Hơn ai hết, văn nghệ sĩ biết, cái răng cái tóc là góc con người! Họ đã dồn sức bút biến cái góc nhọn sắc sảo kia thành một góc đầy, lấp kín trời đất, nhớ cô hàng xén răng đen/ cười như mùa thu tỏa nắng. Bên nắng răng Hòang Cầm là mưa tóc của Nguyên Tuân chị Hoài mỗi lúc vừa nằm xuống rất nhẹ nhàng thì cả một mớ tóc trần quấn rất chắc ấy đổ tung xuôi xuống như một trận mưa rào đen nhánh. Đấy là xử lí răng tóc trên trang văn, còn ngòai đời và trên khuôn mặt của chính mình thì…nắng mưa thế nào?
1. Trên mái tóc Phan Khôi đã từng có một đường kéo lịch sử! Gọi là lịch sử vì, nói theo ngôn ngữ hôm nay, người tổ chức buổi thời trang tóc mà Phan Khôi ngồi làm người mẫu tóc, là một nhân vật lớn – cụ Phan Châu Trinh. Mùa đông 1906 Phan Châu Trinh về đất Quảng ghé chơi nhà Phan Khôi tới ba ngày. Rồi cụ rủ Phan Khôi cùng mình sang chơi nhà ông Học Tổn gần đấy. Trong bữa cơm đãi khác tại nhà này, thấy ông Phan Khôi và hai người nữa còn búi tó như các thấy đồ nho muôn năm trước, cụ Phan thong thả diễn thuyết: “Nếu lấy bề ngòai mà đóan một người là khai thông hay hủ lậu thì trong đám chúng tôi ngồi đây duy có ba anh là hủ lậu, vì ba anh còn cái đùm tóc như đàn bà. Nào! Thử “cúp” đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì!”. Sau bữa ăn khích tướng ấy, Phan Khôi đành đưa đầu chịu kéo. Cụ Phan bắc ghế ngồi thị thiềng. Việc tạo mẫu tóc chỉ một đường cắt là xong, vậy mà cụ Phan trầm trồ “ Cúp khéo đấy! Coi đẹp đấy”.
2. Trở lên là chuyện tóc canh tân. Về chuyện tóc kháng chiến thì ngòai mode đầu trọc của đòan binh Tây tiến trong thơ Quang Dũng còn mode râu cụ lý mà nhạc sĩ Văn Cao là người tiên phong từ hồi tiến cách mạng. “Lận trong người hai khẩu súng, một khẩu col và một khẩu Browning, chàng thanh niên Văn Cao phải hóa trang thành […] cụ lý làng Gio Nha lên Hải Phòng đòi nợ những tá điền có gia đình ở Hải Phòng. Ba toong, áo the, quần ống sớ là đồ đi mượn. Tóc cắt vụn, dùng keo vá săm xe đạp đính vào mép làm râu; cũng vẫn lọai keo ấy được bôi lên mặt để cho da mặt nhăn nhúm lại cho giống một ông già…Văn Cao đã kiên trì phục ở một tiệm hút và hòan thành việc trừ khử tên Việt gian giữa trung vây của quân thù” (Yên Ba).
3. Cũng mang râu giả phục vụ kháng chiến còn chuyện nhà thơ Thanh Tịnh. Lần ấy Thanh Tịnh lên râu giả vào vai ông già trong màn tấu Giở trang lịch sử. Đang sang sảng lời thơ tố cáo tội ác quân xâm lược, ông nghe khán giả cười rần! Một nửa bộ râu đã cuốn theo chiều gió, rơi xuống sàn diễn. Thanh Tịch trở bộ, xoay một vòng như trang võ tướng trong các vở tuồng, dứt luôn nửa bộ râu còn lại rồi dõng dạc: “Ôi! Lịch sử quá đau thương đến nỗi râu cũng không thể ở mãi trên cằm mà phải rụng xuống dưới chân giục bước ta tiến lên tiêu diệt quân thù”. Khán giả vỗ tay như pháo! Nhưng một lần khác, không phải râu giả mà…răng giả xuất thần chạy khỏi miệng diễn viên Thanh Tịnh đang diễn ca một bài kích cầu hàng nội hóa Nghĩ gần tôi lại nghĩ xa / một bao cotab bằng ba con gà / ba con gà cục tác cục ta … tới đúng lúc này hàm răng không cách mà bay khiến Thanh Tịnh không thể đọc tiếp câu bao cotap ngáp ngáp là đi tong.Ông vua độc tấu lần ấy không thể ngáp ngáp! Đành chào thua, cúi lượm cái góc kia của mình đặng mà… lần sau phục vụ!
4. Mang râu thật mà diễn kịch là chuyện thuộc về Nguyên Hồng. Xin dẫn nguyên văn một “vở diễn” của Nguyên Hồng có ghi trong sách của Tô Hoài: “… Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện Khẩn mời xuống công tác. Đấy là việc dắt chiếc xe đạp, đứng bên vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt và của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế. Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lại vào kho Bộ Thương nghiệp. Nguyễn Tuân hỏi mắng Nguyên Hồng: “Đóng trò xong rồi, dắt mẹ cái xe đạp ấy đi, đứa nào làm gì được!”. Nguyên Hồng cười, vuốt râu đánh trống lảng…”. Cũng bộ râu ấy, Nguyên Hồng còn một vai diễn khác. Đó là vai ông già nhức xương phải mang theo mình thuốc rượu để rượu thứ thiệt qua mặt mấy anh phòng thuế thời nhà nước cấm rượu. Tô Hòai bình luận: “Chẳng cán bộ thuế nào ỡi ơi đến lão nhà quê ấy. Không biết trên bộ râu ngụy trang, hai con mắt nhanh như chớp”.
5. Xuân Diệu xa quê Gò Bồi lúc tóc còn xanh, mấy mươi năm sau trở về tóc vẫn còn xanh. Trên một tờ báo, nhà thơ Phạm Hổ có kể câu chuyện ông cùng Xuân Diệu trở về Bình Định sau ngày đất nước thống nhất. Sáng hôm ấy, “Còn khá sớm mà phòng anh Diệu đã sáng đèn. Anh Diệu ra mở cổng vui vẻ nói: “…Sắp được về thăm quê, mình thấy cứ nao nao như hồi nhỏ, sắp đến ngày khai giảng […] Đi lần này mất đến năm sáu ngày nên mình phải chuẩn bị kĩ một tí! Về thăm quê mà […] Mình chờ đến sáng nay mới nhuộm tóc đó”. Phạm Hổ ngạc nhiên – Anh tự nhuộm được à. Và Xuân Diệu trả lời: “Làm thơ còn được nữa là chuyện ấy”. Xuân Diệu gắn chuyện làm tóc, làm đẹp bản thân với chuyện làm thơ! Hòang Trung Thông viết, sau khi Xuân Diệu mất vì bệnh tim: “Lần nào gặp nhau, lúc ra về anh cũng đứng ở bậc thềm dặn: Thông ơi, nhớ cạo râu đi nhé. Trời ơi, bạn tôi luôn nhớ đến cái râu của tôi mà tôi không bao giờ nhớ đến trái tim của bạn”.
Theo Tư Giớn – Vanvn.net