Một chính khách nước ngoài đã từng bình luận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh […] là người đứng vào hàng đầu danh sách các lãnh tụ lỗi lạc của thế giới về đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, tận tụy, dũng cảm, kiên trì quan điểm cách mạng tiến công, cách mạng triệt để, cách mạng không ngừng”.

Ads by Best Offers×Đạo đức Hồ Chí Minh được làm nên bởi một tinh thần “thép” và một trái tim “bát ngát tình”. Đã có nghìn lẻ một câu chuyện xúc động, thuyết phục kể về tấm gương đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Bác. Dưới đây, người viết bài này xin mạn phép được góp chuyện, đàm luận, hi vọng mọi người sẽ trân quý hơn giá trị di sản tấm gương đạo đức mà Người đã để lại.

Về Cần, xin chỉ nói qua về quan điểm dạy và học của Hồ Chí Minh. “Học không chán, dạy không mỏi” là tâm niệm hành động một đời của Người trên cơ sở tiếp thu quan điểm tiến bộ của đạo Khổng: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”.

Nhờ học ở nhà trường, học ở trường đời, nhất là trường đại học cách mạng cả trong nước và thế giới, Hồ Chí Minh trở thành người học trò vĩ đại của thời đại. Khổ công học ngoại ngữ, Người biết tới hàng chục thứ tiếng, đủ sức giao tiếp và sáng tác. Người trở thành nhà báo, nhà văn, nhà thơ viết bằng ngôn ngữ thông dụng của nhiều nước lớn. Sau khi Người “đi xa”, những người thân cận còn tìm thấy cuốn sách học tiếng Tây Ban Nha của Người.

Tri thức cuộc đời, tinh hoa văn hoá đông tây kim cổ thâu nạp được đã được Người chuyển hóa, vận dụng vào công việc nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, Người răn dạy thế hệ trẻ: “Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm việc, ham tiến bộ”. Người nhấn mạnh: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Tâm sự với các đảng viên lâu năm (9/12/1961), Người nói: “Tôi năm nay 71, ngày nào cũng phải học… không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình ra phía sau”.

Khi hoạt động ở nước ngoài cũng như khi về nước, Người đã ra sức tổ chức, mở lớp huấn luyện những thanh niên ưu tú, quần chúng tiên tiến để giúp họ trở thành những cốt cán hoạt động cách mạng. Thời gian tại vị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đi giảng bài, nói chuyện. Kiến thức Người truyền đạt là những trang sách quý, những bài học lí luận và thực tiễn sinh động, giàu sáng tạo.

Sức làm việc của Người quả là phi thường. Suốt một đời Bác nghỉ phút nào đâu/ Cho đến giấc ngủ ngon Người cũng thiếu (Bác vẫn còn đây – Chế Lan Viên). Trong những ngày bệnh nặng cuối đời Bác vẫn đau đáu dõi theo tin tức thời sự: Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa (Bác ơi – Tố Hữu).

Suốt một đời, Hồ Chí Minh thực hành chữ Kiệm. Người chẳng có tài sản gì riêng cho mình ngoài một trái tim “muôn vàn tình thương yêu” để lại cho đời.

 


Ngôi nhà sàn, vườn rau, ao cá, rừng cây tạo nên “cõi Bác” như thể cõi tiên. Từ chối dinh thự của Toàn quyền cũ, Người ở ngôi nhà gác đơn sơ “sàn mây, vách gió” – vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa là nơi làm việc. Đã có lần cơ quan cho lắp máy điều hoà, Người không dùng và bảo đem tặng viện quân y hoặc nhà điều dưỡng thương binh. Ngay cả quạt máy, Người cũng hầu như không dùng đến vì sợ tốn điện.

Chiếc quạt của Người cũng có cả một “sự tích”. Người thường phe phẩy chiếc quạt giấy đã gãy nan phải can bằng ni lông. Sau đó, có thêm chiếc quạt lá cọ. Vật nhỏ nhưng ý nghĩa thông điệp thật lớn: quạt có thể sử dụng ở bất cứ đâu – trong nhà, ngoài sân, trên đường… và quan trọng hơn là con người có thể tạo ra gió (từ việc giải nhiệt, làm mát cơ thể tới thay đổi khí hậu thời tiết lớn lao đều nhờ ở sức người).

Thỉnh thoảng, Người làm việc ngoài trời, giữa vườn cây. Đó là sở thích cá nhân ưa thoáng đãng, nhưng cũng mang một ẩn ý sâu xa: sự hòa hợp của con người với môi trường tự nhiên.

Sự ăn mặc của Người cũng được bạn bè nước ngoài nhận xét thú vị. Nhà báo Mĩ David Halberstam từng viết trong cuốn sách về Hồ Chí Minh: “Ông là người Việt Nam lịch sự… nói năng hoà nhã, không màng địa vị… luôn mặc quần áo đơn giản nhất… Phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền uy… Cho đến một ngày, họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy, chính cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở thành công của ông. Càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch”.

Đúng là nếu “tổng kiểm kê”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có mấy bộ quần áo: “bộ kháng chiến” Người mặc khi lên Việt Bắc thời chống Pháp, “bộ kaki vàng” được coi là “lễ phục”, “bộ quân phục” mặc đi chiến dịch và “bộ lụa màu gụ” thường mặc khi sinh hoạt hoặc giao tiếp thân tình; mùa rét, Người có thêm một áo len và một áo bông.

Có “sự tích” áo len và áo bông. Thời hoạt động ở Trung Quốc, Người thường mặc chiếc áo len cũ đã bị rách. Bà Tống Khánh Linh khuyên bỏ đi, Người từ chối với lí do còn mặc được. Cảm phục ý tưởng đẹp, bà đã dùng bàn tay tài hoa mạng lại áo. Áo bông cũng được vá nhiều chỗ rất khéo. Người nói vui mà thấm thía: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc ấy đi”.

Người may áo cho Bác Hồ kể, mãi đến cuối năm 1959 mới thay được chiếc áo đã bạc màu và sờn tay mà Người mặc từ hồi đầu kháng chiến – tức đã mười ba năm! “Kì tích” này có được là nhờ mọi người đã phải sắp đặt một “kịch bản” rất “đột xuất”. Trước tình thế “bất khả cưỡng”, Bác nói: “Thế là các chú ép Bác mặc áo mới nhưng các chú nên nhớ rằng mình phải tiết kiệm, dân mình còn nghèo lắm”. Tuần báo Đây Paris ngày 18/6/1946 có đăng bài viết kể chuyện “Chủ tịch nước Việt Nam là người giản dị quá đỗi” đã dẫn lời Người nói với những người thân cận: “Chúng ta thấy rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong các thành phố và các vùng quê”. “Ham muốn tột bậc” của Người không chỉ là độc lập chủ quyền dân tộc mà còn là dân quyền, dân sinh (“đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”).

“Áo vải” đã trở thành một hình tượng không chỉ nói lên phong cách mà còn bộc lộ tư tưởng và triết lí của vị lãnh tụ hiền minh. Những năm đầu kháng chiến, nhiều nhà thơ đã đưa vào tác phẩm của mình hình ảnh chiếc áo “màu quê hương” để nói lên đức tính bình dị của Người. Tuy nhiên, phải đến sau này, hình tượng đó mới cất cánh bay bổng: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn (Bác ơi – Tố Hữu).

“Đôi dép Bác Hồ” cũng đi vào văn thơ nhạc họa, đi vào hồn người một cách tự nhiên và thấm thía. Hơn thế nữa, còn có hẳn một vở kịch thơ đồ sộ (trên ba trăm trang) của Kateb Yacine khi mệnh danh Hồ Chí Minh là “người đi dép cao su”. Đôi dép cao su đã theo Người đi khắp nơi, đi cùng năm tháng. Đôi dép ấy nguyên được làm từ chiếc lốp và săm ôtô chiến lợi phẩm thời kháng chiến, đã được thay quai, rút đi rút lại đến mức phải đóng đinh cho chặt. Lần đi thăm Ấn Độ năm 1958, nhiều phóng viên, nhà báo đã quay phim, chụp hình Người với đôi dép “huyền thoại” ấy. Đôi dép cũng mang nhiều thông điệp sâu xa. Người từng nói vui dép là “đôi hài bảy dặm” nhưng trên thực tế đã là đôi hài vạn dặm. Đó là một vật nhỏ rất tiện dụng cho mọi hoàn cảnh, thời tiết, lại nhẹ nhàng, dễ kiếm, ít tốn kém. Người đã trả lời, nhắc nhở trước đề nghị xin đổi dép: “Ta phải tiết kiệm vì đất nước ta còn nghèo”. Đôi dép Người đi một đời đã được đặt cùng với di hài trong lăng như một biểu tượng đẹp, cao quý, linh thiêng gắn liền với cuộc đời giản dị, thanh bạch của lãnh tụ.

Lối sống Hồ Chí Minh thể hiện đạo đức, đồng thời nói lên nhân sinh quan cách mạng và những tư tưởng triết lí cao siêu của Người. J.Xtinson, nhà sử học Mĩ tôn vinh: “Hồ Chí Minh là một người cộng sản vĩ đại, là một siêu nhân. Người vĩ đại hơn ở chỗ đó là một con người bình dị”. Rất nhiều bè bạn nước ngoài có nhận xét rằng Hồ Chí Minh mang phong cách một nhà hiền triết dân tộc, một nhà hiền triết phương Đông. Nhà báo Mĩ David Halberstam, tác giả nổi tiếng viết về chủ đề chiến tranh Việt Nam, rất hiểu Người khi so sánh Hồ Chí Minh có nét tương tự Gandhi, Lenin nhưng “hoàn toàn Việt Nam”. Dân gian ta có câu: “Yêu trẻ, trẻ đến nhà/ Yêu già, già để tuổi cho”. Nhà báo Mĩ cũng nêu bật một tính cách dân tộc của Hồ Chí Minh: “Cụ càng giản dị càng trong sạch và luôn luôn mang trong người những đức tính muôn thuở của con người Việt Nam: kính lão, khinh tiền, yêu trẻ”. Jean Roux, biên tập viên Báo Franc Tireur (Pháp), phân tích: “Hồ Chí Minh kết hợp chất anh hùng và đạo lí”, và ví Người là một “Gandhi marxist […] đại diện cho triết lí Á Đông”. Hơn thế nữa, tiến sĩ Mamet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Chỉ có một số ít nhân vật được trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó và Người còn là một nhà hiền triết thời đại”.

Thu góp tinh hoa văn hoá nhân loại, đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp tuyệt vời của phương Đông và phương Tây, quốc gia và quốc tế, dân tộc và nhân loại, truyền thống và cách mạng. Bác là người có tư tưởng đạo đức, có văn hoá đạo đức cao vời và do đó được nhận định là con người của tương lai.

Đạo đức Hồ Chí Minh có đặc điểm nổi bật là đạo đức hành động. Nói là làm. Nói và làm. Bản thân cuộc đời, sự nghiệp của Người là một kho thông điệp hết sức đồ sộ để khai thác và học tập về tư tưởng, đạo đức. Có một phương pháp đặc biệt trong giáo dục, cảm hoá để đối tượng có thể “tâm phục, khẩu phục” là nêu gương. Bản thân Người làm gương và đề cao muôn vàn tấm gương sinh động “người tốt, việc tốt”. Hành động làm gương bản thân có sức mạnh hơn bao nhiêu lời hô hào. Năm còn đói, Người kêu gọi “sẻ cơm nhường áo” và hứa hẹn “Tôi xin thực hành trước”: “Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Vụ mất mùa, Người cũng đề nghị cho ăn cháo ngô cả tuần. Hô hào tập thể dục thì ngày nào Người cũng tập. Thực hiện liêm khiết, Người đưa tiền thanh toán bữa cơm chiêu đãi đón tiếp vì biết rằng có thói mở tiệc linh đình “khách ba, chúa nhà bảy”. Thường đi công tác, Người nghỉ dọc đường ăn cơm nắm mang theo.

“Tu thân” được Người coi là phương pháp tự giáo dục cực kì quan trọng. Đạo đức phải được rèn luyện và do đó trở thành lối sống, nếp sống lâu bền, hoà nhập tự nhiên vào máu thịt con người. Chuyện tiết kiệm điện của Người không phải chỉ ở Phủ Chủ tịch mà còn ở dinh thự lễ tân nước ngoài. Có lần, Người đến thăm Ba Lan, tới nơi đón tiếp khoảng chín giờ sáng, thấy phòng lộng lẫy sáng trưng có tới vài trăm ngọn đèn, Người xin gặp vụ trưởng lễ tân và đề nghị tắt bớt đèn. Chủ tịch nước bạn khi gặp Người đã xin lỗi vì bài học tiết kiệm đó.

 

*

*     *

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khó nếu hiểu là học tập một vị “thánh sống”, một con người “huyền thoại”, nhưng hiểu theo một cách khác thì lại rất dễ, hết sức dễ. Ai cũng có thể học được, học từ việc nhỏ đến việc lớn.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Tố Hữu) để rồi Ta nhận vào ta phẩm chất của Người (Chế Lan Viên)

Đ.T.H

Nguồn: VNQDD

Exit mobile version