Tháng 2 vừa qua, Công an Tp Hà Nội đã tổ chức lễ công bố và trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đội thiếu niên tình báo Bát Sắt – một tổ chức thiếu niên thuộc Công an Quận 6 – Công an Tp Hà Nội giai đoạn 1946-1948. Cũng thật tình cờ, cách đây ít lâu, NXB Kim Đồng đã tái bản lần thứ 7 cuốn truyện “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” của tác giả Phạm Thắng. Tác giả Phạm Thắng không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Vậy đâu là lý do để một cuốn truyện của một cây bút không chuyên có sức hút mạnh không chỉ với độc giả nhỏ tuổi suốt gần 30 năm qua?

Bìa cuốn ”Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” qua 7 lần tái bản

Tôi tìm đến nhà riêng của tác giả Phạm Thắng ở trong một con ngõ nhỏ thuộc quận Cầu Giấy. Cậu thiếu niên tình báo 13 tuổi ngày nào nay đã trở thành ông lão tuổi tròn 80, nhưng vóc dáng còn nhanh nhẹn, giọng nói vẫn sang sảng, khỏe khoắn. Trong căn phòng khách rộng rãi, những bức ảnh mới nhất về lần gặp mặt giữa các đội viên tình báo Bát Sắt trong ngày vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã kịp được chủ nhân đóng khung treo lên trang trọng. Ông Phạm Thắng đã không giấu được niềm xúc động khi kể lại với phóng viên những năm tháng đầy gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng đầy tự hào của mình và đồng đội. Bắt đầu từ đêm tiễn đưa “tổ mở đường” gồm 5 em đội viên bí mật trở về Hà Nội (lúc ấy đang bị Pháp tạm chiếm) tại đình Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) sau đó đã hình thành nên một trận tuyến tình báo thầm lặng trong lòng Thủ đô. Khó có thể nói hết những việc các đội viên đã làm được như gây dựng cơ sở bí mật trong các gia đình công nhân, trí thức, học sinh; điều tra tin tức và tình hình địch; tổ chức việc đưa đón cán bộ ra – vào nội thành; tham gia tiễu trừ Việt gian cùng nhiều hành động táo bạo khác. Trong gần 2 năm hoạt động, Đội đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng Thủ đô như: chuyển lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài – Tư lệnh quân sự Liên khu 2 cho Tiểu đoàn 202 rút khỏi vòng vây của địch ở Khu Học xá Việt Nam (ở phố Bạch Mai); đưa đồng chí Trần Quang Cơ – quân báo viên Quận 6 bị lạc trở về đơn vị; dẫn đường cho một tiểu đội Quyết tử vào nghiên cứu đánh địch ngay trong lòng Hà Nội, giúp Công an Quận 5 và Nha Công an Trung ương đưa tình báo viên vào hoạt động ở nội thành và giúp các đồng chí này liên lạc với chỉ huy; chuyển thư của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo đến với số trí thức, nhân sĩ yêu nước bị kẹt lại Hà Nội khi chiến sự xảy ra. Ngoài ra, Đội còn tổ chức xử tử hình tên việt gian Paguct (tức Lê Hữu Ba Kế) tại nhà riêng đồng thời theo dõi, nắm quy luật hoạt động đi lại của tên việt gian đầu sỏ Trương Đình Tri – Chủ tịch Hội đồng An dân Bắc Kỳ – để lực lượng ta tiêu diệt…


Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nói chuyện với các đội viên đội thiếu niên tình báo Bát Sắt (ông Phạm Thắng đứng thứ hai từ trái sang).

Để thực hiện những nhiệm vụ này, các thành viên trong đội tình báo Bát Sắt đã phải tìm mọi cách sống hợp pháp trong nội thành như nhận làm con nuôi, làm bồi bàn, bán lạc rang, bán thuốc lá, đánh giày, bán báo… Các đội viên phải tự kiếm sống, không được học hành bài bản mà thường chỉ trải qua một lớp huấn luyện đơn giản với nội dung chủ yếu là dạy cách thuộc lý lịch giả để khai lúc bị bắt, cách hóa trang biến dạng ngoại hình, những cách vượt qua lưới vây khám và lời thề tuyệt mật không cung khai. Bản thân tác giả của “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” khi ấy mang tên là Phạm Văn Thẩm đã vào vai em bé mồ côi phải đi làm mướn cho tiệm nhảy Lido (ở phố Cửa Bắc) cùng với 4 đội viên khác. Hàng ngày, các em vừa chăm chỉ làm việc, vừa nghe ngóng tình hình, thu lượm thông tin mà đám lính Tây và Việt gian vô tình tuôn ra từ các cuộc “trà dư tửu hậu”. Khi ấy, chú bé Phạm Văn Thẩm mới chưa đầy 14 tuổi, trắng trẻo dễ thương lại thông minh, lanh lợi nên nhanh chóng chiếm được tình cảm của một “me Tây” là Mary Thúy – vợ tên sĩ quan Pháp Lămpe nhà ở ngay cạnh tiệm nhảy. Việc trở thành con nuôi của cặp vợ chồng này đã tạo cho cậu bé Phạm Văn Thẩm một vỏ bọc tốt để có được những thông tin tình báo quý giá. Được “bố mẹ nuôi” yêu quý, tin cẩn nên chú bé Thẩm thường xuyên được đi ra ngoài đi chơi chợ, dạo phố… cũng chính là lúc cậu tìm cách liên lạc với tổ chức. Ngoài ra, cậu bé còn khôn khéo đào được một cái hầm nhỏ ngay dưới chiếc giường cậu ngủ để giấu tài liệu và vũ khí cho đội Thanh Việt diệt tề trừ gian. Đến cuối năm 1947, cơ sở ở tiệm nhảy Lido bị vỡ do đội viên Chúc “lém” bị mật thám bắt đưa đi tra tấn. Chú bé Phạm Văn Thẩm với sự mưu trí, gan dạ đã điều khiển bà mẹ nuôi diễn một màn kịch cuối cùng: giả vờ như dẫn Thẩm đi nộp cho Sở Mật thám. Việc làm giúp cậu thoát khỏi vòng nguy hiểm để trở lại vùng tự do.

Sau đó, Phạm Văn Thẩm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nên mọi thư từ, tài liệu, bút tích, ảnh… liên quan đến quãng thời gian hoạt động trong đội thiếu niên tình báo Bát Sắt đã được gửi về cho ông cụ thân sinh lưu giữ. Ông cụ gói bọc cẩn thận đem chôn xuống đất nên qua thời gian và cơn binh biến, đến ngày tiếp quản Thủ đô trở về, mọi thứ vẫn còn gần như nguyên vẹn, trong đó có cả bức thư, di ảnh của người chị gái Phạm Thị Bích Hạnh cùng hoạt động trong đội đã hy sinh khi bị địch bắt, tra tấn, tù đày. Nhớ thương chị gái, nhớ bạn bè chiến đấu, mỗi khi có trẻ nhỏ tới chơi nhà, ông Thẩm (lúc này lấy tên là Phạm Thắng) thường kể cho chúng nghe về chuyện của mình và đồng đội thời còn hoạt động trong đội Bát Sắt. Các cháu rất hào hứng, thích thú trước những hành động táo báo, gan dạ và lập nhiều chiến công của các đội viên và bảo: “Sao bác không viết thành sách để cho nhiều trẻ em như chúng cháu cùng được đọc”. Vậy là trong đầu ông ông nung nấu ý tưởng viết lại những câu chuyện, những chiến công của đội Bát Sắt để nhiều người biết đến hơn.

Hưởng ứng cuộc thi “Viết về những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ chống Pháp” do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức, ông Phạm Thắng viết cuốn hồi ký về mình và đồng đội mình mang tên: “Đội tình báo thiếu niên”. Cuốn sách ra đời đã gây được tiếng vang, được Sở Văn hóa Hà Nội tái bản đến lần thứ 3 trước khi NXB Kim Đồng yêu cầu ông chuyển thể nó thành một tác phẩm văn học. Lúc đầu, ông cũng lo lắng chưa dám nhận lời ngay, nhưng đồng đội của ông và biên tập viên Nguyễn Văn Tân của NXB Kim Đồng đã nhiều lần động viên, khích lệ, cuối cùng ông đã bắt tay vào viết. Quá trình viết tác phẩm này với ông Thắng vô cùng vất vả bởi bản thảo phải sửa đi sửa lại nhiều lần cho phù hợp với một tác phẩm văn học hấp dẫn mà vẫn đảm bảo các yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an. Cuốn sách này cũng gắn liền với nhiều trận ốm của ông, đến nỗi vợ ông còn khuyên: “Nếu vất vả quá thế này thì hay là thôi anh ạ!”. Nhưng ông vẫn không nản chí, không bỏ cuộc. Đến đầu năm 1975, sách chuẩn bị được đưa in thì miền Nam giải phóng, bản thảo “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” lại phải chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu mới. Vì thế đến năm 1976, cuốn sách mới chính thức ra mắt với lượng phát hành khổng lồ ở cả 2 miền với 100.300 bản và ngay lập tức trở thành một trong những “cuốn sách vàng” được yêu thích nhất thời bấy giờ. Nó đã cùng với cuốn “Đội thiếu niên du kích Đình Bảng” của nhà văn Xuân Sách và “Đội thiếu niên du kích thành Huế” của Văn Tùng trở thành ba cuốn sách một thời được các em thiếu niên, nhi đồng yêu thích tìm đọc và luôn có tiếng vang đến tận hôm nay.

Đến năm 1990, ông Phạm Thắng còn cho ra mắt thêm cuốn truyện “Sứ thần liên lạc” – một cuốn sách nhỏ về người đồng đội Trần Văn Sâm – người đã nhận nhiệm vụ chuyển “phong thư thượng cấp” vào thành Cửa Đông năm xưa.

Nhắc lại kỷ niệm với cuốn sách này, ông Thắng tươi cười cho biết: “Lần lĩnh nhuận bút đầu tiên của “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” chỉ đủ để thết bạn bè một bữa bún chả là hết. Còn đến lần thứ 2 vào năm 1984 thì được những 2.000 đồng, tôi xây được một căn nhà khang trang, là niềm mơ ước của nhiều giáo viên như tôi hồi ấy. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi thấy mình đã làm được một việc thật có ý nghĩa, đó là góp phần ghi lại trang sử hào hùng của lực lượng Công an những năm chính quyền còn non trẻ để con cháu mai sau được biết và tự hào…”

 

Nguồn: VNCA

Exit mobile version