“Người lính kèn về làng” là tập truyện của nhà văn, đạo diễn Trần Quốc Huấn (1952-2014), vừa được NXB Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc.

Không ồn ào, những trang viết xao động hình ảnh người lính nói riêng, con người nói chung trong chiến tranh và thời hậu chiến đã mang lại cho người đọc cảm xúc đặc biệt. Tên truyện “Người lính kèn về làng” cũng là tên một kịch bản phim truyện mà theo nhà văn Bảo Ninh là “một trong những tác phẩm tuyệt vời hay, có thể nói hay nhất về đề tài chiến tranh…”.

Nhà văn Trần Quốc Huấn từng là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tập truyện này có in lại ba truyện “Bên ấy, trước có người ở”, “Người đi đêm không sợ ma” và “Vùng biển thẳm” từng mang về cho ông giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1987. Nhưng Trần Quốc Huấn không chỉ viết văn, ông còn viết phê bình, ghi chép, làm biên kịch và đạo diễn các phim truyện “Phần đời không muốn nhớ”, “Người lính kèn về làng”. Tham gia biên kịch và đạo diễn phim “Kiếp phù du”, “Đêm hội Long Trì”, “Đồng đội”…

Sở dĩ có đôi dòng về tác giả là bởi những bạn văn cùng thế hệ có thể biết rất rõ về Trần Quốc Huấn, nhưng độc giả lớp sau có thể muốn đặt câu hỏi về tác giả của những truyện ngắn tinh tế, nhiều trăn trở, nhạy cảm về con người ấy là ai? Nhất là khi, nói như bạn văn của ông là ở cái thời những năm cuối 1980 đầu 1990, “tác phẩm của Trần Quốc Huấn thường né xa khỏi thế sự náo nhiệt, tác giả thì ẩn đi, dù vẫn tiếp tục sáng tác mà không còn muốn xuất bản, thậm chí chuyển dần sang điện ảnh…”. Và đặc biệt là giờ đây, khi ông đã ra đi…

“Người lính kèn về làng” giới thiệu với bạn đọc 8 truyện của Trần Quốc Huấn, trong đó trừ chùm truyện ngắn đoạt giải nói trên thì còn có các tác phẩm “Đám mây màu hồng”, “Lạc chuồng”, “Những năm sau đấy”, “Người lính kèn về làng”, “Mùa trái rụng nhiều”.

Tinh tế trong cách đi vào góc khuất cảm xúc con người, trong cách tái hiện bộ mặt của chiến tranh qua cái nhìn về đời sống phía sau mặt trận, những câu chuyện của nhà văn Trần Quốc Huấn lặng lẽ xâm chiếm người đọc, gợi trong họ niềm cảm thông, sẻ chia sâu sắc. Giọng văn tự nhiên, hóm mà tuyệt nhiên không quá lời, không làm dáng, ngược lại rất chắt lọc, chặt chẽ đúng kiểu của một nhà biên kịch.

Tình người trong chiến tranh hiện ra qua hình ảnh bà mẹ tìm con gửi theo đùm khoai cho đoàn quân đến người mẹ – người phụ nữ thiếu thốn nhưng đàng hoàng trong những năm khó khăn bao cấp. Trần Quốc Huấn cho bạn đọc thấy tình đồng đội không phải chỉ là sống chết bên nhau mà còn là nỗi thương hiểu nhau trên cơ sở lòng tự trọng… Tất cả góp phần đánh thức những gì tốt đẹp nhất trong sâu thẳm con người.

Những nhân vật của Trần Quốc Huấn thường “cảm thấy một cái gì đấy không ổn” (truyện “Người đi đêm không sợ ma”) hay cảm thấy “một thứ không sao tách bạch nổi, không sao gọi đúng tên, thoang thoảng thôi, nhưng quá nồng nàn” (truyện “Mùa trái rụng nhiều”), hoặc “trong lòng anh đúng là có điều gì đó, cứ loay hoay, thấp thỏm…” (“Vùng biển thẳm”). Đó là những nhân vật có linh cảm mạnh mẽ, những linh cảm giúp nhận ra “những mặt trái trong quan hệ con người đôi khi còn đáng sợ hơn cả bị chết hay bị thương…

“Người lính kèn về làng” có sự dữ dội vừa đủ để chạm tới nỗi khổ tâm khi khát vọng yêu thương, kiếm tìm hạnh phúc vấp phải những “quy tắc thời chiến” và quan niệm cứng nhắc dễ hiểu một thời. Song mạch chảy âm thầm xuyên suốt tác phẩm vẫn là thứ tình người trong trẻo, nguyên vẹn, tự nhiên… mà điển hình là Thái – người lính kèn phục viên, hay Thao – người vợ trẻ âm thầm mang trong mình đứa con của chồng mà vẫn phải chịu đựng án oan để giữ cho chồng – người lính – khỏi mắc tội đào ngũ…

Đúng như nhà văn Bảo Ninh nhận xét: “Trong các truyện ngắn của Trần Quốc Huấn hầu như không có cái mà người ta vẫn gọi là “cốt truyện”, cũng không có cái vẫn được gọi là “nút thắt kịch tính”…”, “và chính vì không bom rơi đạn nổ, không ta thắng địch thua hoặc ta thua địch thắng mà càng năm tháng qua đi những tác phẩm về chiến tranh của Trần Quốc Huấn càng trở nên sâu lắng, thấm thía”.

“Người lính kèn về làng” với ngòi bút chạm vào những sâu thẳm tinh tế và tốt đẹp nơi con người, quả là một thứ quà văn chương đáng quý nhất.

Theo Hải Giang – Hà Nội mới