Tiểu thuyết kể câu chuyện về một gia đình đại tư sản ở miền Bắc nước Đức đã giúp tác giả Thomas Mann giành giải Nobel văn chương năm 1929.

Gia đình Buddenbrook kể về sự suy tàn của hãng xuất nhập khẩu ngũ cốc Johann Buddenbrook, thực chất là kể về gia đình, tổ tiên của Thomas Mann ở thương cảng nổi tiếng Lubeck. Bốn thế hệ của dòng họ Buddenbrook – một dòng họ tư sản thương nghiệp cứ dần dần lụn bại trên thương trường, suy sụp trong đạo lý, văn hóa. Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.

Bìa sách “Gia đình Buddenbrook”.

 

Chủ nghĩa bi quan được thể hiện rõ trong tiểu thuyết. Trong tác phẩm, Thomas Mann miêu tả cảnh buôn bán tấp nập, đồng thời là cảnh suy tàn của thương nghiệp ở thành phố cảng nổi tiếng của Đức.

Với hơn 400 nhân vật, câu chuyện giàu chi tiết và đầy tính nhân văn, Gia đình Buddenbrook vượt qua các tác phẩm văn chương viết về gia đình vốn thịnh hành ở châu Âu thời điểm đó, và trở thành một hình mẫu của thể loại này.

Thomas Mann bắt đầu viết cuốn sách vào tháng 10/1897, khi ông 22 tuổi. Cuốn tiểu thuyết được hoàn thành ba năm sau đó, và được công bố vào tháng 10/1901. Mặc dù giải thưởng Nobel văn chương thường trao cho các tác giả dựa trên một quá trình, nhưng tác phẩm xuất sắc này đã giúp Thomas Mann đứng vào hàng ngũ những văn hào thế giới. Trong diễn văn trao giải Nobel năm 1929 cho Thomas Mann có viết: “Thế kỷ 19 kết thúc khi một nhà văn trẻ 27 tuổi đến từ thành phố Lubeck xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Gia đình Buddenbrook năm 1901. Kể từ đó, 27 năm đã trôi qua và có một thực tế không thể chối cãi rằng Gia đình Buddenbrook thực sự là một kiệt tác đã lấp đầy khoảng trống của văn học Đức trên bản đồ văn chương thế giới. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện thực Đức ngữ đầu tiên và cho đến giờ là cuốn hay nhất, chiếm vị trí tương xứng với các tác phẩm của các nhà văn vĩ đại trên văn đàn châu Âu”.

Gia đình Buddenbrook đứng thứ 7 trong top 100 cuốn tiểu thuyết Đức ngữ hay nhất thế kỷ 20. Cứ 10 người Đức thì có một người đọc tác phẩm này. Ở Trung Quốc, Gia đình Buddenbrook được coi là phiên bản Đức ngữ của Hồng lâu mộng. Cũng giống như độc giả Hồng lâu mộng, người đọc tác phẩm này của Thomas Mann thường vẽ cây phả hệ của gia tộc Buddenbrook nhớ quan hệ của các nhân vật và tiện theo dõi tác phẩm.

Tác phẩm từng được NXB Lao Động phát hành ở Việt Nam với tên Gia đình Bút-đen-bruc. Quý IV năm nay, NXB Trẻ cho phát hành tiểu thuyết và đưa vào tủ sách “Cánh cửa mở rộng”. Ngoài Gia đình Buddenbrook, Thomass Man còn có các tiểu thuyết khác được phát hành ở Việt Nam như Núi thần, Chết ở Venice.

Tác giả Thomas Mann là nhà văn Đức lớn nhất thế kỷ 20.

Thomas Mann (1875 – 1955) sinh ở Lubeck, là con của một thương gia và thành viên hội đồng thành phố. Ông có một người anh trai là nhà văn Heinrich Mann. Năm 19 tuổi, Thomas Mann viết báo nhưng luôn mơ ước trở thành nhà văn như anh trai mình. Ông đã sáng tác truyện ngắn, sau đó viết tiểu thuyết năm 23 tuổi.

Thomas Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo dân chủ tư sản, chống phát xít. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý, đi sâu vào khía cạnh phù du và cái chết. Văn của ông chính xác, từ ngữ gọt giũa đòi hỏi người đọc tập trung. Ông cũng dùng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học trong tác phẩm của mình. Ngoài giải Nobel, Thomas Mann còn đoạt “Giải Goethe” năm 1949. Ông được coi là nhà văn Đức lớn nhất thế kỷ 20.

 

Theo Lam Thu – Vnexpress.vn

Exit mobile version