Bối cảnh của câu chuyện trong tiểu thuyết là một làng có tên gọi là Mutmaxa, một cái làng không tìm thấy được trong thực tế bởi nó không hề có tên trên bản đồ thế giới. Nhưng câu chuyện ở cái làng xa lạ ấy cứ thấy thấp thoáng đâu đó, cứ như quanh quẩn ngay bên cạnh chúng ta. Nó còn vượt xa ra khỏi mốc giới quốc gia của bất kỳ quốc gia nào. Chuyện hình như là của thế giới.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật có tên gọi là Rapha, một người đàn ông đứng tuổi của làng Mutmaxa, một người luôn đi tiên phong trong mọi vấn đề và sau xa hơn là luôn kiếm tìm cho mình những “chân lý” mới. Có thể nói ông Ra pha như một đại diện cho điều gì đó vừa hệ trọng, vừa rất bình thường.

Ông ta thấy muốn hơn người, muốn khá giả hơn, muốn có uy lực hơn thì phải có nhiều gia súc nhưng muốn nuôi nhiều gia súc thì phải có nhiều cỏ. Thế là từ đó một loạt những toan tính, những dự định và cả những âm mưu, những thủ đoạn với những dụng ý và toan tính của nhiều người khác nhau, lợi dụng nhau được bày đặt ra với những “chân lý” đan xen hư và thực; với những suy nghĩ cùng hành động nửa giống mọi người nửa chẳng giống ai. Cuộc sống là “vòng xoay” toan tính, lợi dụng và vụ lợi.

Ông Ra pha là ai? và câu hỏi luôn xoáy trong tâm thức của ông hình như cũng là câu hỏi cần một câu trả lời với những hiện thực đầy sống động của ngày hôm nay?

Nhưng rồi cái đích mà ông Ra pha tìm đến sẽ là gì? “Chân lý” mà ông tìm thấy như thế nào? Câu trả lời cuối cùng lại đưa ra cho chúng ta, những con người thật của cuộc sống thật những câu hỏi mới. Đó là đâu là bản chất thực của vấn đề thời đại chúng ta đang sống?

Ông Rapha thất vọng, cảm thấy như công sức của mình đổ xuống sông xuống bể. Nhưng ông tự an ủi “cứ để mơ ước mãi mãi là mơ ước, sẽ không có xung đột”, “đức tin là do con người tạo ra”…

Đấy là nội dung tóm tắt của tiểu thuyết ngụ ngôn Linh ứng của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn.

Tác giả đề dưới tên Linh ứng dòng chữ lạ tiểu thuyết ngụ ngôn.

Chúng ta ai cũng biết truyện ngụ ngôn là truyện hoàn toàn hư cấu, toàn dùng ẩn dụ, ám dụ để minh họa cho một tư tưởng, một bài học triết lí hoặc đạo lí đã định sẵn từ trước trong đầu người viết. Truyện thiên về lí trí; sự sống trong truyện thường không tự nhiên, nhiều đoạn, nhiều câu mang tính triết luận thậm chí triết luận ngoại đề. Nhân vật phần nhiều là loài vật, đồ vật thậm chí là khái niệm trừu tượng nào đó được cụ thể hóa, nhân cách hóa.

Lịch sử văn học đã chứng kiến nhiều truyện ngụ ngôn ngắn (của Êdôp, của La Phôngten, trong văn học dân gian các nước, trong văn học thiếu nhi, truyện “Cổ học tinh hoa” (Trung Quốc).

Nhưng hình như chưa có truyện ngụ ngôn dài (có một truyện dài về Êdôp nhưng đó là truyện dài về người nô lệ thông thái Êdôp với những truyện ngụ ngôn sâu sắc của ông, chứ không phải truyện ngụ ngôn dài. Linh ứng có lẽ là một tiểu thuyết ngụ ngôn đầu tiên.

Nhưng đừng nghĩ tiểu thuyết này sẽ toàn là ẩn dụ, ẩn dụ không cần logic cuộc sống. Không! Linh ứng vẫn sử dụng bút pháp hiện thực; sự sống trong tác phẩm tuy chưa được tái hiện thật tỉ mỉ, sinh động như trong tiểu thuyết truyền thống nhưng vẫn có tính logic, thậm chí tính biện chứng nhất định. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả vừa phục vụ yêu cầu minh họa luận đề vừa muốn truyện hấp dẫn và trả lời trực tiếp cho những câu hỏi của cuộc sống đương đại.

Vấn đề tiếp theo của câu chuyện là: Vấn đề nhận thức. Đầu tiên là phương pháp luận, rồi đến thực tiễn luận (từ thực tiễn làm ăn đến thực tiễn quản lí). Tư tưởng phải đi trước hành động một bước. Ông Rapha lúc đầu đã rút ra lí luận từ thực tế chiêm nghiệm. Phải nhìn ra ngoài, nhìn ra xa. Và để phát triển lí luận có tính soi sáng đó, ông tìm đến ông Uđich, một trí thức uyên bác trên thành phố. Ông Uđich có tầm nhìn, tư duy phải có tầm nhìn. Để có tầm nhìn xa, phải đứng trên cao. Uđich còn khuyên Rapha những điều có tình nhất như phương châm, sách lược như “toan tính chỉ nên ít người được biết”. Ông còn thì thầm vào tai Rapha nhiều bí quyết mà tinh thần của nó là biết cách lập luận một cách khoa học, trong đó có cả thuật ngụy biện ví như “Tôi có nói là đất của chúng tôi đâu. Tôi chỉ nói là nơi chăn gia súc”…

Có thể nói quan hệ giữa ông Uđich và ông Rapha là quan hệ giữa lí luận và thực tiễn. Ông RaPha vô cùng biết ơn ông Uđich vì “Ông Rapha có giàu cảm xúc đi mấy chăng nữa nếu không có người chỉ đường dẫn lối cũng tắc tị. Còn ông Uđich cũng biết ơn ông RaPha bởi những điều ông được đọc nếu không có ông RaPha thực hiện thì cũng chẳng có nghĩa gì” (tr. 116). Uđich là người nghĩ nhưng chưa làm, nghĩ để người khác làm, còn Rapha là người vừa làm vừa nghĩ, làm theo chí hướng của người có trí tuệ.

Rapha thuộc loại “trò” sáng dạ vì có chiêm nghiệm thực tế, chỉ một lần lên thành phố, Rapha đã nghĩ phải biến Mutmaxa thành thành phố và hơn thế một trung tâm. Phải chăng Rapha đã đi đúng đường lối của xã hội hiện tại là biến nông phẩm thành hàng hóa, phải đô thị hóa nông thôn, còn biến quê hương Mútmaxa thành trung tâm thì không biết Rapha học ở đâu hay là học một nước nào đó cho mình là trung tâm tinh hoa của thế giới hay nói vui là cái rốn của vũ trụ? Hay là ông cũng là một đồ đệ không tự giác của chủ nghĩa Sôvanh?

Rapha chẳng học đâu xa. Ra thành phố, ông học ngay bà buôn Meri béo núc ních. Có thể coi như bà Meri là bà giáo của anh học trò nông dân Rapha về thủ thuật buôn bán, làm giàu từ buôn bán (phi thương bất phú). Ví dụ bà Meri dạy cho ông luật cung cầu như mua từ nơi thừa, bán cho nơi thiếu, phải tạo ra cầu bằng cách cung cho người ta quen dùng, đến thành không thể thiếu, hoặc phải làm như là cung sắp hết mặc dù hàng ế hoặc khi bán hàng, phải chiêu khách mời khách, đón ý khách. Bà Meri còn dạy cho ông giá trị của đồng tiền. Muốn làm gì phải có tiền. Không có gì không làm được bằng tiền. Muốn Mutmaxa thành thành phố cũng phải có tiền. Nhưng muốn có tiền thì phải có hàng hóa. Và không có gì không mua được bằng hàng hóa. Cừu, dê, sữa, cỏ.. phải biến thành hàng hóa.

Qua học ở ông Uđich rồi ở bà Meri và qua tự mình chiêm nghiệm, thực hành ông Ra pha đã trưởng thành về nhận thực luận, về xã hội học. Ví dụ tư tưởng muốn thay đổi “thay đổi dể đổi thay”, đổi thay tức là làm mới. Mà muốn thay đổi, muốn làm mới phải ra khỏi thói quen và phải có ý chí – ý chí được hun đúc trong thời gian. Đố kỵ là động lực của ý chí, xung đột làm bật lên cái mới.

“Êm đềm sẽ làm nhụt chí”. Sau thế hệ tích cực là một thế hệ kém tích cực (vì cái gì cũng đã có sẵn).

Vấn đề thứ ba là vấn đề “đức tin”. Chân lí là sức mạnh “Đầu tôi che khuất đến đâu thì đất ông là của tôi”. Bàn tay có thể che khuất được mặt trời. “Cái gì mà không bị che khuất là của tôi”.

Phải tạo ra thần tượng mới, sẵn sàng phá bỏ thần tượng cũ dù thần tượng cũ đó là truyền thống, là đức tin. Đức tin là cái mà con người có thể tạo ra được. Con Mela, con người ngoại lai, đã dựng tượng đài bố chồng trên quê hương Mutmaxa tức là tạo một thần tượng mới. Nhưng còn cây sồi – linh hồn của làng – nơi dân làng tôn thờ thì sao? – thì làm cho cây sồi chết đi mà không ai biết nó bị giết chết (để người ta tin là nó mất thiêng). Phải tạo ra sự tôn thờ mới bằng cách làm cho tượng đài đêm đêm phát sáng. Nhưng sự dối trá bị lộ, bị dân làng phản đối…

Tư tưởng cắt đứt với truyền thống, thay thế sùng bái thần linh bằng sùng bái cá nhân đã thất bại nhưng khát vọng đi lên đã lên mầm, không bị thui chột trong lòng mọi người.

Những tư tưởng mà tác phẩm nêu lên không phải tất cả đều được tác giả đồng tình nhưng phần lớn có hạt nhân chân lí và hầu hết là hiện thực. Những hiện thực ấy là những câu hỏi của cuộc sống, có những câu đã được trả lời, có những câu chưa được trả lời nhưng đã là một sự gợi ý hay một ngụ ý phê phán, hoặc châm biếm.

Và đấy là sự đa chiều của nội dung. Đừng nghĩ đó là nhị nguyên luận hay đa nguyên luận. Mà đó là sự đổi mới của nghệ thuật, làm cho người đọc cũng thành người tham gia vào câu chuyện khi thì như một người bảo vệ, khi thì như là người phản biện và luôn luôn đồng hành với cuộc sống trong tác phẩm, cũng là cuộc sống đang diễn ra ngoài đời, trên đất nước này, trên thế giới này, không phải hôm qua, ngày mai mà ngay hôm nay.

Sự kết hợp giữa tính tự nhiên của sự sống, giữa hiện thực cuộc sống và những lí giải mang tính luận đề; sự kết hợp một cách hòa quyện giữa sự tưởng tượng phong phú và tính triết luận vào trong một tác phẩm văn học là một thành công của tác giả. Hãy còn sớm để nói đây là một “kiệt tác độc đáo” nhưng dụng ý làm làm mới văn chương nhằm đáp ứng một cách sâu sát những yêu cầu của tư tưởng, của cuộc sống đã là một nỗ lực, một ý tưởng sáng tạo rất đáng khích lệ của nhà thơ Nguyễn Trọng Văn trong tiểu thuyết ngụ ngôn Linh ứng (NXB Lao động – 2012).

17/7/2012

Đặng Hiển

Exit mobile version