Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ viết đủ thể tài văn học, riêng về truyện ngắn đến nay chúng ta mới được đọc 5 truyện. Sở dĩ nói như vậy vì tôi nghĩ rằng có thể còn nhiều tác phẩm của Bác chúng ta vẫn chưa sưu tầm được. Truyện ngắn Con rùa được Bác viết năm 1952, khi Người ký bút danh Nguyễn Ái Quốc. Tôi được đọc Con rùa cách đây hơn hai mươi năm, vậy mà đến giờ, khi ngồi trong một căn phòng nào đó, nghe tiếng gõ “cốc, cốc”, tôi lại nhớ dến truyện ngắn này.


Truyện ngắn Con rùa rất ngắn, chỉ hơn một trang in, theo cách nhiều người hiện nay gọi là truyện cực ngắn. Truyện cực ngắn thực sự thử thách tài năng của nhà văn, nếu non tay một chút sẽ biến thành mẩu chuyện. Ở Con rùa, tác giả đã chọn lọc chữ, dồn nén câu, cài tình huống cho một sự bùng nổ của truyện. Hơn nữa, truyện mang tư tưởng sâu sắc, những truyện ngắn được gọi là kiệt tác đều có những đặc điểm như vậy.

Con rùa có cốt truyện khá đơn giản, một nhân vật tên là Xã, lý trưởng làng La Lo, nhận được trát của quan sứ để lót tay quan sứ. Nếu đi tay không thì: “Khi ra khỏi nhà đôi mông no đòn”. Bà vợ cũng lo sợ thay cho chồng vì trong thời kỳ bình định, quan sứ đã từng chặt 75 cái đầu hào xứ Bắc kỳ. Khốn nỗi, trong nhà họ không còn gì đáng giá vì phải bán sạch để nộp thuế. Và sau khi bàn bạc nát nước với vợ, lý trưởng Xã đem một con rùa và thuê của nàng hầu chính viên quan sứ cái khay bạc để đặt con rùa lên. Sau khi bày xong xuôi cả khay lẫn con rùa lên chiếc chiếu trải trước phòng giấy ngài công sứ, ông Xã lên trình diện “với tất cả nỗi niềm cung kính tất phải có đối với vị đại diện nhà nước bảo hộ”. Và lý trưởng đã quá run sợ, ngỏanh mặt đi chỗ khác, chính lúc đó, con rùa đã bò đi mất. Khi trông thấy cái khay bạc, viên quan sứ đã reo lên: “Ô, cái khay đẹp quá thôi! Để ta phải gửi lên biếu quan tòan quyền mới được! Đúng hôm nay lại là ngày sinh nhật của tòan quyền phu nhân, hẳn là bà ta thích lắm đấy”. Và lão quan sứ khấp khởi nghĩ thầm “và ông ấy thì ông ấy sẽ thăng cấp cho ta”.

Không có cách nào khác là đành phải tóm tắt truyện ngắn này một cách vụng về như thế. Thực ra tóm tắt truyện ngắn hay là rất khó, người sành văn đã bảo, thuật lại một truyện ngắn hay chi bằng đọc truyện ngắn ấy. Bởi một truyện ngắn hay không chỉ câu chuyện độc đáo, mà chính là ở lời văn đặc sắc, phù hợp với bối cảnh truyện. Ở truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc có phương pháp dẫn truyện rất tinh tế, các nhân vật đều có chân dung rất đặc sắc. Với viên quan sứ: “là một ông Tây tốt, chỉ thích của tốt”; “từng chặt 75 đầu hào xứ Bắc kỳ”; “Ra lệnh nện đòn bất luận tên dân An Nam nào, đàn ông hay đàn bà cũng thế, qua cổng nhà ông mà không hạ mũ nón”; “Muốn vui chuồng gà, ông mượn gà mái của dân trong vùng rồi chẳng bao giờ trả lại sau khi đã có gà trống lẫn gà con”… Nhân vật quan sứ được khắc họa với những chi tiết rất thực, giọng văn biếm họa. Còn nhân vật ông Xã lại hiện lên như một kẻ nô lệ nhưng đầy ham muốn nhân dịp này để ra mắt quan sứ, mong được ân mưa móc. Truyện chỉ vẻn vẹn có hai nhân vật chính, nhưng mỗi người đều có tiếng nói riêng. Bên trong nhân vật đều ẩn sâu tham vọng, từ lão lý trưởng ở cái làng La Lo hẻo lánh đến viên quan sức đều mong dùng cáp để được thăng chức cao hơn.

Truyện ngắn Con rùa được viết với ngôn ngữ giễu cợt, hài hước, châm biếm. Nghệ thuật chơi chữ được vận dụng. Trong nguyên văn tiếng Pháp, tên làng La Lo có ý như sự, cái nỗi, tiếng Việt là lo lắng; câu mời quan ăn lễ nhận quà Cepetitca có nghĩa là phân người. Những câu đối đáp chứa đầy chất châm biếm, đả kích khiến người đọc thích thú.

Câu chuyện được Bác viết với lời văn rất bình dị. Tác giả không hề xem vào bình phẩm, cứ để nhân vật bộc lộ tính cách qua lời nói và câu chuyện cứ dần dần phát triển như một vở kịch. người đọc được dẫn vào một cơ chế xã hội thật tăm tối, quan lớn hách dịch, tàn bạo, quan nhỏ thì ma mãnh, hèn hạ, thích phô trương chữ nghĩa.

Với Con rùa, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ qua tính logic của sự việc, như một lý trưởng lại lên thẳng dinh công sứ, thuê cái khay bạc của nàng hầu hắn ta để đặt con rùa lên, tất cả điều đó để nhằm đạt đến hiệu quả tư tưởng lớn. Đó là nạn biếu xén, đút lót đã ngang nhiên diễn ra từ cấp thấp, làng xã, đến cấp cao nhất, công sứ và tòan quyền Đông Dương. Nói về tính khái quát, Con rùa có tính khái quát cao nhất, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng đến một xã hội mục rỗng vì căn bệnh ăn của đút.

Chúng ta đang học tập đạo đức Hồ Chí Minh, theo tôi, với những người viết, không có gì hơn là đọc lại tác phẩm của Người. Ở đó, dường như có tất cả cho chúng ta học. Riêng về truyện ngắn, Bác để lại không nhiều nhưng với truyện Con rùa, chúng ta học được cách viết truyện ngắn bậc thầy.

Nguồn: vannghequandoi.com.vn