Có những nhạc sĩ đã lưu lại được tên tuổi với đời chỉ bằng một tác phẩm duy nhất. Đó là trường hợp Lê Trạch Lựu với “Em tôi”, La Hối với “Xuân và tuổi trẻ”, Nhị Hà với “Trở về thôn cũ” và Lê Hoàng Long với “Gợi giấc mơ xưa”… Từ Vũ có đến 20 ca khúc, và một số bài hát ngoại quốc do ông đặt lời Việt. Tuy nhiên, nhắc đến ông, người ta chỉ nghĩ đến “Gái xuân” (phổ thơ Nguyễn Bính). Ca khúc này đã đưa ông lên hàng “chiếu trên” của làng âm nhạc Việt Nam, dù ông luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là “kẻ ngoại đạo”.
Chỉ còn một năm nữa thôi là “Gái xuân” tròn 60 tuổi. Nhưng dường như ca khúc này vẫn trẻ mãi không già, cho dù tác giả bài thơ đã hóa thành người thiên cổ từ lâu, và người phổ nhạc giờ đây đã bước sang tuổi 80. Có thể nói, trong danh mục bài hát Việt, nói về mùa xuân, ngày càng dài thêm, thì “Gái xuân” vẫn là một trong những nhạc phẩm đặc sắc nhất. Hát thì cứ hát, nghe thì cứ nghe, nhưng có mấy người biết “Gái xuân” đã ra đời như thế nào? Phần lớn, người ta chỉ biết “Gái xuân” là một trong những bài thơ hay của thi sĩ Nguyễn Bính, được phổ nhạc một cách xuất thần. Nhưng ít ai biết, người đã thổi âm điệu cho hồn thơ đó bay cao chính là Từ Vũ.
Tên khai sinh của Từ Vũ là Trần Đỗ Lộc. Ông sinh năm 1932 tại Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Khác với nhiều nhạc sĩ đã làm quen với nốt nhạc từ thuở thiếu thời. Từ Vũ thì lại khác. Dù rất yêu thích bộ môn này, nhưng đến khi đã trở thành một thanh niên 18 tuổi, ông vẫn chưa biết vị trí của 7 nốt nhạc nằm ở vị trí nào trên khung, và một nốt đen khác với một nốt trắng ra làm sao! Năm 1950, ông theo gia đình vào Nam sinh sống. Một buổi chiều, lang thang trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), ông ghé vào một tiệm sách ở khu vực E – Den, và tình cờ nhìn thấy nơi đây bày bán cuốn “L’ Art de Compositon Musiccale” (Nghệ thuật sáng tác âm nhạc). Thế là ông vội mua ngay, đem về nhà tự học một cách say mê, để từ đó nắm vững căn bản sáng tác ca khúc. Chính cuốn sách này là người thầy đầu tiên dẫn dắt Từ Vũ đi vào con đường âm nhạc.
Mùa xuân năm 1953, chàng trai Từ Vũ tròn 21 tuổi, sống kiếp tha phương giữa đất Sài Gòn hoa lệ, không có gia đình, người thân, bạn bè bên cạnh. Ông nằm trên gác trọ tìm quên nỗi buồn bằng sách báo cho vơi nỗi nhớ nhà. Bất chợt ông tìm thấy trong đống sách báo lộn xộn đó tập thơ “Mây Tần” của thi sĩ Nguyễn Bính. Khi đọc đến bài “Gái xuân”, một bài thơ thất ngôn rất ngắn, chỉ vỏn vẹn 2 khổ, 8 câu, ông đã rung động tận đáy lòng. Nhạc sĩ Từ Vũ nói: “Tôi không thể nén được cảm xúc khi đọc câu “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Đích thị đây phải là một cô gái Hà Đông, quê tôi. Bởi lẽ, không chỉ lụa Hà Đông đã nổi tiếng từ ngàn xưa trên đất Bắc, mà gái Hà Đông cũng nổi tiếng đẹp đẽ, ngoan hiền, dịu dàng như lụa. Chẳng kém cạnh gì những cô gái quan họ Bắc Ninh. Rồi thì “…Đôi tám xuân đi trên mái tóc/ Đêm xuân cô ngủ có buồn không?”. Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả tâm trạng cô gái quá tài tình. Tôi đọc đi, đọc lại bài thơ dăm ba lần là “ngấm” ngay vào máu, vào tim. Trong giây phút xuất thần, tôi viết ngay một mạch, không chỉnh sửa gì cả. Thế là thành nhạc phẩm “Gái xuân”.
Bìa bản nhạc Gái Xuân
Từ Vũ tiết lộ: “Có một điều, nguyên tác “Gái xuân” của Nguyễn Bính ngắn quá. Khi phổ nhạc, chẳng lẽ cứ lặp đi, lặp lại bấy nhiêu lời. Thành thử tôi mạn phép tác giả, thêm 3 câu trong khổ thơ này:
Xuân đi. Xuân đến hãy còn xuân
Cô gái trông xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mai hoa mận nở
“Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”
Sau khi hoàn thành “Gái xuân” cho đến khi bài hát được thịnh hành rồi đi vào lòng công chúng, mãi mãi tôi không một lần được gặp Nguyễn Bính để nói với ông một vài lời. Lòng tôi áy náy lắm! Không biết thi sĩ có gì trách móc hay không?
Không ai có thể nói thay Nguyễn Bính. Nhưng đứng trên phương diện nghệ thuật, chắc không ít người đồng tình rằng, nếu Từ Vũ không nói ra thì cũng chẳng mấy ai biết chuyện trên. Bởi vì, 3 câu mà ông thêm vào nghe cũng rất… Nguyễn Bính, và cũng chẳng kém phần tài hoa, đã nhập với toàn bộ bài thơ một cách hài hòa. Do đó, chắc Nguyễn Bính cũng vui lòng, bởi sự thêm thắt không làm mất đi giá trị và tứ thơ của nguyên bản. Nhưng sự áy náy của Từ Vũ chính là lòng tự trọng của một tài năng.
Theo lời kể của nhạc sĩ Từ Vũ thì ngày đó, ông có quen biết nữ ca sĩ Linh Sơn. Khi ra mắt “Gái xuân”, ông đã nhờ bà hát đầu tiên, nhưng không mấy thành công và Từ Vũ cũng không lấy làm hài lòng cho lắm. Một hôm, tình cờ gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn tại Đài Phát thanh Sài Gòn, bà Tâm Vấn trách ông sao không tặng bà bài “Gái xuân”? Ông đã viết vội ca khúc này lên một mảnh giấy và trao cho Tâm Vấn. Sau đó, Từ Vũ theo gia đình ra Phan Thiết và chưa được nghe Tâm Vấn hát một lần nào cả. Nhưng theo lời bạn bè viết trong những lá thư gởi cho ông thì Đài Phát thanh Sài Gòn đã thường xuyên phát đi, phát lại ca khúc “Gái xuân” với tiếng hát Tâm Vấn, rất được công chúng ưa thích. Đọc những lời đó, Từ Vũ rất vui. Nhưng ông không biết làm cách nào để chính tai mình có thể nghe được. Lúc bấy giờ phương tiện nghe nhìn như băng, đĩa còn quá nghèo nàn, khan hiếm. Ông lại ở xa, biết liên hệ với ai ở Đài Phát thanh Sài Gòn để biết trước họ sẽ phát lại “Gái xuân” vào thời điểm nào mà đón nghe. Thành ra mù tịt!
Một buổi tối cuối năm 1953. Từ Vũ rảo bước lang thang trên dường phố Phan Thiết trong cái se lạnh của buổi tàn đông ở vùng đất cực Nam Trung bộ. Bỗng dưng từ loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết, tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu nhạc Tango của bài “Gái xuân” qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Từ Vũ đã xúc động đến trào nước mắt. Đôi chân như bay bổng khỏi mặt đất, ông đứng dựa vào cột đèn, lắng nghe từng tiếng hát gõ nhịp trong tim. Đó là lần đầu tiên Từ Vũ gặp lại đứa con tinh thần của mình kể từ khi ông cho nó ra đời. Bài hát chấm dứt. Dù ông không biết Diệu Hương là ai, và đó là lần đầu ông mới nghe tên, thế mà cứ thẫn thờ, tiếc nuối! Biết bao giờ mới được nghe lại thêm lần nữa. Tối hôm đó, Từ Vũ không chợp mắt được. Ông nằm thương nhớ “Gái xuân” vang vọng mãi trong hồn giọng hát từ xứ Huế xa xôi. Đến bây giờ ca khúc này đã được nhiều ca sĩ trình bày thành công, và ông cũng có gần như đầy đủ băng đĩa lưu giữ, nhưng mỗi lần nhớ lại cái đêm hôm ấy đã trôi qua 60 năm trời, Từ Vũ vẫn còn đủ cảm xúc, ngất ngây như mới hôm qua.
Sau Linh Sơn, Tâm Vấn, Diệu Hương, đến lượt Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Hoàng Oanh, Lan Ngọc, Hương Lan, Băng Tâm, Ý Lan, Ánh Tuyết… và nhiều ca sĩ danh tiếng của thế hệ kế tiếp như: Trang Nhung, Quang Linh, Cẩm Ly, Hiền Thục, Hồng Ngọc, ban tam ca Áo Trắng, ban tam ca 3A…cũng hát “Gái xuân”. Nhất là vào dịp tết, cùng với “Ly rượu mừng”, “Xuân và tuổi trẻ”, “Gái xuân” là 3 ca khúc kinh điển, luôn vang lên trong từng mái ấm gia đình Việt Nam ở trong nước cũng như nhiều nơi trên khắp thế giới. Khi nghe ban tam ca Áo Trắng tập bài “Gái xuân”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Hồi mới lớn, “moa” đã rất thích bài này. Có thể nói, tết mà thiếu “Ly rượu mừng”, “Xuân và tuổi trẻ”, “Gái xuân” là đã mất đi một nửa mùa xuân”.
Một ca khúc được nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ nối tiếp hát, mỗi người một chất giọng, một phong cách khác nhau, nhưng hầu hết họ đều thể hiện thành công. Đó chính là điểm đặc sắc của Từ Vũ. Nói như giọng hát vượt thời gian Thái Thanh: “Bởi vì tự thân “Gái xuân” quá hay, khó mà hát dở cho được”. Khởi thủy, Từ Vũ viết “Gái xuân” bằng điệu tango dồn dập, lôi cuốn một cách sang trọng. Nhưng về sau, nhiều ca sĩ lại chuyển sang điệu Rumba, rồi Chachacha, với tiết tấu trẻ trung, phần phối âm, phối khí hiện đại, đã khoác cho ca khúc này một chiếc áo mới. Từ Vũ nhận xét: “Sự chuyển thể này tôi nghe cũng thấy hay, rộn ràng và tươi trẻ hơn. Vấn đề là vẫn giữ được cái hồn và tình cảm của ca khúc”.
Mặc dù chỉ với một “Gái xuân” thôi đã đủ để tên tuổi Từ Vũ vang danh với đời, nhưng ông luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là “kẻ ngoại đạo”, rong chơi vào khu vườn âm nhạc mà thôi. Ông quả quyết: “Mọi lãnh vực sáng tác, kể cả âm nhạc đều tùy vào “thần hứng”. Không phải lúc nào cái giây phút thăng hoa, khiến tâm hồn mình bay bổng cũng đến. Một đời, đôi khi “thần hứng” chỉ đến một đôi lần, nếu không kịp ghi lại cảm xúc tuyệt vời đó là coi như chẳng có được gì”.
Cho dù Từ Vũ muốn hay không muốn, cuộc đời vẫn gọi ông là nhạc sĩ bằng tất cả sự trân trọng. Tròn tuổi 80, ông đang sống tại số nhà 19/14, đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Bình, Tp HCM một cách thanh thản. Vừa rồi, được sự tài trợ của con gái, như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa dành cho cha trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, Từ Vũ đã thực hiện CD “Gái xuân” với 10 ca khúc, trong đó có những ca khúc phổ thơ do ông sáng tác sau này như “Mưa Cao nguyên” (thơ Hoàng Hương Sơn), “Mưa tháng 6” (thơ Thường Đoan), “Mưa đời lãng du” (thơ Trần Hữu Ngự). Có lẽ, đây là đĩa nhạc đầu tiên và cũng là duy nhất của ông. Theo nhạc sĩ Từ Vũ, làm để chơi, như một kỷ niệm lưu lại ở đời này.
Một ngày nào đó, Từ Vũ cũng sẽ từ bỏ cõi tạm này ra đi. Nhưng chắc chắn “Gái xuân” vẫn còn ở lại và trẻ mãi không già như lời hát mà ông đã thêm thắt. Phải chăng đó cũng là một lời tiên tri: “Xuân đi xuân đến hãy còn xuân”.
Nguồn tin: cand.com.vn