Lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nga, giải thưởng nghiêm chỉnh đã thuộc về tác giả mang một bút danh kỳ quặc.


Figl-Migl cùng cuốn Lũ sói và đàn gấu

Sáu thành viên chung khảo giải thưởng Sách bán chạy toàn Nga đã chia đều phiếu cho hai tiểu thuyết, Đèn đỏ của Maxim Kantor cũng như Lũ sói và đàn gấu của Figl-Migl, cho nên quyền quyết định cuối cùng dành cho chủ tịch danh dự của ban giám khảo, ông Lev Makarov, chủ kênh truyền hình 2×2. Và vị này đã có công tiết lộ về một tác giả lâu nay chỉ lẳng lặng in tác phẩm nhưng quyết giấu biệt nhân thân. Khi chủ khảo xướng danh tác phẩm được giải là cuốn Lũ sói và đàn gấu, tác giả mới chịu xuất đầu lộ diện: một phụ nữ tuổi độ tứ tuần bước lên sân khấu nhận bó hoa tươi rồi đứng nghiêm, chỉ nói độc một câu, giọng đanh như đọc quân lệnh: “Vì Tổ quốc phục vụ”. Đó là tất cả. Người dẫn chương trình phải nằn nì, người được giải mới chịu hất lên cặp kính râm to tướng che gần hết khuôn mặt, nhưng khi gạn hỏi họ tên thật và đôi điều về nhân thân thì bị từ chối khéo… Giới nhà văn chụm đầu thì thào: À, cô này họa hoằn có thấy xuất hiện, nhưng lần nào đến cũng mặc quần, áo veston và trong tay là một… cây gậy.

Bông lơn trước tương lai nhân loại

Lũ sói và đàn gấu kể chuyện thành phố Petersburg khi bị chia thành những vùng cát cứ riêng của những trùm trộm cướp, những phường buôn bán của người Tàu, những bọn chợ giời, những tay bắn lén, những quân vô chính phủ và những tổ cảnh sát hung thần bảo kê những băng đảng cạnh tranh với những trùm buôn ma túy và đội ngũ đặc nhiệm. Vị thủ hiến thì muốn thiết lập một trật tự mới như ở thời trung cổ: biến những khu phố thành rừng rú cho lũ thú hoang dã và những chú hề thượng lưu… Trên một nền văn minh đã bị phá tan hoang ấy, nhân vật chính với những khả năng siêu nhiên dấn thân vào những chốn nguy hiểm nhất để thực hiện nhiệm vụ bí mật do thủ hiến giao phó…

Viết về thời kỳ hậu ngày tận thế của Petersburg, Lũ sói và đàn gấu như chỉ nói bâng quơ, nhưng kỳ thực lại nhằm vào chính trị, vào các thước đo của chính trị để bộc lộ một nỗi hoài nghi về tương lai nhân loại. Tác giả có tìm tòi trong cách viết, dùng một thứ ngôn ngữ giễu nhại có chủ định. Về cấu trúc, tác phẩm được xây dựng sao cho tính khái quát toát lên từ các chi tiết cá biệt, dễ thương (như mùi xi khi niêm phong bưu kiện ở trạm bưu điện)…

Năm 2010, Figl-Migl đã gây được sự chú ý nhờ tiểu thuyết có nhan đề được mạo muội dịch là Chạnh lòng hạnh phúc (“” – là cách viết chệch từ “hạnh phúc”, tiếng Nga “”, nhưng trong phát âm không có khác biệt gì), hai năm sau, Lũ sói và đàn gấutiếp vào, thành bộ tiểu thuyết hai tập. Thấy rõ ràng: tác giả có nhiều suy ngẫm trước hiện thực đời sống: một châu Âu giống như một trung tâm giàu có và cô lập với nền dân chủ kiểu Anglo-Saxon; một nước Nga giống như vùng ngoại ô, nơi cảnh sát thả cửa hoành hành, mấy nhà lãnh đạo trung tâm thì khá quay quắt, trong đó, viên thủ hiến mang một cái tên đầy ám chỉ Okhty Nikolai Pavlovich chưa chắc đã là nhân vật giành được nhiều thiện cảm nhất.

Hiện tượng giấu mình

Năm 2011, Figl-Migl thiếu chút nữa đã phải lộ diện khi tiểu thuyết Những phim ấy mới thích làm sao được đề cử vào ba giải thưởng văn học độc lập: Giọng điệu mới (NOS), Sách bán chạy toàn Nga và giải mang tên nhà văn Doblatov.

Nay mới biết sơ bộ: tác giả Figl-Migl chính là Ekaterina Chebotareva, sinh năm 1970 trong một gia đình trí thức, hiện sống tại một căn hộ ở tầng 14 khu Krasnogvardeisky, Saint Petersburg, không thích vi tính và điện thoại. Chị đã tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Petersburg từ đầu những năm 1990, đã làm luận văn tiến sĩ về sáng tạo của Alexandr Sumarokov (1717 – 1777, nhà thơ, nhà văn kiêm nhà soạn kịch Nga nổi tiếng thế kỷ XVIII) và có nghiên cứu văn học Anh. Chứng cứ: năm 2005 chị đã in bản dịch Lửa thiên đường (Fire From Heaven, 1969) của nữ văn sĩ Anh Mary Renault (1905 – 1983) viết về Alexander Đại đế (thế kỷ IV trước CN). In thơ, tiểu luận trên báo chí từ năm 1995, nhưng sang đầu thế kỷ XXI, chị bắt đầu dùng bút danh Figl-Migl, trong các tạp chí Ngôi sao và Neva. Nhà văn D. Levental, tổng biên tập nhà xuất bản Limbrus Press cho biết đã tiếp chị lần đầu vào năm 2001, song chưa sử dụng ngay, vì bản thảo không có cốt truyện, lại quá chuyên biệt về văn chương và văn học; nhưng gần bốn năm lại đây, tác giả thay đổi hẳn, trong tác phẩm đã có cốt truyện cuốn hút, tính cách nhân vật ấn tượng, có thâm ý. Ông đã đích thân sửa bản thảo và khi gọi tác giả đến trao đổi, biết chị là người quý từng con chữ của mình: hễ thấy chỗ nào sửa chưa ưng ý thì đề xuất ngay phương án khác. Hiện nữ tác giả này đã đăng ký in một tiểu thuyết mới.

Sao lại dùng bút danh? Phần nhằm câu khách bán sách? Phần nhằm lấy lòng độc giả – họ sẽ tưởng tác giả cũng là “người cánh ta”, xuất thân từ quần chúng, từ mạng. Và để công chúng tha hồ dò đoán: Đó là ai?…

Cha mẹ Ekaterina Chebotareva giải thích: “Cháu nó cực kỳ ngại bất cứ một sự xuất hiện nào trước công chúng, và đấy là quyền của cháu. Có thể, do tự kiêu, hoặc cũng có thể, do khiêm tốn”…

GIẢI THƯỞNG HÀNG NĂM SÁCH BÁN CHẠY TOÀN NGA được thành lập từ 2001, trao cho cuốn tiểu thuyết hay nhất được xuất bản trong niên lịch, với tiêu chí ngộ nghĩnh: “Thức giấc là lừng danh”. Người chiến thắng được thưởng cỡ 10.000 USD, nhưng chỉ nhận bảy phần, còn ba phần kia chia vui với các tác giả được đề cử. Sau năm 2012, giải Sách bán chạy toàn Nga không xem xét những cuốn sách từng lọt vào vòng chung khảo hoặc giành chiến thắng trong bất kỳ giải thưởng nào khác. Năm 2013, nhà tài trợ cũ (nhà văn Dmitri Levental, giám đốc nhà xuất bản Limbrus Press) quyết định “cắt cầu”, nhưng giải vẫn tồn tại nhờ hai Mạnh Thường Quân mới: kênh truyền hình 2×2 và Trung tâm hợp tác làm phim Central Partnership.

Nguồn tin: daibieunhandan.com.vn