Trong khuôn khổ Hội sách Mùa xuân 2016, sáng 30/3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp với Khoa Viết văn – Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức buổi ra mắt thi phẩm “Ở thế gian” – một tinh tuyển lục bát của tác giả Đỗ Trọng Khơi. Những câu chuyện chuyên môn sâu, những câu chuyện ân tình từ đông đảo giới chuyên môn, bạn đọc, bạn viết đã làm cho buổi lễ cứ đầy lên không khí học thuật, đầy lên sự ấm áp, chan chứa tình đời, tình người, tình thơ.

P1190205
Buổi ra mắt tổ chức dưới sự dẫn dắt của nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình Văn Giá


Hồn thơ ấy và thể điệu thơ ấy
Thi đàn Việt Nam đương đại đã không xa lạ với cái tên Đỗ Trọng Khơi, một người ngồi xe lăn làm thơ ở đất Thái Bình. Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước đến nay, Đỗ Trọng Khơi lần lượt trình làng hơn chục tập thơ với ngót nghét cả nghìn bài. Thế nhưng, dư luận đồng tình đánh giá phần thơ hay nhất, tinh hoa nhất của Đỗ Trọng Khơi thuộc về lục bát. “Có thể nói, Đỗ Trọng Khơi ‘ở thế gian’ bằng lục bát. Lục bát đã nâng đỡ hồn Khơi, Khơi cũng thật nâng niu lục bát. Lục bát đã giúp Khơi sống chậm ‘ở thế gian’ này” (nhà nghiên cứu – phê bình Chu Văn Sơn). “Dường như có một mối căn nguyên sâu xa giữa hồn thơ này và thể điệu thơ lục bát. Hồn thơ ấy chỉ tìm đến và kiến tạo thơ theo thể điệu ấy, và thể điệu ấy sinh ra là để chuyên chở hồn thơ ấy. Hồn thơ Đỗ Trọng Khơi neo đậu vào trong lòng lục bát theo cách rất đỗi tự nhiên, như cánh chim sà vào giữa lòng cây, như đứa con đậu vào lòng mẹ” (nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình Văn Giá).

Một thứ lục bát của tâm linh, suy tưởng
Nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình Văn Giá khẳng quyết: “Đỗ Trọng khơi đã trình ra một thứ lục bát thuần túy tâm linh từ đầu đến cuối. Hướng vào nội tâm, bén nhạy với những gì phôi pha của sự sống, cảm nhận những tầng sống sâu thẳm trong cõi tâm linh, thơ Đỗ Trọng Khơi cất lên nỗi buồn cá thể. Toàn bộ cái bản thể hằng hữu Đỗ Trọng Khơi đẩy hồn thơ này về phía tâm linh, càng ngày càng xa cõi thế gian: ‘Ở thế gian’ mà chẳng nặng thế gian. Thơ lục bát tâm linh Đỗ Trọng Khơi như một hướng đích tự nhiên đã tìm đến phong cách cổ điển, trọng cái uyển súc, ít lời, cốt gợi. Mỗi bài thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi như một phiến lá nhỏ, gọn, chất chứa”. Nhận định này được nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Đỗ Trọng Khơi luôn mở rộng chiều kích con người nghệ sỹ của mình, vừa đứng chân ‘ở thế gian’ này vừa đắm trong cõi tâm linh, chính điều này đã khiến thơ của anh trở nên vạm vỡ, lay động”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Không gian mà thơ lục bát Đỗ Trọng Khơi dựng nên là không gian của suy tưởng”. Cùng cách nhận diện ấy, nhà thơ Đàm Khánh Phương phát biểu: “Sự đan quyện giữa những suy tưởng, chứng nghiệm về cuộc đời và thân phận, về vẻ đẹp và tâm hồn, với những biểu tượng quen thuộc của thiên nhiên nguyên khởi… khiến cho những câu thơ lục bát của Đỗ Trọng Khơi mang dáng vẻ duy mỹ, vừa có độ rộng lớn, kỳ vĩ của không gian hồi tưởng, vừa có sự kín đáo, uyển chuyển, tinh tế của tâm thức riêng tư”; và nhà thơ Mai Văn Phấn nhận định: “Thơ Đỗ Trọng Khơi nhói sáng nét đẹp của nỗi đau thân phận với cách thể hiện ung dung, tự tại, nhiều câu thơ ma mị đến u huyền ngỡ như mang nhịp sinh học, hơi thở của ông”.

Thăm thẳm cõi chữ – phận người
Nhà nghiên cứu – phê bình Nguyễn Thanh Tâm đặt vấn đề: “Dẫu không tán thành sự quy chiếu tiểu sử tác giả cho cái tôi trữ tình trong thơ, nhưng rõ ràng, dưới áp lực của thân phận, đời Đỗ Trọng Khơi là âm bản cho những hiện hình ‘Ở thế gian’”.

Nhà nghiên cứu – phê bình Chu Văn Sơn phát biểu: “Chiếc phao thơ đã cùng Đỗ Trọng Khơi lênh đênh suốt phận người trong thăm thẳm cõi chữ. Số mệnh khắc nghiệt với anh tới đâu, thơ lại bù chì cho anh tới đấy. Bấy nhiêu năm thầm lặng sống thơ, miệt mài làm thơ, hồn Khơi trọ trong chữ, thường trú nơi chữ, hay đã đồng thể với chữ? Câu hỏi như thế liệu có cần đặt ra nữa không, một khi thơ và Khơi đã nương náu trong nhau tự bao giờ rồi?”. Tuy nhiên, theo nhà thơ Mai Văn Phấn thì: “Sống, chịu đựng và vươn dậy viết như Đỗ Trọng Khơi càng minh chứng cho thấy, hoàn cảnh, cao hơn là số phận bản thân cũng chỉ là cái cớ cho thi sỹ sáng tạo chứ không phải là phương tiện hay mục đích để giải thoát”.

Tấm gương “sống, chịu đựng và vươn dậy viết” của Đỗ Trọng Khơi giàu sức thuyết phục, lay động. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói: “Riêng đời sống của Đỗ Trọng Khơi đã là một bài thơ”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà chân thành: “Chính Đỗ Trọng Khơi mới là người động viên, tiếp thêm nghị lực, bản lĩnh sống, tiếp thêm cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo, cống hiến cho chúng ta”.

Tóm lại, tuy sự vận động của Đỗ Trọng Khơi khó khăn nhưng anh đã đi rất xa, cuộc đời và thơ ca của anh đã chạm được trái tim của nhiều người. Bởi anh quyết “sống tận phai tàn”, một khi đã trót “sinh làm người ở thế gian”.

Theo Hoàng Hoàng Phố – Văn nghệ quân đội