Có rất nhiều cách nói về sách hay. Nói theo cách của các nhà lý luận thì sách hay trước hết thuộc các giá trị cổ điển – những kiệt tác, những cuốn sách “gối đầu giường”. Đó là những kiệt tác.

Người đọc cả thế giới đã từng say mê như nuốt từng trang sách tiểu thuyết Don Quixote (Đông Ky Sôt) của văn hào Cervantes người Tây Ban Nha. Đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại. Trong văn chương Việt Nam đó là thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Và đặc biệt là kiệt tác Truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du. Sang thời hiện đại là những kiệt tác của Vũ Trọng Phụng (Số đỏ), Nam Cao (Chí Phèo), Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời), Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Thơ mới (1932-1945)… Trong văn chương đương đại Việt Nam những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu (người được tấn phong là “người mở đường tinh anh” cho phong trào đổi mới văn chương Việt Nam sau năm 1975) như Cỏ lau, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Khách ở quê ra, Bức tranh… Sinh thời nhà văn Nguyễn Kiên có lần, vào giữa những năm chín mươi thế kỷ trước, nói đại ý, sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp có thể chuyển giao cho độc giả thế kỷ hai mốt. Sách hay luôn đáp ứng được các tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ bền vững. Nó là sách đọc liên thế hệ – liên thời đại. Nó không nhất thời (không có “thời”), không thời trang, thời thượng, thời vụ. Sách hay là những “món ăn tinh thần” bổ dưỡng tăng thêm sức mạnh cho con người, ngày càng nhân ái hơn, cao thượng hơn, hào hiệp hơn. Sách hay là người bạn đường, tri âm tri kỷ của độc giả không phân chia sắc tộc, biên giới. Nhưng có một thực tế đáng buồn là hiện nay sách hay thường không bán chạy, số lượng in ra mỗi lần không quá 1.000 bản. Nhưng cần phải hiểu sách hay là các giá trị “tinh tuyển”. Một dân tộc cần có những “tinh hoa” như thế trên các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có văn chương.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một lần trả lời phỏng vấn “Thế nào là một cuốn sách hay?” đã nhấn mạnh thuộc tính của một cuốn sách hay là “giản dị – xúc động – ám ảnh. Là bởi cái Đẹp chính là sự giản dị. Cái Đẹp không chấp nhận màu mè, nước sơn theo lối hoa mỹ, bề ngoài. Quy luật của văn học nghệ thuật là quy luật tình cảm. Tác phẩm nghệ thuật thành công có thể làm cho người ta có thể khóc, cười cùng nhân vật và cảnh ngộ. Một tác phẩm hay ám ảnh khiến người đọc khó thoát khỏi nó. Những ám ảnh nghệ thuật mà nó gieo vào tâm trí người đọc có thể neo lại dài lâu trong ký ức nhiều thế hệ. Nỗi buồn chiến tranh (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, với tên ban đầu Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh là một minh chứng về một cuốn sách hay. Cuốn sách đã “đổ bộ” vào Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc… (vốn được coi là những thị trường văn chương khó tính nhất). Thông tin mới nhất: năm 2015, Nỗi buồn chiến tranh đã được dịch sang tiếng Trung Quốc bởi nhà văn Hạ Lộ, và phổ biến ở lục địa hơn 1,3 tỷ dân. Nhà văn Diêm Liên Khoa trong bài Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông (Về Bảo Ninh và “Nỗi buồn chiến tranh”) đã xác quyết: “Nghiền ngẫm Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là một tiểu thuyết chiến tranh phương Đông trong bối cảnh văn học thế giới, không nghi ngờ rằng, so với dòng văn học chiến tranh mà chúng ta có thể đọc được ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ; Nỗi buồn chiến tranh đánh dấu một tầm cao của một thứ văn học mới. Một tác phẩm cực hiếm của một nhà văn châu Á phương Đông, hiếm có trong những miêu tả, nhận thức, phê phán thẩm mỹ đối với chiến tranh, hiếm có trong những lý giải và tình yêu đối với con người, những suy tư về nhân tình, hiếm cả trong biểu đạt nghệ thuật – một phương diện cá tính nhất, quan trọng nhất đối với nhà văn” (Nhiều tác giả: Thế hệ nhà văn sau 1975, Nxb Hội Nhà văn, 2016, tr. 433). Viết hay về chiến tranh chính là chạm đến được “mẫu số chung của nhân loại”. Như thế, thêm một nhận thức của chúng ta về sách hay – chạm được đến “cái nhân loại”. Vì những nỗi đau khổ này không của riêng ai. Tính đến nay, sau 25 năm nhận giải thưởng, Nỗi buồn chiến tranh đã được tái bản nhiều lần tại các nhà xuất bản trong nước, được in bằng nhiều thứ tiếng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Một cuốn sách hay thuộc hàng “đỉnh cao” như thế là còn hiếm trong văn chương  Việt Nam. Và nó bán chạy. Cũng là một hiện tượng hi hữu.

Nhưng liệu sách hay có thể đồng thời có thể là sách bán chạy? Rất có thể. Xin nêu vài ví dụ cụ thể để tránh việc “bình luận” chung chung. Tiểu thuyết tư liệu – lịch sử Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75 của nhà báo – nhà văn Trần Mai Hạnh, (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2014; Giải thưởng văn học Đông Nam Á, năm 2015), trong vòng hơn 2 năm đã in đến lần thứ tư với số lượng 15.000 bản (lần gần nhất quý II/2016, in 5.000 bản). Lần đầu tiên nhà xuất bản Chính trị quốc gia in sách văn chương và thành công. Một cuốn sách khác có cái nhan đề rất gợi Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành, chỉ trong vòng 6 tháng đã in đến lần thứ ba với số lượng 2000 cuốn/lần. Đó là con số biết nói. Là niềm mơ ước của những người viết văn khi tác phẩm của mình được quảng bá. Mấy khi độc giả gặp được một cuốn sách hay “một cuốn sách khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng”. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly (Giải thưởng hạng A Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ I, 1998-2000, của Hội Nhà văn Việt Nam) của Nguyễn Xuân Khánh được in bởi nhà xuất bản Phụ nữ, đến nay đã tái bản 10 lần (mỗi lần 1.000 bản). Một cuốn sách dày gần 1.000 trang, giá không hề rẻ nhưng được tiêu thụ là một bằng chứng về sách hay có thể là sách bán chạy. Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1987) đã được tái bản nhiều lần ở các nhà xuất bản khác nhau. Một tác phẩm hay đến mức nhân vật chính Giang Minh Sài đã đi vào đời sống thành một cái tên để chỉ những người đàn ông yếu kém, lệ thuộc, méo mó và tha hóa. Trong văn chương hiện đại Việt Nam những cái tên có ý nghĩa biểu trưng vẫn còn rất hiếm như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Nghị Hách, Chị Dậu… Mãi mấy chục năm sau mới bổ sung thêm chỉ được một Giang Minh Sài.

Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng về “sách hay là sách bán chạy”. Ông viết đủ các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, chèo, phê bình. Nhưng thành tựu văn chương nổi bật của ông chính là truyện ngắn. Từ năm 1995 đến nay hầu như ông không viết truyện ngắn (chuyển tay viết kịch, tiểu thuyết, chèo). Các nhà xuất bản in đi in lại truyện ngắn của ông theo các tập khác nhau. Có một Công ty Văn hóa phía Nam đã mua bản quyền của nhà văn với mức giá 500 triệu đồng VN. Với đồng lương hưu èo uột nhưng nhà văn sống được nhờ nhuận bút tác phẩm (cả ở trong và ngoài nước). Cả trong nước và ngoài nước đang có một hội chứng “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Trong văn học Việt Nam đương đại hiếm có nhà nào mà hào quang  đi kèm lợi ích văn chương lại lừng lẫy, thiết thực đến như thế.

Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng của cái gọi là “sách hay” là “sách bán chạy”. Tác phẩm mới nhất của ông Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng in lần đầu 100.000 bản, nhuận bút tác giả nhận được lên tới 1 tỷ đồng. Đó là một kỷ lục “xưa nay hiếm”. Bí quyết nào với Nguyễn Nhật Ánh? Theo tôi, nhà văn đã xông vào một trận địa để trống – sách viết cho thiếu nhi bởi nhà văn Việt Nam – ở đó  ông làm chủ, không có đối thủ cạnh tranh (hay nói cách khác có nhưng không đủ mạnh). Thứ hai ông nắm vững tâm lý trẻ nhỏ. Ai đó nói đúng, càng cao tuổi càng dễ chiêm nghiệm về tuổi thơ hơn khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Thứ ba là kỹ xảo văn chương. Ai đó nói rằng chỉ cần một tấm lòng với trẻ thơ là không đủ. Vẫn cần cái ta gọi là hình thức: giản dị, trong sáng, văn phong hoạt, vui tươi và dí dỏm, chơi mà học, thấm thía nhẹ nhàng. Kinh nghiệm của Nguyễn Nhật Ánh viết cho thiếu nhi thành công là tránh xa giáo huấn, giáo điều, giáo khoa. Viết theo phương châm “chơi mà học học mà chơi”.

Người ta vẫn nói về “cái chết của thơ ca” trong cơn bão kinh tế thị trường và văn hóa đại chúng. Nhưng trong thực tế không đáng bi quan như thế. Năm 2015 nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ra mắt trường ca Biển mặn (do NXB Hội Nhà văn ấn hành) với số lượng 5.000 bản, đến nay đã bán hết. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến một năm 2015 in liền hai tập thơ Tổ quốc nhìn từ biểnHoa hồng không vỡ (do NXB Phụ nữ ấn hành) vẫn bán chạy. Vì sao? Những trường ca, tập thơ này đã chạm được vào “mẫu số chung” của dân tộc, đất nước, nhân dân – lòng tự hào, tự cường về chủ quyền thiêng liêng, tình cảm dâng tràn với đồng bào cùng con Rồng cháu Tiên. Xưa chúng ta tựa vào Trường Sơn đánh giặc, nay lại hướng ra biển để giữ gìn cương giới.

Bùi Việt Thắng

————–

(*) Trích tham luận Hội thảo Khoa học Quốc gia “Văn học thị trường và thị trường văn học – Lý luận và thực tiễn” do Viện Văn học (Viện HLKHXHVN) tổ chức, ngày 29/8/2016, tại Hà Nội.

Văn học quê nhà

Exit mobile version