Di Li
Bạn bè tôi không nhiều người chung niềm yêu thương với Hà Nội. Họ là những người từ tỉnh thành khác, quốc gia khác đến ở lại trong thành phố của tôi, vĩnh viễn hoặc chỉ một thời gian ngắn.
Họ cũng có thể là những người sinh ra và lớn lên ở đây, nơi mà gia đình tôi đã ba đời sinh sống, nhưng rồi vì muôn vạn lý do, họ di cư đi Sài Gòn, Vũng Tàu hoặc sang tận Tokyo, Seoul, Paris, London, Berlin, Moscow, Sydney, New York… Họ, lại cũng là những người Hà Nội, nhưng hình như chưa từng rời khỏi biên giới, hoặc đã thảng đôi lần ghé thăm bờ sông Seine và chân cầu Cổng Vàng, mà cứ tức thời ao ước “Ôi sao cái nước Việt Nam…”. Người đến Hà Nội ở tạm, dường như chưa bao giờ thôi coi mình là khách, và chưa bao giờ thấy những con đường quen hết xa lạ. Họ bảo tôi, một lời khiến hơi chạnh (có thể hơi quá lời sau vài lần bất mãn về mọi lề thói cửa quyền và cả ít nhiều đã bớt văn minh của Hà thành): Hà Nội là của em, không phải của anh. Người rời xa Hà Nội đã lâu, dường chẳng còn lưu luyến gì thành phố này ngoài đường dây liên lạc duy nhất là vài người họ hàng và bạn bè thời xa lắc. Họ bảo họ không thể quen lại nơi này nữa, không thể quen thời tiết, không thể quen sự thiếu văn minh, bụi bặm ô nhiễm và cả những tòa nhà đang muốn chọc trời, họ muốn những con đường thà cứ nhỏ tí xíu chật chội như xưa và những cánh đồng cứ mãi âm u bao kín nội thành; và rằng những lợi thế mà tôi nói khi sống ở quê hương chẳng còn nghĩa lý gì: Ở xứ người họ cũng có gia đình, bè bạn, ở xứ người họ cũng đi lễ chùa và làm nem công chả phượng mỗi mùa lễ tết, họ có VTV4 để xem truyền hình bằng tiếng mẹ đẻ, họ cập nhật tin tức nước nhà hàng ngày qua đủ các loại báo điện tử tranh nhau nhồi tin cho độc giả, và ở siêu thị nước nào cũng đầy rau muống, hành hoa và giò chả. Ngay cả phở thì ghé quận Cam ở Cali, quận 13 ở Paris ăn cũng ngon chán. Có khác nào ở nhà, mà lại được hưởng thụ môi trường thanh sạch và phúc lợi tuyệt hảo. Nói đến vậy thì tôi đành im. Bực bõ quá. Nhưng riết rồi cũng tìm ra một thứ khiến họ im mà không thể phản biện.
Ấy là nhà tôi ở khu Nghĩa Tân, xung quanh hàng ăn lóc nhóc đa dạng có thể so được với trên phố cổ. Tôi ăn quà vặt không nhiều nhưng cũng đủ thời gian để thử bằng ấy quán hàng. Và có một thứ dễ chịu, không phải chỉ là hàng ăn ngon, mà mỗi lần ghé quán, nếu nhằm khi mệt mỏi và căng thẳng vì công việc thì tôi ngồi phịch xuống ghế chẳng nói năng gì, mặt khó đăm đăm, tươi vui hơn thì tôi cất tiếng gọn “Như mọi khi”. Có lần đi với con gái vào hàng Vua tào phớ. Cô nàng cười ngất “Như mọi khi” là thế nào hả mẹ, rồi hồi hộp ngồi ngóng cái món “Như mọi khi” xem nó ra làm sao. Cậu bán hàng cao to độ một mét tám, cân dễ nặng cả tạ, mặt tròn xoe như em bé, mấy lần cộng tiền dăm chục đồng bạc mà đều trả nhầm, lúc thừa lúc thiếu, thế nhưng “Như mọi khi” thì nhớ như in, trịnh trọng bê ra một bát tào phớ kèm thạch trắng, nhiều hạt é, có đá bào, không nước cốt dừa.
Nhưng phần lớn các quán hàng ở Nghĩa Tân đều không cần chờ khách “Như mọi khi” phải mở miệng, chỉ cần lừ lừ đi vào mà ngồi chòm chõm, vài phút sau bà chủ quán bún ốc đã bê ra một bát thơm lừng mà lần đầu nói nguyên văn dễ hồ mỏi miệng: Một bát cua ốc, nhiều tía tô, có mắm tôm, không đậu không bò, ít bún, không cà chua, nhiều hành chần kỹ. Ấy còn cái hàng bún thang, bận nào mà đang vội quá đi qua dừng hai giây: Làm luôn một bát nhé, quay lại bây giờ. Vài phút sau quay lại đã thấy “Như mọi khi” đặt đúng bàn ấy, góc ấy, chỗ quay mặt ra đường, tránh chiếc quạt treo tường thốc vào mặt, bát còn nghi ngút khói với đủ yêu cầu: Gà nhiều da, nhiều nấm hương, có mắm tôm, hành phải để xuống dưới đáy bát và một chiếc bát con chễm chệ bên cạnh, vì khách “Như mọi khi” luôn vắt chân lên cổ, bữa sáng tính bằng giây nên vừa ăn vừa xẻ sang bát con cho nguội, sẽ đẩy tốc độ lên được vài phút. Hôm nào khách thanh thản chẳng vội, nhẩn nha vừa thưởng thức vừa ngắm mặt trời, không cần đến bát con nữa nhưng bát con vẫn cứ được đặt sẵn cạnh bát to như mọi khi. Khách mặt khó đăm đăm cỡ mấy thì bận nào cũng chỉ cần ngồi phịch xuống ghế, không cần mở miệng một lời mà được phục vụ như hoàng đế, như nữ hoàng. Lúc ấy tủm tỉm cười trong bụng, khéo cái người yêu mình nhất, nhớ tính nết nhất cũng chẳng thuộc nổi “Như mọi khi” của mình.
Có bận phóng xe cách quán hàng tận mấy chục mét, mũ đội sùm sùm, kính đeo kín mắt, găng tay, khẩu trang bít bùng chẳng hở chút da thịt nào mà chủ quán đã cười tươi rói từ xa. Nghĩ nhỡ đâu có lần mình chỉ đi qua không định ghé ăn mà lại được nụ cười chào đón ấm áp thế thì cũng đành mà dừng lại, thôi không ăn món khác. Lại cười nhón lần nữa, đến người thương yêu mình nhất thấy bịt kín như người xứ Hồi thế này đi ngược chiều chưa chắc đã nhận ra, ấy mà bà bún ốc… Thực ra cái khẩu trang mà mình vẫn nghĩ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho tự do và riêng tư, đề phòng những lúc ra đường đầu tóc rối bù, quần vặn lò xo, hay lầm bầm chửi bậy trong miệng cũng chẳng ai biết mình là ai xem ra vô tác dụng ở cái khu Nghĩa Tân này.
Đàn ông độc thân quen cơm hàng cháo chợ âu là cũng bớt chạnh lòng, bởi hàng quen thuộc tính nết còn hơn cả bà vợ ở nhà chuyên nấu món ngược gia vị.
Người Hà Nội cũng chẳng chuyên nghiệp đến mức họ cố gắng nhớ tên và sở thích của khách để làm cho dịch vụ của mình hoàn hảo đâu. Tất cả chỉ là do tập quán và thói quen văn hóa mà thôi. Người xứ này cũng hay quan sát, nhớ lâu và đôi khi cái tật nhòm ngó lại trở thành một đặc tính đáng yêu. Nó khiến cho tình người giữa mối quan hệ cơ học trần trụi là người mua, kẻ bán trở nên bén rễ mỗi ngày như tình yêu nảy nở từ thời thơ ấu với mảnh đất quê hương. Giờ tôi ít còn vào những nhà hàng phở bò lấp lánh đèn sáng choang với bàn ghế sang trọng, những cô nhân viên mặc đồng phục màu cam làm việc theo dây chuyền, người ghi order, kẻ múc nước phở, người tính tiền cho khách, người trông xe. Cái dây chuyền răm rắp đầy sự chuyên nghiệp như nhà máy sản xuất ấy khiến việc phục vụ sẽ nhanh hơn nhưng người ăn chưa chắc đã thấy thoải mái bằng bà hàng quen chỉ giao lưu bằng ánh mắt mà đã thuộc lòng “Như mọi khi”: Chín nạm, tái bắp chần thật kỹ, không nước béo, nhiều mùi và hành chẻ. Cũng bởi quán phở dây chuyền đã cho tôi cảm giác mình đang ở đâu mãi bờ Tây mất rồi.
Ấy đấy, thứ gì người xứ xa cũng mua được, kể cả phở ngon, chỉ cần có tiền là được, nhưng đâu nhẽ, mua được quán hàng quen. Tết năm nay, phố đông bỗng quạnh quẽ, chợt mất mấy ngày ngơ ngác, tìm đâu ra hàng quen như mọi khi.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài