Hà Minh Đức viết rất đều và rất nhiều. Cho đến khi tự hẹn sẽ không viết thêm nữa, ông đã in 53 đầu sách, chưa kể những lần tái bản có sửa chữa, bổ sung. Sách của ông nói chung cuốn nào cũng dày dặn. Khác với nhiều nhà nghiên cứu chỉ chuyên chú một lĩnh vực, Hà Minh Đức cân đối cả văn lẫn thơ. Không những thế, ông còn mở ra tới báo chí, kịch và lý luận chung. Là người đăng ký và được Giải thưởng Nhà nước rồi Giải thưởng Hồ Chí Minh bằng 12 cuốn nghiên cứu về văn xuôi nhưng ông cũng đã dành cho thơ đến 13 cuốn. Tỷ mẩn hơn một chút, sẽ thấy những cuốn sách được tái bản nhiều lần nhất của ông, phần nhiều là phê bình, tiểu luận về thơ.


Cũng cần nói thêm, đến nay, Hà Minh Đức đã có sách về hầu hết những nhà thơ lớn thời hiện đại, như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ. Ông là người đã có vài chục năm rất chịu khó gặp gỡ, trò chuyện, ghi chép về các nhà thơ, nhà văn và gần như là người sáng tạo ra một lối nghiên cứu mới, đó là ghi lại một cách khách quan những ý kiến, những câu chuyện của những nhà thơ, nhà văn mà ông đã có dịp gặp. Trong hàng loạt chuyên luận tôi vừa kể, chỉ trừ Nguyễn Bính, còn các nhà thơ khác, ít nhất, Hà Minh Đức cũng đã từng gặp gỡ, trò chuyện vài ba lần. Những trang ghi chép đó vừa là thành quả nghiên cứu của ông, vừa là tư liệu cho những nhà nghiên cứu khác sau này. Ai nghĩ thế nào thì tùy, riêng tôi, tôi nghĩ rằng đó là những tư liệu sinh động, đáng tin cậy.

Cùng với “Thơ Việt Nam – Hình thức và thể loại” (1968), “Thơ và một số vấn đề trong thơ hiện đại” (1974), cuốn “Một thế kỷ thơ Việt Nam” được coi là tập cuối trong bộ ba khảo cứu về thơ Việt của Hà Minh Đức. Nếu những cuốn trước đi vào những vấn đề về hình thức, thể loại thơ trong truyền thống; một số vấn đề về nội dung và hình thức thơ hiện đại thì cuốn này nghiêng về văn học sử, mang tính tổng kết thơ Việt Nam thế kỷ XX và một số suy nghĩ của tác giả về hướng đi của thơ Việt trong tương lai.

Để đánh giá thành quả nghiên cứu thơ của Hà Minh Đức, trước hết cần bàn một chút về phong cách nghiên cứu, phong cách văn của ông, một vấn đề cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Hà Minh Đức đi dạy học khi còn khá trẻ và cho đến những năm ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn còn trên bục giảng. Khi không còn trên bục giảng nữa, Hà Minh Đức vẫn tiếp tục công việc nghề giáo của mình. Ông hướng dẫn nghiên cứu, tham gia các buổi hội thảo về giáo dục, viết sách chủ yếu dùng trong nhà trường. Nghĩa là ông vẫn là một thầy giáo, công việc chính suốt cuộc đời là công việc của nghề giáo. Không biết có giống những nghề khác không nhưng tôi thấy dấu ấn nghề nghiệp của nghề giáo thường in đậm vào lối sống, cách suy nghĩ, văn phong của nhiều người khá rõ, nhất là nhà thơ, nhà văn, các nhà phê bình, nghiên cứu văn học. Trong phê bình, nghiên cứu văn học, có thể kể những người tôi biết khá kỹ như Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Đình Kỵ hay một vài người khác ở bên Đại học Sư phạm…Nét chung của họ là sự chừng mực, có phần ôn hòa, nói năng rào trước đón sau kỹ lưỡng nhưng đã thế nào thì như thế đến cùng, ít thay đổi. Các công trình của Hà Minh Đức có nét chung ấy, tuy cũng có nét khác do ông còn là người sáng tác nên phần nào có sự tinh tế, bay bổng, chia sẻ mà chỉ người sáng tác mới có.

Về cách chọn người để nghiên cứu, từ những năm bảy mươi, ông có nhiều bài viết, thậm chí sau này còn có cả một cuốn chuyên luận về Tố Hữu, khi đó nhà thơ này còn trên đỉnh quyền lực và vinh quang. Vì những lời khen khá nồng nhiệt với Tố Hữu, có người gán cho Hà Minh Đức nhiều điều có phần nặng nề. Nhưng cũng ngay từ ngày ấy, bên cạnh nhiều lời khen, Hà Minh Đức vẫn viết những dòng chê, tuy không gây sốc cho người đọc. Đến nay, khi Tố Hữu đã khuất bóng và ai đó đã “quay mặt” với thơ ông như thể phải như thế mới “hợp thời” thì Hà Minh Đức vẫn thủng thẳng, chừng mực bình phẩm đời thơ Tố Hữu, cả phần tót vời lẫn những chỗ chưa tới (văn chương nước ta, nhiều khi a-la-xô, bình phẩm khen chê theo phong trào, điều này xin phép được nói khi khác)… Như thế là có bản lĩnh tuy không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Văn phong của Hà Minh Đức cũng không phải loại gây sốc. Hình như ông ít chú ý nhấn mạnh những cái mới, nhất là những cái mới của riêng mình nên đọc ông cứ đều đều, nghiêm cẩn giọng văn nghiên cứu, trong một bài cũng thế, giữa các quyển sách cũng thế. Tìm được những nét mới, nét khác lạ thường lẩn kín trên trang văn của Hà Minh Đức không phải dễ dàng. Nhưng đọc kỹ, nhìn tổng thể, Hà Minh Đức có một nét rất quí, đó là thái độ khách quan, không thiên vị, yêu nên tốt ghét nên xấu khi nhìn nhận một số vấn đề trong thơ ca cũng như nền thơ ca của nước ta. Ông nhiệt thành ủng hộ cái mới, cái trăn trở để đổi mới thơ; và tin vào tương lai của thơ nói chung cũng như thơ Việt nói riêng, ngay vào lúc người ta đang hoang mang về số phận thơ trong đời sống hiện đại.

Tuy đã nhiều lần nói về lịch sử phát triển của thơ ca Việt trong các chuyên luận khác, nhưng chỉ đến “Một thế kỷ thơ Việt Nam”, Hà Minh Đức mới có điều kiện để dành hẳn 400 trang sách bàn về lịch sử hình thành và phát triển của thơ ca Việt Nam. Bàn về lịch sử thơ Việt Nam cũng là bàn về lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, hoặc dè dặt ra thì cũng là hầu hết những vấn đề của văn học Việt Nam nên Hà Minh Đức chuẩn bị khá kỹ, cả về tư liệu lẫn các quan điểm. Về các giai đoạn thơ, Hà Minh Đức không phân kỳ thơ theo các dấu mốc lịch sử mà chủ yếu bám sát theo sự phát triển của thơ. Ông thường lấy các tác giả tiêu biểu làm mốc cho sự phân chia giai đoạn. Nhưng dù cách chia giai đoạn như thế nào, người đọc vẫn quan tâm đến cách đánh giá về từng giai đoạn và các tác giả tiêu biểu trong giai đoạn ấy là chính. Ngoài hai chương đầu khoảng hơn 60 trang dành cho những đánh giá tổng quát và giai đoạn từ thời kỳ có tư liệu về văn học thành văn đến năm 1930, đã được nghiên cứu nhiều và cũng đã thống nhất trên nhiều bình diện căn bản, Hà Minh Đức dành hơn 330 trang (kể cả phụ lục minh họa) cho giai đoạn 70 năm sau, với bối cảnh cuộc cách mạng long trời lở đất tháng 8/1945, hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và từ 1975 đến nay.

 

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hà Minh Đức

Hà Minh Đức đã đề cao Thơ Mới, coi đó là “giai đoạn hưng thịnh và hoàn thiện quá trình hiện đại hóa thơ”. Nghiên cứu về giai đoạn này, ông đã dành nhiều trang cho từng tác giả tiêu biểu, từng mặt đóng góp của Thơ Mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Tuy nhiên, Hà Minh Đức luôn xếp thơ ca cách mạng giai đoạn 1930 – 1945 là một dòng riêng của thơ Việt Nam hiện đại bên cạnh Thơ Mới, với những tác giả tiêu biểu của dòng này như Tố Hữu, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Sóng Hồng… Ông thừa nhận ảnh hưởng qua lại giữa hai dòng thơ như một thực tế khách quan mà Tố Hữu là một trường hợp tiêu biểu, nhưng cũng có nhận xét: “Tuy nhiên, chính Tố Hữu cũng tiếp nhận trực tiếp ảnh hưởng của thơ Pháp với những tác giả mà ông yêu thích… Ở tuổi thanh niên, thơ Tố Hữu là sự hòa hợp của những yếu tố cơ bản: Tuổi trẻ, thi ca, cách mạng. Và riêng với thơ, ông đã hòa nhập với quá trình hiện đại hóa”. Đây là một nhận xét đáng chú ý.

Một trường hợp khác Hà Minh Đức dành nhiều trang viết cho tác phẩm thơ “Nhật ký trong tù” viết bằng chữ Hán của Hồ Chí Minh. Qua phân tích những thành quả của tập thơ này, ông đi đến kết luận: “Thơ ca cách mạng 1930-1945 chỉ phát hành trong bí mật nhưng ở bước phát triển cao hơn thời kỳ trước về tư tưởng và nghệ thuật”. Kết luận này lâu nay vốn chỉ dành cho phong trào Thơ Mới mà thôi.

Cũng trong quá trình nghiên cứu thơ giai đoạn 1930-1945, Hà Minh Đức đã nhận định: “Phải thấy rõ Thơ Mới có công trong việc phát triển thơ Việt Nam ở chặng đường hiện đại, song không thể tạo ra chuẩn mực vĩnh viễn cho mọi thời đại. Bước sang thời kỳ lịch sử mới… thơ ca cũng phải có những sáng tạo mới, thích hợp với bước đi của xã hội”. Và ở một đoạn khác: “Thơ Mới đã đi hết con đường của mình”. Những nhận định này không giống một quan niệm lâu nay là trong thế kỷ XX, chỉ có 2 cuộc cách tân thơ, đó là phong trào Thơ Mới và thơ của nhóm Sáng Tạo ở miền Nam trước năm 1975. Mọi đổi mới thơ ca trong thế kỷ XX chỉ là phần “vĩ thanh” của 2 trào lưu thơ này.

Hà Minh Đức cũng là người nhiệt tình ủng hộ đổi mới thơ ca, tin vào tương lai của thơ Việt trong bối cảnh văn hóa đọc đang khủng hoảng: “Thơ Việt Nam hiện đại đang phát triển. Cái gốc của vấn đề chính là tình yêu đối với thơ của nhân dân vẫn đậm đà tha thiết… Có thể có những người say mê, đắm đuối với cái mới, cái lạ sẽ không còn ưa thích nhưng thơ vẫn tồn tại, từ cội nguồn, số đông vẫn bảo vệ cho thơ phát triển”. Để chứng minh cho quan điểm này, ông đã dẫn ra hơn một tác giả mới, xu hướng mới vừa đa dạng vừa táo bạo để đổi mới thơ. Tuy mới là niềm tin, chưa có nhiều minh chứng, nhưng niềm tin của Hà Minh Đức có sức thuyết phục vì nó kết tinh những chiêm nghiệm suốt nửa thế kỷ nghiên cứu, thể hiện bản lĩnh của một cây bút già dặn và đó là lời nói không thể không tin là thật ở một người không có gì cần phải nói dối, phải “diễn” nữa.

Để kết luận bài viết này, tôi cũng nghĩ như Chế Lan Viên trong bài tựa cho tập sách “Thơ và một số vấn đề trong thơ hiện đại” viết năm 1974 rằng dù không phải đã “tán thành tất cả những điều viết ra trong sách… nhưng cái điều quan trọng là đường hướng chung của tập sách đã phù hợp với sự suy nghĩ của mình”. Và (đây cũng là ý của Chế Lan Viên): “Có thể gọi tập sách của anh Hà Minh Đức đã đưa ra một lý luận ta chấp nhận được, có thực tiễn, có đấu tranh, đứng vững trên quan điểm của mình mà không gò bó hẹp hòi, bao quát xa mà không rối rắm. Đọc xong tập sách, ta càng tin vào khả năng của Thơ hơn giữa lúc nhiều nơi muốn báo tử nó”.

Nguồn: VNCA