Đọc Sông ta cảm nhận được những “áp lực” đè lên Nguyễn Ngọc Tư. Điều đó dễ hiểu. Từ độ Cánh đồng bất tận đến nay đã là một khoảng thời gian đủ cho người đọc có quyền mong đợi ở chị một sự bứt phá, hoặc, chí ít, một sự khác đi. Chưa kể Sông còn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cây bút văn xuôi xuất sắc này. Có phải vì cái áp lực vô hình đó mà ở Sông, ta gặp một giọng văn dường có chút phân vân, chênh chao, đôi chỗ gồng lên, như thể muốn dứt khỏi cái mình đã là nhưng chưa tới được cái mình muốn là. Thật thú vị, cái giọng văn đang đi tìm chính mình ấy, vô tình, hay nếu là chủ ý thì trong một xếp đặt khéo léo đến mức không còn dấu vết của tính toán, lại phù hợp kỳ lạ với cái ý tưởng xuyên suốt tiểu thuyết Sông, làm nên cái “duyên” riêng của nó.
Motif tạm gọi là chạy trốn – tìm về, ở đây, không có gì mới. Cái câu hỏi ta là ai, cái gì làm nên ta, hình như chưa bao giờ thôi nhức nhối trong con người trong đời sống này, nhất là khi cái gọi là xã hội càng phát triển trong một cơ cấu phức tạp hơn, có nhiều hơn những quy tắc lề luật mà con người định ra để ứng xử với nhau, đánh giá nhau, và dần xiết chặt nhau trong những mối ràng rịt đó… Mỗi cá thể con người phải đấu tranh để thích nghi, đấu tranh với cái trong mình để thích nghi với cái ngoài mình, gọt đi cái bản thể tự nhiên của mình cho vừa với cái vai xã hội mình đang đóng. Con người càng trong xã hội hiện đại càng cảm thấy mình bơ vơ, mang cái tâm thức lạc loài, mất gốc.
Nhân vật chính được chọn là Ân, một đại diện hoàn hảo của cái tình trạng “mất căn cước” ấy. Bề ngoài, Ân có đầy đủ những “thông số” để định vị bản thân trong xã hội: có cha mẹ (dù người cha không chính thức về mặt luật pháp), có học thức, một công việc được trọng vọng, và có tiền, ngoài ra, là một cậu con trai thư sinh, dễ gây thiện cảm. Chừng đó, đã đủ để có thể sống yên ổn về mặt xã hội. Nhưng đó có phải là Ân không? Nỗi thất vọng với người tình đồng tính, là thời điểm, là cái cớ để Ân làm một cuộc soi lại toàn bộ diện mạo bản thể mình. Một cuộc khủng hoảng toàn diện. Quyết định ra đi, để quên. Hành trình đi ngược sông Di cũng là hành trình đào xới lại tâm thức, lật lại từng kỷ niệm, những “tình tiết” trong đời đã hình thành nên cái-mình-đang-là. Người cha chưa bao giờ là cha theo mọi nghĩa, kể cả điều sâu xa nhất là cảm giác huyết thống với con người ấy Ân cũng không hề có. Với mẹ, Ân là nơi để trút những kỳ vọng, yêu thương, là chiếc gương mà bà cần để ngày ngày soi ngắm bản thân, chứ không phải như là chính con người cậu. Tú – thứ duy nhất trên đời mà cậu tin chắc, cuối cùng trở thành một nỗi thất vọng, mà cho đến cuối cuộc hành trình Ân mới hiểu rằng, nỗi thất vọng ấy không phải vì tình yêu, mà vì “một người bạn chiến đấu đã bỏ cuộc”… Sợi dây duy nhất kết nối Ân với cái đời sống mà từ lâu Ân đã chán ngán này đã đứt. Ân buông tay. Cuộc đi ngược sông Di ấy, song song với những thước phim trong tâm thức Ân ngược về quá khứ, là những thước phim bên ngoài khi ngược dòng sông Di. Những mảnh đời, những kiếp sống, đời người, đời sông, đời của những khúc sông, đời của những huyền kỳ dọc con sông dài dặc… Dòng sông chảy về xuôi, còn những con người thì ngược lại thượng nguồn. Mỗi người đều có những thôi thúc sâu xa mà chính họ cũng không biết chính xác nó là gì. Xu đi để chụp hình hoa dại, thứ hoa không lai lịch, xuất xứ; nhưng đấy chỉ là cái cớ, gã mồ côi lang thang tưởng đã khinh bạc đến tắt rụi mọi khát khao ấy, thỉnh thoảng vẫn lộ ra nỗi cồn cào đau đáu về gốc gác của mình, mà dần đến đầu nguồn thì nỗi đau đáu ấy càng tràn ra không kiềm giữ nổi. Bối – kẻ nổi loạn không chịu được bầu không khí “thiếu kịch tính” trong gia đình thì đi để tìm khoái thú trong những cơn giông với những tia sét kinh hồn. Ông già đồng hành đi để tẩy rửa ký ức chết chóc. Cô gái trẻ đi để giải phóng mình khỏi sự phụ thuộc với một bản thể khác không phải là mình… Có những người không đủ bứt phá để đi, nhưng gửi theo những tín hiệu đau đáu: ông sếp giám đốc xuất bản khắc khoải về Ánh cũng là nỗi khắc khoải về cuộc sống thực sự mà ông ta tự đánh mất; Tú hướng về Ân như nỗi cồn cào về cái mà anh ta đã quyết định từ bỏ trong thẳm sâu con người mình, để sống một cuộc sống “muốn ói” mà anh ta lựa chọn. Chị San không đi nữa vì con người nổi loại “điển hình” ấy đã tuyệt vọng, đã đầu hàng. Dòng sông Di trở thành nơi bấu víu cho những kẻ không còn hy vọng gì ở chính mình. Nhưng chính sông Di cũng mang trong mình những vết thương. Vết thương của sông Di cũng là vết thương của những kiếp người nhỏ bé sống bám dọc con sông ấy. Soi vào dòng tự sự của Ân suốt cuộc hành trình là cuộc sống của những con người ven sông, mang hình bóng của những con người Nam Bộ vốn bao đời sống dựa vào sông. Nghèo khổ, tăm tối, hận thù, yêu đương, phản bội, đĩ điếm, chết chóc… Đó là thân phận những con người nhỏ bé sống bám lay lắt vào sông, vô tình làm tổn thương sông và phải hứng chịu những trả thù tàn khốc của sông.
Sông Di là cuộc đời rộng lớn chảy trôi miên viễn, sông cũng là từng kiếp sống nhỏ nhắn xanh xao như những dòng chảy “re rắt” bền bỉ chảy ra từ khe núi mà ai ngờ đâu chính chúng lại làm nên cái dòng sông – cuộc đời dài rộng nhường ấy. Cái thực thể ấy luôn luôn biến đổi, nó là nó mà không phải là nó, vậy mà không phải vậy, cuộc sống của sông là sự chảy trôi, cũng như đời người, rốt cuộc tìm đến bản chất tận cùng ta chỉ thấy sự vô thường; bởi vậy mà sông thì gọi là sông Di, mà những con người đi dọc sông trong hành trình đi tìm bản thể của mình rốt cuộc cũng không tìm thấy cái mà họ mong muốn hay họ mường tượng trước khi đi. Không có gì là đứng yên, chắc chắn, tuyệt đối, không có gì là cái tồn tại tối hậu. Chỉ có sự chảy trôi, biến dịch, chỉ có dòng chảy vận hành theo lẽ tự nhiên mà bởi cưỡng lại nó mà sinh ra những bi kịch. Sự báo thù của tự nhiên là tàn khốc. Những dòng sông bị lấp nhưng dòng chảy vẫn miệt mài ở dưới tầng sâu dần bào mòn lòng đất, cho đến một thời điểm nào đó bật dậy thành những cuộc lở sông kinh hoàng. Tự nhiên là thế. Và bản chất con người cũng vậy. Sự vặn xoắn trong tâm thức con người đi ngược với bản chất tự nhiên, chối bỏ nó, hoặc che đậy nó, để có thể sống yên ổn trong cái gọi là xã hội con người đều là cội nguồn bi kịch. Đó là điều Sông muốn nói.
Độc giả trông mong một cái kết “có hậu” theo mọi nghĩa đều sẽ hụt hẫng. Không có một kết thúc êm đẹp, dĩ nhiên; nhưng cũng không có một kết thúc khả dĩ mang lại hy vọng hay chí ít, một sự an ủi nào đó. Thậm chí những dòng cuối còn gieo vào một nỗi hoang mang, một hoài nghi, như thể một làn khói hư ảo bỗng phun ra trùm lên toàn câu chuyện. Có lẽ cuộc sống là vậy, ta hiểu nó đến cùng để mà chấp nhận nó, hay chấp nhận nó để có thể hiểu nó. Và con người cũng vậy, hẳn sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều khi chấp nhận cái mình là, cái mình đang hiện hữu, đang biến đổi không ngừng… Không có kết cục tối hậu, như ta đã nói, chỉ có những biến dịch. Con người cũng vậy, làm sao để cái dòng chảy của sự biến dịch ấy nó thuận theo với tự nhiên mới là điều đáng kể.
Ý nghĩa biểu tượng mà sông Di gợi lên cũng không khó để nhận ra. Những thủ pháp như tạo dựng bầu không khí hư ảo, sử dụng chi tiết gây ám ảnh, thậm chí hư cấu văn bản theo lối “giả sử” nhằm tạo những cuộc đối thoại giữa những “tự sự” (sách sưu khảo “Ba tháng Miền Hạ” của nhà truyền giáo Bồ Đào Nha) cũng không quá mới lạ với người đọc. Điểm hấp dẫn của Sông có lẽ là cái duyên riêng của Nguyễn Ngọc Tư, dù cố thay đổi vẫn không mất đi. Văn chị có cái nồng hậu của con người miền Nam, cái nồng hậu không đơn giản chỉ là tỏa ra từ hệ thống từ địa phương được dùng dày đặc, mà sâu hơn, nó tỏa ra từ một cái nhìn không bao giờ vơi nỗi thương cảm với thân phận con người. Dù ở đây chị có gồng lên, có làm khác đi so với cái giọng của thời kỳ truyện ngắn, nhưng cái thương cảm ấy vẫn lúc chìm sâu lúc phập phồng trên mạch đập của dòng văn. Phần đầu bài viết có nói đến sự chênh vênh trong giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư ở tiểu thuyết này. Chênh vênh vì chưa thể làm mới mình, hay chênh vênh vì cứ cố khác mình đi? Cũng giống như nhân vật Ân dằn vặt về chuyện cái lũ tính từ cứ chực trào ra lê thê trong ghi chép của mình, như cái tính nữ trong cậu luôn rình nấp để nổi loạn, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư cũng tự ý thức tình thế ấy của mình. Có khi giọng văn tỏ ra tiết chế, hờ hững, phớt đời với những câu lược hết tính từ, lại có những khi lũ tính từ mà Ân chối bỏ như thể chối bỏ bản tính “đàn bà” trong con người mình ấy tràn ra những câu văn dài, nhấm nhẳng day dứt, dằn vặt và cũng không ít chỗ thật nồng nàn. Cũng như những chi tiết ảo mang tính biểu tượng, những chi tiết về tính dục gây ám ảnh đôi khi chị hơi lạm dụng khiến cuốn tiểu thuyết đôi chỗ quá rậm rạp, “nhiều đạm”, mà giá tiết chế hơn chắc sẽ làm chủ tốt hơn nhịp điệu tác phẩm. Điều ấy cũng có thể là một phương thức diễn tả nhân vật đang đi tìm chính mình, hay chính giọng văn ấy cũng đang định hình chính mình, trong một hành trình văn chương vốn dĩ luôn đòi hỏi sự thay đổi trong nhất quán và không bao giờ có điểm kết
Nguồn: Vannghequandoi