Trình Tuấn sinh năm 1984, quê Đô Lương, Nghệ An, là nhà vô địch Robotcon châu Á – Thái Bình Dương năm 2006. Vợ mất sau khi sinh con được 10 ngày, hiểu được giá trị vô giá của sữa mẹ, suốt hai năm, anh đi xin sữa các mẹ cho con bú. Anh đã lập ra cộng đồng Ngân hàng sữa mẹ để chia sẻ nguồn sữa đến những em bé thiệt thòi. Hiện anh là giám đốc công ty BabyMe, vừa cho ra mắt ứng dụng babyMe trên điện thoại thông minh, giúp các bố mẹ chăm sóc con nhỏ.  Tự truyện Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ là cuốn sách đầu tiên của anh, xuất bản vào cuối tháng 4.

Viết để giải tỏa năng lượng tiêu cực

– Cuốn sách được anh bắt đầu như thế nào?

– Sau khi vợ mất, tôi dự định viết cuốn sách về tình yêu, Sài Gòn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ trước máy tính mà không ra chữ  nào. Nhìn vào màn hình vẫn trống trơn, tôi ước giá như có cỗ máy viết ra được những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Rồi loay hoay với Ủn (tên gọi thân mật ở nhà của con gái), lúc công việc, khi đi xin sữa, tôi chẳng còn nhớ tới dự định viết sách. Cho tới khi tôi gặp người đã giúp mình nhận thấy còn có thể yêu thêm lần nữa. Chuyện rồi cũng kết thúc trong lặng lẽ nhưng đủ để tôi ngộ ra thế nào là tình yêu đích thực và đó như một giọt nước vừa đủ để làm tràn cảm xúc thôi thúc tôi viết. Những chuyện trải qua, những người tôi gặp đều đặc biệt nên tôi muốn viết để giữ lại, như một cách thể hiện sự biết ơn với cuộc đời. Thời gian không có nhiều, tôi lên kế hoạch mỗi tuần viết một bài trên blog, dần dần tập hợp in sách. Tình cờ biên tập viên Nhà sách Nhã Nam gọi điện, đề nghị tôi hợp tác xuất bản. Tôi đồng ý nhưng cho biết hạn chế về mặt thời gian của mình hiện tại. Sau đó, chúng tôi trao đổi và thống nhất sẽ làm việc chung để cuốn sách có thể sớm ra mắt bạn đọc.

– Viết cũng là sở thích và năng khiếu của anh?

– Viết không phải sở thích của tôi. Tôi chỉ viết khi cần giải tỏa cảm xúc, giải tỏa những điều chất chứa trong lòng. Nói cách khác, tôi thường viết để giải tỏa năng lượng tiêu cực trong người mình. Như chia sẻ trong cuốn sách, sự phát triển tình cảm của tôi không bình thường nên khó nói, chia sẻ với người khác. Thường là tâm sự bị dồn lại trong lòng đến khi chịu không nổi phải viết ra. Tôi nghĩ cũng có một chút năng khiếu viết. Cách tư duy và giọng văn của tôi hơi lạ nên hồi đi học nếu đúng gu cô giáo thì văn được điểm cao, còn không toàn điểm vớt vát trung bình. Bởi tôi cực kỳ ghét sự rập khuôn, khi hứng lên là làm thơ trong đề bài viết văn.

Chép bài cho bạn để trả nợ những món đồ mượn trước đó; mê máy tính tới mức viết môt bức thư thảm thiết cho công ty máy tính để xin; sợ bố đánh vì trốn đi chơi điện tử nên bỏ nhà ra đi, thiết kế cả một bộ sưu tâp diều; bối rối trong thể hiện tình cảm khi đứng giữa mẹ và bà nội… Ký ức tuổi thơ – chiếm một phần đáng kể trong cuốn sách – cắt nghĩa cho phần nào con người của anh hôm nay?

– Tôi sinh ra ở vùng đất rất đặc biệt, của nước Việt Thường – quốc gia cổ đại trước thời Hùng Vương 500 năm. Tôi được nuôi dưỡng trong văn hóa, ngôn ngữ gần như giữ nguyên vẹn của người Việt cổ. Tuổi thơ ở quê, thời nào cũng nhiều thiếu thốn. Nhưng chính sự thiếu thốn đó kích thích chúng tôi nghĩ ra những trò chơi thú vị. Tuổi thơ của thế hệ 8x đã có sự cám dỗ từ trò chơi điện tử nhưng chưa đáng kể, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ lam lũ ruộng đồng nuôi nhiều mơ ước. Tất cả những điều đó làm nên con người tôi hôm nay: gàn dở nhưng tâm hồn bay bổng, giàu tình cảm nhưng vụng về trong chia sẻ.

Làm bố không được phép thất bại

– Làm bố và sáng tạo robot, anh thấy có gì tương đồng không?

– Làm bố là hành trình khám phá và học hỏi không ngừng.  Đó là việc không dễ nhưng lại… rất dễ. Khi được hỏi về bí quyết nuôi con, tôi chỉ có một câu để chia sẻ: Thuận tự nhiên, nhìn vào tự nhiên hiểu nguyên lý và bản chất vấn để để áp dụng cho việc nuôi dạy con. Ví dụ trong tự nhiên không loài có vú nào nuôi con bằng sữa bột, không loài nào ép con ăn như tra tấn, chỉ có loài người thích làm trái tự nhiên thôi. Sáng tạo robot cũng vậy, cần nắm rõ nguyên lý hoạt động và vận hành rồi đem vào ứng dụng và thiết kế cho những yêu cầu cụ thể. Dù không phải dễ dàng nhưng ít ra việc sáng tạo robot cũng được phép thất bại và thử nghiệm cho tới khi thành công, còn làm bố thì không được phép thất bại. Điều lớn nhất mà tôi nhận được từ cuộc thi Robocon không phải vinh quang từ danh hiệu vô địch, mà là sức chịu đựng và bản lĩnh. Làm bố, tôi thấy sức chịu đựng, sự kiên trì và bản lĩnh yêu cầu cao hơn nhiều để có thể làm những điều tốt nhất cho con mình.

– Nhiều người vẫn nghĩ, anh đi xin sữa các mẹ cho con bú là do con gái anh dị ứng sữa bột?

– Đó cũng là một lý do. Nhưng lý do chính là con tôi bị táo bón nặng sau một tuần ở bệnh viện. Sau khi tìm hiểu vì sao uống sữa bột lại dị ứng và táo bón, tôi hiểu bản chất vấn đề: sữa bột là sản phẩm nhái sữa mẹ, mà đã nhái thì không thể hoàn hảo nếu không nói là không tốt cho sức khỏe của trẻ, như WHO đã nói. Để đi đến quyết định xin sữa mẹ lâu dài cho con, tôi cũng phải đấu tranh tư tưởng nhiều mới vượt qua được những dị nghị. – Khi viết về nỗi buồn, anh cũng có cái nhìn hài hước, lạc quan. Đó là một phần tính cách con người anh? – Hồi sinh viên, bạn bè gọi tôi biệt danh “Nhảm” vì những điều không tưởng, hài hước của tôi. Gần đây, mọi người buồn cười với những khoảnh khắc của hai ba con. Khi một sự việc đã xảy ra, về bản chất, nó không thay đổi mà chỉ có cách nhìn là thay đổi được, nên tôi luôn cố nhìn dưới góc độ hài hước và lạc quan để không tích tụ thêm năng lượng tiêu cực vào người. Những biến cố đã trải qua khiến tôi có một cái nhìn tĩnh tại, bao dung và vị tha hơn trong cuộc sống.

– Ngân hàng sữa mẹ, BabyMe rồi các công viêc từ thiện khác, anh lấy đâu ra thời gian để chăm con và nghỉ ngơi cho riêng mình?

– Đó là vấn đề mà tôi đang phải cân bằng. Gần đây, thời gian tôi dành cho con không được nhiều như trước. 7 giờ, con dậy vệ sinh, thay đồ cho con rồi đưa đi học. Chiều 4 giờ đón rồi hai ba con đi chợ về nấu ăn. Những hôm kẹt việc không về kịp, tôi phải nhờ hàng xóm đón. Tôi đang phải học thêm tiếng Anh buổi tối nên nhờ bà nội vào hỗ trợ đưa đón con đi học. Ít thời gian cho con, tôi cố gắng bù đắp bằng cách tăng chất lượng và sự quan tâm khi chơi với con. – Cuốn sách của anh truyền cảm hứng sống tích cực, tạo niềm tin cho nhiều người dám hiện thực hóa ý tưởng. Anh cảm thấy điều gì chưa hài lòng, muốn bổ sung ở cuốn sách? – Những gì tôi muốn viết thì nhiều hơn khuôn khổ cuốn sách cho phép nên tôi sẽ viết tiếp trên blog. Điều tôi chưa hài lòng là không có nhiều thời gian để trau chuốt hơn cả về nội dung lẫn ngôn từ.

Phan Thúy Hà (Zing.vn)


Nguồn Zing News