1. Nhà thơ Xuân Diệu rất không muốn ai – kể cả những bạn đọc trẻ tuổi gọi mình là bác. Có lúc, nhà thơ đã bực bội mà nói (và viết nữa):
– Bác gì! Bác phó cối à?
Kể tuổi thì tuổi nhà thơ đúng bằng tuổi ông thân sinh tôi, nên lần xưng hô đầu tiên (trong thư) tôi gọi nhà thơ bằng bác. Xuân Diệu không nói gì, lẳng lặng chữa lại là anh. Từ đó, tôi biết ý, tự nhiên mà nhận phần em; trong thư từ, trong trò chuyện hàng ngày và cả trong khi viết về Xuân Diệu trên sách báo nữa. Người đọc, nếu ai không biết nguyên do, nghĩ về tuổi tác rất dễ cho xưng hô như vậy là khiếm nhã, thận chí vô lễ. Nhưng nếu biết thì lại dễ dàng đồng tình chiều theo ý nhà thơ, mà cho là lễ độ vậy !


anh
Bức ảnh nhà thơ Xuân Diệu đề tặng nhà phê bình Hồng Diệu


2. Xuân Diệu có một quyển sổ bằng bàn tay ghi những thứ phải chi tiêu hàng ngày từ bé đến lớn: mấy mớ rau muống, vài lạng thịt chó, dăm ba quả trứng gà…. hoặc do người giúp việc mua hoặc do chính anh mua. Thấy tôi cứ lật đi lật lại từng trang, nhìn có vẻ… xoi mói, nhà thơ bảo:
– Chắc là vì từ bé anh đã chịu khó, chịu khổ quá nhiều, nên bây giờ mới tỉ mẩn như một bà già lắm điều thế !
Lúc nghe nhà thơ nói vậy, tôi chưa có ấn tượng gì. Nhưng về sau, khi đọc quyển tự truyện Đi hoang của Tịnh Hà (em ruột nhà thơ) kể về những ngày thơ ấu của hai anh em, tôi mới thực sự hiểu được vì sao Xuân Diệu lại có tính so đo, chi ly đến mức ấy !


3. Nhà thơ Xuân Diệu rất “dị ứng” với mấy vị quan chức, từ cấp thấp đến cấp cao đi đến đâu thì oai phong, bệ vệ, quát tháo đến đấy. Trong khi ở ngay nhà mình, vợ thì lăng loàn, con thì lêu lổng ham chơi hơn ham học. Tôi đã chứng kiến mấy lần gặp trường hợp như thế, anh lắc đầu ngao ngán. Có hôm, anh đọc cho tôi nghe hai câu thơ nói về loại người này (không thấy Xuân Diệu cho in ở đâu):

Ra ngoài thì trị bốn phương
Về nhà trị bốn chân giường không xong!


4. Quý trọng tình nghĩa là một đặc tính của nhà thơ Xuân Diệu. Hôm tôi đưa nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đến thăm anh lần đầu, Xuân Diệu chỉ vào tôi mà “giới thiệu” với Lâm Thị Mỹ Dạ:
– Chú này chơi với tôi hơn mười năm rồi đấy !
Bấy giờ tôi nghĩ: mười năm, trong quan hệ giữa người với người, đâu có gì là nhiều, mà nhà thơ coi nó như một chuyện bất thường? Quả nhiên, sự từng trải của nhà thơ đã được chứng minh: chỉ sau đó không lâu, anh giận tôi đến….một năm, vì tôi viết bài phê bình một tập thơ của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn nghệ (dù trước khi gửi đăng báo, tôi đã đưa anh đọc trước).


5. Tôi có cảm giác Xuân Diệu coi trọng tác dụng của thơ với đời sống đến mức rất lạ, mà rất ít người, kể cả các nhà thơ nổi tiếng khác, coi trọng đến mức ấy.
Một lần, tôi nói với nhà thơ: ở đơn vị tôi, có một sĩ quan, rất thích bài thơ Thác của Xuân Diệu viết về tình yêu và rất hay ngâm mấy câu mở đầu bài thơ này:

Như nước dòng lao gặp đá ngăn
Cuộn từ đáy vực tỏa băn khoăn
Chưa vần được đá nên tung sóng
Ức mãi ngàn năm vẫn thét gầm

“Nhà thơ của tình yêu” ấy hỏi ngay:
Thế còn những bài thơ viết về đấu tranh thống nhất, về xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sao?
Một lần khác, tôi đến chơi, gặp lúc cháu Vũ – con trai nhà thơ Huy Cận – mới sáu, bẩy tuổi đang chạy nhảy, nghịch ngợm, bày biện đủ các thứ trên gường dưới đất. Xuân Diệu nói với Vũ một cách rất … nghiêm túc, hơi cao giọng nhưng hoàn toàn không có chút gì là đùa:
– Cháu nghịch vừa vừa thôi, để bác còn làm thơ phục vụ nhân dân chứ!


6. Ngay từ trước khi quyển Thơ thơ của Xuân Diệu in lần đầu (1938) nhà thơ đã nổi tiếng lắm. Và cũng chỉ hơn một năm sau đó, năm 1940, tập thơ đã tái bản. Bạn đọc khắp nơi, nhất là lớp trẻ ngày ấy coi Xuân Diệu như một thần tượng.
Vì vậy mà trong quyển Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, và Hoài Chân, đã viết:
“Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê vẫn chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời. Song những ai chê Xuân Diệu, tưởng Xuân Diệu có thể trả lời theo lối Lamartine ngày trước: Đã có những thiếu niên, thiếu nữ hoan nghênh tôi.
Với một nhà thơ còn gì quý cho bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ”).
Có được một tập Thơ thơ bấy giờ là ước muốn của rất nhiều bạn đọc trẻ. Một lần, nhà thơ kể cho tôi nghe một chuyện liên quan đến việc này:
Buổi tối hôm ấy, có hai cô gái đến chơi. Trò chuyện xong, hai cô ra về. Mấy hôm sau, Xuân Diệu mới sực nhớ ra là không còn thấy quyển Thơ thơ đã để trên bàn cùng với mấy quyển sách và tờ báo khác. Nhưng rồi Xuân Diệu cũng quên đi, không để ý gì, không nghi ngờ gì hai cô gái. Khá lâu sau đó, một trong hai cô, trong một dịp gặp nhà thơ, mới… tiết lộ:
– Hồi đến chơi nhà anh, bọn em có lấy trộm một quyển Thơ thơ!
– Nhưng hôm ấy hai cô đi người không, có đem cặp đem túi gì đâu? – Xuân Diệu hỏi.
Cô gái thành thật trả lời:
– Bọn em nhét quyển sách trong… cạp quần!


7. Thời kỳ đất nước ta đang kháng chiến chống Mỹ (và cả mấy năm sau đó nữa) thơ tình rất ít được in – nhất là những bài thơ tình chỉ nói chuyện riêng về trai gái mà không nói đến chuyệnchung của nhân dân, của đất nước. (Kể cũng đúng thôi, bấy giờ phải tất cả cho chiến trường, tất cả để đánh thắng quân xâm lược. Và sau khi miền nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, lại phải khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh). Chỉ có riêng Xuân Diệu là thơ tình vẫn được in thường xuyên, và in nhiều hơn bất cứ một nhà thơ nào khác. Cũng có phần do anh là “nhà thơ của tình yêu” nên mặc nhiên được … ưu tiên đôi chút. Nhưng một phần cũng không kém quan trọng, mà như có lần anh nói với tôi: Để in được nhiều thơ tình như thế, anh đã phải có “thủ thuật” đấy em ạ!
Tôi không tiện hỏi ngay thủ thuật ấy là gì, nhưng rồi cũng tìm cách “phát hiện” được: Xuân Diệu có cả một tập thơ mà anh muốn nhấn mạnh ý đồ từ ngoài bìa: Riêng chug (1960). Lại có một tập thơ mà cái tên là Mũi Cà Mau và Cầm tay (1962) trong đó phần đầu viết về đấu tranh thống nhất, phàn sau viết về tình yêu. Mà ngay đầu phần Cầm tay, Xuân Diệu còn cẩn thận đề từ:

Một tuần công việc tạm xong
Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người.

Ở những tập thơ khác, Xuân Diệu không cho in liền một loạt những bài thơ tình, mà xé lẻ chúng ra, đặt xen kẽ với những thứ khác (để giảm bớt cảm giác nhiều thơ tình yêu). Như tậpHai đợt sóng (1967) sau 28 bài về các đề tài khác, có chín bài thơ tình yêu, tiếp đó là ba bài về đấu tranh thống nhất. Lại như tập Tôi giàu đôi mắt (1970) sau khi in 19 bài thơ về đề tài chung, Xuân Diệu cho in bẩy bài thơ tình yêu, rồi lại in 12 bài thơ có đề tài khác. Với tập thơ sau đó, và là tập thơ cuối cùng của Xuân Diệu: Thanh ca ­(1982) cũng thấy hiện tượng này.


8. Nhà thơ Xuân Diệu kể cho tôi nghe một chuyện: năm 1960, có dịp anh về thành phố Nam Định. Tối chủ nhật hôm ấy, ăn cơm tối xong, đi dạo phố về, anh nẩy ra ý định viết bài thơ Trước cổng nhà máy xay. Bài thơ viết khá nhanh, có bốn câu cuối thế này:

Cổng đóng, tôi tựa cổng – đứng chơi,
Nhìn vào nhà máy với nhìn trời.
Thấy mình chắc dạ, nghe no đủ
Như cả Nhà Xay: gạo của tôi.

Xuân Diệu bảo: Có một nhà thơ đọc bốn câu ấy (sau khi bài thơ in báo) đã thốt lên lời trách cứ Xuân Diệu: Mọi người lao động đang vất vả, tất bật để xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần đấu tranh thống nhất đất nước, mà Xuân Diệu lại đứng chơi!
Trước đó là chuyện bài thơ Gió, Xuân Diệu viết năm 1957, có bốn câu cuối nói niềm vui của nhà thơ trước cuộc sống mới:

Hồn ta cánh rộng mở
Đôi bên gió thổi vào,
Nghĩ những điều hớn hở
Như trời cao, cao, cao.

Lần này thì không còn là lời phàn nàn nữa, mà một nhà phê bình rất quen biết, viết trên báo hẳn hỏi:

“Gió hai bên là thứ gió gì? Buồm chạy theo gió hai bên là thứ buồm gì? … Buồm chạy theo gió hai bên không phải là thứ buồm của tư tưởng vô sản. Chỉ có thứ buồm của tư tưởng cơ hội chủ nghĩa mới chạy theo thứ gió hai bên mà thôi” (!)
Thật là những kiểu phê bình mang một thứ ní nuận mà người ta thường gọi là “lên gân”, “chụp mũ” rất ấu trĩ đã từng làm không ít những người viết văn, làm thơ một thời khốn khổ!
Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại cho công bằng, sòng phẳng. Nếu ở mấy trường hợp trên, Xuân Diệu là nạn nhân do những người khác, thì cũng thấy có trường hợp mấy người khác lại là nạn nhân do chính Xuân Diệu. (Tôi nhớ đến những bài Xuân Diệu viết về đấu tranh tư tưởng trong thơ nói riêng và văn nghệ nói chung, những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, không xa thời gian xẩy ra hai chuyện đã kể ở trên).

 

9. Mấy năm trước đây, tình cờ tôi có nghe một nữ tiến sĩ dạy học môn Văn trên đài truyền hình trung ương. Khi dẫn hai câu thơ của Xuân Diệu trong bài Chiều cô đọc:
Hôm nay trời nhẹ mây cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Sau đó khá lâu, tôi lại tình cờ nghe một thầy giáo dẫn hai câu thơ trên, đúng như nữ tiến sĩ kia đã dẫn, trong một bài phát trên đài Tiếng nói Việt Nam.
Nếu cần “thẩm tra” lại hai câu này, hãy xem những quyển sách in bài Chiều của Xuân Diệu, như tập Thơ thơ in năm 1938 hay gần đây hơn là Toàn tập Xuân Diệu, tập I, Nhà xuất bản Văn học,2001. Tôi cho trời nhẹ mây cao là cách nói của người thường, trời nhẹ lên cao mới là cách nói của một thi sĩ.
Còn với hai vị nói trên, xin cho tôi (và người đọc) biết: các vị đã lấy câu thơ ấy từ đâu, hay là tự mình… sáng tác, tự mình… bịa ra, cho học sinh… dễ hiểu?


10. Một buổi tối, năm 1970, tôi đến thăm nhà thơ Xuân Diệu ở 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội, như thường lệ. Trò chuyện xong, đến lúc về, theo thói quen như mọi lần khác, nhà thơ đưa tôi ra cổng, mở khóa. Nhưng đặc biệt là lần này, anh vẫn còn đứng nói chuyện với tôi dăm phút nữa, rồi mới bắt tay tôi và bảo (tôi nhớ từng tiếng):
– Mười lăm năm nữa, Xuân Diệu vẫn còn làm thơ tình!
Bây giờ tôi không để ý. Khi nhà thơ qua đời một cách đột ngột, năm 1985, cho đến lúc là người ném nắm đất đầu tiên xuống quan tài anh ở nghĩa trang Văn Điển (về sau này mộ nhà thơ mới chuyển về nghĩa trang Mai Dịch) tôi mới giật mình tự hỏi: lúc nhà thơ nói câu nói trên đến bây giờ là đúng 15 năm! Không biết đấy là câu nói tình cờ, ngẫu nhiên hay nó có liên quan gì đến chuyện tất nhiên, chuyện tâm linh?


H.D

Viết nhân 30 năm ngày mất (1985) và một trăm năm ngày sinh (2016) nhà thơ Xuân Diệu.
*”Có chàng Xuân Diệu, thuở xưa kia…” là câu thơ Xuân Diệu viết trong bài Tặng bạn bây giờ in ở tập Gửi hương cho gió.

 

Theo Hồng Diệu – Văn nghệ quân đội

Exit mobile version