(Toquoc)- Tháng 5-1986, nhà văn Vũ Tú Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới có chuyến công tác tại Hà Nam Ninh. Cùng đi với ông còn có nhà văn Nguyễn Phan Hách, tác giả bài thơ – ca từ “Làng quan họ quê tôi” trong ca khúc nổi tiếng của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Việc liên kết xuất bản, hỗ trợ địa phương tổ chức trại sáng tác văn học của nhà xuất bản tiến triển thuận lợi. Nhà văn Chu Văn, chủ tịch Hội mời khách văn thăm danh thắng Tam Cốc – Bích Động, Ninh Bình. Ông giao cho văn phòng tổ chức chuyến đi, cử nhà văn Kim Ngọc Diệu, Nguyễn Thế Vinh và tôi cùng đi.
Khởi hành từ thành phố Nam Định, chỉ hơn một giờ là xe đã đến bến thuyền Tam Cốc. Trời đang tiết cốc vũ, đường núi, bờ sông, lạch suối cây cỏ nở tươi. Hương lúa, hương sen lao xao cả một vùng non xanh nước biếc. Bến thuyền Tam Cốc ken lá tre những con đò nhỏ. Các cô lái đò như từ trang thơ Nguyễn Bính bước ra đon đả chào khách. Các anh Kim Ngọc Diệu, Nguyễn Thế Vinh xuống đò trước tiên. Nhà văn Vũ Tú Nam, nhà văn Nguyễn Phan Hách “ngự” trên con đò có cô lái đò “xinh nhất hội”. Còn tôi và chàng lái xe ngồi “tập hậu” trên con đò thứ ba. Ai nấy ngồi ngay ngắn mà ngất ngư theo nhịp chèo của các tay chèo thành thục trên đường vào Tam Cốc. Chuyện nở. Anh Kim Ngọc Diệu cao hứng, tay trỏ vòm Xuyên Thuỷ Động đang hiện ra trước mặt, đọc thơ:
Sông luồn đáy núi, sông bơi dọc
Núi đón dòng sông, núi chắn ngang…
rồi quay lại đọc câu kết:
Tố nữ dừng chèo đưa khách sang (thơ Minh Thuận).
Tức thì nhà văn Vũ Tú Nam chỉ vào “anh Hai” Nguyễn Phan Hách:
– Bây giờ đúng là lúc “Tố nữ dừng chèo đưa Hách sang“ đây!
Tất cả cùng cười vui. Đò nối nhau trên sông Ngô Đồng, qua hang Cả, hang Hai rồi hang Ba. Tiếng tí tách những giọt thạch nhũ buông chùm. Tiếng sột soạt cuối các vòm thuỷ động trời mây mở cửa. Trên các tầng đá núi chênh vênh xuất hiện những chú dê núi. Tiếng dê kêu be be nghe rất ngộ. Dọc triền sông suối lau lách xùm xoà, khắc khoải tiếng cuốc vang vọng vách núi. Đối cảnh sinh tình, nhà văn Kim Ngọc Diệu quay lại đọc to:
Be be Tam Cốc động
Lập tức Nguyễn Thế Vinh tiếp liền:
Cuốc cuốc Lai Thành thôn…
Mọi người vừa kịp nhận ra đây là thơ ứng tác, Kim Ngọc Diệu đọc tiếp:
Thỉnh quý hữu lai toạ
Bất tri vị mộc tồn!
Đang khi cao hứng, anh Kim Ngọc Diệu, quay lại gọi to, rằng “Phạm Trọng Thanh ơi, hãy dịch đi”!
Vui thật! Tôi biết trong chuyến đi này, giám đốc Công ty Xây dựng số 9, đóng tại Ninh Bình, anh Đào Vĩnh đã hẹn mời đoàn dùng cơm trưa có món đặc sản “tái dê tương gừng” với rượu tăm “cuốc lủi” Lai Thành ngon có tiếng. Hai ông thi sĩ họ Kim, họ Nguyễn có nhã hứng ứng tác nên bài “ẩm thực thi” này đâu phải là vô cớ!
Thơ ứng tác, hai câu đầu lại “ứng” vào một giai thoại văn học nổi tiếng về một bài khẩu chiếm giữa vua Tự Đức và nhà thơ Cao Bá Quát tại cung đình Huế. Câu thơ chữ Hán chen những từ láy chữ Nôm, một kiểu kết cấu lạ, nhà vua đọc trong mơ, sáng hôm sau đem ra hỏi quần thần xem có ai biết không: “Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai “…
Mọi người nhìn nhau ngơ ngác. Ai dè “Thánh Quát” lập tức tâu rằng, đây là hai câu tam tứ trong bài thơ thất ngôn bát cú mà ông đã thuộc.Và nhà thơ đọc liền một mạch cả bài, có sáu câu do ông ứng tác:
Bảo mã tây phong huếch hoác lai,
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài!
(Ngựa quý theo gió tây huếch hoác lại. Huênh hoang người cũng tự theo về. Trong vườn tiếng oanh hót khề khà. Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm. Ngày xuân chẳng nghe sương lộp bộp.Trời thu chỉ thấy mưa bài nhài. Khù khờ câu thơ nhiều người biết. Còn khệnh khạng đem ra hỏi các nhà văn học! – Theo Trúc Khê Ngô Văn Triện).
Bài thơ mời “dịch tại trận” chỉ 2 câu theo lối thơ trên. Riêng câu thứ tư có 3 chữ “bất tri vị” trong thành ngữ chữ Hán “thực bất tri kỳ vị” (ăn chẳng biết mùi ngon); từ “mộc tồn” (cây còn, nói lái: con cầy) trong truyện Trạng Quỳnh. Tôi bị gọi đích danh trên đò, lại không muốn mọi người mất hứng nên cũng thử “dịch liều”, bèn gọi với lên:
-“Be be Tam Cốc động/ Cuốc cuốc Lai Thành thôn/ Thỉnh quý hữu lai toạ/ Bất tri vị mộc tồn!”, xin được dịch thoát là:
Dê kêu ba động dội
Cuốc gọi rượu Lai Thành
Bạn quý xin ngồi lại
Món thịt cầy xem khinh!
Hai ông đồng tác giả bài thơ ứng tác ngửa mũ ra mà vẫy, mà cười. Hai nhà văn Trung ương cũng hỉ hả tán thưởng.
Rồi đoàn quay về thăm Bích Động, thắng cảnh nổi tiếng với một ngôi cổ tự ba toà Hạ, Trung, Thượng như lồng vào núi đá xanh và cây ngàn cổ thụ. Nhà văn Vũ Tú Nam rất tâm đắc khi ông gặp ở đây cây cau, cây thị, cây hồng, vòm khế hoa tím, vồng đơn hoa đỏ thắm được trồng từ sân chùa chen với những cây mọc tự nhiên dáng vẻ thanh cao hai bên đường lên Bích Động. Chúng tôi ngước lên lặng ngắm hai chữ đại tự “Bích Động”, thủ bút của Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, thân sinh đại thi hào Nguyễn Du. Chữ tạc vào đá xanh kể đã hơn hai thế kỷ, vẫn đẹp nguyên thần thái thư pháp đại gia với kỳ công lao động sáng tạo của những nghệ nhân tạc khắc đá Ninh Bình. Nơi đây là chốn “Nam thiên đệ nhị động” trời ban, lời tôn vinh danh thắng từ xưa, quả không ngoa.
Trưa ấy, sau buổi họp mặt vui vẻ với các bạn văn ở Ninh Bình, trang sổ tay của nhà văn Vũ Tú Nam có thêm một sáng tác mới. Bài thơ văn xuôi “Thăm Tam Cốc và Bích Động” ra đời ở đây, sau đó in trong “Tuyển tập Thơ 10 năm Văn nghệ Hà Nam Ninh,1977-1987”, rồi lại được chọn in trong “Tuyển tập Văn học Ninh Bình ngàn năm”, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình – Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2010:
Thăm Bích Động và Tam Cốc
Trên núi đá già cỗi, cây đa tươi trẻ vẫn cho chim chóc những quả chín mọng thơm ngon.
Qua hang sâu mờ tối, ánh sáng nhân hậu vẫn truyền từ ngàn xưa đến hôm nay và mai sau.
Những cây khế, cây hồng, cây thị dân gian và bông mẫu đơn huyền thoại luôn xanh luôn thắm.
Thăm Tam Cốc – Bích Động vừa như được thêm hàng trăm tuổi nhân gian già dặn, lại hớn hở tựa trẻ thơ ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tạo hóa khôn cùng.
Xin cám ơn vị tiên xây núi, cám ơn kẽm gió, cám ơn cô chèo đò, cám ơn lúa xanh và làn nước mát lành!
Kính chào các tiền nhân đời Trần, chào các em bé Hoa Lư – những Đinh Bộ Lĩnh của thời mới!