Là một nhóm đảo nằm trong vùng biển Na Uy, phía Bắc Đại Tây dương, ở giữa Iceland, Na Uy và Scotland- Faroe được coi là một quần đảo dữ dội và nhiều bí ẩn. Từ năm 625, một nhóm người Ireland đã vượt sóng gió tới quần đảo này, mang theo những con cừu. Từ đó, người nhiều nơi tìm đến đến sinh cơ lập nghiệp. Điều đặc biệt là với điều kiện tự nhiên phù hợp, đàn cừu sinh sôi nhanh chóng. Vì thế, người ta còn gọi Faroe là “đảo cừu”.

Cụm dân cư đông đúc nhất tại thủ phủ Faroe.

1. Faroe nằm gồm 18 đảo và 11 đảo hoang nhỏ, với chiều dài bờ biển 1.117km. Faroe nổi bật với các dãy núi đá cao ở bờ phía Tây, dốc gần như thẳng đứng, với vách cao nhất là 882m so với mực nước biển. Quần đảo này như trôi nổi giữa biển cả trời nước, bởi nơi gần đất liền nhất cũng tới 240km.

Do nằm chơi vơi giữa biển cả, nên cuộc sống của cư dân quần đảo Faroe như biệt lập trong nhiều thế kỉ. Cho tới cuối thế kỉ XIX, cư dân lên tới khoảng gần 4.000 người. Vào thời điểm những năm từ 1349 đến1350, cư dân ở đây phải chịu đựng một trận dịch khủng khiếp, đó là “dịch đen” hay còn gọi là dịch hạch xoài, khiến một nửa số người thiệt mạng.

Quần đảo trở thành nơi chết chóc. Những thế kỉ sau đó, người các nơi ít dám đến Faroe, vì vậy gần 700 năm sau thì Faroe cũng chỉ có khoảng 50.000 người cư ngụ thường xuyên trên 18 hòn đảo, trong đó khoảng 1/3 dân số sống tại đảo Torshavn.

Đàn cừu trên đảo.

Nguồn gốc cư dân Faroe chủ yếu là Bắc Âu và Celt (Irland và Scotland): với 87% nam giới gốc Scandinavia và 84% nữ giới là Celt. Số còn lại có tới 77 quốc tịch khác nhau.

Là cư dân biển, người Faroe vô cùng thông thạo chuyện vận tải biển và đánh bắt cá. Nhất là với cá voi, người Faroe đánh bắt không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Trong những trận chiến bất ngờ dưới nước, người Faroe thường chiến thắng khi phải đấu sinh tử với những con hải cẩu. Cũng nhờ vào biển cả mà người ở đây hầu như không thất nghiệp. Tới nay, chỉ có khoảng 3% số người “ăn không ngồi rỗi”- tỉ lệ thấp nhất châu Âu, trong đó chủ yếu là những người không có sức khỏe.

Cuộc sống biệt lập tại các hòn đảo khiến người ta phải nghĩ ra các hình thức lễ hội để làm cho đời sống tinh thần phong phú, đỡ tẻ nhạt. Đó là những ngày hội đua thuyền không nhất thiết cố định trong năm, vì mỗi năm có tới vài cuộc đua. Những cuộc đua thuyền “nối liền” các hòn đảo đem tới sự phấn khích cho cư dân, cũng là dịp để họ qua lại thăm viếng nhau.

Tuy nhiên, cuộc đua thuyền ngày 28 tháng 7 hàng năm tại thủ phủ Torshavn là lớn nhất. Để cuộc đua thêm long trọng, người ta còn thuê cả một dàn nhạc lớn từ đất liền ra biểu diễn. Trong khi đó, người bản xứ nhảy múa những điệu múa dân tộc và cùng nhau hát những bài dân ca cổ xưa- những bài hát và vũ điệu dân gian trên quần đảo Faroe gần như đã không còn thấy xuất hiện nơi quê hương họ.

Cũng không nhiều người biết đến ngôi làng Kirkjubour ở cực Nam của đảo Streymoy. Làng nguyên xưa đến độ các thành viên của UNESCO đã thống nhất hoàn toàn ghi danh vào di sản văn hóa thế giới. Suốt thời trung cổ, ngôi làng được coi như một trụ sở công giáo (khởi nguồn từ thế kỉ XI). Tới nay, trong làng vẫn còn nhà thờ cổ mang tên Thánh Olav (từ thế kỷ 12) và di tích nhà thờ chính tòa Thánh Magnus (từ thế kỷ 14).

Những mái nhà độc đáo của cư dân Faroe.

2. Một năm có 365 ngày thì quần đảo Faroe có tới 300 ngày mưa. Người Faroe đã quen với mưa, nên những ngày không mưa đối với họ lại là những ngày buồn. Ngay cả du khách từ các nơi đến quần đảo cũng thích được hưởng cái mưa rầm rì, được ngồi dưới mái những hiên nhà ngắm những cơn mưa bay qua. Những cơn mưa làm không khí của đảo luôn mát mẻ, ẩm ướt và trong lành. Người ta nói rằng, những trận mưa liên miên ấy làm cho hòn đảo sạch sẽ, tươi mát, con người hầu như không có bệnh tật.

Faroe thật đẹp với lối kiến trúc cổ xưa đặc trưng của những làng chài châu Âu. Nó đem đến sự thư thái, thân thiện và ấm áp. Không nơi nào người ta lại trồng cỏ trên mái nhà như Faroe, nó làm cho kiến trúc nơi đây trở nên độc đáo. Người dân trồng cỏ trên mái nhà là để bảo vệ mái khỏi bị những cơn mưa liên miên làm cho hư hại, đồng thời giữ cho không gian trong nhà không bị ẩm thấp. Như vậy, mái nhà của người dân Faroe thực ra là có 2 mái: một mái do con người làm và một mái của tự nhiên. Hàng ngàn năm qua, mái của hầu hết những ngôi nhà đều như vậy, nó đã trở thành biểu tượng của quần đảo này.

Người làng Tjornuvik trên hòn đảo nhỏ Streymoy tới nay vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện cổ tích về gã khổng lồ Risin và mụ phù thủy Kellingin. Chỉ vì ghen tị với vẻ đẹp của quần đảo mà chúng muốn biến nơi đây thành vật sở hữu của mình, buộc dây định kéo về Iceland. Nhưng biển cả bao la đã khiến “bộ đôi tham lam” thất bại và hóa thành đá: người khổng lồ Risin cao 71m còn mụ phù thủy Kellngin cao 68m.

Thác nước Gasadalur.

Tới nay, người ta vẫn không biết nhiều về Faroe bởi sự cách biệt của nó. Thật thú vị khi biết rằng cả Faroe chỉ có 3 bộ đèn tín hiệu giao thông lắp gần nhau ở thủ phủ của đảo và lại lắp rất gần nhau, hầu như không có giá trị gì về tín hiệu giao thông cả. Trên đảo chính, người ta được đi xe buýt miễn phí, vì đây là một cộng đồng thân thiện.

Trên các hòn đảo, bao giờ số lượng cừu nuôi cũng nhiều gấp đôi, gấp ba con người. Quần đảo còn hết sức đặc biệt bởi không có nhà tù, do mức độ tội phạm ở đây rất thấp. Những kẻ phạm tội nghiêm trọng thì đều được “gửi nhốt nhờ” ở Đan Mạch thay vì bị giam ở trên đảo.

Tới nay, cho dù vẫn chơi vơi giữa sóng gió đại dương, nhưng Faroe đã được biết đến với tư cách là một điểm đến thú vị cho bất cứ người nào mang trong mình dòng máu phiêu lưu.

Theo Lã Thế Tuấn – Đại đoàn kết

Exit mobile version