PHỤC SINH
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam


Đức Giê-su bị điệu ra trước tòa tổng trấn. Quan tổng trấn Phi-la-tô có bộ mặt nhẵn quẹn, cặp môi mỏng mím chặt ẩn giấu một vẻ nham hiểm, hỏi ngài: “Ông là vua dân Do-thái thật sao?”. Hai tay vẫn đang bị còng bởi những vòng xích sắt, Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó”. Đại tư tế Cai-pha đứng chầu bên cạnh tố giác thêm: “Không những tự xưng là vua, ông ta còn xui mọi người hãy phá ngôi đền thánh ở Giê-ru-sa-lem, rồi ông ta sẽ cho xây lại chỉ trong ba ngày!”. Một ngài Pha-ri-sêu mũ cao áo dài đạo mạo nói: “Ông ta tuyên truyền những tư tưởng rất độc hại. Cần phải xử tội thật nặng!”. Giê-su chỉ nhìn những con người vừa tố giác mình với vẻ cảm thương mà không nói gì. Tổng trấn Phi-la-tô lại hỏi: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” Giê-su lắc đầu. Từ lúc ấy ngài không trả lời về một điều nào nữa.
Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích một người tù. Phi-la-tô, đại diện cho chính thể Rô-ma sang đặt ách cai trị lên xứ sở Giu-đê-la, ngài rất biết mỵ dân theo cách đó, nhất là lúc này sắp vào ngày lễ trọng, lễ Vượt Qua. Có một kẻ tử tù đang bị giam tên là Baraba. Baraba là lãnh tụ của những người Delot. Ông ta bị bắt vì đã kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ chế độ La-mã. Quân pháp của Phi-la-tô còn vu cáo  thêm cho ông ta tội cướp của, giết người. Tổng trấn cho giải Giê-su và Baraba ra trước tòa. Khi dân chúng đã tụ họp rất đông, tổng trấn Phi-la-tô dang hai tay ra hiệu cho mọi người trật tự thì bà vợ ông ta đến nói: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử Giê-su. Ông ấy là người công chính. Đêm qua, trong chiêm bao, tôi đã thấy rõ ông ấy là một bậc chân phước”. Phi-la-tô quay lại nói với vợ: “Là người La-mã, chúng ta có thể tha thứ cho Giê-su, nhưng những người Giu-đê-la có cùng dòng máu Do-thái với ông ta lại muốn ông ta phải chết. Đây bà xem, tất cả tội lỗi của Giê-su do Cai-pha, đại tư tế xứ Giu-đê-la đệ trình lên, thì khó mà tha mạng sống cho ông ta. E hèm! Tuy nhiên, chiều ý bà, tôi sẽ hỏi ý kiến chính những người đồng bào của Giê-su”. Phi-la-tô làm cái “nghĩa cử” ấy cho có lệ, bởi ông thừa biết, đại tư tế Cai-pha và đám thượng tế, kì mục, Pha-ri-sêu chỉ vì ghen ghét, đố kỵ với Giê-su mà nộp ngài, còn dân chúng đã bị họ lừa gạt, coi Giê-su như một nhân vật nguy hiểm đe dọa đến sự mất còn của Ki-tô giáo. Để được yên vị trên cái ghế tổng trấn, Phi-la-tô không thể không chiều theo đại tư tế Cai-pha và đám Pha-ri-sêu, thượng tế, kì mục xứ Giu-đê-la.

Trên đại sảnh tòa tổng trấn, Phi-la-tô đứng dạng hai chân, giơ cao hai cánh tay làm hiệu cho đám đông trật tự, rồi hỏi: “Trong hai tên này, các ngươi muốn ta tha cho kẻ nào? Baraba hay Giê-su?”. Đám đông bên dưới gào lên: “Baraba!”. Phi-la-tô hỏi tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng có người gọi là đấng Kitô, ta sẽ xử thế nào đây?”. Mọi người đồng thanh: “Ðóng đinh nó vào thập giá!”. Tổng trấn lại nói: “Ta hỏi các ngươi: ông Giê-su đã làm điều gì gian ác?”. Bên dưới gào to:
“Y hỗn xược, dám mạo danh con Đức Chúa Trời, tự xưng là vua của dân Do-thái, xứ Giu-đê-la!”
“Y xúi giục dân chúng nổi dậy chống đế chế La-mã!”
“Y bảo hãy phá ngôi đền thánh ở Giê-ru-sa-lem, y cho xây lại chỉ trong ba ngày là xong!”
“Hãy đóng đinh y vào cây thập giá!”
Tổng trấn Phi-la-tô tự thấy hỏi tiếp nữa sẽ chẳng ích gì mà còn thêm náo động, ông ta lấy nước rửa tay trước mặt đám đông và nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!”. Đám đông đáp lại: “Máu Giê-su đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”. Tổng trấn ra lệnh:
“Hãy phóng thích tên Baraba! Còn Giê-su, cho đánh đòn thật đau, trước khi đóng đinh vào thập giá!”
Đám lính đồ tể đi theo đại tư tế Cai-pha liền kéo đầu sợi xích sắt cuốn hai tay Giê-su vào một cây cột đá. Trước khi những ngọn roi quất xuống thân thể, Giê-su còn đủ thời gian đưa mắt tìm kiếm những môn đệ của mình, nhưng họ đã tản mát mỗi người một nơi. Lúc Giê-su bị bắt, rồi điệu đến dinh thượng tế Cai-pha, các môn đệ cũng đi theo ngài. Ông Phê-rô còn bước qua cổng dinh vào trong sân ngồi lẫn với bọn nha dịch, hồi hộp chờ xem phiên xử kết cục ra sao. Các thượng tế, kì mục và toàn thể hội đồng thượng thẩm tìm chứng gian buộc tội Giê-su. Khi đại tư tế Cai-pha, đứng đầu hội đồng tuyên án tử hình Giê-su, nhưng phải giải lên tổng trấn trước khi thi hành, nhiều người sấn tới khạc nhổ vào mặt ngài. Có kẻ sau khi tát vào mặt Giê-su, còn giễu nhại: “Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”.
Phê-rô đang giơ hai tay bưng lấy mặt, có một người tớ gái đến bên ông, nói: “Có phải bác cũng đã theo ông Giê-su, người Ga-li-lê không?” Phê-rô liền lắc đầu, đáp: “Tôi không hiểu cô đang nói gì!”. Phê-rô đứng dậy đi ra đến cổng, một người tớ gái khác nhìn thấy, liền nói với những người quanh đó: “Bác này cũng theo ông Giê-su người Na-da-rét đấy”. Phê-rô chối: “Tôi không biết người ấy”. Một lát sau, những người đứng gần đó xích lại quanh Phê-rô, nói: “Ðúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Phê-rô liền thề thốt bằng những lời độc địa và khẳng định: “Tôi không biết người ấy!”. Vào lúc đó, mọi người nghe từ phía ngôi làng gần đấy có tiếng gà gáy. Phê-rô sực nhớ lời Giê-su từng đã nói trước đó: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Phê-rô ra ngoài đường, vừa bước chuyệch choạc vừa khóc.
Cũng giờ khắc ấy, Giu-đa, kẻ nộp Giê-su để lấy ba mươi đồng, thấy ngài bị kết án thì hối hận. Giu-đa đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế, kỳ mục, nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến ngài phải chết oan”. Đám thượng tế, kì mục cùng cười giễu, đáp: “Việc ấy không can hệ gì đến chúng tôi. Mặc xác anh!”. Giu-đa ném số bạc vào ngôi đền thánh gần đó rồi lui ra một khu vườn, nhai lá thuốc độc, tự treo cổ lên cây tự tử. Các thượng tế cho chôn cất Giu-đa xong, vào đền thánh lấy lại ba mươi đồng. Họ nói: “Không được phép bỏ tiền này vào đền thờ, vì nó là giá máu!”.  Sau khi bàn định với nhau, hội đồng thượng thẩm dùng tiền ấy tậu một thửa ruộng lớn để làm khu nghĩa địa chôn cất khách ngoại kiều. Sau này người ta vẫn còn thường gọi nơi ấy là “Nghĩa địa Máu” hay “Thửa ruộng Máu”. Điều ấy ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia từng thay mặt Thiên Chúa mà tiên báo trước cho Đức Giê-su: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ítxraen đã đặt khi đánh giá Người”.
“Vậy là các môn đệ của ta đã bỏ ta mà đi. Chỉ còn một mình Gio-an tóc xoăn, chú em út trong mười hai môn đệ ở lại với ta. Gio-an đang đứng cạnh mẹ ta, đưa hai tay đỡ vai bà để bà khỏi gục ngã. Bên cạnh mẹ còn có Mác-đa-lê-na. Rồi có cả bà Sa-lô-mê-a, mẹ của hai môn đệ Giác-cốp và Gio-an. Các bà này đã theo ta suốt từ Ga-li-lê, mong được làm một điều gì đó giúp đỡ ta. Ta xin Đức Chúa Trời ban cho họ vững vàng trong cơn tắm máu này”.
Đức Giê-su chỉ kịp nói thầm như thế thì ba tên đao phủ cầm ba cây roi bằng thân cây song rừng thay nhau quật tới tấp xuống thân thể ngài.
Ngay từ lúc chuẩn bị mang thai Giê-su, Ma-ri-a đã từng được ngôn sứ của Đức Chúa Trời tiên báo trước rằng con trai bà phải chịu một thử thách vô cùng đớn đau, phải tắm trong vũng máu của chính mình, rồi sau đó mới trở thành đấng nhân danh chúa. Ma-ri-a đã chuẩn bị đón nhận vụ tắm máu này một cách thật bình thản. Vậy mà mỗi lần nghe tiếng ngọn roi quất xuống thân thể Giê-su, bà lại có cảm giác như những ngọn roi quất vào chính thân thể mình.
Mac-đa-lê-na luôn ở cạnh Ma-ri-a, không rời bà nửa bước. Mỗi lần Ma-ri-a đau đớn muốn ngất đi, Mac-đa-lê-na lại đỡ lấy bà rồi ngước mắt lên trời mà cầu nguyện. Mac-đa-lê-na còn ít tuổi hơn Giê-su. Nàng sinh ra trong một ngôi làng trù phú và xinh đẹp cách thành Giê-ru-sa-lem dăm bảy dặm đường bờ sông. Gia đình nàng làm nghề trồng hoa oải hương, đời sống rất khá giả.
Thời vua Hê-rô-đê Antipa trị vì, vốn có máu trăng hoa, y cho xây gần cung điện một khu phố ăn chơi cực kì diễm lệ. Trong một lần mang hoa oải hương lên Giê-ru-sa-lem bán, cái sắc đẹp thiên thần của Mac-đa-lê-na nó đã phản bội nàng. Như có ma đưa lối quỷ dẫn đường, nàng đã bị cuốn vào cái khu phố ăn chơi sa hoa ấy. Các quan trong triều, các nhà buôn giầu có, kể cả những thủy thủ đi thuyền buồm trên sông Jor-dan bu lấy nàng như bầy ong hút mật. Trải qua bao nhiêu cuộc truy hoan say đắm, mê muội, nàng không thể nhớ. Ngoài việc thỏa mãn đam mê dâng hiến, nàng không quan tâm đến điều gì khác. Chỉ đến khi Mac-đa-lê-na có cảm giác cạn kiệt, hương sắc phôi phai, khách làng chơi đã bắt đầu lảng tránh, mới có một người đàn bà thiện tâm tên là Gio-an-na, vợ một viên quan trong triều Hê-rô-đê Antipa đến thăm nàng, định nghĩa cho nàng biết cái nơi nàng đang sống có tên là “Nhà thổ”, cái nghề nàng đang làm có tên là “Gái điếm”. Gio-an-na còn cảnh báo cho Mac-đa-lê-na biết, việc nàng đi làm điếm, dân quanh vùng Giu-đê-la đã có lời xì xào bàn tán. Nếu quay về làng chắc chắn nàng sẽ bị họ điệu đến trước cửa đền thánh ném đá cho chết. Gio-an-na khuyên Mac-đa-lê-na hãy tìm đến với Giê-su Na-da-ret, may ra ông ấy có thể cứu vớt được đời nàng. Lúc này Mac-đa-lê-na mới ý thức được một kết cục nguy hiểm đang đón đợi mình. Nàng tìm đến một khu vườn ôliu, nơi Giê-su đang truyền giảng phúc âm cho dân chúng. Mac-đa-lê-na cứ lặng lẽ đi lẫn vào đoàn người theo Giê-su. Sang ngày thứ ba, nàng được chứng kiến một chuyện: Lúc ấy Giê-su và đám người theo ngài đã trở về ngôi đền thánh trong thành Giê-ru-sa-lem. Giê-su chưa kịp bước lên cửa đền thì có một đám kì mục, thượng tế, Pha-ri-sêu lôi một người đàn bà trẻ, tóc tai rũ rượi đến trước mặt ngài và nói: “Người đàn bà này đã trốn chồng đi ra ngoài ăn nằm với một người đàn ông khác, ngài Giê-su hãy khuyên chúng tôi xử ra sao?”. Giê-su ý thức được rằng, đám thượng tế, kì mục, Pha-ri-sêu này đang theo dõi ngài từng bước chân, từng việc làm, từng lời nói để trình báo lên đại tư tế Cai-pha và tòa thượng thẩm. Nhưng Giê-su không hề e sợ. Ngài hỏi: “Vậy ý các ông định xử cô ta thế nào?”. Họ đáp: “Tội của kẻ lăng loàn này sẽ bị điệu đến trước cửa đền thánh rồi ném đá cho chết. Ngài thấy xử như thế đúng luật Môi-sê chứ, Giê-su?”. Giê-su nhìn đám thượng tế, kì mục, tay chỉ về phía người đàn bà đang phủ phục dưới chân chúng, nói dõng dạc: “Ai trong số các người không phạm tội, hãy là những người đầu tiên ném đá vào chị ta!”. Đám thượng tế, kì mục và cả đám Pha-ri-sêu mũ cao áo dài đều nhìn nhau rồi lảng dần. Họ quá nhiều tội và biết rõ tội lỗi của nhau. Còn người đàn bà thì bước đến trước Giê-su cúi đầu vái tạ. Giê-su nói với chị ta: “Bọn đạo đức giả về hết rồi. Chị cũng về đi. Chúng không dám ném đá chị nữa đâu!”.
Chứng kiến cảnh ấy, Mac-đa-lê-na nhận thấy Giê-su đúng là có phẩm chất của một bậc thánh, nàng quyết định tự đến gặp ngài. Nàng sẽ nói ra tất cả tội lỗi của mình xem ngài xử sự ra sao!
Hôm sau, vào lúc Giê-su và những người đi theo ngài đang chuẩn bị dùng bữa trong nhà một môn đệ thì Mac-đa-lê-na bước đến quỳ xuống hôn chân ngài. Khi nước mắt của nàng chảy xuống mu bàn chân ngài, nàng liền kéo mái tóc lau khô, rồi nàng lấy lọ dầu thơm thoa lên những chỗ ấy. Nàng chưa kịp xưng tội thì ông Sê-môn đã nói với Giê-su: “Người đàn bà này là một gái điếm, dơ bẩn lắm!”. Giê-su nói: “Chị ta đã hôn vào chân tôi, lấy tóc lau nước mắt rơi xuống chân tôi, lấy dầu thơm sức vào chân tôi. Nếu chị ta có nhiều hy vọng và lòng biết ơn đến vậy thì có nghĩa là chị ta đến để sám hối một cách thành tâm, với một niềm tin sẽ được tha! Anh không thấy thế sao, Sê-môn?”. Rồi Giê-su quay lại nói với Mac-đa-lê-na: “Lợi dụng lúc chị còn trong trắng loài quỷ dữ đã xâm nhập vào cư trú trong thân xác chị, biến chị thành một người đàn bà phóng đãng. Còn lúc này, nhờ tình yêu, sự ăn năn và niềm tin nơi Thiên Chúa mà tên quỷ dữ đã bị xua đuổi ra khỏi thân xác chị, mang lại cho chị sự cứu rỗi! Hãy về đi. Hãy tin rằng không ai còn ném đá giết chị”.
Nhưng Mac-đa-lê-na không về. Giờ đây nàng đã hiểu được những việc Giê-su làm là rất hệ trọng với sự sống loài người. Giê-su đã sinh ra nàng lần thứ hai. Chính ngài chứ không phải ai khác sẽ cứu nhân độ thế. Những người cùng dòng máu Do-thái với ngài đã vì sự ghen ghét mà rắp tâm hãm hại ngài. Còn người Rô-ma, đứng đầu là quan tổng chấn Phi-la-tô thì đã đồng ý với họ xử tử ngài. Chỉ ít giờ khắc nữa thôi, ngài sẽ phải chịu một cực hình tàn khốc nhất, quái dị nhất trong những cực hình mà con người ở xứ sở Giu-đê-la của nàng đã nghĩ ra. Mac-đa-lê-na muốn đi theo Giê-su đến nơi hành hình, với niềm mong ước có một phép mầu nhiệm giúp nàng gánh bớt nỗi đau nơi ngài.
Khi những chiếc roi song vun vút quất xuống xé rách từng mảnh da thịt trên thân thể Giê-su, tên cầm đầu bọn lính đao phủ e rằng tra tấn thêm nữa, ngài sẽ chết, và như thế chúng không thỏa được ý thích được đóng đinh ngài lên cây thập giá, y ra lệnh cho cơ đội ngừng tay roi. Chúng lôi Giê-su vào trong dinh, lột tấm áo choàng trắng của ngài ra, khoác lên thân thể vằn đỏ những vết roi của ngài một tấm áo choàng đỏ. Loại áo chỉ dành cho bậc vua chúa, quân vương. Chúng kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu ngài. Chúng đặt vào tay ngài một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt ngài mà chế nhạo rằng: “Giê-su, Ðức Vua mới của dân Do-thái vạn vạn tuế!”. Chúng thay nhau khạc nhổ vào mặt ngài, lấy cây sậy đập vào đầu ngài. Chế giễu chán, chúng lột áo vua ra bắt thăm chia nhau rồi cho ngài mặc lại áo của mình. Chúng đặt cây thập giá bằng gỗ đẽo vội xù xì lên vai ngài, bắt ngài tự vác lấy, điệu ngài đi về hướng pháp trường. Cây thập giá quá nặng so với tấm thân tuy cường tráng nhưng đã bị kiệt quệ vì đòn roi của Giê-su. Ngài cứ bước đi được mấy bước lại quỵ ngã. Bọn lính nhìn thấy một người Ky-rê-nê khỏe mạnh liền kéo ông này vào vác thập giá giúp Giê-su.
Đến nơi một gò đất cao có tên Gôn-gô-tha, nghĩa là Ðồi Sọ hay còn gọi là đồi Cây Dầu, thấy Giê-su như sắp lả đi, chúng bưng đến cho ngài một chén rượu pha mật đắng, với ý tưởng làm cho ngài tỉnh táo mà đón nhận những cơn đau xé xác khi những chiếc đinh đóng vào thân thể mình, nhưng ngài chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Chúng xông đến túm lấy tay chân rồi khiêng đặt ngửa ngài lên cây thập giá. Chúng đóng những chiếc đinh rất dài xuyên qua hai bàn tay, hai bàn chân găm sâu vào thập giá.
Ma-ri-a nghe những tiếng phầm phập, chan chát mà có cảm giác những chiếc đinh đang găm vào giữa trái tim mình. Quên cả lời ngôn sứ từng cảnh báo, bằng bản năng của người mẹ, Ma-ri-a thốt lên: “Có ai ngăn chặn được kiểu  giết người như thế này xin hãy giúp tôi!”. Nhưng không có một tiếng nói nào đáp lại, bởi tất cả đám đông đều đã tin theo lời phán quyết của tòa thượng thẩm và quan tổng trấn. Lúc này chỉ còn Mac-đa-lê-na, bà Sa-lô-mê-a và Gio-an tóc xoăn là đứng về phía Ma-ri-a. Nhưng họ cũng không còn làm được gì hơn là cầu nguyện và đưa tay đỡ cho Ma-ri-a khỏi gục ngã.
Thừa lệnh của tổng trấn Phi-la-tô và đại tư tế Cai-pha, đám đao phủ cầm tấm bảng gỗ có kẻ dòng chữ “Người này là Giê-su, Vua của dân Do-thái” gắn lên thập giá phía bên trên đầu Giê-su, đóng một chiếc đinh cho chắc. Việc còn lại của đám lính đao phủ là tìm chỗ dựng cây thập giá lên.
Bấy giờ, có hai tên cướp cùng bị đóng đinh trong ngày với Giê-su, hai cây thập giá của chúng dựng ngay phía sau. Đám lính khiêng cây thập giá của Giê-su chôn ở quãng giữa thập giá của hai tên cướp. “Bọn cướp và kẻ mạo danh Thiên Chúa thì cùng một giuộc cả!”, chúng nói thế. Trước khi ra về, quan cũng như lính, mỗi đứa kiễng chân lên nhổ vào mặt Giê-su một bãi nước bọt rồi tiếp tục nói lời sỉ nhục ngài:
“Ngươi đã nói phá được Ðền Thờ, và chỉ trong ba ngày xây lại được, thì hãy sống lại mà xây nhé!”.
“Nếu ngươi là con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào! Ha ha, y cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình!”.
“Y là vua dân Do-thái, sao chẳng thấy người Do-thái nào đến cứu y!”.
Cả hai tên cướp bị đóng đinh lúc này hãy còn sống, nghe mọi người nói thế, chúng cũng quay sang giễu nhại Giê-su: “Hóa ra chúng mình được chết cùng với ông vua Do-thái kia đấy! Vinh hạnh quá!”.
Bất chợt có những áng mây ùn ùn kéo đến trùm bóng đen xuống mặt đất. Những tia chớp rạch ngang vòm trời phía tây. Gió rít từng hồi man dại. Ngoài xa kia, mặt nước sông Jor-đan dựng lên những đợt sóng trắng rú gào.
Tổng trấn Phi-la-tô, đại tư tế Cai-pha, các Phi-ra-sêu, những viên thượng tế, kì mục, đám lính và dân chúng đều bỏ chạy về thành, chỉ còn lại Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na, Sa-lô-mê-a và Gio-an tóc xoăn là còn ở lại quỳ dưới chân cây thập giá với Giê-su. Giê-su nói với Gio-an tóc xoăn lẫn trong tiếng mưa: “Mẹ Ma-ri-a của ta cũng là mẹ anh đấy!”. Rồi ngài hổn hển nói rất nhanh: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, xin ngài đừng bỏ rơi con!”. Ðầu nghoẹo sang một bên, ngài tắt thở, trút linh hồn.
Trong số môn đệ của Giê-su có ông Giô-xép, người thành Arimathe. Ông này cũng bỏ thầy từ lúc ở dinh đại tư tế Cai-pha, nhưng đến lúc đứng nấp trong khu vườn cây chứng kiến Giê-su bị hành hình thì ông ta lại rất lấy làm ân hận. Giô-xép đánh liều tìm đến gặp quan tổng trấn Phi-la-tô xin mang thi hài Giê-su đi mai táng. Quan tổng trấn không hạch sách gì lại còn đồng ý. Tổng trấn nói: “Ngươi đưa xác ông ấy đi ngay cho khuất mắt ta! Nếu để đến ngày mai, quạ nó xơi hết thịt, may lắm còn bộ xương, ra mà nhặt!”.
Mac-đa-lê-na vào làng mua được một miếng vải sạch đưa cho Giô-xép liệm thi hài Giê-su. Theo sự mách bảo của những người canh nghĩa địa, trong hang núi gần đấy có một hầm mộ đã được đào sẵn dành cho Giê-su. Giô-xép vác thi hài Giê-su đặt vào hầm mộ. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, làm dấu thánh, rồi cáo biệt. Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na, Sa-lô-mê-a và Gio-an tóc xoăn ở lại làm dấu thánh và cầu nguyện thêm một lúc rồi mới về.
Sang ngày thứ ba, tảng sáng, Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na, Sa-lô-mê-a đi ra mộ, mang theo dầu thơm để ướp xác. Nhưng đến nơi, họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi cửa mộ. Họ bước vào hầm, không thấy thi hài Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, sợ hãi, không hiểu điều gì đã xảy ra, thì có một người đàn ông cao lớn, y phục sáng trắng, gương mặt mờ mờ ảo ảo, chẳng hiểu từ đâu bước đến đứng bên họ. Người này nói: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết? Giê-su không còn ở đây nữa. Người đã sống lại rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, rằng Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá, ngày thứ ba thì sống lại”.
Bằng một linh cảm đặc biệt của người mẹ, Ma-ri-a thốt lên khe khẽ: “Ôi, người vừa nói chính là Giê-su, con ta!”. Mac-đa-lê-na thì hỏi: “Giê-su, có phải là thầy đang nói đấy không?”. Người mặc đồ trắng nói: “Hãy đi tìm các môn đệ của ta và loan tin cho họ biết!”. Rồi bóng người ấy nhòa vào màn sương sớm.
Bấy giờ, các môn đệ cũng đã tụ họp tại một ngôi nhà cách nghĩa địa không xa. Cho dù đã được Giê-su cảnh báo trước rằng ngài sẽ phải chịu một cái chết rồi mới sống lại, nhưng khi thần chết mới rình rập ngoài cửa các môn đệ đã quá sợ hãi mà chối thầy. Tuy vậy, hôm nay là ngày thứ ba, họ tụ  họp nơi gần mộ địa xem Giê-su có sống lại thật không, có ứng nghiệm với lời ngài phán không! Có cả Gio-an tóc xoăn, người ở bên Giê-su tới tận lúc trút hơi thở cuối cùng. Có cả Giô-xép, người đã khâm liệm rồi mang thi hài Giê-su đi mai táng. Một môn đệ nói: “Chúng ta đi theo Giê-su, từng chứng kiến thầy chữa lành vết loét của người hủi, chữa cho người bại liệt đi lại được, xua đuổi ma quỷ ra khỏi người bị ám, cứu sống một con bé đã chết… chẳng lẽ chỉ là xảo thuật bịp bợm?”. Một môn đệ khác nói hùa theo: “Và cả việc Giê-su xua đuổi quỷ dữ ra khỏi thân xác những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, làm điếm, giúp những người ấy hoàn lương, chẳng lẽ cũng chỉ là trò xảo thuật nhảm nhí?”. Phê-rô, người có vị trí nổi trội nhất trong các môn đệ vẫn giữ vẻ thâm trầm, nghe hết mọi người nói xuôi nói ngược, cuối cùng ngài mới bảo: “Anh em bàn thế đủ rồi. Hãy đợi trong ngày hôm nay sẽ biết Giê-su có phải thầy chúng ta, có phải là con Thiên Chúa hay không!”.
Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na, Sa-lô-mê-a bước vào. Mac-đa-lê-na loan tin: “Thầy Giê-su đã sống lại, mọi người hãy vui lên nào!”
Các môn đệ chưa kịp phản ứng gì, thì chính Ðức Giê-su đã hiện đến đứng giữa các môn đệ, giơ tay ra hiệu cho họ cứ ngồi nguyên như cũ và bảo: “Bình an cho anh em!”. Trong số các môn đệ có những người thốt lên: “Là người thật hay là ma?”. Giê-su nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Hãy nhìn chân tay thầy, sờ mó vào, nếu thầy là ma đâu có xương có thịt như anh em thấy”. Các môn đệ đều đứng dậy tiến đến sờ mó chân tay, bấy giờ các ông mới biểu lộ niềm vui mừng khôn xiết. Giê-su nói: “Khi còn ở với anh em, thầy đã mở trí cho anh em hiểu Kinh Thánh, từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, Các sách Ngôn Sứ và sách Thánh Vịnh đã chép về thầy đều phải được ứng nghiệm. Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
“Họ đã không hiểu được những việc của Giê-su. Nhưng ngài đã thể tất cho họ” – Cả Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na và Sa-lô-mê-a cùng nghĩ vậy. Niềm vui cùng nỗi buồn đan xen trong lòng họ.
Lặng đi một lát, nhìn khắp lượt các môn đệ, Giê-su nói tiếp: “Phần thầy, thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
Sau đó, Giê-su dẫn các môn đệ tới gần Bê-ta-ni-a, có Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na và Sa-lô-mê-a đi cùng. Đến nơi, ngài giơ tay chúc lành cho các môn đệ. Ngài vừa đứng tách ra khỏi mọi người thì đã được đấng quyền năng rước lên trời. Các môn đệ bái lạy theo ngài. Ma-ri-a, Mac-đa-lê-na, Sa-lô-mê-a làm dấu thánh. Rồi họ trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ. Họ vào Ðền Thờ chuẩn bị cho buổi lễ mừng Đức Chúa Phục sinh.

Hà Nội, lễ Phục sinh, mùa thương khó 2012
L.H.N
Exit mobile version