“Mình và Họ” (NXB Trẻ) là cuốn tiểu thuyết của nhà văn áo lính Nguyễn Bình Phương (Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội). Tác phẩm này vừa được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 với số phiếu tuyệt đối 9/9. Nguyễn Bình Phương không phải là cái tên xa lạ trong văn giới và đây cũng không phải là giải thưởng đầu tiên của anh. Đọc “Mình và Họ” để cảm nhận thêm những không gian sáng tạo của anh, nhưng cũng là trải nghiệm một cách đọc vừa cuốn hút vừa thách thức với độc giả…

Tác giả Nguyễn Bình Phương và tiểu thuyết vừa đạt giải.

Tác giả Nguyễn Bình Phương và tiểu thuyết vừa đạt giải.

Trong lời giới thiệu cuốn tiểu thuyết, NXB Trẻ viết “Mình và Họ” gồm ba câu chuyện được lồng vào nhau trong không gian của những người đang tham gia đi lên, đi xuống. Giữa những chuyến đi đó là hồi ức của người lính thương binh đã tham gia trực tiếp trận chiến đấu tại vùng biên giới, (…) luôn ám ảnh khôn nguôi về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên những mỏm địa đầu…”. Nhưng trong bài đáp từ nhận giải, Nguyễn Bình Phương cũng bày tỏ thực ra “Mình và Họ” không chú tâm hoàn toàn để ghi lại cuộc chiến đã được nhân dân khắc ghi, lịch sử khắc ghi. Chiến tranh là bối cảnh để phản ánh nhiều vấn đề của con người…

Bên cạnh đó, như Hội đồng Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội ghi nhận, thành công của tác phẩm này còn nằm ở lối viết phức tạp, đa tuyến, đa chiều, ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, dẫn dắt câu chuyện… của tác giả. Có nhà văn đã nói, nếu độc giả quên tên tác phẩm cũng không sao nhưng chỉ cần nhớ tên nhân vật là đã thành công. Qua đây đủ thấy việc xây dựng hình tượng nhân vật quan trọng với tác phẩm thế nào. Ở “Mình và Họ” Nguyễn Bình Phương mang đến cho người đọc một thế giới nhân vật như thế, khó mà phai mờ như hình ảnh người lính, anh trai của Hiếu – nhân vật kể chuyện, về những con người bình thường nhưng nhiều điều phi thường như vợ chồng vua bắt trăn ở miền núi phía Bắc, hoặc có khi chỉ là những người đàn bà trong nhiều giằng xé của đời sống như Hằng, như mẹ Hiếu… Thoảng có những nhân vật chỉ như lướt qua trang viết không bao giờ quay lại nhưng cũng để lại những khoảng lặng như ông già bảo vệ đứng nghiêm, ưỡn ngực nói với người lính thế hệ sau: “Tôi là lính chống Mỹ!” trong một tình huống nhiều dồn nén. Chính sự đa dạng, nhưng rất độc đáo của các nhân vật làm nên vẻ đẹp, sức cuốn hút cho tác phẩm và đồng thời cũng thách thức sự khám phá của độc giả…

Đặc biệt, Nguyễn Bình Phương có nhiều trang viết về những con đường, vùng đất ở miền biên giới với vẻ mê hoặc, kỳ bí mà cũng gần gũi, hấp dẫn… “Một dải núi xanh lam trong veo ngang tầm nhìn, chia thế giới thành hai phần bằng nhau. Nắng trượt xuống từ vạt núi bên trái làm con sông quắc lên gay gắt”. “Đôi trăn uyển chuyển đĩnh đạc tiến lại gần xe. Mình thấy rõ lớp da sáng nhấp nhánh có những đường kẻ đen lịm pha với các đường kẻ vàng ươm của chúng. Dưới lớp da xếp hình quả trám là những đợt sóng ngầm cứ cuồn cuộn trào lên rồi lặn mất, lại trào lên…”.

Bạn văn đùa rằng ở tác phẩm này Nguyễn Bình Phương đã hạ xuống một chút “tông” kỳ bí. Còn chia sẻ với Báo Hànộimới, nhà văn áo lính chỉ nhẹ nhàng, đó là cái tạng viết!

Trong phê bình văn học, các nhà phê bình từng nói về việc người đọc là đồng tác giả, thì ở đây cảm nhận này rất rõ ràng. Nhà văn cho độc giả một không gian rộng lớn của sự liên tưởng, suy ngẫm để tự mình khám phá chiều sâu tác phẩm. Giữa thế giới nhân vật phong phú, đa dạng, phức tạp, bạn đọc như ở trong một kính vạn hoa, lắc nhẹ là biến ảo, nhìn mỗi góc lại thêm một phát hiện, đồng cảm hoặc phản biện. Điều này phải chăng cũng là mong muốn của Nguyễn Bình Phương khi anh cho rằng: “Một tác phẩm khi đưa ra câu hỏi không nhất thiết phải có ngay câu trả lời, câu trả lời có khi nằm ở tác phẩm khác, hoặc có khi mãi mãi không có câu trả lời…”.

Tất nhiên, là nói thế, nhưng trong thẳm sâu trong mỗi ngòi bút nhà văn, sự băn khoăn nào cũng bắt nguồn từ lời thúc giục tìm về bản thể, làm thế nào để con người người hơn và cũng khiến cho văn chương có ích hơn với cuộc đời?!

Theo Hà Dương – Hà Nội mới online