Qua ba tập thơ nhỏ với 10.001 câu xuyên suốt, tác giả Lê Quý Anh mượn hình ảnh đôi giày vẽ chân dung người lính cũng như những biến thiên của lịch sử dân tộc.

Dựa trên tư liệu từ nhiều sách lịch sử, tác giả Lê Quý Anh dùng thơ ghi lại cuộc sống của những người lính. Ông chọn hình thức thơ ngũ ngôn gợi liên tưởng nhịp giày theo từng bước quân hành “một, hai, ba…”. Người viết còn hóa thân vào đôi giày, biến vật dụng thô sơ này thành chứng nhân đi theo hành trình dài đầy gian lao, thử thách của đất nước qua các cuộc chiến để giành hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Trong hành trình lịch sử hơn nửa thế kỷ, đôi giày được mô tả như nhân vật gắn chặt với cuộc đời anh bộ đội. Hình ảnh của anh thay đổi từ cậu bé đánh giày trở thành người lính đi theo kháng chiến, rồi lại tiếp tục con đường thống nhất đất nước. Dựa trên những dấu mốc lịch sử quan trọng như 1954, 1975, bài thơ được chia thành ba tập nhỏ.

Tập một được đặt tên là Đôi giày ước mơ, gồm 3.500 câu, tái hiện không khí những ngày Pháp thuộc cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong tập thơ này, đôi giày luôn gắn với hình ảnh em bé đánh giày trên phố phường Hà Nội giai đoạn 1935- 1944. Em bé trưởng thành, trở thành bộ đội trinh sát gắn liền với quân kháng chiến.

Trong quá trình chiến đấu, anh bộ đội trinh sát tặng cho cô gái Mường chiếc giày để làm tin, mỗi người giữ một chiếc giày. Kết thúc tập đầu, hai người gặp lại nhau. Cô gái không nhận ra người tặng chiếc giày, vì sau 54 ngày đêm Điện Biên Phủ, anh bộ đội thay đổi so với lần gặp trước.

Bìa ba tập thơ “Trường ca Đôi giày”.

Tập hai gồm 3.998 câu thơ, mang tên Đôi giày hạnh phúc, có mốc thời gian kéo dài đến ngày 30/4/1975. Hình ảnh đôi giày trong tập này thấm đẫm vị ngọt hạnh phúc lứa đôi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, anh bộ đội về quê ở Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh Bình cưới vợ. Anh chỉ mang giày vào đúng ngày cưới. Còn khi tham gia lao động, anh chỉ đi chân đất. Rồi anh trở về đơn vị. Còn vợ anh, theo làn sóng di cư vào Nam, mang theo đôi giày ngày cưới của chồng và đứa con trong bụng. Cuộc chiến tranh chia cắt cả hai ở hai miền đất nước. Phải trải qua cuộc trường chinh từ năm từ 1954 đến 1975, anh mới gặp lại vợ con mình. Những vần thơ trong tập này vẽ lên sự chung thủy của đôi lứa dù phải trải qua sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Tập ba mang tên Đôi giày tự do, gồm 2.503 câu thơ. Người con gái của anh bộ đội Điện Biên năm xưa giờ đã trưởng thành. Cô đi học trường Quân Y. Khi nạn diệt chủng chống Pôn Pốt xảy ra, cô tham gia chiến trường. Một lần đi phát thuốc cho người dân ở Sóc Hom, cô bị vướng mìn và mất một chân. Một người phụ nữ Campuchia chôn cất cái chân ấy và gìn giữ chiếc giày. Trong lúc đó, người chồng của cô vẫn chiến đấu trong đội quân tình nguyện. Năm 1989, trước khi về nước, anh tìm lại “mộ của chiếc chân” và xin lại chiếc giày. Trường ca dần dần khép lại với hình ảnh người phụ nữ năm xưa trong màu áo của bác sĩ quân y

Tác giả Lê Quý Anh (tên thật của giáo sư Vũ Gia Hiền) từng viết nhiều sách viết về triết học, chính trị. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội, ông luôn canh cánh trong lòng viết một tác phẩm nghệ thuật về quân đội. Đây là lần đầu tiên ông xuất bản một tác phẩm thơ rút ra từ những chiêm nghiệm của riêng ông về hành trình lịch sử qua hai cuộc chiến lớn của đất nước.

 

Theo Kim Anh – Vnexpress.net