1/Tôi đọc tập sách khá dày này hai lần, lần nào cũng đọc một mạch ! Một là vì sách viết rất hấp dẫn.Hai , vì nhà ở hiện nay của tôi rất gần với…khu tập thể quân đội Nam Đồng

Hình như tôi cũng đã đặt chân tới đấy 2, 3 lần gì đó, chưa kể những lần ghé mua  ở “cây xăng Nam Đồng” kế bên lối vào? Ba ,là tôi cũng có một thời học sinh cấp III sống ở một khu tập thể quân đội- gần Trung tâm hơn nhưng không “nổi tiếng” bằng  “Quân khu”- khu tập thể 28 Cột Cờ, sau này là 28 đường Điện Biên Phủ. Nên nhớ là khu tập thể chúng tôi chỉ cách nhà ở thi sĩ đại tài Xuân Diệu có…một số nhà, như thơ tự giới thiệu của ông: Nhà tôi hăm bốn ( 24) Cột Cờ/ Ai yêu thì tới, hững hờ thì qua!

2/ Mở sách, tò mò ngay từ trang gấp bìa 1, với lời khuyên của người làm sách “ Bạn không nên đọc cuốn truyện này khi đang họp, ở nơi công cộng hoặc trên giường lúc đêm khuya, vì bạn sẽ làm phiền người khác bởi những tiếng cười không thể nhịn được// Một cuốn sách khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng”. Một lời tiếp thị rất khôn ngoan nhưng không phải không có căn cứ? Tiếp trang 5 lại là “Thay lời giới thiệu” của Bảo Ninh ( tác giả “ Nỗi buồn chiến tranh”), cũng là những lời biểu dương rất…văn chương : “ Tự nhiên, nhi nhiên, không gợn một tỵ ty gì sự “hành văn”, đây là một tác phẩm viết rất hay về tuổi hoa niên. Tình mẹ con, tình cha con, tình thày trò, tình bạn, tình huynh đệ chiến hữu cùng trường cùng phố, tình yêu đầu đời vô cùng non nớt mà sâu nặng thưở học trò, từ trong quá khứ thời gian khổ trở về dào dạt tâm hồn tôi khi đọc cuốn sách phải nói là rất lạ lung này”. Thế là phải đọc tiếp, liền một mạch đến trang 435, trang cuối…

3/ Gấp cuốn sách, nhắm mắt, nhớ ngay được hai , không, ba nhân vật thì đúng hơn.. Một, Việt, nhân vật đi suốt cuốn sách, và hai, cô bạn gái của anh ta, cô Mai Hương. Lạ một điều, là ở rất gần và không xa lạ với “Quân khu Nam Đồng” như đã “khoe”,  nhưng tôi chẳng quan tâm lắm đến cái sự gần gũi ấy mà chỉ dõi theo câu chuyện, theo số phận nhân vật? Vậy thì với bạn đọc ở xa, bạn đọc phía Nam, bạn đọc tuổi teen bây giờ, hắn cái tên lừng lẫy một thưở ấy, cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu sách viết không hay! Việt và Hương có thể coi là hai nhân vật chính, nhân vật mang – tính – bi – kịch, tính “thời đại” ? Thú thật là tôi đã rất cảm động khi đọc tới những dòng này :  “Mai Hương đã mãi mãi không trở vềMai Hương gia nhập Thanh niên xung phong và trúng mìn lúc mở đường. Mai Hương mất trong lúc Việt tìm kiếm Mai Hương khắp chiến trường. Di vật cuối cùng Mai Hương để lại, được đơn vị chuyển cho gia đình là cuốn nhật kí dưới đáy ba lô…trong cuốn nhật kí của Mai Hương để lại, với rất nhiều kỉ niệm chiến trường, vẫn có những trang viết nhòa nước mắt, là những khi Mai Hương nhớ Việt. Mai Hương luôn mong muốn Việt bình an và hạnh phúc. Chỉ duy nhất một lần Mai Hương ao ước: Có một ngày, Việt sẽ tha thứ cho Mai Hương .

Mai Hương không biết Việt đã tha thứ cho Mai Hương từ rất lâu rồi…Suốt một thời gian dài, trên bàn thờ nhà Việt, cùng ảnh ông bà là di ảnh của Mai Hương, với nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngời sáng, bức ảnh duy nhất Mai Hương tặng Việt. Bên dưới bức ảnh là một sợi dây chuyền bằng bạc đã chuyển thành màu xám. Trong lòng Việt và bè bạn, Mai Hương đã trở thành một người con của Quân khu Nam Đồng” (tr 423-424 ) Nhân vật thứ ba để lại ấn tượng với tôi (có thể là một bất ngờ với chính người viết?): Đỗ. Cái cậu Bí thư chi đoàn này, học cùng lớp nhưng không phải người “Quân khu”, nói năng khôn ngoan, cư sử hợp lẽ , lại “có công” giúp đỡ những “siêu quậy” như Khanh , Hòa ,Đính trở thành Đoàn viên, hóa ra là một kẻ hèn nhát, đã “tự thương” (tự làm hỏng ngón trỏ tay phải, ngón bóp cò súng) để không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ ! Và cái sự việc được mở ra ở trang  51 : “ Thứ hai tuần này, sau lễ chào cờ, mọi người lên lớp đã thấy thầy Toàn ngồi đó, vẻ mặt thẫn thờ, nước mắt rơm rớm. Trên bảng, một dòng chữ in hoa, viết vội, cố tình làm người ta không nhận ra nét chữ : “Toàn dạy dốt. Cút đi !” Đến mãi trang 331, gần cuối sách, mới tìm ra lời giải đáp : “ Diệp đỏ mặt đứng dậy:

Mặc dù bạn Hòa nói không quan tâm, nhưng hôm nay trước tập thể lớp, tôi xin lỗi các bạn khu Nam Đồng, những người bị oan ức, vì ngày trước tôi đã không nói ra sự thật. Buổi sáng hôm đó tôi đã đi học muộn. Khi đến trường, đang giờ chào cờ nên tôi lên thẳng lớp. Từ hành lang tôi thấy bạn Đỗ đang viết dòng chữ đó. Tôi cứ tưởng bạn Đỗ cùng phe với các bạn “ Quân khu Nam Đồng” đã làm thì ai dám tố cáo? Có mà vỡ đầu. Mãi về sau, khi sinh hoạt trong Ban chấp hành chi đoàn, tôi mới biết bạn Đỗ rất ghét các bạn khu Nam Đồng, cho rằng các bạn quá tinh tướng”… Chương sách kết thúc nhẹ nhàng, nhưng rất thấm thía : “ Sau buổi họp đó, cả lớp không ai nhắc tới Đỗ nữa. Đỗ bỏ học luôn. Mấy chục năm sau, bạn bè cùng lớp cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng.

Trong lòng mọi ngườiĐỗ đã chết từ ngày đó” ( tr 334). Thì ra ,với người viết, nhân

vật Đỗ chẳng bất ngờ chút nào !

4/ Nhân vật của Bình Ca trong cuốn “truyện” rất nhiều ( có thể nói là quá nhiều?) nên thật khó mà nhớ hết, ngay tên của chúng cũng dễ lẫn lộn! Có lẽ đó là cái khó của người viết truyện- kí, đôi khi để chất  lấn át chất truyện hoặc lúng túng trong việc giải quyết quan hệ giữa hai thể loại? Nhưng công bằng mà nói, nhân vật của cuốn sách, tuy nhiều, nhưng đều đáng yêu, trừ Đỗ, tất nhiên! Tôi nhớ nhiều đến Quang Anh, long đong tù tội nhưng đầy tự trọng, nhớ nhất đoạn đối đáp với “ Mặt Dày”, một người bạn thời nhỏ cùng khu Nam Đồng “ Một buổi sáng, Quang Anh ra đầu nhà 5 tập thể dục thì gặp “Mặt Dày” đi làm. Gần nhà, sống với nhau lâu mà Quang Anh vẫn không nhớ “Mặt Dày” tên thật là gì. Quang Anh niềm nở:

  • Chào đại ca!

Mặt Dày vuốt đôi quân hàm mới tinh trên ve áo, hất hàm bảo Quang Anh:

  • Tao là đại úy chứ không phải” đại ca”.Chào lại đi..

Nghe giọng khệnh khạng của Mặt Dày, Quang Anh rất khó chịu. Nó cười lạnh lùng:

  • Chào đại úy. Còn tao là “Đại Bàng”. Chào Đại Bàng đi!

Mặt Dày liếc nhìn Quang Anh, thấy khuôn mặt nó lạnh lẽo, miệng cười nhưng mắt không cười. Mặt Dày đổi giọng, nói bằng cái giọng giả lả, lấy lòng : “Chào Đại Bàng” và cắm đầu đạp xe đi . Quang Anh nhớ ngày xưa, do nghe không lọt tai câu đùa của Mặt Dày, Việt tát nó một cái cực mạnh mà nó không khóc. Việt khen : “ Da mặt thằng này dày nhỉ!” Từ đó nó có tên là Mặt Dày. Tự nhiên Quang Anh thèm tát vào cái mặt nó một cái, xem da mặt đại úy dày tới cỡ nào.” ( tr 387)… Lại nhớ đến nhân vật Anh Sơn, ngỗ ngược nhưng khờ khạo, chung tình. Nhớ nhất cuộc gặp gỡ giữa hai người sau gần mười năm với biết bao biến cố, khi Lệ Dung đã có chồng : “ Năm 1983, Anh Sơn tốt nghiệp, trở vềLệ Dung làm ở intershop Giảng Võ. Sau câu chào, Lệ Dung hỏi:

_ Sơn cần gì để Dung mua cho?

Choáng váng như bị tát vào mặt, Anh Sơn gượng gạo:

_ Chẳng lẽ Sơn đến chỉ để nhờ Dung mua hàng?

Lệ Dung vẫn chưa buông tha:

  • Các bạn đến đây đều nhờ mua hàng cả thôi!

Anh Sơn quay đi, không cả chào tạm biệt.

Anh Sơn về Sài Gòn. Mười lăm năm sau, nó mới gặp lại Lê Dung trong một lần họp lớp tại hồ Trúc Bạch. Lệ Dung lặng yên cho Anh Sơn cầm tay, ngắm nhìn vết sẹo. Sơn kể cho Lệ Dung nghe về câu chuyện lá thư thất lạc. Lệ Dung ngồi lặng lẽ, mắt đỏ hoe.

Bây giờ Lệ Dung đã là bà nội còn Anh Sơn là ông ngoại. Mỗi dịp Trung thu, Lệ Dung lại nhận được một tin nhắn. Lá thư của Lệ Dung viết hơn bốn mươi năm trước, vẫn được Anh Sơn lưu giữ như một báu vật.” (tr 432)... Biết bài viết đã dài, vẫn cứ muốn trích thêm một đoạn nữa, cảnh Hoàng Yến và Hà Tư từ biệt nhau trên đất cảng Hải Phòng : “Hoàng Yến thỏ thẻ : “ Yến mong Hà không bao giờ quên Yến” Hà Tư đáp : “ Không bao giờ quên!” Hoàng Yến nói : “ Hà nghĩa là sông. Liệu khi dòng nước lớn đổ ra biển rộng, Hà có còn nhớ đến Yến?”.Ở khu Nam Đồng, Hà Tư thuộc loại đẹp trai nhất nhì, lại lắm tài lẻ. Nó chơi đàn cực hay, đá bóng cũng cừ. Nhưng ở đời, tài năng và vẻ đẹp của đàn ông không đồng nghĩa với việc  nói năng nho nhã. Nó trả lời : “ Hà là sông nên không bay đi đâu được, chỉ Yến là chim mới có cảnh để bay”.Hoàng Yến dứ dứ tay vào trán nó, nhõng nhẽo; “ Nếu Hà không phụ Yến, Yến sẽ tình nguyện cắt cánh để mãi mãi bên Hà”. Hà Tư cười hì hì: “ Có chắp thêm hai cái cánh nữa cũng chẳng bay được’. Thấy Hoàng Yến tỏ vẻ ngạc nhiên, nó giải thích : “ Vì nặng phao câu quá!”Hai đứa đấm nhau thùm thụp…” (tr 407). Tiếng cười này có thể bắt gặp rải rác, nhiều nơi trong tác phẩm, rất thích hợp với bạn đọc tuổi teen. Phải chăng đây là một nét dễ khu biệt giữa tác giả và cha anh- nhà văn nổi tiếng Hữu Mai ?

5/ Từng gặp trong văn học viết cho thiếu nhi của chúng ta, những tác phẩm dễ xếp “cùng một chiếu” với Quân khu Nam Đồng? Đó là “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” ( và “Mặt trời quê hương) cùng của Xuân Sách. Đây có lẽ là cuốn sách hay nhất của nhà văn, sẽ còn được in lại dài dài dù tác giả của nó đã qua đời? Rồi những “ Đội thiếu niên tình báo Bát Sát” (Phạm Thắng? Bát Sát hay Bát Sắt?), “Đội du kích thiếu niên thành Huế” ( Văn Tùng?), “Tuổi thơdữ dội” (Phùng Quán)…Xa hơn, có thể kể “Hai làng Tà Pình và Động Hía” của Bắc Thôn, Vừ A DínhKim Đồng của Tô Hoài …Những cuốn sách này ( trừ cuốn của Xuân Sách ) tiếc là tôi đều chưa được đọc,hoặc đọc đã lâu, quên rồi,  nhưng biết chắc chúng rất được mến mộ, in lại dài dài.  Những cuốn sách có cái tựa na ná nhau,  gắn với một địa danh, một hoặc nhiều tên người tiên tiến,  hoặc  một sự kiện lịch sử… Quân khu Nam Đồng dường như cũng nằm trong cái mạch ấy,? Nhưng đối tượng mô tả của nó lại không phải, hoặc chủ yếu không phải là những nhân vật tiên tiến, không hẳn phản diện nhưng là nhờ nhờ, điểm 3( trong thang điểm kiếu Liên Xô trước đây)! Có lẽ, nó là cuốn sách đi trước, mở ra một hướng mới, chân thật hơn,toàn diện , phức tạp hơn trong sáng tác cho các em?

 

Nguyễn Hoàng Sơn – Vanvn.net

Exit mobile version