Tập thơ “Lấp kín một lặng im” thể hiện những cảm xúc tinh tế, dịu dàng của tác giả Lu – một người trẻ sống trong lòng phố thị.
Tập thơ chia làm bốn phần nhỏ, tập hợp những tác phẩm theo từng cụm cảm xúc khác nhau: Nơi này, Em, Tôi, Chúng mình.
Sách “Lấp kín một lặng im”. Ảnh: EmHanoi.
Phần đầu tập thơ – Nơi này – là khúc tự tình với phố của tác giả. Dường như từng mạch cảm xúc của Lu đều gắn với không gian Hà Nội; những sự vật hiện tượng của phố đi vào thơ anh tự nhiên với hàng cây, cột đèn, sân thượng, quán cà phê, ô cửa, hoa loa kèn. Những tâm tình với phố được Lu gửi trọn trong Ngủ yên Hà Nội: “Hà Nội hôm nay giấu một trận mưa/ trong quán cũ những bài ca cũ/ khe cửa cũ ly cà phê cũ/ anh lặng nhìn/ điều đã mất/ từ lâu/ Hà Nội giấu trong mình những gì/ Hà Nội chẳng biết đâu”. Cái sân thượng ở phố thị nào cũng có, nhưng trong thơ Lu, nó vẫn gợi tới hình ảnh một cái sân thượng của Hà Nội, bởi nơi đó xưa kia có thể ngắm được núi Ba Vì: “nhà xung quanh xây cao hơn biết mấy/ không sao thấy lại núi Ba Vì” (Sân thượng).
Dù đã dành trọn phần Nơi này để chỉ về những cảm xúc với Hà Nội, trong các bài thơ ở những phần khác, người đọc vẫn thấy những chỉ dẫn tới phố thị nơi Lu sinh ra. Như trong bài thơ có tiêu đề và nói về cảm xúc yêu đương, tình yêu ấy vẫn gắn liền với không gian phố: “Tôi mua độ chục loài hoa cỏ/ đem về lấp kín một / không tên/phố/ không đèn/ người/ không quên/ tôi không quên/em”.
Những vần thơ trong phần Em, dường như Lu viết tặng riêng một người, một nàng thơ dịu dàng, tinh khiết. Bởi thế, cái dáng “em” ngồi thật đẹp khi đi vào thơ: “em ngồi/ cái dáng cong cong/ mình em khép lại/ một vòng/ thế gian” (Lung liêng). Ngay cả cái sự đi vấp của “em” cũng trở nên đáng yêu, gợi bao nỗi niềm trong thơ Lu: “Hôm nay ngày gì thế?/ em đi vấp mấy lần/ em vấp bậc cầu thang/ em vấp hành lang/ em vấp những nỗi nhớ/ ngút ngàn” (Hôm nay).
Tác giả Lu. Ảnh: Facebook tác giả.
Nếu như Nơi này và Em thể hiện những cảm xúc dịu dàng, tinh tế, thì Tôi là một phần tự sự sâu lắng của tác giả sinh năm 1989. Trong phần này, tác giả có những câu thơ mang tính triết lý: “Chúng ta – những ngôi nhà không cửa/ lại thích so đo chuyện bản lề” (II). Có những chỗ, anh bày tỏ tâm trạng: “Lòng ta như giếng khơi/ Không một giọt mưa nào chạm đáy”.
Chúng mình – phần cuối cuốn sách – là những bài thơ nói chuyện tình yêu. Những cảm xúc yêu đương qua con mắt một người lãng mạn trở nên đẹp đẽ và thi vị: “Ta từng giấu mùa thu trong đôi mắt của một người con gái/ sáng hôm nay trời bỗng xanh mê mải/ chắc là nàng vừa ngước mắt lên cao”.
Thơ Lu có những bài chỉ hai câu như: “Con sẻ nhỏ ngủ quên mùa lá nở/ tự phai mình trong một cánh rừng thu”. Lại có những bài ngắt câu theo chủ đích để tạo ra nhịp điệu. Bên cạnh những hình ảnh dịu dàng, Lu có những liên tưởng bất ngờ. Bên cạnh những chiêm nghiệm sâu lắng, Lu vẫn thể hiện phần trẻ trung: “Rủ em đi khỏi thị thành/ mà em nấu dở nồi canh rau cần/ thì thôi/ tôi cũng chẳng cần/ ra bờ sông ngóng những lần mây qua”; đôi khi hài hước: “vui buồn thì cũng một ta/ cô đơn thì cũng mặc cha loài người”.
Lấp kín một lặng im là tập thơ đầu tay của Lu – một người bỏ ngang đại học để tìm kiếm con đường riêng của mình. 38 bài thơ chưa phải là một tuyển tập dày dặn, nhưng cho thấy một cảm xúc đầy đặn: cảm xúc của một người trẻ tuổi sống giữa lòng phố thị. Cảm xúc xen với ưu tư chiêm nghiệm, những liên tưởng giàu hình ảnh… sẽ đưa Lu đi xa hơn trên con đường thơ mà anh đã chọn.
Theo Lam Thu – Vnexpress.net