Quách Mạt Nhược tên thật là Quách Khai Trinh, sinh ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 1914, chàng trai 21 tuổi Quách Khai Trinh sang Nhật Bản du học. Cũng giống như nhà văn Lỗ Tấn, ban đầu ông theo học ngành y, sau đó mới chuyển sang hoạt động văn học nghệ thuật với ước nguyện góp sức cải tạo tinh thần quốc dân. Chính tại nơi đây, ông đã có mối tình tuyệt đẹp với một nữ hộ lý xinh xắn dịu hiền người Nhật Bản tên là Tá Đằng Phú Tử. Và như ông tự nhận, chính tình yêu của “nàng thơ” ấy đã khơi gợi trong ông niềm khao khát thực sự được làm thơ.
Trong mấy năm đầu tiên du học tại Nhật Bản, tâm trạng của Quách Mạt Nhược không được tốt. Lúc đó, cũng như nhiều du học sinh Trung Quốc khác, ông phải chịu đựng không ít sự kỳ thị của người Nhật Bản với quốc tịch Trung Quốc mà mình đang mang, thêm nữa, tình hình trong nước lúc đó rất đen tối, hỗn loạn, là người có tâm huyết với đất nước, ông không tránh khỏi ưu phiền. Nói về gia cảnh riêng, trước khi ông lên đường du học, cuộc hôn nhân với cô gái cùng quê mang tên Trương Quỳnh Hoa được gia đình sắp đặt trước mà ông không có cách nào cưỡng lại được cũng khiến lòng ông chất chứa thêm nhiều nỗi buồn phiền. Quách Mạt Nhược trốn tránh hiện thực chung và riêng bằng cách vùi đầu vào học. Năm học đầu tiên, ông đọc sách điên cuồng đến mức bị mắc chứng bệnh suy nhược thần kinh cao độ. Căn bệnh khiến ông cả ngày rơi vào tâm trạng buồn bã trầm uất, tinh thần sa sút chẳng còn thiết đến mọi thứ xung quanh. Có lúc ông từng muốn tự sát, lại có lúc muốn xuất gia làm hòa thượng… Chính vào lúc đó, một nữ hộ lý Nhật Bản xinh đẹp, trẻ trung và thánh thiện như Đức Mẹ đã đến bên ông, trở thành người cứu rỗi tâm hồn đau khổ của ông.
Theo các tài liệu của Nhật Bản thì Tá Đằng Phú Tử là con gái cả trong một gia đình có chín anh chị em tại tỉnh Miyagi, thuộc vùng Tohoku, phía đông bắc đảo Honshu của Nhật Bản. Ông nội cô chính là hiệu trưởng đầu tiên của trường đại học Hokkaido, cha cô cũng là một kỹ sư tốt nghiệp trường đại học này, sau đó cải đạo Cơ đốc giáo, trở thành một mục sư. Năm 1914 Phú Tử tốt nghiệp trung học, mẹ cô liền chuẩn bị lo liệu việc hôn nhân cho cô. Nhưng cô cương quyết cự tuyệt, nên đã đến một bệnh viện tại Tokyo làm hộ lý, với nguyện ý suốt đời theo đuổi công việc từ thiện. Bệnh viện này là nơi một người bạn của Quách Mạt Nhược điều trị bệnh, và không may sau đó không qua khỏi. Quách Mạt Nhược và Phú Tử quen biết nhau một cách tình cờ tại đây, và chàng trai trẻ trong lòng đang chứa chất nhiều tâm sự nhanh chóng bị vẻ xinh đẹp thánh thiện và tính cách dịu dàng, tế nhị của cô hộ lý chinh phục hoàn toàn. Quách Mạt Nhược đã lập tức thổ lộ với cô gái mới quen nhiều chuyện, ông cũng thành thực nói về cuộc hôn nhân do cha mẹ định liệu tại quê nhà, cả việc ông coi việc đi du học như một cách chạy trốn hiện thực. Kể từ đó, hai người dù ở cách xa nhau vạn dặm, một ở Tokyo làm việc, một ở Okayama học tập, nhưng họ vẫn giữ liên lạc đều đặn qua những cánh thư. Có những lúc họ viết cho nhau tới 5 lá thư chỉ trong một tuần. Quách Mạt Nhược đắm chìm trong những cảm xúc say đắm si mê: “Khi anh lần đầu tiên nhìn thấy em nơi cổng lớn của bệnh viện, anh lập tức có cảm giác như mình đang nhìn thấy Đức mẹ Maria, gương mặt em tỏa ra ánh hào quang, đôi mắt em biết nói, đôi môi em tựa như hoa anh đào. Cho đến giờ chắc em đã cứu sống được bao người bệnh, anh đã yêu em. Anh không thể nào quên được lần đầu tiên chúng ta nói chuyện với nhau…”. Liệu có trái tim của cô gái 21 tuổi có thể không rung động trước những bộc bạch chân thành và say đắm ấy? Phú Tử gửi cho Quách Mạt Nhược chiếc áo bông cô tự tay khâu cho ông với lời nhắn gửi đầy thương yêu: “Khi anh có thể nhận lấy trái tim của em, em thực sự không biết mình có thể hạnh phúc nhiều như thế!” Có lúc Phú Tử được nghỉ phép vài ba ngày, họ lại bí mật gặp nhau, tình yêu ngày càng trở nên nồng thắm, khăng khít. Cuối năm 1916, Phú Tử đã đưa ra một quyết định thay đổi cuộc đời cô mãi mãi: cùng một du học sinh đã có gia đình tại Trung Quốc kết nghĩa vợ chồng. Chính vì thế, Phú Tử đã bất hòa sâu sắc với cha mẹ, đến mức từ mặt nhau. Cô chuyển đến sống tại Okayama cùng Quách Mạt Nhược. Quách Mạt Nhược dùng họ của mình để đặt cho Phú Tử một cái tên Trung Quốc: Quách An Na, kể từ đó cho tới tận lúc qua đời, Phú Tử luôn dùng cái tên Trung Quốc này. Tháng 3 năm 1917, Phú Tử thi đỗ vào một trường y tại Tokyo, cô tạm xa rời tổ ấm mới xây để tới Tokyo nhập học, nhưng vào học được một tháng thì cô phát hiện mình đã có mang, nên lại đành gác lại việc học hành trở về Okayama. Cuối năm đó, cậu con trai đầu lòng của hai người ra đời, cuộc sống gia đình càng thêm đầm ấm. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của họ không lấy gì làm khá giả, song tình yêu dường như ngày một nồng thắm hơn. Những bài thơ tình yêu ông viết tặng cho Phú Tử vẫn đắm say lãng mạn như ngày nào, bên cạnh đó là khao khát sáng tác “thơ mới” ngày càng mãnh liệt. Năm 1919, phong trào Ngũ Tứ bùng phát tại Trung Quốc, những bài thơ hay nhất của Quách Mạt Nhược lần lượt ra đời.
Kể từ năm 1917 đến năm 1937, Quách Mạt Nhược và Phú Tử sống bên nhau, lúc ở Nhật Bản lúc ở Trung Quốc, trước sau đã có với nhau 5 người con cả trai lẫn gái, các con đều mang quốc tịch Trung Quốc. Họ đã cùng nhau trải qua những tháng ngày nghèo khổ khó khăn đến nỗi Phú Tử phải bán dần cả quần áo mùa đông để lo liệu cái ăn trước mặt cho các con, còn Quách Mạt Nhược làm thơ và dịch sách trên một chiếc hòm gỗ bởi nhà không có nổi một cái bàn. Họ cũng cùng chịu đựng sự ghẻ lạnh của hai bên gia tộc, sự áp chế của chính quyền trong thời gian quan hệ Nhật Trung căng thẳng. Nhưng vượt lên tất cả, sự dịu dàng của Phú Tử vẫn đem lại cho Quách Mạt Nhược dũng khí để đối mặt với hiện thực khắc nghiệt, để tiếp tục sống và làm thơ. Tuy nhiên, gia đình nhỏ với người vợ hiền và năm đứa con bốn trai một gái không đủ sức níu giữ Quách Mạt Nhược. Đến năm 1937, khi quan hệ hai nước ngày càng xấu, ông càng nung nấu ý định trở về quê hương tham gia kháng chiến. Bốn giờ rưỡi sáng ngày 25 tháng 7 năm 1937, sau khi để lại một bức thư từ biệt, ông đã âm thầm ra đi khi Phú Tử và các con còn đang say ngủ. Chuyến đi đó khởi đầu cho 11 năm xa cách của hai người.
Không thể kể hết những vất vả gian lao mà Phú Tử đã phải trải qua trong những ngày tháng ấy. Với một người chồng đã bỏ trốn về Trung Quốc tham gia kháng Nhật, với quốc tịch Trung Quốc của sáu mẹ con, cô hộ lý xinh đẹp dịu hiền ngày nào giờ đây trở thành một bà mẹ có tinh thần thép. Cương quyết không chịu thua trước sự đe dọa của chính quyền, bà trước sau vẫn không chịu xin cho các con đổi sang quốc tịch Nhật Bản, cũng không có cơ hội được làm các công việc nhẹ nhàng, bà phải làm rất nhiều công việc lao động chân tay nặng nhọc để nuôi các con ăn học. Đến tận năm 1948, khi chiến tranh đã kết thúc, các con cũng đã khôn lớn, ăn học thành tài, Phú Tử quyết định quay về Trung Quốc tìm chồng. Biết tin ông vẫn mạnh khỏe và hiện đang ở Hồng Công, bà tìm đến Hồng Công, hình dung ra ngày hội ngộ sau hơn mười năm cách biệt, Phú Tử lại cảm thấy xúc động như bao năm về trước đã từng xúc động trước những lời tỏ tình của ông. Nhưng cuộc sống thật trớ trêu, khi ông đã đứng trước mặt bà bằng xương bằng thịt, thì ông không chỉ có một mình. Bên ông lúc này đã có một người vợ khác, người phụ nữ mang tên Vu Lập Quần, cùng năm đứa con nhỏ! Phú Tử chết lặng người, cả chục năm bươn chải nuôi năm đứa con trong cảnh cô đơn cũng không làm bà đớn đau bằng một giây phút ấy. Và lại một lần nữa, bà nhận phần thiệt thòi về mình. Không thể vì níu giữ một gia đình cũ mà phá tan một gia đình mới, bà đã chọn lựa cách ra đi trong âm thầm, không một lời oán trách, không một chút giận dữ. Phú Tử đến Đài Loan sống cùng người con trai cả lúc này đang giảng dạy tại Đại học Đài Bắc. Năm 1949, Quách Mạt Nhược rời Hồng Công về sống tại Bắc Kinh, sau đó không lâu hai mẹ con Phú Tử chuyển đến sống tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, con trai làm việc tại Viện nghiên cứu Hóa học và Vật lý thành phố Đại Liên. Các con bà cũng lần lượt theo mẹ rời Nhật Bản đến Trung Quốc, làm việc tại nhiều vị trí khác nhau. Vậy là, sau bao sinh ly tử biệt, số phận lại an bài cho Quách Mạt Nhược và Phú Tử sống cùng ở một đất nước, tại hai thành phố rất gần nhau. Song bà trước sau như một, chỉ lặng lẽ đi bên cạnh cuộc sống riêng của ông. Năm 1978, khi Quách Mạt Nhược ốm nặng trong bệnh viện, Phú Tử lúc này đã 85 tuổi mới tới Bắc Kinh thăm ông như một sự trả nghĩa vợ chồng lần cuối. Ngày 15 tháng 8 năm 1994, Tá Đằng Phú Tử (Quách An Na) tạ thế ở tuổi 101, mang theo cả mối tâm tình sâu kín chưa hề thổ lộ cùng ai về một tình yêu nhiều ngọt ngào mà cũng đầy cay đắng.
Quách Mạt Nhược vốn là người đàn ông đa tình, cuộc đời và thơ ông dường như không lúc nào có thể thiếu bóng dáng những người phụ nữ. Trước sau ông đã có ba cuộc hôn nhân, ngoài cuộc hôn nhân thứ nhất do gia đình sắp đặt, hai cuộc hôn nhân với Phú Tử và Vu Lập Quần đều do ông chủ động, bên cạnh đó ông còn có không ít tình nhân như Bành Y Lan, Vu Lập Thầm, Hoàng Định Tuệ…, trong có người như Vu Lập Thầm (em của Vu Lập Quần) thậm chí còn vì yêu ông mà tự sát. Trong chuyện tình cảm riêng tư, Quách Mạt Nhược đã chịu sự chỉ trích của không ít người. Nhưng dường như chính những người phụ nữ đã từng yêu ông và chịu đau khổ vì ông lại chưa từng lên tiếng chỉ trích ông. Người yêu- người vợ Nhật Bản Tá Đằng Phú Tử là một người như thế. Tình yêu của bà dành cho Quách Mạt Nhược sáng trong và kiên định như những cánh hoa anh đào mỗi năm đúng hẹn là nở rộ. Bà là người đã nhen nhóm ngọn lửa thơ đầu tiên trong tâm hồn thi nhân vĩ đại, là người trước tiên đã vì ông từ bỏ cả tổ quốc và gia đình, sau đó lại vì ông chấp nhận sống trong cô đơn và lặng lẽ cho đến cuối cuộc đời. Phải chăng chính bà là vị “nữ thần” vô danh trong đời thơ Quách Mạt Nhược?
Diệu Linh
Nguồn; Văn nghệ Trẻ.