Abdalla F. Hassan
Qua một con đường nhỏ có nhiều bóng cây xanh và một ngôi nhà thờ Hồi giáo mái vòm tại Dabiya, Ai Cập, người ta có thể thấy lối đi dẫn đến ngôi nhà của thi sĩ Abdel-Rahman Elabnoudy, người được mệnh danh là nhà thơ của người dân Ai Cập. Elabnoudy sống trong một ngôi nhà sơn trắng tại một lô đất trồng xoài ở một ngôi làng thuộc tỉnh Ismailia, dọc theo kênh đào Suez. Vài thập kỷ trước, ông từng gieo trồng trên mảnh đất này và thiết kế ngôi nhà mô phỏng theo kiến trúc truyền thống của Abnoud, Thượng Ai Cập, ngôi làng ông đã được sinh ra.
A. Elabnoudy sinh năm 1938, ông là một nhà thơ nổi tiếng của Ai Cập, đồng thời cũng là một nhạc sĩ, nhà soạn kịch, và nhà phê bình xã hội. Gần đây, ông còn viết sách cho thiếu nhi. Là một nhà thơ, Elabnoudy được biết đến với những tác phẩm đậm chất phương ngữ Ai Cập thay vì ngôn ngữ ả Rập tiêu chuẩn. Điều này có liên quan đến một cam kết chính trị, Elabnoudy và các nhà văn cùng trường phái sáng tạo văn chương theo hướng dân chủ phổ biến ở đất nước Bắc Phi này.
“Tôi đến từ một ngôi làng, nơi mà tất cả mọi người đều ca hát, trừ những chủ cửa hàng”, Abdel-Rahman Elabnoudy, 74 tuổi, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của thế giới ả Rập, sáng tác thơ bằng tiếng bản xứ, tâm sự, “Mọi người làm việc và ca hát, với số tiền mà họ thu hoạch được trong ngày, họ sẽ mua những thứ đơn giản như trà và thuốc lá.”
Sách và các giải thưởng xếp hàng trên kệ đầy nắng trong phòng khách. Trên bức tường nhà, bên dưới bức chân dung đen trắng của cha ông, Mahmoud Elabnoudy, là bức ảnh rạng rỡ của Abdel-Rahman và mẹ của mình, Fatma Qandil.
“Đó là một tình yêu lớn lao”, Elabnoudy nói về mẹ mình, “Bà ấy ảnh hưởng rất nhiều đến thơ tôi, nhưng cha tôi thì không. Mẹ tôi thật sự là một nhà giáo dục tuyệt vời”.
Cha của Elabnoudy là một lãnh tụ Hồi giáo, một giáo viên tiếng ả Rập, và cũng là một nhà thơ cổ điển, tuy nhiên, ông ít có thời gian cho con trai. “Siêng năng và tham vọng khiến ông quên mất người phụ nữ của mình và bỏ lại tôi trong ngôi làng với sự dốt nát và mù chữ.”
Mặc dù không biết chữ, nhưng mẹ của Elabnoudy lại là một kho tàng văn học dân gian phong phú. Thơ ông bắt đầu từ những câu hát dân gian, từ những ngày gieo trồng, gặt hái trên đồng ruộng. Nó phản ánh một cách sâu sắc đời sống nghèo khổ của người Ai Cập vùng phía Nam. Ông nói: “Nhà văn thường quan sát người nông dân từ bên ngoài, vì họ sợ bẩn quẩn áo. Còn quần áo của tôi thì vốn đã bẩn. Tôi biết cuộc sống của họ vì tôi là một trong số họ.”
Thực tế khắc nghiệt của vùng nông thôn không phù hợp với hoa lá hay sự huyền bí trong thơ ả Rập cổ điển. Những thứ đẹp đẽ ấy, theo Elabnoudy, không hề tồn tại trong cuộc sống mà ông đã từng trải cùng mẹ và những người dân khốn khổ. Đó là lý do ông quyết tâm viết những trang thơ về cuộc sống của những người vất vả quanh mình.
Abdel-Rahman Elabnoudy đã tới Cairo, thủ đô, lần đầu tiên vào năm 19 tuổi theo lời mời của một giáo sư văn học Pháp. Sau chuyến đi, ông đã trở về và ghi danh vào Đại học Cairo. Nhưng ông lại lảng tránh không khí nhộn nhịp của trường đại học mà đến với những salon văn học để đọc thơ và kết bạn với các nghệ sĩ khác. Sau học kỳ đầu tiên, Elabnoudy trở lại Thượng Ai Cập, ông bảo: “Người trí thức say sưa với trung tâm thành phố lớn, nhưng nếu họ muốn thay đổi thực tế, họ nên đi về nông thôn.”
Trong bô sưu tập quý giá của ông có cả những nhà văn hiện thực kỳ cựu của Nga như Dostoyevsky, Tolstoy, Turgenev,… Đây cũng chính là những người khuấy động cả một thế hệ nhà văn ở Nam Ai Cập. Elabnoudy đã làm thư ký trong tòa án thành phố Qena cùng với người bạn lâu năm là Amal Donqol, một nhà thơ ả Rập cổ điển, nhưng, “Tôi đã sớm nhận ra rằng, công việc đó là một gánh nặng đối với tôi.” ở tuổi 24, một lần nữa Elabnoudy rời Cairo. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự đột phá của ông sau này.
Elabnoudy đã làm việc như một nhạc sĩ, bài hát của ông được phát sóng trên khắp thế giới ả Rập. Ông cũng gia nhập làng văn chương và được biết đến như một nhà thơ của thế hệ những năm 60. Nhà báo Salah Essa, người từng gặp Elabnoudy năm 1962, đã nói rằng, ngôn ngữ trong thơ của ông “Là sự pha trộn giữa bài hát dân gian với những lời hát ru và cả tiếng rao của người bán hàng trên đường phố.” Còn nhạc sĩ Gamal Bekheet thì nói thơ của ông là “Một thế giới mới đang được hình thành. Đó là thế giới đắm chìm trong các cuộc đấu tranh chính trị và bị áp đặt bởi chính trị quốc tế.”
Về bản thân, Elabnoudy chia sẻ: “Thế hệ những năm 60 chúng tôi lớn lên với những trận chiến của dân tộc. Chúng tôi và quốc gia đã trở thành một. Tôi viết về dân tộc như tôi viết về con gái yêu quý của mình. Nó giống như đã trở thành một phần máu thịt của tôi vậy. Hầu hết thơ ca của tôi đều có liên quan đến những nỗi đau cũng như những ước mơ, nguyện vọng, những thất bại, những đấu tranh và cả cuộc cách mạng dân tộc.”
Cuộc đấu tranh thơ ca đầu tiên của Elabnoudy, thật oái ăm, lại là với cha mình. Mahmoud Elabnoudy đã lên án kiểu thơ thông tục của con trai. Ông cho rằng, thơ ấy giống như một sự phản bội với tiếng ả Rập thánh thần, với đức tin Hồi giáo, những yếu tố tạo nên thơ ả Rập cổ điển. Ông thậm chí còn xé nát bộ sưu tập đầu tiên của Elabnoudy, Đất đai và Trẻ con (The Land and the Children).
Các nhà thơ thông tục đã bị chỉ trích và bị buộc tội, họ bị hất ra khỏi thế giới thơ ả Rập. Elabnoudy đã nói rằng, lý do thơ thông tục bị phê phán là bởi nó đã nói chuyện với quần chúng và phục vụ cho việc kêu gọi thống nhất ả Rập trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Gamal Abdel Nasser, người đã được bầu làm tổng thống Ai Cập trong khoảng thời gian 1956 -1970, cũng là người đã lãnh đạo phong trào dân tộc Ai Cập vào năm 1952, lật đổ nền quân chủ của nhà Muhammad Ali và xây dựng chế độ cộng hòa tại Ai Cập. Ông còn có công thương lượng để chấm dứt sự chiếm đóng kéo dài trong suốt 72 năm của Đế quốc Anh ở Ai Cập, đồng thời xây dựng lên công trình đập Aswan Hight nổi tiếng. Ngoài ra, Nasser còn là người theo đuổi chủ nghĩa xã hội, và là huyền thoại sống trong thế giới ả Rập một thời. Rất nhiều văn sĩ ả Rập sùng bái vị lãnh tụ này, trong đó, có Salah Jaheen, một nhà thơ thông tục, bạn thân của Elabnoudy.
Tại Cairo, Elabnoudy làm quen được với Salah Jaheen và cả Fouad Haddad, người đã từng bị cầm tù bởi sự bất đồng quan điểm chính trị. Họ đã nhanh chóng trở thành những người bạn tri kỷ, cùng nhau sáng tác, làm việc và đồng cảm với chủ nghĩa xã hội và những người cộng sản.
Elabnoudy đã tự mình tham gia vào dự án xây đắp đập Aswan Hight và sống cùng với người lao động trong ngôi làng Abnoud, xem họ phá đá, lấp đất. Trải nghiệm thực tế này đã tạo nên một trong những công trình nổi tiếng của ông. Đó là bộ sưu tập thơ với hình thức trao đổi thư từ giữa những người làm việc tại công trình đắp đập và người thân của họ, trong đó có cả thư của chính ông.
Để hóa giải mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai cha con, tháng 10-1966, bà mẹ đã tới Cairo, sắp xếp một buổi họp mặt. Đây cũng là lần đầu tiên Elabnoudy và cha mở lòng, nói chuyện thẳng thắn với nhau. Những chuyện xảy ra tiếp theo giống như một bộ phim, nhân viên an ninh đã đến nhà và bắt Elabnoudy. Chính vào lúc đó, niềm tin của cha ông đã bị phá vỡ. Nhân viên an ninh đã lôi Elabnoudy đi và tịch thu mọi giấy tờ, bao gồm cả bản thảo duy nhất của một công nhân đắp đập.
Elabnoudy đã bị bắt cùng với các nhà thơ, nhà văn, nhà báo thuộc nhóm Đoàn kết Cộng sản bí mật. “Chúng tôi là một tổ chức. Chúng tôi đã chống lại sự cai trị tàn bạo của Gamal Abdel-Nasser.” Ông đã bị gửi đến nhà tù Saladin và sau đó là Tora. Ông được phóng thích nhờ sự can thiệp của Jean-Paul Sartre, một nhà triết học người Pháp.
Trong khi sống tại Abnoud, Elabnoudy đã được mời đến Cairo để viết nhạc về chiến tranh Ai Cập bởi ca sĩ nối tiếng Hafez, nhưng ông đã từ chối, “Tôi đã nói rằng: Tôi không được hít thở không khí trong lành bên ngoài nhà tù. Anh muốn gì ở tôi chứ? Một tù nhân quốc gia, Abdel-Rahman Elabnoudy, muốn giành chiến thắng? Không, tôi sẽ không đến.”
Hafez đã cố thuyết phục Elabnoudy thay đổi suy nghĩ của mình và đã thành công. Elabnoudy nhận lời viết nhạc, tất cả những bài hát của ông đều được ca sĩ Hafez thể hiện và trở thành điểm nhấn trong chương trình phát thanh thời chiến.
Sau thất bại của Ai Cập trong cuộc chiến 1967, Abdel-Rahman Elabnoudy đã đến Suez, ông sống trong một ngôi nhà giản dị và viết thơ như một nhân chứng. Những năm sau đó, Nasser tiến hành mở rộng chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở nông thôn và trở thành một nhân vật huyền thoại. Elabnoudy đã tạo ra Chạm vào nỗi sợ hãi (Touch of Fear), một bộ phim về một trưởng thôn độc tài và cái chết của ông ta. Bộ phim này được chiếu sau khi Tổng thống Nasser kiểm duyệt và cho phép. Nhưng, nó chỉ được chiếu rạp chứ không được lên truyền hình Ai Cập. Elabnoudy chỉ viết duy nhất một bài thơ bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo Gamal Abdel Nasser vào năm 1970, khi ông này mất. Đó là một bài thơ ca ngợi sự liêm khiết.
Đối với Abdel-Rahman Elabnoudy, thơ ca và chính trị là hai thứ có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ông nói: “Đó là số phận của chúng tôi, những người sống trong một đất nước như thế này.”
Elabnoudy đã phải chịu đựng rất nhiều trong suốt sáu thập kỷ. Bài thơ mới đây của ông, Quảng trường (The Square) được coi là bài thơ triệu hồi sự sụp đổ của một đất nước già cỗi. Cuộc cách mạng Ai Cập nổ ra năm 2011, với Elabnoudy, là một hy vọng. Nhà thơ dự đoán rằng, sẽ có một cuộc cách mạng tiếp theo trong khoảng 8 đến 12 năm nữa, khi các lực lượng cách mạng đã kết hợp thành một đảng chính trị có sức mạnh áp đảo. Theo ông, sai lầm lớn nhất của những người làm cách mạng là sự chia cắt. Họ sẽ vẫn bị chia cắt cho đến khi khiêm tốn nhận ra rằng, không thể có cả một ngàn người cùng lãnh đạo.
Vũ Thị Huế
Lược dịch theo nytimes.com
Nguồn: Vannghetre