Ai cũng biết tình hình nghiên cứu, giáo dục nói chung hiện nay của Việt Nam cũng như trong chuyên ngành hẹp là văn chương, đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Và muốn giải quyết nó triệt để, thoát khỏi mớ bùng nhùng ấy, thì phải có những giải pháp tổng thể, khởi nguồn từ triết lí quản lí, triết lí giáo dục ở tầm vĩ mô, được đề xuất bởi những người lãnh đạo có tầm, từ đó khơi thông dần. Song đó là việc vĩ mô.

Ở phạm vi chuyên ngành hẹp mà tôi đang nói ở đây thì chúng ta nên cố gắng có những thay đổi như sau: nên chuẩn hoá công việc viết lách và nghiên cứu ngay từ những khâu nhỏ nhất, cơ bản nhất. Đây cũng là cái yếu của ta: không chú trọng đào tạo những kĩ năng cơ bản. Cái này các giáo sư, các giảng viên, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp phải làm gương trước, ngày trước không được đào tạo thì bây giờ phải tự đào tạo.

Cụ thể, trong một bài nghiên cứu thì các khâu, thao tác cơ bản như lập luận, dẫn chứng, trích dẫn phải thật khoa học, mạch lạc; và phải có tính lí luận, không thể nói khơi khơi, bình tán suông mà thiếu tính lí luận. Tôi vẫn không tưởng tượng được một bài nghiên cứu mà không có trích dẫn nào, hoặc chỉ trích dẫn vài ba cái lấy lệ, hoặc nói khơi khơi trong bài ý kiến của ông này ông nọ mà không có chú thích, trích dẫn nguồn. Cái đó rất bậy, rất tiểu nông và rất thiếu tôn trọng độc giả. Tương tự, về lí luận cũng vậy. Nên viết, suy nghĩ một cách có lí luận, tránh tình trạng nói suông, nghiên cứu kiểu bình tán, khơi khơi chung chung. Lí thuyết có thể sai, có thể cũ – có cái gì mới mãi đâu – song nhất thiết anh phải biết bám vào lí thuyết như là công cụ để thao tác. Và theo đó là người viết phải tuân thủ đúng các thao tác cơ bản của nghiên cứu như các thao tác lập luận, dẫn chứng, trích dẫn. Tuyệt đối tránh lối viết bình tán và nói dông dài ngoài phạm vi các lập luận. Thực ra, theo tôi đây cũng là căn bệnh chung ở ta, thể hiện không chỉ trong viết lách mà cả trong giảng bài, thuyết trình: nhiều giáo sư thường có phong cách nói tràng giang đại hải không có trọng tâm gì, và lại thường tự nghĩ và được nghĩ rằng như thế mới là uyên bác, mới là phong cách giáo sư. Cái này cũng có nguyên nhân là ở ta trình độ giữa các giáo sư rất khác nhau. Ví dụ có người dạy lí luận nhưng lí luận cũ kĩ, thế là các giáo sư khác trong lĩnh vực khác, nhưng lại có lí luận, đôi khi phải kiêm luôn cả công việc cung cấp lí luận cho sinh viên. Song dù sao đi nữa thì tôi thấy điều đó vẫn rất không chuyên nghiệp và nên thay đổi dần.

Tương tự trong phê bình (theo cái nghĩa là các bài phê bình mang tính thời sự hơn là các bài nghiên cứu chuyên sâu) trên báo chí cũng vậy. Hết sức tránh việc tấn công, chỉ trích cá nhân. Tránh kiểu trong bài phê bình mà nói chì chiết, mỉa mai nhau kiểu “tôi nghe ông này ông kia ca ngợi hết lời, tôi liền lùng sục bao nhiêu ngày vẫn không mua được cuốn sách, thế là tôi phải nhờ bạn mua ngoài HN rồi gửi chuyển phát nhanh vào SG cho tôi,…” Trong bài nghiên cứu, phê bình, chỉ có lập luận và lập luận. Tưởng cái thời phê bình chửi nhau chợ búa ngày xưa đã qua rồi, giờ tôi vẫn thấy xuất hiện kiểu phê bình chì chiết và đao búa đó. Bất đồng quan điểm là bình thường, song phải tranh luận nó một cách khoa học. Trong nghiên cứu, phê bình lại càng phải vậy.

Từ những vấn đề trao đổi chủ yếu thiên về khía cạnh kĩ thuật trên đây tôi cũng mạo muội có ý kiến là nghiên cứu, phê bình Việt Nam nên tăng tính lí thuyết, bám vào lí thuyết để thao tác nhiều hơn thì sẽ hay hơn kiểu viết bình tán kể lể chung chung. Dù là lí thuyết nào. Đó là chưa nói (và tất nhiên) các cách tiếp cận cũ cần phải được thay thế dần; tức là cần mạnh dạn giới thiệu có hệ thống các lí thuyết mới trên cơ sở hệ hình mới để có những góc nhìn sâu hơn./.”

……………

Chú thích:

*Nhan đề do Phê bình văn học đặt