Minh họa của họa sĩ Đỗ Phấn.

Juan Rulfo (Nepomuceno Carlos Pérez Rulfo Vizcaino ), là nhà văn, nhà thơ Mexico với bút danh là Juan Rulfo. Ông sinh ngày 16.5.1917, mất ngày 7.1.1986. Ông là một trong những tác giả nổi bật của châu Mỹ La tinh, nổi tiếng với hai tác phẩm: tập truyện ngắn “El Llano en llamas – Đồng bằng bốc lửa” (1954), một số truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Việt và tiểu thuyết “Pedro Páramo” (1955 – đã được dịch sang tiếng Việt qua bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha của Nguyễn Trung Đức). Năm 1982, một giải thưởng văn học viết bằng tiếng Tây Ban Nha được lập ra mang tên ông. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của cách viết hiện thực huyền ảo. Truyện ngắn dưới đây “Do you hear the dogs barking? – Con có nghe chó sủa không?”nằm trong tập truyện “El Llano en llamas” nói trên.

“Ignacio, con ở trên cao, con không nghe gì hay thấy ngọn đèn nào ở đâu sao?”.

“Con không thấy gì hết.”

“Lúc này chắc mình gần tới rồi”.

“Dạ, nhưng con không nghe thấy gì”.

“Nhìn kỹ đi, Ignacio tội nghiệp của cha”.

Cái bóng đen dài của hai con người cứ chuyển động nhấp nhô, leo lên trên đá, thu nhỏ và mở rộng khi tiến tới dọc theo mép con mương. Đó là cái bóng duy nhất chuyển động.

Mặt trăng trồi lên khỏi mặt đất như một khối sáng tròn.

“Chúng ta đang đến thị trấn đó, Ignacio. Tai con không bị gì, nên cố tìm hiểu xem sao con không nghe chó sủa. Họ nói với mình Tonaya ở ngay sau núi. Mà mình đã đi quá khỏi núi nhiều giờ rồi. Nhớ không, Ignacio?”.

“Nhớ, nhưng con không thấy dấu hiệu nào cả”.

“Cha đang cảm thấy mệt”.

“Bỏ con xuống”.

Ông già lùi lại đến bên một bờ tường dày và xốc lại khối nặng trên vai nhưng không bỏ xuống khỏi đôi vai ông. Dù đôi chân ông oằn vì sức nặng, ông không ngồi xuống, vì nếu vậy ông sẽ không thể nâng lên được người con mà ông đã đặt trên vai cách đây nhiều giờ. Ông đã đai nó suốt cả chặng đường.

“Con cảm thấy thế nào?”.

“Xấu”.

Ignacio không nói nhiều. Càng lúc càng ít nói. Thỉnh thoảng có vẻ như ngủ. Thỉnh thoảng có vẻ như lạnh. Anh ta run. Khi cơn run xâm chiếm anh ta, hai bàn chân anh quắp vào sườn người cha như hai cái đinh thúc ngựa. Hai bàn tay anh ta, quặp quanh cổ người cha, bấu vào đầu và rung nó như thể đó là một cái trống lắc.

Người cha nghiến răng để khỏi cắn phải lưỡi, và khi cơn run đã hết, ông hỏi: “Có đau nhiều không?”.

“Đau chút ít”, Ignacio trả lời.

Mới đầu thì Ignacio đã nói, “Để con xuống ở đây – Bỏ con ở đây – Ba đi một mình. Con sẽ theo kịp ba vào ngày mai, hay ngay khi con đỡ hơn một chút”. Anh ta nói vậy có đến năm mươi lần. Giờ thì không nói nữa.

Vầng trăng trên trời đang chiếu sáng họ. Một vầng trăng đỏ lớn chiếu ánh sáng của nó đầy đôi mắt họ.

“Ba không biết mình đang đi đâu nữa”, người cha nói. Không có câu đáp.

Người con trai bên trên được vầng trăng soi sáng. Mặt anh ta, không sắc máu, ửng lên ánh sáng mờ đục. Còn ông thì ở dưới.

“Có nghe ba nói không, Ignacio? Ba không thấy rõ con”.

Không có câu đáp.

Một cách ngập ngừng, người cha tiếp tục đi. Ông khom lưng vì cơ thể của anh ta trên vai, rồi lại thẳng người lên và loạng choạng đi tiếp.

“Ở đây không có đường. Họ bảo Tonaya ở phía sau ngọn đồi. Mình đã đi quá ngọn đồi rồi. Mà con không thấy Tonaya, hay nghe tiếng động nào cho mình biết nó ở gần. Sao con không nói cho cha biết con thấy gì trên đó, hả Ignacio?”

“Bỏ con xuống, Cha”.

“Con thấy mệt hả?”.

“Dạ”.

“Ba sẽ đưa con đến Tonaya. Ba sẽ tìm người chăm sóc con ở đó. Người ta nói có một bác sĩ trong thị trấn. Ba sẽ đưa con đến ông ấy. Ba đã cõng con nhiều giờ, và ba sẽ không để con nằm đây cho người ta giết chết”.

Ông loạng choạng một chút. Ông bước hai ba bước sang bên cạnh, rồi lại thẳng người lên.

“Ba sẽ đưa con đến Tonaya”.

“Bỏ con xuống”.

Giọng nói của anh ta yếu ớt, gần như thì thào. “Con muốn ngủ một chút”.

“Ngủ trên đó đi. Ba giữ được con mà”.

Vầng trăng đang lên gần như có màu xanh trên bầu trời trong. Bây giờ gương mặt của ông già, đẫm mồ hôi chảy trong ánh trăng. Ông hạ tầm mắt nhìn xuống để không phải nhìn thẳng phía trước, vì ông không thể cúi cái đầu bị nắm chặt bởi hai bàn tay của con ông.

“Không phải ba làm tất cả những việc này vì con. Ba làm vì người mẹ đã mất của con. Vì con là con của bà. Đó là lý do ba làm việc này. Bà sẽ ám ảnh ba nếu ba bỏ con nằm ở nơi ba thấy con và không đai con lên đưa con đi chữa trị như ba đang làm. Bà chính là người cho ba can đảm, chứ không phải con. Ngay từ đầu con đã làm cho ba rắc rối, bẽ bàng và xấu hổ”.

Ông đổ mồ hôi trong khi nói. Nhưng gió đêm làm mồ hôi ông khô. Và mồ hôi khô xong, ông lại đổ mồ hôi nữa.

“Ba sẽ gãy lưng, nhưng ba sẽ đến Tonaya với con, họ có thể chữa trị những vết thương của con. Ba chắc chắn ngay khi con cảm thấy khỏe con sẽ quay lại con đường xấu xa của con. Nhưng việc đó không làm ba bận tâm nữa nếu con đi xa, đến nơi ba không nghe gì về con nữa. Chừng nào mà con làm như thế – ba nghĩ, con không còn là con của ba. Ba nguyền rủa dòng máu con có từ ba. Ba đã nguyền rủa máu của ba. Ba nói, “Hãy để máu mà ta cho nó thối rữa trong thận của nó: Ba nói điều đó khi ba nghe tin con chận các ngả đường, cướp bóc và giết người – những người lương thiện. Người bạn già Trangquilino của ba, là một ví dụ. Đó là người đã rửa tội cho con. Người đã đặt tên cho con. Ông ấy đã xui xẻo khi gặp con. Từ đó ba nói, “Thằng đó không thể là con tôi”.

“Bây giờ xem thử có thấy gì không? Hay có nghe gì không? Con phải làm điều đó từ trên cao vì ba cảm thấy nặng tai”.

“Con không thấy gì hết”.

“Quá tệ, Ignacio”.

“Con khát”.

“Con ráng chịu đi. Chắc mình gần đến rồi. Vì bây giờ rất khuya nên chắc họ phải mở đèn trong thị trấn. Nhưng chí ít con phải nghe tiếng chó sủa. Ráng chịu đi”.

“Cho con chút nước”.

“Ở đây không có nước. Chỉ có đá. Con phải ráng chịu đựng. Thậm chí khi có nước, ba cũng không thả con xuống để uống. Không có ai giúp ba đỡ con lên lại, mà ba không thể làm việc đó một mình”.

“Con khát lắm và buồn ngủ nữa”.

“Ba nhớ hồi con mới sinh ra. Hồi đó con cũng như vậy. Con thức dậy, đói và ăn rồi ngủ lại. Mẹ con phải cho con uống nước, vì con bú hết sạch sữa mẹ. Mà con không no. Con luôn bực tức la khóc. Ba không bao giờ nghĩ kiểu bực tức này lại phát sinh trong đầu con. Nhưng mà đã. Mẹ con, mong bà yên nghỉ, muốn con lớn lên mạnh khỏe. Bà nghĩ khi con lớn lên con sẽ chăm lo cho bà. Bà chỉ có một mình con. Đứa con thứ hai mà bà cố sinh đã làm bà chết. Và con cũng sẽ làm bà chết, nếu bà còn sống tới bây giờ”.

Chàng thanh niên trên lưng ông thôi kẹp đầu gối. Bàn chân anh ta bắt đầu lắc qua lắc lại. Và đối với người cha, dường như đầu của Ignacio, bên trên, đang rung lên như thể anh ta thổn thức khóc.

Ông cảm thấy những giọt nước nặng rơi trên tóc ông.

“Con đang khóc hả, Ignacio?”. Kỷ niệm về mẹ con làm con khóc, phải không? Nhưng con không hề làm điều gì cho mẹ con cả. Con chỉ đền đáp chúng ta theo cách xấu xa. Cơ thể con chứa đầy những điều xấu xa thay vì tình thương yêu. Bây giờ con thấy chưa? Người ta đã làm con bị thương? Chuyện gì xảy ra cho các bạn con? Chúng đều bị giết chết hết. Chỉ vì chúng không có ai. Chúng có thể đã nói, “Chúng tôi không có ai quan tâm”. Nhưng còn con, Ignacio?”.

Cuối cùng, đã thấy thị trấn. Ông già thấy những mái nhà của thị trấn sáng trong ánh trăng. Ông cảm thấy trọng lượng của con trai ông làm ông liểng xiểng khi gối ông oằn trong một nỗ lực cuối cùng. Khi ông đến căn nhà đầu tiên, ông tựa vào bức tường bên lề đường. Ông thả cho thân người bên trên ông đu đưa như thể nó trượt khỏi ông.

Ông gỡ những ngón tay của thằng con trai khỏi cổ ông một cách khó khăn. Khi ông tự do, ông nghe tiếng chó sủa khắp nơi. “Vậy mà con không nghe chúng sủa, Ignacio? – Ông nói. “Thậm chí con không hề nghe chúng giúp cha”.

Theo Hoàng Minh (dịch từ bản tiếng Anh) – Lao động cuối tuần (số 14 – ngày 05/04/2015)

Exit mobile version