(Tổ Quốc)- Tròn 100 năm trước, ông Paul Beau (1857-1926), Toàn quyền thứ 13 (1902-1908) của Pháp ở Đông Dương, ký Nghị định số 1514a ngày 16/5/1906 về việc thành lập Trường Đại học Đông Dương đặt tại Hà Nội, chính thức khai sinh cho nền đại học theo mô hình Pháp và phương Tây tân tiến, hiện đại, gồm 5 trường Cao đẳng thành viên (Luật và Pháp chính, Khoa học, Y khoa, Xây dựng dân dụng, Văn chương). Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường, chúng tôi trân trọng giới thiệu ghi chép Đi thăm Đông Dương Học xá của hai tác giả Cách Chi (Nguyễn Phường, 1914-1987) và Mạnh Phan (Phạm Mạnh Phan, 1914-?) in trên tạp chí Tri tân, số 119, ra ngày 4-11-1943, tr.962-963. Văn bản do PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học) sưu tập, soạn chú…

Báo điện tử Tổ Quốc


Trường Đại học Đông Dương- Thiết chế đại học đầu tiên tại Việt Nam (ảnh Dantri)

 

 

Bữa đó, một sớm thu tươi đẹp, dưới ánh nắng dịu dàng tưng bừng đùa dỡn trên cành cây ngọn cỏ, chúng tôi ba người, ông chủ nhiệm Tri tân (Nguyễn Tường Phượng, 1899-1974, NHS chú), và hai chúng tôi xuống thăm Đông Dương học xá.

Ngày đó, nhằm ngày các sinh viên đang bận buổi học ở trên trường, nên quang cảnh Học xá không lấy gì làm tấp nập.

Vừa tới cổng, chúng tôi thấy ngay hai tòa nhà mới mẻ, đang phơi mình dưới ánh nắng thu êm dịu, đứng sừng sững trước mặt chúng tôi nhường như niềm nở đón chào du khách.

Bước trên vỉa thềm để vào một buồng khách rộng rãi của một tòa nhà trong Học xá bầy biện một cách tối tân nhưng giản dị, chúng tôi như thấy lạc mình trong một hội quán nào của người ngoại quốc.

Ông tổng thư ký Lafon, sau khi nhìn qua cánh thiếp, vội vã ra đón chúng tôi trước cửa buồng với vẻ mặt tươi cười nhã nhặn.

– Hôm qua, quan Chánh nha Học chính có báo trước cuộc tới thăm của các ông, nên tôi có ý đợi.

– Xin cảm ơn ơn ông, – Ông chủ nhiệm vội đỡ lời, – Chúng tôi lấy làm hân hạnh được tới thăm đây. Có lẽ chúng tôi phiền ông quá.

– Không, tôi lấy làm vui sướng được gặp các ông.

Rồi chiếc cười thân ái nở trên cặp môi của ông tổng thư ký Học xá phá tan sự bỡ ngỡ của buổi đầu gặp gỡ.

Sau khi giới thiệu chủ khách, chúng tôi an tọa trong buồng ông tổng thư ký với những giấy má và sổ sách quang minh.

Chúng tôi để các số đặc san Tri tân trên bàn, ông chủ nhiệm liền nói:

– Chúng tôi nhân tới thăm Học xá có mang theo ít nhiều các số đặc biệt đã ra, mong ông chuyển giùm để tặng các sinh viên.

Ông Lafon nhận tập báo rồi tươi cười tiếp chuyện chúng tôi. Một làn không khí thân mật tỏa trong câu chuyện bốn người.

Sau dăm phút chuyện vãn, ông dẫn chúng tôi đi thăm các tòa nhà của Học xá đã xây xong.

Thoạt tiên ông đưa chúng tôi ra buồng khách rộng để xem qua cái kiểu mẫu đắp sẵn của toàn thể Học xá (maquelte) bày giữa buồng rồi ông đưa đi thăm các chỗ ngăn buồng của các sinh viên.

*

Học xá làm trên thửa đất ở giữa cánh đồng phía hữu làng Bạch Mai. Phía trước Học xá đối diện với nhà thương René Robin. Phía sau là phố Bạch Mai và xóm yên hoa Vạn Thái.

Sườn bên hữu đối diện với con đường 202, tức phố Nguyễn Du. Sườn bên tả giáp Sở Vô tuyến điện và con đường Cống Vọng. Tất cả các tòa nhà đều gần thu gọn trong cái hình năm góc (pentagone).

Mười tòa nhà ba tầng dành cho các sinh viên. Những nhà ấy đều ở giữa khu Học xá và bao bọc một cái “Vườn tượng trưng” (Le jardin symbolique) theo sáng kiến của các ông Chauchon, Masson và Gilles, ba kiến trúc sư ở Sài Gòn.

Phía trước mặt Học xá, bên tả là một phạn điếm (restaurant) dành cho các sinh viên. Đối diện phạn điếm ấy là tòa nhà của ông giám đốc (logement du directeur).

Ở chính giữa phía trước là một tòa nhà công cộng (bâtiment général) sẽ có các buồng giấy của các ban coi về Học xá, thư viện và buồng hội họp của các sinh viên, vân vân.

Ở gần hai bên tòa nhà chung ấy có hai căn nhà khác: một dành cho ông quản lý (logement du l’econome), một cho ông tổng thư ký của Học xá (logement du secrétaire général).

Sau tòa nhà ông quản lý là một bệnh thất (une infirmerie) để phòng khi các sinh viên đau ốm.

Phía sau Học xá là một bãi thể thao lớn (stade) dành cho các cuộc đá bóng chân có xây một cái khán đài (tribune). Bên hữu bãi đó có 2 sân chơi quần vợt, 2 sân chơi bóng chuyền tay (volley ball) và 2 sân chơi bóng rổ (basket ball). Bên tả là một bãi để tập thể dục (gymnase) hằng ngày với một bể bơi ở giữa.

Ngoài ra ở ba góc khu Học xá có một nhà thờ đạo, một chùa xây theo lối Cao Miên và một chùa xây theo lối Bắc kỳ.

*

Đó là toàn thể khu học xá mà chúng tôi vừa sơ phác trên kia.

Hiện giờ, theo lời ông Lafon, công việc tiến hành tùy sự cần dùng của các sinh viên.

Nếu làm xong cả 10 tòa nhà thì khu Học xá sẽ có 800 sinh viên lưu trú, vì mỗi nhà nhận được 80 người.

Mới có hai chiếc làm xong. Hiện 160 sinh viên đã tới ở. Ngoài ra, theo lời ông tổng thư ký, còn có tới 150 đơn các sinh viên khác cũng muốn lưu tại Học xá.

Vì vậy hai tòa nhà đang xây dở: Một phải hoãn hẳn để làm gấp cái kia cho xong trước theo sự dùng khẩn cấp.

Ngoài ra, hai tòa nhà, một của ông giám đốc và một của ông tổng thư ký cũng đang xây gần xong.

Vì sự khó khăn hiện thời, các vật liệu đều khan, nên công việc xây Học xá cần phải tiến hành dần dần.

Việc xây hoàn thành Học xá không có thời hạn nhất định như người ta thường tưởng.

Mỗi tòa nhà trong Học xá đều xây theo sự dung hòa của hai kiến trúc Đông – Tây (Giản lược phụ bản sơ đồ Một tòa nhà trong khu Đông Dương Học xá – NHS chú).

Mỗi sinh viên ở một căn buồng có màn, đệm, tủ áo, bàn học và đèn riêng. Chỗ rửa mặt, nơi tiếp khách đều xếp đặt theo cách sống của người Âu.

Hiện giờ thư viện của Học xá mới đặt tạm trong một căn phòng có chừng 500 cuốn do thư viện của Đại học đường chuyển xuống. Vì chưa xây phạn điếm nên thực đường (Réfectoire), mới đặt tạm trong một căn nhà cổ của một tư gia xây khi trước ở khu Học xá.

Ông tổng thư ký Lafon dẫn chúng tôi đi xem khu Học xá trên tiếng đồng hồ. Chỗ nào ông cũng giảng giải cặn kẽ bằng giọng niềm nở.

Cuộc tới thăm chấm hết vào khoảng 11 giờ trưa.

Ra về, chúng tôi ai cũng còn nhớ hình ảnh nhã nhặn của ông tổng thư ký với mái tóc đã điểm màu sương và với bộ mặt mà gió bụi của cuộc đời đã ghi vết trên đôi gò má.

Hồi tưởng lại tới khu đồng ruộng khi trước đầy mồ mả với ao chuôm, chúng tôi có những ý nghĩ tươi sáng về tương lai của thanh niên trí thức.

Xem cách sống của các sinh viên trong Học xá hoàn toàn theo người Âu, trong óc chúng tôi bỗng nhớ tới những người dân quê lam lũ nơi đồng ruộng với những tâm hồn sốt sắng ở ba kỳ đã vui lòng gom góp mà hưởng ứng với nhà đương đạo để mong vun đắp đám người tươi đẹp “tương lai của đất nước”.

Đi thăm khu Học xá chúng tôi còn liên tưởng tới cái chế độ học từ Quốc Tử Giám ở các triều Lý, Trần và của triều Nguyễn cận đại. Nhưng đứng về phương diện thực tế và quan sát, chúng tôi thấy rằng Học xá Đông Dương nếu có một mai xây dựng xong sẽ là nơi mà các thanh niên được săn sóc chu đáo, khỏi lo đến những sự nhu cầu để tâm chuyên cần về đường học thuật. Và ở những nơi xa xôi từ chốn quê hương, đồng ruộng hay nơi tỉnh nhỏ chốn biên thùy, các phụ huynh cũng có cảm tưởng là các con em mình tuy du học mà vẫn được sống trong cảnh quây quần đầm ấm.

Cách Chi và Mạnh Phan