Dạo ấy tôi công tác ở Lao Cai. Lao Cai, tỉnh địa đầu của đất nước. Một vùng địa lý nhân văn đặc sắc của hai mươi bốn dân tộc anh em. Một bảo tàng còn lưu giữ gần như toàn vẹn không khí và hiện vật của lịch sử thời hiện đại.
Lao Cai, miền biên viễn xa xăm với những câu chuyện li kỳ gợi hứng cho các nhà văn viết tiểu thuyết đường rừng mạo hiểm. Lao Cai có cây cầu Hồ kiều, tương truyền là nơi Phạm Duy đã ngồi viết bản nhạc Bên cầu biên giới, lại cũng là phối cảnh của một truyện ngắn xuất sắc của Thế Lữ. Lao Cai, những ngày cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, nghe nói Văn Cao đã lên đây, làm việc ở quán bar có tên là Biên Thùy, tay gẩy đàn guitare, gài súng ngắn revolver ở thắt lưng, trong vai một tình báo viên. Còn cuối năm 1950, kết thúc chiến dịch Biên giới giải phóng Lao Cai, Trần Dần, Lê Đạt đã ngồi ở đầu cầu Cốc Lếu uống rượu vang chiến lợi phẩm đọc thơ siêu thực và bàn về thơ Việt hiện đại. Trong khi, cách đầu cầu Cốc Lếu hai cây số là thôn Vạn Hòa, đất trồng cam quýt và hoa, đêm ấy công diễn vở kịch Đêm Lao Cai của Hoàng Cầm. Mê say những câu chuyện thời tiễu trừ thổ phỉ, Hải Hồ cũng đã đến thị trấn Bắc Hà, đứng trước tòa dương cơ của thổ ty Hoàng Yên Chao, trầm ngâm nhà văn nói với tôi rằng: Mảnh đất này đang giấu một cuốn tiểu thuyết sử thi trường thiên!
Lao Cai hấp dẫn văn nhân còn vì có những huyện vùng cao khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm. Đặc biệt, Lao Cai có Sa Pa, vùng nghỉ mát nổi tiếng từ trước cách mạng. “Thống nhất đất nước, còn phải đi các vùng đất phương Nam, chắc sẽ ít có dịp lên đây.” Tế Hanh nói vậy và đã nhiều lần cùng Nguyễn Hải Trừng lên Sa Pa, thăm mấy nông trường nuôi bò sữa có các anh em bộ đội miền Nam tập kết làm việc.
Nhà văn Ma Văn Kháng
Nguyễn Thành Long cũng hay lên Lao Cai. Ông thường đi với Đào Xuân Quý. Có khi có thêm Xuân Quỳnh vừa đi thực tế vừa học hỏi thêm tiếng Pháp ở hai bậc đàn anh. Nguyễn Thành Long và Đào Xuân Quý quê ở miền Trung. ý nghĩ có lẽ có phần như Tế Hanh. Riêng Nguyễn Thành Long, đi là một nếp sống, một cái nghiệp chướng của đời ông. Đọc những sáng tác của ông thì thấy dấu chân ông đã in ở nhiều nơi. Chẳng hạn truyện ngắn Trùng khơi là kết quả của chuyến đi biển. Buổi sáng thần tiên là kỷ niệm chuyến đi Hà Giang của ông. Với Lao Cai, Nguyễn Thành Long là thượng khách và ông cũng ưu ái đặc biệt vùng đất này.
Mùa thu năm ấy, Nguyễn Thành Long một mình lên Lao Cai. Mục tiêu của chuyến đi của ông là Sa Pa, cách thị xã Lao Cai hơn ba mươi kilômét. Cũng chưa hiểu ông định viết gì ở vùng đất này. Nhưng với ông, tôi nghĩ, không khó khăn gì để có được một truyện ngắn đọc được, một truyện ngắn để nộp khoán định mức (một nhà văn công tác ăn lương ở Hội, một năm phải có được 80 trang in không nhận nhuận bút). Đang là mùa mưa, đường đi Sa Pa vì đất núi sạt lở nên ông phải nằm chờ lại và ăn nghỉ ở tòa soạn báo Lao Cai, nơi tôi công tác. Hai ngày chờ đợi qua. Trò chuyện văn chương, thế sự mãi với mấy anh em nhà văn trẻ rồi cũng mệt, ông hỏi mượn tôi sấp báo Lao Cai lưu để đọc. Cũng chỉ nghĩ ông đọc để giải khuây, để giết thì giờ. Nào ngờ đọc được một lát, ông chồm ngay dậy, gọi tôi, chỉ vào một trang báo đăng chuyện Người tốt việc tốt, hỏi: Ma Văn Kháng có quen biết cậu Nguyễn Văn Ngọ, nhân viên Đài khí tượng trên đèo Hoàng Liên Sơn này không? Tôi đáp: Cậu này là học trò lớp 10 của em, tốt nghiệp trung học xong, cậu ấy vào làm việc ở Đài Vật lý địa cầu Sa Pa. Nguyễn Thành Long nghe đến đấy thì thở phào và mắt sáng lên. Ngay chiều hôm đó, tôi sang Văn phòng tỉnh ủy xin ôtô đưa ông lên Sa pa ngay và viết thư tay giới thiệu nhà văn với anh Ngọ, nhân viên khí tượng, học trò cũ của tôi.
Anh Nguyễn Văn Ngọ, nhân viên Trạm khí tượng trên đèo Hoàng Liên Sơn. Sống và làm việc trong cảnh cô đơn quanh năm suốt tháng một thân một mình, đến mức thèm gặp người quá, có hôm anh đặt liều một thân cây lớn ngáng qua để chiếc ô tô khách đi Lai Châu phải đỗ lại. Để anh được nhìn thấy người và trò chuyện với họ vài ba phút. Nguyễn Văn Ngọ, người tốt việc tốt trong chuyên mục nọ, không ngờ lại là cái điểm nhìn chú mục của nhà văn Nguyễn Thành Long trong chuyến đi này.
Tiễn Nguyễn Thành Long đi Sa Pa rồi, tôi trở về với công việc của mình. Cứ nghĩ, ít ra thì cũng vài ngày nữa, nhà văn mới trở ra. Nào ngờ, mới chỉ hômtrước hôm sau đã thấy Nguyễn Thành Long gọi điện cho biết sẽ ra Lao Cai ngay và nhờ mua hộ vé tàu hỏa để ngay đêm đó ông trở về Hà Nội.
“Mình cần phải về Hà Nội ngay!” Đón ông, không kịp hỏi điều gì, ngay chiều tối hôm đó ông đã vội vã ra ga lên tàu xuôi. Tôi ra về, lòng dạ vừa ngẩn ngơ vừa băn khoăn. Hay là mình có điều gì thất thố với nhà văn đàn anh? Hoặc Ngọ trong Sa Pa có điều gì sơ suất trong đối xử khiến nhà văn phật lòng?
Mặc cảm nặng nề trong chúng tôi chỉ thật sự tiêu tan khi gần tháng sau, tôi nhận được thư của Nguyễn Thành Long. Ông cho biết đã viết xong truyện ngắn mang nhan đề là Lặng lẽ Sa Pa. Và nói thêm: – Cảm xúc một khi đã xuất hiện, ý tưởng truyện một khi đã hình thành, lập tức phải bịt kín tất cả các lối vào của các cảm giác, ý nghĩ khác, chỉ chăm chăm một hướng duy nhất đó. Nói như người xưa: Phút giây thiêng đã xuất hiện, lập tức bàn tay thiêng phải nắm lấy. Đó là lý do của việc trở lại Hà Nội ngay tắp lự của mình đã làm Kháng ngạc nhiên đó!
Ôi cái phút giây thiêng! Sau này khi đã có thêm những năm tháng sống với nghề, tôi mới hiểu hết cái ý nghĩa của phút giây kỳ diệu này. Đó là khoảnh khắc, trước đó không có, và sau đó cũng không thể có. Đó là cái giây phút cảm hứng dâng trào làm bùng nổ cái khối lựơng tình cảm, hiểu biết tích lũy thường trực trong mình. Đó là khi xuất hiện cơn thần hứng có khă năng tổng hợp tất cả những gì đã có và đang còn tản mát trong ta, tập hợp chúng lại thành một chỉnh thể, cùng với một hệ thống ngôn từ tương ứng, bất thình lình hình thành một cách thật tự nhiên và đổ ào ào rồi xếp hàng ngay ngắn trên trang giấy của ta. Đó là tia lửa bừng sáng rọi vào khoảng không còn mu mơ mịt mùng. Đó là khoảnh khắc thăng hoa, xuất thần. Đó là cái duyên kỳ ngộ. Đó là cái may mắn Trời cho vô cùng quý giá. Mà nhà văn phải bằng linh cảm nhạy bén nhận ra ngay để lập tức chớp lấy thời cơ, không để nó buột ra khỏi tầm tay mình. Để rồi tiếp theo sẽ là những ngày mê man trong cơn thác lũ của chữ nghĩa, quên lãng cả những nhu cầu tối thiểu, như kỵ sỹ đã leo lên lưng con tuấn mã, chỉ nhăm nhăm một cái đích đi tới.
Chà! Phút giây thiêng đã xuất hiện thì bàn tay thiêng phải nắm lấy! Phân tích tỉ mỉ hơn thao tác của Nguyễn Thành Long thì thấy, rõ ràng là, sau khi sở ngộ ra anh nhân viên khí tượng Nguyễn Văn Ngọ là đối tượng tìm hiểu của mình, thì lập tức trong tâm tư nhà văn đã bừng lên một cảnh giới thẩm mỹ và cảnh giới này tức khắc đã chiếm trọn toàn bộ ý thức ông. Nói cách khác, ông đã thực hiện một sự tụ hội tinh thần thực sự là cực đoan, để tất cả tinh thần của mình chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất, để đối tượng này trở thành một thế giới riêng rẽ, biệt lập. Bịt kín các lối vào của các cảm giác, ý nghĩ khác. Đó là cách nói của Nguyễn Thành Long. Nghĩa là gạt bỏ đi tất cả những gì là tản mạn, là phồn phức tạp loạn của thế giới thực dụng, chỉ giữ lại trong mình một ý tưởng đơn thuần duy nhất. Như vậy cũng có nghĩa là nhà văn phải đoạn tuyệt với cách nhìn sự vật bằng con mắt tầm thường, và nhờ vào cái nhìn mỹ cảm tập trung cao độ mang tính phát kiến, ông đã biến đổi hoàn toàn giá trị của sự vật, làm siêu thoát sự vật vì đã đem cá tính, nhân cách của mình gắn vào sự vật. Phải bỏ đi tất cả, nhiên hậu mới có được tất cả. Đó chính là một quy tắc quan trọng của nghệ thuật mà Nguyễn Thành Long đã thực hiện ở sáng tác này.
Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Thành Long. Tác phẩm đã vinh dự nằm trong sách giáo khoa của bậc trung học phổ thông nước ta nhiều năm nay.
*
K.Paoutốpxki, nhà văn Nga Xô Viết gọi cái giây phút kỳ diệu ấy là sự xuất hiện tia chớp. Tia chớp hình thành và xuất hiện như thế nào? Paou giải thích bằng một ví dụ lấy từ thiên nhiên rất dễ hiểu như sau: Trên bầu trời, các đám mây tích tụ lại dần dần mỗi lúc một dày đặc, cho đến độ ứ đầy, căng thẳng, bão hòa thì sẽ phát sinh những đám mây giông bão và lúc đó thì không thể tránh khỏi sự phóng điện. Nói cách khác, điều kiện đầy đủ để tia chớp xuất hiện chính là sự ứ đầy căng thẳng bão hòa của các đám mây tích điện.
Tất nhiên để có tia chớp soi tỏ, đánh lửa còn cần một yếu tố kích thích. Và cái gọi là yếu tố kích thích này trong điều kiện đã viên mãn như đã nói ở trên, xem ra cũng không có gì là phức tạp cho lắm.
Một cây ngưu bàng gẫy mà Lép Tônxtôi chợt nhìn thấy đã thành nhân tố kích thích để văn hào nảy sinh cảm hứng viết nên kiệt tác văn xuôi Khátgi – Murát. Thì cũng là một khởi đầu giản dị như nhìn thấy quả táo rơi là cái điểm bắt đầu của định luật hấp dẫn của Niutơn vĩ đại. Đó là những ví dụ kinh điển. Điểm khởi đầu đóng vai trò tia chớp nhiều khi thật qúa nhỏ nhoi. Vì có thể chỉ là một ánh mắt, một hơi gió, một vạt nắng, một giấc mơ, một cảnh huống, một trò chơi, một tiếng còi tàu, một cuộc gặp gỡ tình cờ. Như là cuộc gặp gỡ của Nguyễn Thành Long với Nguyễn Văn Ngọ nói ở trên. Nghĩa là mọi thứ đang tồn tại quanh ta, ở trong ta, có khi là rất vu vơ, đều có thế đóng vai trò tia chớp, cú hích để nảy sinh cảm hứng sáng tạo.
Tất nhiên tia chớp chỉ có thể đóng vai trò xúc tác cho sự xuất hiện của cảm hứng một khi trong Nguyễn Thành Long đã có đủ những chất liệu và cảm xúc cho một Lặng lẽ Sa Pa còn đang ở dạng tiềm tàng. Cũng như nếu L. Tônxtôi trước đó đã không đến Kápcadơ, không được biết, không được nghe người ta kể chuyện Khátgi – Murát thì cảnh cây ngưu bàng gẫy cũng chẳng có ý nghĩa gì với ông. Điều kiện một khi đã chín muồi, thì vấn đề còn lại sẽ chỉ là thời cơ.
Paou viết: Cảm hứng giống như mối tình đầu, khi tim ta rộn ràng cảm thấy trước những cuộc gặp gỡ ly kỳ, đôi mắt đẹp tuyệt trần, những nụ cười và những câu nói dang dở. Lúc đó thế giới bên trong của chúng ta trở nên tinh tế và chuẩn xác như một cây đàn kỳ diệu, đáp lại mọi âm thanh của cuộc đời, kể cả những tiếng động thầm kín nhất, khó nhận thấy nhất.
Chỉ đẩy nhẹ thôi thuyền kia đã xuống
Khỏi bãi cát vàng nước triều san phẳng
Một đợt sóng – và thuyền đi xứ khác
Đón gió lành từ những bờ hoa
Một nhà thơ Nga đã hình tượng hóa sức mạnh kỳ lạ của cảm hứng như vậy. Trong khi Puskin viết: Cảm hứng đến là lúc tai ta nhận được lời thần. Còn Lermôntốp thì cho rằng, đó là lúc mối lo âu trong tâm hồn ta lắng dịu đi. Và Paou thêm: Cảm hứng có màu sắc thơ riêng biệt, cảm xúc có cái ẩn ý thơ.
Đúng vậy, cảm hứng, đó là một trạng thái thần khởi thoải mái, đến một cách bất thần và kích thích mạnh mẽ năng lực tiếp nhận hiện thực và sáng tạo bay bổng của con người. Ai trong đời mình mà đã không trải qua những phút giây cảm hứng. Tuôcghênhiép, nhà văn Nga gọi cảm hứng là trạng thái Trời đến gần ta, để diễn tả cái chất hướng thượng có tính thần thánh trong cảm nhận và xúc động của con người. Rất đáng chú ý khi ông cho rằng, cảm hứng là một trạng thái tinh thần phức hợp, trong đó có trộn lẫn cả niềm sung sướng vô tận, niềm say mê tràn đầy với nỗi sợ hãi, dằn vặt khủng khiếp, vì ngay lúc đó, không thể buột ra khỏi tay mình miếng đất màu mỡ để gieo trồng, nhà văn bắt đầu công việc lao động nhọc nhằn của một cuồng sĩ ngôn từ.
Cảm hứng là một trạng thái lao động nghiêm túc. Hiển nhiên là thế rồi. Traikốpxki cả quyết: Cảm hứng là trạng thái tinh thần của con người mang hết sức mình ra làm việc như một con bò đực thiến, chứ không phải là chỉ ve vẩy tay một cách õng ẹo!
Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nước ta đã bắt đầu và sau đó hình thành tác phẩm của mình từ những tia chớp ngẫu sự nọ. Nguyên Hồng có lần nói, có những truyện ngắn của ông được gợi ý từ một câu văn trong một cuốn sách cũ. Nguyễn Đình Thi kể: Một lần đang đi đường thì nghe còi hú báo động máy bay Mỹ. Ông dạt vào một căn hầm. Có hai cô gái đứng cạnh ông. Nghe tiếng máy bay Míc của ta đuổi máy bay giặc trên trời, một cô ngước lên, nói: Anh trai mình đang bay đấy… “Nhà nọ có hai anh em”… Trong nhà văn, một ý tưởng mang chất thơ chợt xuất hiện. Và thế là bóng hình cuốn truyện vừa Mặt trận trên cao của ông đã manh nha thành hình. Chí Phèo thoạt đầu có tên là Cái lò gạch cũ. Nam Cao mất rồi nên không thể hỏi chuyện ông được. Nhưng đọc những trang cuối của thiên truyện này, nhiều người trong đó có tôi đoán chắc: hình ảnh cái lò gạch là một chi tiết có sức ám ảnh và gợi mở để nhà văn đặt bút nên tác phẩm bất hủ này. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cho biết, quãng thời gian đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với việc chuẩn bị khởi động viết một cuốn sách về nông thôn Việt Nam, ông đang đọc cuốn tiểu thuyết có tên Ngôi nhà của những hồn ma của nhà văn Idaben Agienđê, cháu gái Agienđê, tổng thống nước Cộng hòa Chi Lê. Cuốn sách hay từ cái tựa đề. Và quan trọng, Mảnh đất lắm người nhiều ma chính là cái tên sách nảy sinh từ trường liên tưởng do tựa đề sách nọ mở ra, đã lập tức gợi cảm hứng cho Nguyễn Khắc Trường bắt tay vào viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết sáng giá này. Chữ nảy ra chữ. Sách đã đẻ ra sách. Ngôi đình, vật thể quen thuộc lắm của làng quê ta. Nhưng rồi bỗng xảy ra một sự kiện, khiến cái vật thể quen thuộc ấy được tách ta khỏi bối cảnh và Dương Duy Ngữ nhận ra, nó là một phẩm vật vô cùng thiêng liêng nằm trong kết cấu đời sống tinh thần vật chất của làng quê ta. Và thế là câu khai đề đã có, hứng khởi đã nảy sinh để nhà văn viết nên cuốn tiểu thuyết đặc sắc Người giữ đình làng. Tất nhiên, nhiều khi cảm hứng sáng tác nảy nở thoạt đầu chỉ là một cái tên nhà văn tự đặt ra. Đó là trường hợp Hành lang phía đông của Bùi Bình Thi, cái tít sách gợi hình tướng rộng dài một sự vật. Có khi là cái tố chất là lạ ngồ ngộ ở cái tên sách, như Trang gia phả viết bằng vôi của Nguyễn Trọng Tân. Tốt sang sông là cái tên thoạt kỳ thủy của tiểu thuyết Thời của thánh thần. Tốt sang sông, một nước cờ bình thường trên bàn cờ tướng, một trò chơi dân gian, hóa ra lại hàm chứa một ẩn dụ nghệ thuật gây kích thích để Hoàng Minh Tường hào hứng viết nên tác phẩm gây xôn xao dư luận này. Tôi viết tiểu thuyết Mưa mùa hạ sau một lần vô tình nghe được báo cáo của một kỹ sư thủy lợi về đề tài khoa học Chống tổ mối trong thân đê. Chống tổ mối trong thân đê, cái tựa đề thọat nghe đã thấy thật khô khan, vậy mà theo kinh nghiệm mỹ cảm của tôi, nội dung đề tài lại mang tính biểu tượng cao và do đó nó gây hào hứng cho tôi. Trong khi Mùa lá rụng trong vườn được khởi thảo trong một chiều áp Tết Nguyên đán năm 1983, sau khi nghe bà vợ cùng hai bà chị dâu ríu ran trò chuyện sau buổi đi chợ sắm Tết về. Đó là những năm đầu của thời kỳ văn học đổi mới. Xuân Cang kể, một hôm được tiếp đoàn đại biểu nhân dân từ Kon Tum, Gia Lai đến tòa soạn Lao Động, tờ báo ông làm Tổng biên tập, phản ánh tệ nạn dối trên lừa dưới, tham ô nhũng nhiễu ở đơn vị mình. Cảm động vô cùng vì bà con cho biết thêm, muốn ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương từ lâu, nhưng nghèo quá, phải chờ đến khi bắn được một con trăn to, bán được, mới có tiền tàu xe độ đường! Xúc động quá, ngay đêm đó về, nhà văn đã xé bỏ cả mấy chương tiểu thuyết đã viết dòng dã ba tháng trời trước đó và viết lại với chất liệu mới và cảm nhận mới. Tiểu thuyết Những ngày thường đã cháy lên của Xuân Cang ra đời một cách ngẫu hứng và tự nhiên như thế đó!
Tất nhiên, chúng ta đều hiểu, con đường đi từ tia chớp ban đầu tới một hình tượng văn chương hoàn chỉnh là vô cùng lắt léo, phi vật thể, phi truyền thống và phức tạp, chứ không đơn giản. Đó là chuỗi biến thể qua những chặng đường của trí tưởng tượng và những kinh nghiệm cùng những nỗ lực vô bờ bến của cá nhân.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, một lần nọ Hữu Thỉnh đóng quân ở nhà một đồng bào dân tộc Chăm. Thật ra chỉ có chị vợ là người Chăm thôi. Còn anh chồng là người Kinh. Chị xinh đẹp, thon chắc. Anh vạm vỡ cường tráng. Vóc dáng, phong vẻ anh đặc người đô thị. Sống với nhau đã mười năm, họ đã có đến sáu con, ba trai ba gái. Nhìn phong vẻ anh chồng, có lần nhà thơ hỏi: “Anh chị thật xứng đôi vừa lứa. Nhưng tò mò một chút xin hỏi. Vì lý do, hoàn cảnh nào mà từ thành phố anh lại trôi dạt rồi có được cái may mắn là cắm rễ nở hoa ở xứ sở này?” Anh chồng cười đáp: Tôi có bùa chú. Bùa chú gì? Nhà thơ hỏi, anh chồng giải thích: Anh có thấy con gà trống gọi mái bao giờ chưa? Thấy rồi à? Đó! Khi ấy cùng với những tiếng gọi mái kéc kéc liên hồi phát ra từ cổ họng, chú gà trống si tình nọ còn phải thực hiện một động tác là liên tục nhặt lên bỏ xuống một hạt thóc, có khi là một viên sỏi, thông thường là viên sỏi, để dẫn dụ cô gà mái. Phải rình, thừa cơ chộp được hạt thóc, viên sỏi đó. Khó đấy, vì chú gà trống biết anh xông tới lấy, thế nào nó cũng cắp đi mất. Phải kỳ công mới lấy được! Lấy được, đem hạt thóc hoặc viên sỏi đó phơi bảy ngày nắng, bảy đêm sương, rồi bỏ vào một cái túi vải nhỏ đeo trên cổ. Hạt thóc, viên sỏi đó không còn là hạt thóc viên sỏi bình thường nữa. Nó đã trở thành bùa chú để gọi người mình yêu, để làm mê mẩn người mình yêu.
“Con gà trống cù kì quanh vại nước. Hạt thóc ngậm vào thành hạt ngọc của tình yêu.” Đó là hai câu thơ của Hữu Thỉnh. Như vậy có nghĩa là cả tỉ tỉ viên sỏi mãi mãi vẫn chỉ là viên sỏi thôi, nếu không một lần được mỏ chú gà trống truyền vào đó cả mối tình si để biến thành đồ sính lễ. Viên sỏi đã tham gia vào phép biện chứng. Đang là buổi hồng hoang thì con người xuất hiện và từ đó thiên nhiên mang bản chất người! Đó là câu mở trang ở một cuốn sách triết học. Từ một vật thể vô tri, viên sỏi đã trở thành một thực thể nhân tính.
Albert Camus, nhà văn Pháp giải thưởng Nobel viết: “Nghệ thuật sẽ chẳng là gì nếu không có thực tại. Nhưng không có nghệ thuật thì thực tại cũng chẳng có bao nhiêu giá trị”.
Vậy là muốn có được phút giây diệu kỳ nọ, trước hết phải có thực tại. Oóctêga Y Gassét, tiểu thuyết gia Tây Ban Nha nói: Một gã tiều phu giỏi cùng cây rìu sắc chẳng thể thi thố tài năng trên sa mạc không bóng cây. Nguyễn Thành Long đã có sẵn cả một khối khổng lồ thực tại và những suy tưởng sâu xa về sự sống của con người trong cô đơn. Khối thuốc nổ đã có sẵn. Tia lửa mới là ánh chớp có ý nghĩa. Viên sỏi chỉ là một kết cấu đá sỏi vô cơ phải qua cái mỏ sừng tình yêu của anh gà trống mới biến thái khỏi cái thực thể hoang sơ, phải được khổ luyện qua dãi nắng dầm sương bảy ngày bảy đêm mới trở thành hạt ngọc, bùa chú của tình yêu. Thực tại nhờ công lao nghệ thuật đã gia thêm giá trị. Vật thô phàm đã hóa thân thành thực thể linh hồn nhờ một khúc xạ nghệ thuật đã diễn ra ầm thầm, vô cùng bí ẩn, không ai giống ai, như một phép lạ và không một cỗ máy tinh xảo nào có thể thay thế được. Cả một quá trình trút vào đó bao mãnh lực và tài năng cá nhân! Điều đó giải thích vì sao, với người này thì khoảnh khắc này, sự kiện này là vận hội của sự thăng hoa vồ vập, còn với ngươì khác có khi chỉ là sự dửng dưng lạnh lẽo trước cái vô hồn. Không có sự ăn may thuần túy. Nhưng vẫn có cái gọi là may mắn, tình cờ trời cho. Và vấn đề không phải là há miệng chờ sung. Mà là hãy sống kỹ lưỡng tích cực và thật tự nhiên với tất cả cung bậc của cuộc đời.
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mắt anh em bỗng hiện lên
Thơ Putskin qua lời dịch tuyệt hay của Thúy Toàn lẽ nào là viết riêng cho tình huống sáng tạo này nhỉ? Vâng, cảm hứng thần tiên là tia chớp hãn hữu chỉ hiện ra trong một bầu trời ứ đầy mây tích điện để mở đầu và sau đó tiếp nối bằng cả một qúa trình sáng tạo bền bỉ say mê, đó là cuộc gặp gỡ kỳ lạ và vô cùng lý thú của đời sống và văn chương. Đó là điểm giao kết tài tình giữa ngẫu nhiên và tất yếu do cuộc sống tạo ra. Với tôi, đó là một kiểu hình thành tác phẩm phổ biến có tính quy luật, đó là quy trình làm nên một hợp tử, để một sự sống hoài thai, ra đời.
5/8/2012
Ma Văn Kháng
Nguồn tin: Báo Văn Nghệ