VanVN.Net – Sự độc đáo của một tác giả, tác phẩm trước hết là sự độc đáo và sâu sắc trong quan niệm về cuộc đời, con người. Góc nhìn này sẽ giúp ta lí giải các phương diện khác trong thế giới nghệ thuật của Bão Vũ.
Đó là những người muôn năm cũ theo quan niệm của Bão Vũ. Họ thích thả hồn mình trong dĩ vãng xa xưa gọi về, đắm mình trong những câu chuyện cũ, lý giải lại quá khứ. Có lẽ vì thế mà phần lớn các nhân vật trong truyện ngắn của ông đều có kí ức xa xưa gợi về hoặc luôn có trạng thái sống trong hoài niệm.
Ngân trong Người muôn năm cũ luôn nhớ về nhân ngãi xưa. Đó là người kép chính trong một gánh chèo, có xuất thân con nhà gia giáo, viết chữ Nho rất đẹp, từng hẹn ước cùng Ngân nên duyên. Họ đã hẹn cùng nhau trốn đi vậy mà Ngân đã để mất người ấy vì bị cha và dì ghẻ nhốt không cho đi.
Nhân vật Tôi trong Vườn thuốc luôn sống trong kí ức về khu vườn thuốc xưa của ông ngoại với nỗi tiếc nhớ không nguôi. Vườn thuốc kí ức ấy còn là khu vườn cuộc đời của Sung với bao biến động, từ thời thơ ấu được bao bọc bởi tình yêu thương của ông bà ngoại tới lúc thành đạt hay khi đã thất thế về làm kẻ vá xe đầu đường.
Ké Linh trong Thung lũng Ngàn Sương thật tuyệt diệu. Người đàn ông rời bỏ chốn phồn hoa đô hội dựng một căn nhà sàn cô độc giữa rừng núi heo hút để mãi mãi sống trong kí ức về nàng Mai Thi rực rỡ xưa, chờ đợi một tình yêu không biết bao giờ quay trở lại. Lâm trong Rau cải đắng lúc nào cũng day dứt nghĩ về thôn Sơn Hạ thời sinh viên bọn anh đi sơ tán trong chiến tranh… Còn Lân, người của Ty kiến trúc ngày xưa chỉ thoáng nhìn bức tranh chiều tỉnh lẻ mà nhớ về Thị trấn Mỵ Giang với những con người thật đặc biệt trong thời chiến. Những chuyện xưa chợt thức dậy trong anh… cho đến cả tình yêu với Mỵ, cô gái câm từng bị Lân quên lãng, cứ chờ đợi Lân quay về…
Như thế, viết về quá khứ có lẽ là sở trường đặc biệt và hứng thú của Bão Vũ, tạo nên đặc trưng không trộn lẫn của cây bút này. Với quan niệm này, ông đã nâng nỗi cảm thương hoài nhớ của con người trở thành một thứ cảm quan nghệ thuật rất riêng .
Với Bão Vũ, con người cần được soi mình trong quá khứ để nhận thức lại chính mình như thể được sống thêm một cuộc đời khác vậy. Nhờ hoài niệm mà con người có bề sâu tư duy, biết hoài nghi, trăn trở, thao thức, biết thanh lọc tâm hồn mình.
Con người trong truyện Bão Vũ là con người cá thể có cá tính, giàu khát vọng khác thường song có lẽ vì ấp ủ nhiều mơ ước, mộng tưởng đẹp mà họ trở nên cô đơn, lạc lõng vô cùng giữa thực tại xô bồ, hỗn tạp. Đó là những con người cá biệt, độc đáo về bản sắc, cùng ý thức về quyền được phát huy bản sắc riêng của cá nhân, cũng như quyền được khác của chính nó.
Từ anh chàng Phi lái taxi quèn đến người đàn ông đạp xích lô tự nhận mình là cháu nội nhà tư sản phú gia địch quốc một thời mang khát vọng được đổi đời, được thành đạt, được làm những điều phi thường như: mở một tập đoàn văn hóa- du lịch xuyên quốc gia, cho khôi phục những đồn điền trang ấp, những thuần phong mĩ tục xưa, dung nạp những trí thức giỏi cống hiến ….mong thoát khỏi kiếp sống culi xe tầm thường, vớ vẩn để làm được những điều to tát, lớn lao, có ý nghĩa tầm cỡ cho đời trong Người đi chuyến taxi cuối ngày. Từ anh giáo quèn trong Rượu quý dạy bộ môn lịch sử mà bọn học trò cho là lỗi thời lại luôn thường trực một giấc mơ hão huyền là thành danh trong văn nghiệp và lập được công ty Tân Sinh chuyên hỗ trợ đời sống khó khăn, thậm chí cấp vốn không hoàn lại cho đám văn nghệ sĩ nghèo hèn, túng bấn, lắm khát vọng để họ toàn tâm sáng tác đến anh chàng Minh của giới nghiên cứu trong Quý nhân tình cờ có được chiếc gương cổ đời Tây Hán mang chút hồn Vương Chiêu Quân xưa, hiểu rõ giá trị văn hóa, lịch sử của nó nên rất nâng niu, quyết không để nó rơi vào tay bất cứ tên buôn đồ cổ nào dù được trả giá rất cao… Vì mơ mộng, lãng tử, ấp ủ những khát vọng thẩm mỹ đích thực mà Lân và ông Khoái trong Thị trấn Mỵ Giang bị coi là hai kẻ lạc lõng, khiến người xung quanh khó chịu, rồi bị biệt lập, bị ghét bỏ trong môi trường tập thể thời chiến tranh và bao cấp, bị coi là phần tử xấu, ý thức thấp cần được giáo dục và cải tạo. Mọi người xung quanh không chịu được và không thể hiểu được thói quen đọc sách khuya, thích đi dạo phố đêm, hát lên vài bản tình ca ngoại quốc của Lân khi muốn quên đi đói rét và cái u buồn tỉnh lẻ…
Nhà văn Bão Vũ
Bão Vũ đã xây dựng khá thành công hình tượng những con người cá thể cô đơn là những nghệ sĩ coi đời như một cuộc lãng du, cuộc chơi đẹp. Đó là nhà thơ trong Một trời quan tái của những cơn say, tự nhận mình là khách giang hồ, đi tìm vẻ đẹp cuộc đời toát ra từ những cô lái đò, cô hái mơ, những trinh nữ chốn khuê các, những dòng sông và cánh buồm nâu mơ mộng và rồi ông cũng chết trong cơn say, trong giấc mộng phiêu lãng của đời mình. Hoặc người nhạc sĩ Lãng tử với những bản tình ca lãng mạn thời tiền chiến đã cô độc, mộng mị trong những cơn mưa đêm, thích ngồi trong cái quán rượu đêm tồi tàn bên đường tàu hỏa nơi thành phố thợ thuyền lam lũ với khát vọng sáng tạo không nguôi và luôn tự day dứt dằn vặt mình vì không vượt nổi giới hạn của tài năng. Hoặc nữ nghệ nhân điêu khắc tài ba có khuôn mặt Hậu thân của Đêvagati với khát khao duy trì, gìn giữ nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa cổ xưa, nguyên bản, thanh khiết…
Văn chương Bão Vũ cũng chính là những điều day dứt, nhưng là day dứt với những ước vọng phi thường, khiến quan niệm nghệ thuật về con người của Bão Vũ thấm đẫm chất thơ.
Bão Vũ thường nhìn con người trong bi kịch của chính họ. Con người trong truyện ngắn của ông không mấy khi có số phận êm đềm, phải đối mặt với những sóng gió, với sự thực bẽ bàng, khát vọng đấy nhưng cũng thất bại đấy. Nhà văn trong những truyện ngắn của mình đã không để nhân vật sống mãi trong ảo tưởng, hiện thực đã đập vỡ niềm tin ngây thơ của con người. Bởi theo ông, cuộc đời đầy rẫy những biến ảo, không đẹp như trang thơ, như những giấc mơ. Bão Vũ từ chối những kết thúc có hậu, không muốn con người ngộ nhận, sống mãi trong ảo tưởng.
Trầu têm cánh phượng diễn tả bi kịch của những con người theo nghiệp diễn, nghiệp cầm ca giữa thời buổi đồng tiền đang lên ngôi, ngự trị. Tấm khao khát được đổi thay thân phận nghèo hèn, từ bỏ vai diễn bước ra cuộc đời theo gã Vua thầu khoán, thì lại bị trả giá đắng cay, trở về nhà hát trong vai bà già hàng nước già nua, tàn tạ. Còn chàng diễn viên chuyên đóng vai hoàng tử, vua chúa chợt cay đắng nhận ra mình chỉ là ông hoàng nhu nhược, đắm chìm trong mộng mị yêu đương, trong cái hào nhoáng của ánh đèn sân khấu chứ thực chất ngoài đời lại nghèo hèn, bạc nhược không có thực quyền, chỉ là phận diễn thuê. Anh cay đắng nhận ra sự thật về nghiệp cầm ca, kiếp phù du trong câu nói của đạo diễn trả lời trưởng đoàn: Chỉ có khán giả là vai chính, là ông Trời còn chúng ta chỉ là vai phụ mà thôi. Niềm tin cổ tích đã bị đập vỡ ngay cả đối với những diễn viên hàng đêm nhập vai diễn cổ tích. Thần tượng của khán giả trên sân khấu không phải lúc nào cũng đẹp mà cũng dễ ngộ nhận, va vấp, cũng nhu nhược và cũng bị trả giá như bất kì ai vậy. Chỉ còn lại con người đời thường với gánh nặng áo cơm, với hiện thực nghiệt ngã, với trăn trở về thân phận khi những mơ mộng đã bị đời tước đoạt mất.
Minh của Quý nhân ôm ấp khát vọng quý vật tầm quý nhân thì đã thực sự bị vỡ mộng khi người con gái được anh tặng gương báu lại chính là cò mồi, kẻ lừa lọc trong một cuộc mua bán, trao đổi với tay buôn đồ cổ. Đó không phải là cô gái có tâm hồn đẹp để Minh có thể trao quý vật mà chỉ đơn giản là mụ Lý Diệu Ly lọc lõi – chủ nhà hàng bến Nghiêng…
Còn một kiểu người khác nữa trong quan niệm con người đối mặt với những đắng cay, mất mát lớn của Bão Vũ có sự gặp gỡ với các tác giả truyện ngắn khác thời kì đổi mới: đó là con người tự thú, con người hối lỗi.
Ba mươi năm sau gặp lại bạn cũ, gã Thực đói ăn ngày xưa và mập ú hôm nay trong Rau cải đắng đã thú nhận tội lỗi mình gây ra cho những con người khốn khổ thôn Sơn Hạ xưa kia từng một thời bao bọc bọn họ trong chiến tranh. Chính gã đã làm Hạ có chửa rồi hèn hạ im lặng trước tin đồn thổi ác độc rằng: Hạ có chửa với bố chồng, khiến bố con Hạ phải xấu mặt với dân làng. Nhìn điệu cười hô hố và cái bụng phệ rung lên của gã, Lâm quá xót xa cho những người Sơn Hạ xưa cũ, tự thấy mình đã quá vô tình trước nỗi nhục của họ, thấy khốn nạn thay cho lũ sinh viên vô ơn bạc nghĩa trong đó có mình ngày ấy.
Lão Đàm trong Mây núi Thái Hàng từ nước ngoài trở về, định hớn hở dùng tiền bạc để cưới được cô vợ trẻ măng, cướp Cô dét của một chàng Mariuyt nghèo khổ thì vô tình gặp lại bạn xưa, tự thấy ngại ngùng với bạn cũ. Lão tự thấy xấu hổ với cái Tôi ngày xưa hăm hở của thời đi du học Đông Đức đầy ắp lí tưởng đẹp đẽ của mình. Trong câu chuyện của Đàm, ta thấy dường như từ trong sâu thẳm, con người vẫn luôn muốn được trở về với bản thể của chính mình, vẫn luôn nhớ cội nguồn, quê hương và dù sống ở một phương trời xa lắc, nỗi nhớ một đám mây Hàng vẫn giúp con người được giác ngộ, hướng thiện trong lẽ đời có vay có trả.
Lân trong Thị trấn Mỵ Giang sau những hồi ức về Mỵ Giang một thời, tự thấy mình đã có lỗi với Mỵ, cô gái câm mồ côi đã hai lần cứu sống anh mà anh đã yêu một thời, từng hứa hẹn sẽ quay lại bên cô: Anh không bao giờ quên em. Khi cần một người duy nhất có thể giúp em, hãy đến tìm anh. Vậy mà anh đã cố quên đi cái thị trấn ấy và người con gái năm xưa rất cần anh chở che, bao bọc để sống cuộc đời mới. Chỉ đến khi nhìn thấy bức hình về Mỵ Giang xưa, Lân hiểu mình không thể chạy trốn được quá khứ, và tự kết tội về sự vô ơn, vô tình của mình. Câu hỏi về Mỵ và hình ảnh ngón tay nhỏ máu của Lân lúc chia tay Mỵ trong đêm bom nổ vẫn là những dấu chấm bỏ lửng với Lân đầy chua chát và hối lỗi.
Ván bài tỷ điểm tử kể về cuộc gặp lại của hai cựu thần trong hoàng triều xưa, gặp nhau để thấy cả đức cựu hoàng, cả họ đều cháy túi trong canh bạc Đời. Họ chơi với nhau Ván bài tỷ điểm tử cuối cùng để tự thú về trò gian lận trong canh bạc Đời nhưng đều thất bại, đều là kẻ thua. Tiếng cười chua chát, lời tự thú vang lên cuối truyện cùng giúp hai nhân vật nhận ra chính mình, rằng con người đã không thắng được số mệnh.
Bão Vũ đã nhìn cuộc đời và con người từ cái nhìn của con người từng trải, qua nhiều đau đớn, sẵn sàng đập vỡ những ảo tưởng, ngộ nhận mà vẫn muốn để lại những nốt nhạc dư ba của hoài vọng, mộng mơ… Đọc văn Bão Vũ, ta tìm được những nhã thú riêng là vì vậy.