(Đại biểu nước ngoài phát biểu tại hội nghị)
Ảnh: Nguyễn Đình Toán
VH- Ngày 2.3, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN lần thứ III – năm 2015 đã chính thức được tổ chức tại HN. Nhiều hoạt động khác mang tính quốc tế cũng được Hội Nhà văn VN tổ chức vào dịp này với tâm thế chủ động quảng bá văn học, tìm lối xuất khẩu văn chương…
Mỗi cuốn sách như một di sản văn hóa của nhân loại
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT VN, Chủ tịch Hội Nhà văn VN khẳng định: “Trong thế giới vô tận của chúng ta, mỗi nhà văn có thể xem như một tiểu hành tinh, và có thể nói rằng các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn học, các dịch giả đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ là đại diện của 5 châu lục cùng hội ngộ, đã tạo nên một dải Ngân hà có tên “Hà Nội, Việt Nam 2015”. Không thể phủ nhận, nền văn học VN đã trường tồn qua hàng nghìn năm nhưng công tác quảng bá văn học nước nhà ra với bạn bè thế giới vẫn như muối bỏ bể giữa đại dương bao la của văn học thế giới. Với 151 đại biểu quốc tế đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đến tham dự Hội nghị quảng bá văn học VN lần thứ III – 2015 cho thấy văn học nước ta có sức hút không nhỏ với bạn bè quốc tế.
Nói cho cùng, muốn quảng bá văn học VN ra với thế giới, bên cạnh lực lượng các dịch giả người Việt có thể dịch tác phẩm văn học VN ra các ngôn ngữ khác trên thế giới, nhất thiết cần quan tâm, đầu tư… cho các dịch giả quốc tế đang sống ở các nước trên thế giới có thể dịch văn học Việt ra thứ tiếng bản địa của nước họ. Dịch giả Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu, người đã dịch Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Ông cố vấn của Hữu Mai… sang tiếng Trung nhìn nhận: “Từ lâu tôi đã quan tâm đến văn học VN, một nền văn học có chiều dài lịch sử đi chung đường với Tổ quốc mình. Hiện ở Trung Quốc, không phải ai giỏi tiếng Việt cũng dịch được và quan tâm đến dịch tác phẩm văn học VN sang tiếng Trung”.
Thực tế, số lượng dịch giả quốc tế hiểu biết tiếng Việt đã ít mà số người quan tâm đến dịch tác phẩm văn học VN ra tiếng nước ngoài lại càng hiếm. Vì thế, chúng ta cần có chủ trương, chính sách và những hoạt động thiết thực như Hội nghị quảng bá văn học VN lần thứ III để “vun đắp” cho lực lượng này. Nhà văn M.Salmawy, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á – Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập cho biết, khi còn trẻ ông đã biết đến người VN đã và đang chiến đấu cho tự do, độc lập và giữ gìn nền văn hóa dân tộc trước các thế lực xâm lược. Với Hội nghị quảng bá văn học VN lần thứ III thu hút đại biểu hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, họ đến đây để làm nên hòa bình và đây thực sự là một cơ hội để văn học VN hội nhập văn học thế giới. Thậm chí, nhà văn Fernando Rendon, Chủ tịch Hội Nhà văn Colombia đánh giá văn học như một cầu nối cho các dân tộc trên thế giới giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, suốt chiều dài lịch sử, ông khẳng định :”Mỗi trang sách như một di sản văn hóa của nhân loại”.
Kích cầu xuất khẩu văn học VN
Bên cạnh Hội nghị quảng bá văn học VN lần thứ III năm 2015, trong dịp này các đại biểu quốc tế sẽ được tham dự nhiều hoạt động khác như Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương lần thứ II và tham dự Ngày thơ VN lần thứ 13 năm 2015… Theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì trên thế giới có nhiều hình thức quảng bá thơ ca nhưng cả đất nước có chung một ngày hội thơ ca như ở VN thì quả thực là hiếm. Nói không quá, những năm gần đây Ngày thơ VN đã và đang trở thành một lễ hội văn hóa mới mẻ dành cho các nhà thơ cũng như công chúng yêu thơ ca VN. Các dịch giả quốc tế cũng sẽ hòa cùng các nhà thơ VN tổ chức đêm thơ quốc tế trên Vịnh Hạ Long, thưởng thức Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Di sản văn hóa đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh… Tất cả các chuỗi sự kiện này nhằm giới thiệu các nét đẹp của văn hóa dân tộc, giúp các dịch giả quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người VN để từ đó có thể chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học VN ra thế giới.
Nhìn chung, công tác dịch thuật, quảng bá văn học VN ra thế giới vẫn còn nhiều bất cập, bất tương xứng với những tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt. Theo thống kê chưa thật đầy đủ, hiện đã có hơn 13.000 tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt nhưng chỉ mới có khoảng gần 600 tác phẩm văn học VN được dịch sang các thứ tiếng trên thế giới. Đấy là chưa nói, đa số tác phẩm văn học VN được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên thế giới đều là những tác phẩm kinh điển, đã xuất bản từ lâu và thậm chí được dịch sang nhiều thứ tiếng. Trong khi đó, nhiều tác phẩm văn học VN đương đại chưa được quan tâm dịch sang tiếng nước ngoài một cách đúng mực. Trong bối cảnh đó, đáng ghi nhận nhiều nhà thơ trẻ đã có những nỗ lực nhằm quảng bá tác phẩm ra thế giới…
Thực tế, công tác quảng bá văn học VN trong những năm gần đây đối mặt với nhiều thách thức mới. Đơn cử như ở Nga, theo nhà thơ Alex, Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga cho biết là ngày nay các NXB ở Nga hoạt động theo cơ chế thị trường nên việc dịch và phát hành sách VN hiện nay khó khăn hơn trước đây rất nhiều… Vì thế, việc chuyển sang tâm thế chủ động để quảng bá văn học VN ra thế giới là một hành cử đáng ghi nhận của Hội Nhà văn VN. Hiện Hội Nhà văn VN cũng đã thành lập Trung tâm dịch thuật văn học nhằm giới thiệu và giúp đỡ các dịch giả quốc tế quảng bá nhiều tác phẩm văn học VN ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tại Hội nghị lần này, Hội Nhà văn VN cũng tổ chức ký kết hợp đồng dịch và xuất bản với nhiều dịch giả, các tổ chức dịch thuật thế giới và tặng Huân chương Hữu nghị cho các nhà văn, dịch giả nước ngoài có nhiều cống hiến cho việc quảng bá văn học VN ra thế giới.
Nguồn Bảo Anh Văn hóa online