Nhân đọc tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, NXB Trẻ, 2012.

Có vẻ như đó là câu hỏi mà nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ luôn đeo đẳng trong đầu. Hỏi để rồi tự đi tìm câu trả lời, nhưng vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa đáng. Dường như, với người phụ nữ viết văn vốn mang trong mình trái tim quá nhạy cảm, đã đi qua nhiều biến cố trong cuộc đời như Nguyễn Thị Thu Huệ, tình đời, tình người là điều chị trân trọng. Bởi trong buồn đau, khổ lụy, không điều gì ngoài tình tin yêu có thể cứu rỗi linh hồn con người…

Bìa tập truyện ngắn “Thành phố đi vắng”

Nguyễn Thị Thu Huệ viết truyện ngắn có duyên là điều không phải bàn. Đến nay, chị vẫn còn nguyên nét đằm thắm của một người phụ nữ trong cách nhìn cuộc đời. Ở “Thành phố đi vắng”, Nguyễn Thị Thu Huệ dẫn dụ người đọc vào một không gian vừa quen, vừa lạ. Quen bởi thấy nó có nhiều màu sắc, âm thanh của cuộc sống mà tác giả vốn là một người nhạy bén, luôn giương chiếc “cần ăng ten” thu nhận mọi tín hiệu buồn vui. Và lạ bởi tất cả những tín hiệu xô bồ ấy đã được qua một “bộ lọc” tinh tế, đó là quan niệm sống, là mỹ cảm, sự ý thức về sứ mệnh của nhà văn trước cuộc đời đầy biến động này.

Truyện ngắn “Thành phố đi vắng” mà Nguyễn Thị Thu Huệ đã chọn làm tựa cho cả tập truyện để gửi gắm một câu hỏi đau đáu: “Thành phố còn đây, kỷ niệm còn đây, mà tình đời, tình người thì đi đâu vắng rồi?”. Đọc truyện ngắn này, chắc ai trong chúng ta cũng có cảm giác chua xót và hiểu vì sao viết xong truyện ngắn ấy, chính tác giả cũng rơi vào buồn bã rất lâu. Trong tập còn có một số truyện sâu sắc nữa ám ảnh về những vấn đề nhức nhối, về sự thờ ơ của con người với nhau trong xã hội hiện đại, về luật nhân quả ở đời như “Phòng chiếu phim số 9”, “Cú mèo và rượu hoa” hay “Xmen có mùi trường đua”… Đây là những vấn đề của xã hội ẩn giấu sau những số phận đã được tác giả điển hình hóa qua các nhân vật trong truyện. Họ là một phần đời sống hôm nay. Đó cũng là những truyện ngắn có yếu tố kinh dị, ma quái như một nét mới trong cách viết truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị cũng dành nhiều trang viết về sự mất mát vô hình đang bao trùm lên đời sống này như “Chiều chủ nhật xem phim hoạt hình”, “Của cha, con và những cành vạn niên thanh”… Hình như với chị, niềm vui qua nhanh, còn nỗi buồn thì thường đọng lại, day dứt mãi.

Đọc xong “Thành phố đi vắng”, tôi có cảm giác thật buồn. Có chỗ còn thấy đau với nhiều chi tiết quá đỗi ám ảnh, những sự thật xót xa. Tập truyện cũng có những trang viết khiến người đọc nhận ra chính tác giả là người đang cố níu giữ lại vẻ đẹp của cuộc sống, sự lương thiện và niềm tin ở con người


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Mỗi khi viết là thêm một lần đau

– Thưa nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, phải đến 5 năm chị mới “tái ngộ” với độc giả qua “Thành phố đi vắng”. Thời gian qua, chị quá bận rộn với các công việc khác không có thời gian dành cho việc viết lách hay chị đang trong quá trình “tích lũy” cho những kế hoạch văn chương dài hơi của mình?

+ Đúng là thời gian qua tôi đã làm nhiều việc khác ngoài viết văn như tham gia sản xuất chương trình cho một kênh truyền hình, chuyển vào sống trong TP Hồ chí Minh do yêu cầu công tác, rồi cũng do công việc, tôi lại ra Hà nội. Mỗi lần chuyển vùng như vậy, bao nhiêu chuyện khác đi theo, như nhà cửa, con cái… Cũng may, từ nhỏ tôi là người thích di chuyển, ham khám phá nên trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, tôi đều tự nhủ “coi như mình đang đi thực tế”. Và đúng là mỗi một ngày qua đi, một điều dù nhỏ nhất mình thấy, những cảm xúc… đều là thực tế rất quan trọng với mình.

Việc mấy năm mới xuất bản sách một phần do tôi muốn dừng lại chuyện in sách một thời gian, để chiêm nghiệm với thái độ bình tĩnh dù tôi vẫn viết đều, nhưng không ào ạt như ngày xưa.

– Có lúc nào chị định từ bỏ hẳn văn chương để đi một con đường khác bằng phẳng, dễ chịu hơn, lại dễ dàng… kiếm được nhiều tiền hơn?

+ Không! Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ viết vì bất cứ điều gì mà ngược lại, càng ngày, tôi càng sốt ruột với việc mình chưa dành cho việc sáng tác nhiều thời gian, không gian riêng hơn. Một đời sống đầy ắp biến cố. Những thân phận mang gương mặt của thời hiện đại, sự phân hóa trong xã hội, vào từng gia đình, và các cá nhân chưa bao giờ khốc liệt như bây giờ. Không biết các nhà văn khác thế nào, tôi thì luôn nóng ruột, muốn viết, viết thật sâu, thật kỹ về những thân phận người…

– Nhưng thẳng thắn mà nói, đúng là chị có thời gian “chểnh mảng” với văn chương chứ! Vì 5 năm trời, là một đợt “đi vắng” trên văn đàn khá lâu?

+ Không phải tôi “chểnh mảng” với văn chương, mà chểnh mảng với việc xuất bản truyện. Để có được “Thành phố đi vắng”, tôi luôn biết ơn mấy người anh, người chị trong giới văn chương, vì không có họ, chưa chắc tôi in được tập sách này. Tôi hay viết, ghi chép, nhưng rồi để nó ở máy tính, hay những quyển sổ. Nhiều lắm. Nếu không có các nhà văn Ngô thị Kim Cúc, Đỗ Quang Hạnh, Hồ Anh Thái, Hoàng Hoài Sơn đòi truyện để in báo, chưa chắc tôi biên tập lại những truyện viết rồi gửi. Khi có nhiều truyện rồi, nếu không có chị Hoàng Anh ở NXB Trẻ hàng ngày nhắn tin “đòi nợ”, chưa chắc tôi tập hợp lại thành tập để in thành sách. Viết là một nhu cầu không bao giờ ngưng trong tôi, nhưng cũng cần những người bạn để đẩy tôi bước thêm một bước, là đưa những câu chuyện của mình tới người đọc. Không hiểu, cái sự “ẩm ương” này đến với tôi tự lúc nào. Ngày xưa, tôi không như thế!

– Nhiều người nói rằng, “Thành phố đi vắng” là một cách viết mới, rất khác với chị thời của “Hậu thiên đường” với ngôn ngữ hiện đại, nhiều câu ngắn, khẩu ngữ… Chị có hài lòng với sự thay đổi trong cách viết mới của chính mình không?

+ Tôi không có ý định là phải thay đổi phong cách, hay phải làm mới mình. Nếu có sự thay đổi, có lẽ do trong đầu mình cảm nhận đời sống này, chiêm nghiệm về những gì đang diễn ra xung quanh thay đổi, nên khi viết ra thì thành như vậy. Nhân vật, câu chuyện dẫn dắt cách kể và tôi bị họ cuốn đi. Tôi sống trong đời sống của họ, thấm thía sự tan nát của họ, và buồn bã cùng họ.

– Đọc “Thành phố đi vắng”, người đọc có thể cảm nhận nỗi dằn vặt khổ tâm của tác giả về sự mất mát dường như đang bao trùm lên đời sống, về sự thờ ơ vô cảm của con người với nhau, sự xót xa cho thân phận con người… Vì sao những chuyện này lại ám ảnh, giày vò tâm trí của chị nhiều đến vậy?

+ Đời sống những năm tháng này đang thử thách sự kiên nhẫn, lòng chung thủy, sức chịu đựng của mỗi cá nhân. Sự thay đổi tốt lên hay xấu đi của xã hội không phải dễ nhận thấy như đời sống trong chiến tranh. Bom rơi đạn nổ, người sống kẻ chết thật rõ ràng. Thời nay, sự thay đổi lan tỏa âm thầm, ngấm ngầm bằng những câu chuyện có vẻ dửng dưng trên báo hay nơi chốn ta sống. Có vẻ như ai cũng dần thích nghi với những thay đổi đó, chấp nhận, chịu đựng, và quen. Đấy là một bi kịch.

– Chị từng chia sẻ rằng, có những câu chuyện trong “Thành phố đi vắng” viết xong chị cảm thấy buồn bã, thấy lòng mình tan nát, trong khi nhiều người viết khác nói rằng dẫu có buồn nhưng khi viết ra được rồi thì họ thường cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Tại sao vậy nhỉ?

+ Tôi luôn có cảm giác buồn, đầu óc rỗng và khô khốc sau khi viết xong một truyện. Có lẽ vì nhập tâm vào với những nhân vật của mình quá, nên khi kết thúc, là tạm chia tay, nên buồn, vương vấn một thời gian. Chỉ khi viết sang truyện khác, vào một đời sống khác, mới quên được “người thân” cũ và câu chuyện của họ.

– Viết văn – theo ý kiến của nhiều nhà văn – cũng là một kiếp… giời đày. Chị có chung cảm nhận này không?

+ Không, tôi không thấy thế. Tôi thấy may mắn, vì mình được sống hai cuộc đời, với hai thế giới. Có một thế giới rất riêng, với những câu chuyện của mình, những vấn đề mình quan tâm… Có chăng, nên hiểu “kiếp giời đày” ở đây, là sự tự đày đọa mình khi phải viết ra những điều mình muốn, đau thêm một nỗi đau của nhân vật, là hai lần đau…

– Chị có thể tiết lộ cho bạn đọc đôi điều về cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản của chị?

+ Nó là ba cuốn truyện vừa. Mỗi cuốn khoảng hơn hai trăm trang thôi. Tôi luôn tự trách mình chưa chuyên nghiệp trong việc viết. Đi các nơi, nhà văn, nhà thơ nhiều nước họ coi trọng sự chuyên nghiệp trong văn chương. Họ làm ở thư viện, hay nghiên cứu, cùng lắm là giảng dạy trong trường đại học, và phần lớn thời gian dành cho viết. Còn tôi, chưa làm được điều đấy. Đó là một khuyết điểm, rất cần phải khắc phục. Và… cần những người thân trong giới văn chương đã “ẩy” vào lưng tôi trước đây, giờ tiếp tục nhắc nhở để tôi viết xong và không cất đi.

– Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ!

Nguồn: CAND

Exit mobile version