“Không có gì lãng mạn hơn đồ ăn Ý” – Elisha Cuthbert
(Minh họa của Choai)
Có hai câu thành ngữ điển hình của người Ý được dùng khắp nơi trên thế giới là “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” và “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar” thì đều lấy điển tích từ thời chúa Jesus. Nhưng xem ra cũng khó hiểu chính xác. “Có nhiều con đường để dẫn tới đích” và “Hãy trả lại đúng như bản chất vốn có của nó”, có vẻ như vậy.
Tôi thường khẳng định rằng: Bánh mì nóng giòn mới ra lò ở Hà Nội ngon và thơm hơn bánh mì sáng ở Paris. Kim chi tôi tự làm ngon hơn kim chi mặn chát ở nhà hàng hạng nhất Seoul. Và cà ri gà ở Tandoor Hàng Bè ngon hơn cà ri bên New Dehli.
Ấy là vì người Việt mình đã thay đổi công thức so với nguyên bản để phù hợp với khẩu vị của người bản địa, còn đồ ăn chính gốc thì hơi khó nuốt. Nhưng duy có Pizza, bạn ăn tại bất cứ nhà hàng nào ở Rome cũng đều sẽ thấy ngon hơn mọi nơi ngoài nước Ý, cho dù đó có là “Little Italian” ở Manhattan hay Paris.
Pizza chính gốc của người Ý rất đặc biệt khi được bỏ lò bằng thứ nước sốt cà chua tươi thơm ngon thay vì sốt cà đóng hộp. Cả spaghetti và pasta cũng là loại thượng hảo hạng dù bạn chỉ ghé vào một nhà hàng bình dân.
“Pizza của Caesar hãy trả lại cho Caesar”. Bởi sau khi ăn pizza, spaghetti, pasta, lasagna và uống cappuccino, mocaccino, latte, espresso ở giữa thành Rome, trong một nhà hàng đậm hương vị Ý, lấp ló qua ô cửa sổ những thành quách cổ kính, dễ tưởng đâu mình đang đóng phim trong “Kỳ nghỉ hè ở Rome”, một bộ phim kinh điển của Audrey Hepburn kể về nàng công chúa chán những khuôn mẫu của hoàng gia mà bỏ trốn ra ngoài khám phá thành Rome, rồi nàng gặp một chàng nhà báo.
Họ dạo quanh thị thành thơ mộng trên một chiếc Vespa cổ lỗ. Chỉ riêng bộ phim này đã khiến các hãng hàng không bán thêm được khối vé đi Rome. Thêm vài bộ phim phóng tác từ Dan Brown và vô số hình ảnh lãng mạn Italy có mặt ở khắp nơi hoàn tất thêm sự tắc nghẽn ở đài phun nước Trevi và Đấu trường La Mã.
Nhưng không phải lúc nào Pizza và Cappuccino cũng đem lại sự lãng mạn.
Ở Ý, pizza là món bình dân như phở ở Hà Nội và Kebab ở Istanbul. Người ta ăn pizza hàng ngày, vì thế pizza ở đây là loại bán cân. Trong các quán pizza bình dân, mỗi chiếc pizza thường to bằng cái mâm nhôm và người ta sẽ bán pizza theo cân. Bạn xem bảng giá, chỉ cho họ loại bạn chọn, yêu cầu trọng lượng và sau đó họ sẽ cắt miếng pizza đặt lên cân, gói vào một mẩu giấy và bạn sẽ ăn nó theo cách chén một chiếc bánh mì kẹp.
Những cửa hàng như thế chỉ có vài ba chiếc bàn ngoài vỉa hè, lại luôn kín khách, nên phần nhiều khách ngồi phệt xuống bậc thềm mà gặm bánh pizza, ai cũng thế cả nên chẳng lấy gì làm ngượng. Vỉa hè của Rome chẳng bao giờ có bụi, và quán hàng thì nằm chếch bờ sông Tiber nên vừa ăn vừa hưởng chút gió mát từ mặt sông đang lóng lánh nắng cũng chẳng lấy gì làm phiền. Nhưng sao đi du lịch mà lại nhếch nhác thế này. Ở nhà rõ chỉ hành khất mới ngồi vỉa hè mà hì hụi ngốn bánh mì.
Một trong những nơi văn minh nhất của nhân loại, cũng lại là nơi đất đai chật hẹp, đắt đỏ nhất nên chẳng có lấy một cái bàn con cho khách. Hơn nữa khách bình dân ít khi dám cầm pizza vào một quán cà phê mà gọi đồ uống để được ngồi ăn đàng hoàng.
Vì cái suất pizza bán cân như hành khất ấy đã tốn mất hơn chục đô la, thêm một tách cà phê trong quán nữa thì bữa trưa bình dân của bạn sẽ là vài chục đô, nên nhiều người ngồi luôn vỉa hè cho tiện, chai nước suối mang theo để bên cạnh. Riêng tôi còn có cả một túi… cà chua.
Cái nỗi thiếu rau khi đi ra nước ngoài thường trở nên khủng khiếp bắt đầu từ ngày thứ ba trở đi. Rau ở Châu Âu luôn thường có mỗi món salad. Salad luôn chỉ có xà lách, cà chua, dưa chuột và ô liu trộn với dầu dấm hoặc các loại nước sốt. Salad ở Rome thì còn tệ hơn nữa, có mỗi xà lách và cà chua.
Khi gọi món ăn quý hóa 10 đô la này, khách sẽ nhận được chục lát cà chua và vài cánh rau thái vội rồi tự trộn gia vị theo ý thích của mình. Với những người Việt ưa ăn rau, mỗi bữa ăn vài chục đô la rau may chăng mới đủ. Vì thế mỗi ngày tôi mua một cân cà chua trong siêu thị ở nhà ga Termini, loại cà chua bé tròn xoe mọng nước với vị thơm ngon, ngọt lịm hiếm có, và luôn mang theo nó trên những nẻo đường Rome.
Cà chua thay rau, thay nước, và thay trái cây. Sáng ăn mì gói tráng miệng với cà chua, trưa ăn pizza và salad cà chua, tối ăn spaghetti và cà chua. Đấy là thực đơn trường kỳ của tôi trong những ngày ở Rome. Nhưng ngoài Tom Yum thì pizza là món ngoại lai hiếm hoi tôi có thể ăn nhiều ngày mà không biết chán.
Quả không hổ danh khi đồ ăn Ý được sách vở ghi nhận là ẩm thực ngon nhất thế giới và pizza Neapolitan xếp vị trí thứ hai trong top 50 món ăn ngon nhất quả đất do độc giả của CNN bình chọn. Văn hóa pizza phổ biến đến nỗi năm 2016, một nhóm đầu bếp ở Naples, Ý đã làm một chiếc pizza dài 1.825 mét, được Guinness ghi nhận là chiếc pizza dài nhất thế giới.
Năm 2017, gần 100 đầu bếp ở Fontana, Mỹ đã phá kỷ lục của người đi trước với siêu pizza có độ dài 1.930 mét. Chẳng biết mấy nghìn người mới ngốn hết chiếc pizza ấy. Nếu như người Hàn ngưỡng mộ kim chi, người Việt gắn bó với dưa cà thì tất nhiên, người Ý thì không thể không tôn thờ đồ ăn Ý.
Đạo diễn Mỹ gốc Ý Martin Scorsese còn đưa ra một bình luận cực chảnh như sau: “Nếu mẹ bạn đã biết nấu đồ ăn Ý thì tại sao bạn lại phải ra nhà hàng làm gì?”. Còn ngôi sao lừng danh Sophia Loren thì dùng một ngôn ngữ đầy hình ảnh: “Spaghetti có thể được ăn ngon nhất khi bạn hít hà chúng như một cái máy hút bụi vậy”.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài