“Có lẽ quan điểm nhất quán của Hoàng gia Thụy Điển với Nobel văn chương là đứng về phía những con người lao khổ” – dịch giả Trần Đình Hiến.
Chúc mừng tác giả Mạc Ngôn vừa đoạt giải Nobel văn chương và cũng xin chúc mừng dịch giả, người đã mang nhà văn đến với công chúng!
Chúc mừng ông Mạc Ngôn! (cười). Phóng viên nhận được tin nhanh quá!
Trong 3 tác phẩm tiêu biểu đoạt giải của Mạc Ngôn tôi mới dịch được 2 cuốn, “Báu vật của đời” và “Cây tỏi nổi giận”. Có lẽ ngày mai phải dịch ngay “Cao lương đỏ”. Bản gốc của cuốn sách này dày 700 trang, viết hay lắm. Bản dịch của anh Huy Tiêu trước đây là kịch bản phim chứ không phải tác phẩm văn học.
Nghe nói Mạc Ngôn sáng tác rất nhiều, sức viết khủng khiếp?
Ông ấy có khoảng 300 tác phẩm. Và một đặc điểm của ông ta là đề tài không bao giờ lặp lại.
Vâng, và bản thân ông cũng nói khi dịch Mạc Ngôn phải luôn tự làm mới mình.
Đúng quá rồi! Nhà văn nào cũng có một vùng không gian riêng. Về mặt lý luận, phương pháp của Mạc Ngôn là biến không gian địa lý thành không gian văn học. Ông ngồi ở vùng đất Cao Mật của mình, không đi đâu, nhặt nhạnh tất cả mọi thứ từ Trung Quốc và từ thế giới về làm tư liệu.
Nhưng cái căn bản nhất mà Mạc Ngôn có là chủ nghĩa nhân văn. Ông ấy thương người, viết kiểu gì cũng quy về điều đó. Giọng văn của ông đọc “tưng tửng” thế, nhưng nghĩ sâu là chảy nước mắt. Lòng thương người của ông ấy rộng lớn lắm. Tôi thích là ở chỗ đó.
Cũng là lý do tại sao sách của Mạc Ngôn được yêu thích tại Việt Nam, thưa ông?
Đúng vậy! Có khi là do hợp với tâm trạng, hoàn cảnh, nên người ta thích. Ông ấy bênh vực người nông dân, bên vực người nghèo, những người thất cơ lỡ vận. Ngay nhân vật Lỗ Toàn Nhi (trong tác phẩm “Báu vật của đời”) là ông ấy rất thương. Năm người, tượng trưng cho năm thế lực chống đối nhau quyết liệt, đến rồi đi qua gia đình bà. Mỗi người đến lại “khoắng” đi một đứa con gái của bà và để lại hậu quả là một đứa cháu cho bà nuôi. Nghĩ rộng ra, đó là một bà mẹ đất nước với vô vàn cơ cực do những đứa con gây ra.
Ông ấy hình tượng hay lắm. Nên tôi mới chọn “Báu vật của đời” là tác phẩm đầu tiên của Mạc Ngôn để dịch.
Có lẽ quan điểm nhất quán của Hoàng gia Thụy Điển với Nobel văn chương là giải này đứng về phía những con người lao khổ. Hễ tác giả nào có tác phẩm như vậy thì họ trao thôi.
Trước đây có một người đoạt giải gần giống Mạc Ngôn, là Cao Hành Kiện với tác phẩm “Linh Sơn”. Cao Hành Kiện gốc Trung Quốc nhưng mang quốc tịch Pháp, là một công dân Pháp. Đọc “Linh Sơn” khó hơn Mạc Ngôn nhiều, phải đọc với một tâm thế thật kiên nhẫn, vì nó không có cốt truyện, không có nhân vật chính, không có tuyến nhân vật.
Suốt từ đầu đến cuối cứ như vậy, “Núi hồn” đi tìm cái đã mất, đi tìm linh hồn của mình xem nó ở đâu, vì sao lại có chuyện này? Thực ra đó là những văn hóa phương Nam đã mất do người phương Bắc tràn xuống. Nhưng ở Trung Quốc, người ta không cho xuất bản tác phẩm này.
Trong cuốn sách “Mạc Ngôn và những tự bạch”, ông ấy nói: “Khi tôi viết tiểu thuyết, đầu tiên là xuất phát từ số phận, từ tính cách con người…”
Mạc Ngôn nhiều quan điểm hay lắm. Nói cho đúng, ông ấy viết văn với tư cách “phó thường dân”. Ông còn bảo: “Là một nhà văn, không được phép viết văn để “dạy” người khác. Nhà văn là gì mà đứng trên người khác? Anh phải đứng thấp hơn người công dân, nói những vấn đề mà anh quan tâm. Người ta đồng tình với anh thì tác phẩm của anh còn, người ta không đồng tình thì họ bỏ qua tác phẩm“. Ông quan niệm về nhà văn chỉ có thế. Chính vì thế mà ông ấy to lớn, vĩ đại.
Nguồn: VietNamnet.vn