mạch. Lẽ nào không có nghịch lý?

Tất nhiên! Công dân thế giới không hẳn là người biết nhiều ngôn ngữ. Công dân thế giới trước hết nghĩa là có cơ hội và khát vọng cảm nhận mình đang ở nhà tại bất kỳ nơi nào trên thế giới – không phụ thuộc vào hoàn cảnh văn hóa và tôn giáo. Còn liên quan tới ngôn ngữ thì ở đây nói dễ hơn làm – nhất là đối với nhà văn, ngôn ngữ của người đó y như là con dao mổ của bác sĩ phẫu thuật. Nó phải sắc. Khi tôi đến Đan Mạch, tôi đã đến điểm không thể hồi quy của mình. Các cuốn sách của tôi cả về tinh thần và nội dung không có định kiến quốc gia, song tiếng Nga đã và sẽ là ngôn ngữ của tôi. ở một vài khía cạnh nào đó nó là quê hương của tôi. Đó là chốn tôi cảm thấy mình tự nhiên.

– Có lúc nào bà mong rằng Liên bang Xôviết vẫn tồn tại?

Có, nhưng không phải ở hình thái quốc gia hà khắc, mà ở hình thái hữu nghị giữa các dân tộc như nền văn hóa Babilon mà chúng ta từng biết. Trong cộng đồng những công dân Liên Xô cũ vẫn phổ biến một câu ngạn ngữ có thể lý giải đúng nhất thái độ của họ đối với quá khứ: “Không nhớ Liên bang Xôviết – nghĩa là bạn không có trái tim; nhưng nếu bạn muốn trở về nơi đó – là không có lý trí”.

– Bà vừa hoàn thành tác phẩm “Đừng gọi tôi là nạn nhân!”, nó đang được dịch sang tiếng Đan Mạch và sẽ được Nhà xuất bản Gyldendal phát hành. Bà nói gì về sự kiện này?

Nếu nói ngắn gọn, thì đó là cuốn tiểu thuyết tư liệu về những con người có sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, song nó cũng nói tới một địa ngục có bàn tay của con người. Đó là bi kịch chính trị về những nhục hình được sử dụng làm phương tiện đấu tranh chống khủng bố và về phản ứng của những kẻ khủng bố đối với hành động đàn áp của quốc gia. Đó là bi kịch của con người về khát vọng sống, về cách con người níu giữ phần người trong mình, khi họ không còn gì để mất. Đó là bi kịch hiện sinh của con người về con đường dài đi tới công bằng, và cả về chuyện khi con người không tìm được con đường đó.

Nếu cuốn sách đầu tiên của tôi đã làm Đan Mạch phải hổ thẹn, thì cuốn sách này, ngược lại, sẽ phục dựng vinh quang cho Đan Mạch. Nó dành tặng bác sĩ Inga Genefka và những ngày bà bắt đầu chống lại các nhục hình để phục hồi danh dự cho các nạn nhân ở Đan Mạch, cũng như trên thế giới. Tiểu thuyết kể về số phận nữ bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Inga Genefka, về cuộc đời của một phụ nữ Calcutta (ấn Độ) nhỏ bé, nhưng là sự khởi đầu cho một câu chuyện lớn của thế giới.

– Bà hoàn thành cuốn sách này bởi số phận hai người có sự tương đồng?

Có cả lý do đó. Cả hai chúng tôi đều bị nhục hình, và không chỉ có trong các cuốn sách.

– Vì vậy, không nên gọi bà là nạn nhân?

Có cả tôi trong đó.

– Nhưng chẳng lẽ không thể nói bà là nạn nhân của lịch sử? Nếu lịch sử đi con đường khác, bà vẫn đang sống trong Liên bang Xôviết. Nhưng thay vào đó bà phải rời bỏ Uzbekistan tự trị và tìm chốn nương thân ở Đan Mạch.

Cuộc sống hiếm khi là điệu Vals trên những cánh hoa hồng, song tôi không thể cho phép mình và những người khác xem tôi như là nạn nhân của lịch sử. Rất may tôi có đủ nỗ lực để đương đầu với mọi hoàn cảnh và bắt tay làm lại mọi chuyện. Còn vấn đề nữa – lấy đâu ra sức lực khi cuộc đời nhìn ta bằng bộ mặt nhớp nhúa, xấu xa? Tại sao người này sống sót, còn người khác lại không thể? Trong cuốn sách của mình tôi vẫn đi tìm lời giải cho câu hỏi đó và dường như đã tìm thấy. Vào một ngày tăm tối hơn cả đêm đen, chúng ta lấy đâu ra nỗ lực để không gục ngã trong đau khổ tột cùng của bản thân? Lấy đâu ra nỗ lực để đứng dậy từ đống tro tàn? Để sống với những gì đã xảy ra? Để tiếp tục sống? Để sống cho đúng nghĩa?

– “Nếu bạn có dịp tới Samarqand[1]…” – tên một bài hát Thụy Điển và Đan Mạch, đồng thời là tên cuốn sách bà dự định sẽ viết. Nếu đến được, ta sẽ thấy gì ở thành phố đó?

Ta sẽ thấy một thành phố đẹp ở phương Đông với những mái vòm xanh da trời của công trình lịch sử từ những năm 1100-1500 – thành phố cổ tích trong một nghìn lẻ một đêm, trái tim và huyết mạch của Con đường tơ lụa. Ta sẽ được gặp những con người giàu lòng hiếu khách và những sắc cầu vồng trong mọi đồ ăn và trang phục. Văn hóa phương Đông không bao giờ hà tiện những gam màu. Uzbekistan đối với du khách – đó là suối nguồn của những ấn tượng. Tôi mong Uzbekistan trở thành tuyến du khảo văn hóa hấp dẫn. Văn hóa và lịch sử – là một, còn chính trị – đó là vấn đề khác.

Lê My

Theo Magasinet roST và Chaskor, 7/9/2011.

___________________
[1] Thành phố lớn thứ ba của Uzbekistan sau Taskent và Namangan. LM.

Nguồn: Văn nghệ.

Exit mobile version