Thuận với tiểu thuyết “Thang máy Sài Gòn”; Đỗ Bích Thúy với tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh”; Thụy Anh với tập tản văn “100 gram hạnh phúc”; Võ Diệu Thanh với tiểu thuyết “Lần đầu thấy trăng”; Nguyễn Hoài Nam với phê bình và tiểu luận “Mùi chữ”; Đoàn Ánh Dương với phê bình tiểu luận “Không gian văn học đương đại”; Nguyễn Trương Quý với tập tản văn “Còn ai hát về Hà Nội” và tập truyện ngắn “Dưới cột đèn rót một ấm trà”; miên di với “Thơ miên di”; Đoàn Văn Mật với tập thơ “Bóng người trước mặt”… Đó chỉ là cuộc “kiểm kê” rất ngắn, và chưa thể đầy đủ về “mùa sách cuối năm” đang khiến cho thị trường sách văn học trở nên sôi động bất ngờ. Điều thú vị là trong số các tác giả ra sách đợt này, tác giả trẻ chiếm số lượng vượt trội.

Vào những tháng cuối năm 2013, khi “năm sắp hết, tết sắp đến”; không ít người có tâm lý thu xếp lại một năm sắp qua để tính toán các việc cho năm 2014 thì  thị trường sách văn học chứng kiến một mùa vụ tưng bừng của nhiều tác giả trẻ. Điều thú vị là các tác giả trẻ góp mặt trong mùa sách cuối năm này,  hiện diện ở tất cả các thể tài: thơ – truyện ngắn – tiểu thuyết – phê bình – dịch thuật .

Một trong những sự kiện chứng kiến sự rộn ràng của “mùa sách trẻ” cuối năm là  Hội chợ sách Mùa thu vừa được tổ chức tại khuôn viên Bảo tàng phụ nữ, nằm trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Dù sân của Bảo tàng khá khiêm tốn, nơi để xe bị hạn chế, nhưng sức nóng của Hội chợ sách Mùa thu đã thu hút hàng ngàn người đến viếng thăm mỗi ngày. Một trong những nhân tố quan trọng thu hút công chúng tìm đến với Hội chợ sách Mùa thu thêm đông đảo hơn chính là sự hiện diện của các tác giả trong các sự kiện như: giao lưu, kí tặng sách, tọa đàm…

Có thể thấy rằng luôn có một nhu cầu thường trực giữa độc giả và tác giả – đó là nhu cầu về những cuộc gặp gỡ “song phương”. Tác giả sẽ tiếp xúc với độc giả của mình, trực tiếp lắng nghe những phản hồi của độc giả về tác phẩm của mình; còn độc giả thì có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các tác giả ngoài đời. Thậm chí nhiều độc giả chỉ cần được nhìn thấy tác giả “bằng xương bằng thịt” ngoài đời đã là đủ rồi. Sẽ không thể định lượng hóa giá trị/tác dụng của những cuộc gặp gỡ như vậy. Không thể chỉ tính bằng số lượng sách đã bán được ngay sau các buổi giao lưu đó. Không thể chỉ nhìn vào số độc giả kiên nhẫn ngồi suốt cuộc giao lưu đó, và chờ hàng dài để được tác giả kí tặng sách. Có những giá trị vô hình mà không dễ gọi được tên. Nhưng điều dễ nhìn thấy nhất đó là các cuộc gặp mặt/giao lưu/kí tặng sách đã tăng cường đáng kể sự hiểu biết, cũng như thiết lập mối liên hệ gắn bó giữa nhà văn – tác phẩm – tác giả. Các sự kiện như Hội chợ sách là dịp thuận lợi để công chúng và tác giả được “mặt đối mặt” cũng là bởi được xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như những giá trị khó có thể định lượng một các đầy đủ này.

Tuy vậy, trong thời buổi kinh tế khó khăn, dù muốn hay không thì sách văn học vẫn phải đứng trước nhiều thử thách để tồn tại, nhiều khi chúng buộc lui xuống hàng thứ yếu, bị lấn lướt để các sách thị trường lên ngôi. Vẫn biết chuyện cơm áo gạo tiền là chuyện chẳng thể đùa với bất kì ai, bởi vậy cũng dễ thông cảm cho những đơn vị làm sách vì chuyện tồn tại họ đã phải điều chỉnh tỉ lệ đầu sách của mình cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Do đó, rất đáng biểu dương những nỗ lực của các đơn vị xuất bản trong việc đưa tác giả (nhất là những tác giả ở xa) đến gặp gỡ giao lưu với bạn đọc. Thực tế, ngay cả với những tác giả đang sinh sống ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh độc giả cũng không dễ dàng để tiếp cận họ. Vậy nên những tác giả từ xa tới – cũng dễ hiểu vì sao luôn được công chúng đón đợi nồng nhiệt.

Những cuộc di chuyển của các tác giả ở hai đầu Nam – Bắc là những nỗ lực đáng quý để khoảng cách tác giả – tác phẩm – độc giả được thu ngắn lại. Nhờ vậy công chúng phía Nam mới có cơ hội được gặp Nguyễn Bích Lan, Nguyễn Bình, Đào Thị Thanh Tuyền, Di Li…; công chúng phía Bắc được gặp Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Dương Thụy, Dương Bình Nguyên, Tùng Jonh…

Mới đây, việc cô giáo Võ Diệu Thanh xuất hiện tại Hội chợ sách Mùa thu Hà Nội cũng đã để lại những dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc. Đây cũng là lần đầu tiên Võ Diệu Thanh lặn lội từ Tiền Giang ra gặp gỡ độc giả Thủ đô. Trước đó Võ Diệu Thanh đã quen biết với nhiều bạn đọc  thông qua các giải thưởng: giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 4, giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Yume. Nhiều truyện ngắn của Võ Diệu Thanh đăng tải trên Tuổi trẻ, Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ cũng đã được bạn đọc yêu mến. Vì thế, tuy là tác giả từ xa, nhưng hóa ra lại là “gần” trong tình cảm của độc giả dành cho chị. Hội chợ sách Mùa thu, bên cạnh chuỗi các hoạt động: Thụy Anh kí tặng sách “100 gram hạnh phúc”; tọa đàm “Không gian phê bình và đối thoại văn học” giới thiệu sách của Đoàn Ánh Dương và Hoài Nam; dịch giả Đặng Trần Việt giao lưu và ký tặng sách “Chúa tể những chiếc Nhẫn phần 2 – Hai toà  tháp”… diễn ra sôi nổi, thì sự xuất hiện của một tác giả đến từ miền Tây như Võ Diệu Thanh cũng khiến cho không khí văn chương của Hội chợ sách Mùa thu 2013 trở nên ý nghĩa hơn. Và những cuộc tiếp xúc với độc giả, ít nhiều cũng mang lại cảm xúc khó quên đối với các tác giả, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục hành trình sáng tạo.

Trong số những tác giả “ăn nên làm ra” trong năm 2013 này, không thể không kể đến nhà văn Đỗ Bích Thúy. Cách đây chỉ mới 4 tháng, Đỗ Bích Thúy đã cùng lúc cho ra mắt tập truyện ngắn “Đàn bà đẹp” và tập tản văn “Đến độ hoa vàng”. Trong những ngày cuối tháng 10 này chị tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết “Cánh chim kiêu hãnh”.  Tiểu thuyết mới này của chị viết về cuộc kháng chiến chống Nhật – Pháp ở miền núi với bối cảnh là vùng đất Hà Giang quê hương chị trong những ngày đầu cách mạng thông qua cuộc đời của người con gái tên Mai.

Nhưng niềm vui về một “mùa vụ sôi nổi” của một năm văn học vẫn chưa khép lại. Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh sắp diễn ra vào tháng 11 tới đây cũng hứa hẹn những bất ngờ. Tác giả trẻ nào sẽ tiếp tục trình làng? Độc giả sẽ có cơ hội được gặp nhà văn nào? Hạnh phúc của người cầm bút, đôi khi chỉ giản dị là được viết và được chờ đợi. Vậy thôi.

Rõ ràng, khác với không khí khá trầm lắng của những tháng đầu năm 2013, bỏ qua mọi dự đoán về một năm văn chương “thất bát”, bất chấp tâm lý cuối năm “đóng gói, chờ năm mới”, thì việc các tác giả trẻ cùng lúc khuấy động đời sống văn học trong những tháng cuối cùng của năm 2013 không chỉ khiến giới nghiên cứu văn học và truyền thông báo chí cảm thấy phấn chấn, mà ngay cả công chúng cũng trở nên hào hứng hơn đến với thị trường văn học trong nước. Bởi không phải lúc nào họ cùng cũng lúc được sở hữu những cuốn sách còn thơm mùi mực in của các tác giả thuộc nhiều lứa tuổi như: Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Cấn Vân Khánh, Nguyễn Quỳnh Trang, Thuận, Trần Việt Trung …

Văn chương, bởi vậy luôn là một ẩn số bất ngờ.

T.N

Nguồn: Phongdiep.net