Tôi có dịp dừng chân dài ngày ở Nhật Bản.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân

Chuyến đi lần này khá đặc biệt vì được chính phủ Nhật tài trợ một phần kinh phí với mục đích hỗ trợ ngành Du lịch mở tuyến mới về phía đông bắc Tokyo nơi mà cách đây 5 năm từng trải qua trận sóng thần kinh hoàng trong lịch sử.

Hạ cánh xuống một sân bay quân sự thuộc tỉnh Ibaraki, cảm giác êm đềm, gần gũi vây bọc chúng tôi bởi sự tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo địa phương. Đoàn quân nhạc hàng trăm người tấu lên giai điệu bạn bè, các kiều nữ trong trang phục truyền thống Kimono e ấp, tươi tắn mời du khách nếm thử trái cây, rượu vang…sản vật địa phương. Bắt đầu một hành trình thú vị khám phá xứ Phù Tang, gần gũi với Việt Nam và tiềm ẩn nhiều giá trị tinh thần cao cả. Đất nước Nhật Bản có khá nhiều tên gọi: Xứ Phù Tang, đất nước Mặt trời mọc, quốc gia Hoa cúc, xứ xở Hoa anh đào…phần lớn đều gắn với hình tượng mặt trời. Theo truyền thuyết thì phù tang là một loại cây sinh ra ở phía mặt trời mọc. Nó rỗng ruột. Đấy là nơi thần mặt trời thường nghỉ lại trên hành trình từ đông sang tây. Trong tiếng Hán cổ, Japan có nghĩa là xứ của mặt trời. Hình tượng bông hoa cúc 16 cánh tỏa ra như hình tượng mặt trời phóng tia sáng ra xung quanh.Vị trí địa lý của Nhật Bản ở về phía viễn đông Á, nơi đón ánh bình minh sớm nhất mỗi ngày.

Cảm giác đầu tiên của tôi là đất nước này ngập tràn hoa trái.

Màu xanh của cây là chủ đạo. Đoàn xe đón chúng tôi cũng mang tên những loài hoa nổi tiếng của đất nước này: Chi anh, Tử đằng, Cẩm tú cầu, Oải hương, Anh đào, Lá phong… Văn hóa không phải là những điều gì cao xa. Nó hiển hiện trong chính thói quen, nếp sống, nết cư xử hàng ngày của người dân Nhật Bản và tôi đã đắm mình trong không gian văn hóa xứ Phù Tang vừa có gì đó lạ mà quen, cuốn hút đến say lòng.

Nói lạ mà quen bởi giữa chốn kinh thành sầm uất vào loại bậc nhất thế giới này, bên cạnh sự hào nhoáng, cao vút của những đại siêu thị, từng dãy xe tắc xi toàn loại Toyota Crown 3 chấm sang trọng đen bóng, dòng xe mà ở ta phải cỡ bộ trưởng mới được dùng trong hệ thống xe công vụ nhà nước, thì lại xuất hiện những chiếc xe kéo tay như kiểu người ngựa ngựa người trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Công Hoan hồi đầu thế kỷ 19 ở đất Hà thành.

*

*   *

Xét trên nhiều mặt đây là đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Cùng giống da vàng, tầm vóc và diện mạo. Hoàn cảnh lịch sử và số phận dân tộc hai nước từng trải qua những năm tháng đau thương mất mát vì chiến tranh, cùng gắng gỏi vươn lên từ tro tàn của bom đạn. Song Nhật Bản đã làm được những điều thần kỳ. Điều làm nên “ Sự hấp dẫn của xứ Phù Tang” có lẽ chính là bản lĩnh, trí tuệ và tầm cao văn hóa của đất nước này. Với ý nghĩa vừa tiến kịp trào lưu văn minh của nhân loại vừa giữ gìn và phát huy được tinh thần dân tộc của nền văn hóa truyền thống hàng ngàn năm.

Đứng trong tốp đầu các nền kinh tế thế giới nhưng văn hóa Nhật Bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi tốc độ phát triển của sản xuất công nghiệp và cuộc sống hiện đại. Có lẽ không ở đâu nhận định văn hóa là gốc rễ của mọi lĩnh vực cuộc sống được minh chứng rõ nét như ở Nhật Bản. Văn hóa đã tỏa ánh sáng lung linh trong cốt cách, tâm hồn người Nhật. Văn hóa làm tôn thêm giá trị của thành tựu công nghiệp và giá trị nhân sinh. Điều ấy lý giải vì sao Nhật Bản trở thành một tấm gương vừa gần gũi vừa đáng khám phá, học hỏi. Có thể nói Nhật Bản là một quốc gia được yêu mến nhất, muốn khám phá nhất trong giới trẻ Việt Nam hôm nay.

Người Nhật sống khá kín đáo. Họ ít trò chuyện khi ra đường. Nếu có nói thì cũng nói rất nhỏ nhẹ. Trên xe buýt, trên tàu điện ngầm phần lớn mỗi người đều chăm chú vào đọc sách, sử dụng điện thoại hay tranh thủ nghỉ ngơi. Thân thiện nhưng không vồ vập. Động tác cúi đầu chào là sự giao tiếp phổ biến trong xã hội Nhật. Họ rất tránh tiếp xúc trực tiếp kiểu như bắt tay, ôm hôn, nhất là giữa những người khác giới. Nhìn vào độ thấp cao của việc cúi chào sẽ biết mối quan hệ xã hội của những người đó như thế nào. Cúi càng thấp thì người được chào là các bậc cao niên tôn quý hay sếp lớn. Người ngang hàng đồng cấp thì cúi đầu vừa phải.

Là một đất nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, người lao động Nhật Bản có trình độ kỹ thuật cao, tinh thần kỷ luật rất nghiêm. Những phẩm chất nổi trội của họ là lòng trung thành, tính kỷ luật và nguyên tắc làm việc nhóm. Mỗi người đều đề cao tập thể trên bản thân mình. Câu khẩu hiệu: “ HOU – REN – SOU” ( Báo cáo – Liên lạc – Thảo luận ) trở thành nguyên tắc ứng xử trong công việc. Mọi khó khăn vướng mắc của cá nhân người lao động đều được đem ra trao đổi trong nhóm để tìm cách giải quyết. Có việc làm là niềm tự hào của người lao động và gia đình họ. Vì thế ai cũng rất trách nhiệm, nghiêm túc, đúng giờ. Họ tạo nên năng suất lao động rất cao.

Điều đầu tiên du khách khi bước chân đến Nhật Bản là tuân thủ các quy định về xả rác. Trên xe, ở lưng ghế phía trước mỗi du khách đều có sẵn một túi nylon tự hủy. Những gì cần vứt bỏ phải để vào đó. Cuối ngày, khi xuống xe du khách đem túi rác đó lên để tập trung tại một góc quy định trên đầu xe.

Ở Nhật Bản việc xả rác thải sinh hoạt là cả một quy trình khoa học, công phu. Có lẽ ít quốc gia nào quy định việc vứt rác lại ngặt nghèo và cẩn thận như Nhật Bản. Trước khi đem rác ra khỏi nhà, người dân bắt buộc phải phân thành mấy loại. Thức ăn thừa để riêng. Các loại rau, củ quả bỏ đi để riêng. Bao bì vỏ hộp để riêng. Ngoài chuyện phân loại, chai lọ bỏ đi cũng phải được xúc rửa cẩn thận không để cặn nước sót lại gây mùi khó chịu. Ở đô thị, việc thu gom rác hàng ngày thì không có gì đáng nói, nhưng vùng ngoại thành, nông thôn việc gom rác cách ngày lại phải có biện pháp khác. Các bạn Nhật cho biết khó nhất là việc thu gom, xử lý thực phẩm thừa. Yêu cầu của cơ quan môi trường là người dân phải tự bảo quản thứ rác dễ hỏng ấy, không để biến chất, bốc mùi khi cơ quan môi trường tới thu gom. Nước Nhật chỉn chu đến nỗi để giải quyết yêu cầu này, họ đã thiết kế cả loại tủ lạnh có thêm một ngăn bảo quản rác. Những ai sống ở vùng xa, xe thu gom rác không đến hàng ngày thì sử dụng loại tủ lạnh đó. Chỉ đơn cử một ví dụ đó thôi đã thấy công việc xả rác của người Nhật Bản nghiêm túc, trách nhiệm và khoa học biết nhường nào.

Hành vi văn hóa ấy đã trở thành thói quen của hàng trăm triệu người dân là một kỳ công trong giáo dục ý thức cộng đồng của chính phủ Nhật Bản. Việc làm ấy còn là bài học rất hữu ích với mỗi người, nhất là trẻ em ngay từ tuổi ấu thơ, về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, về tính kỷ luật, ý thức công dân. Chuyện tưởng nhỏ nhặt ấy mà trên thế giới này chỉ một số rất ít quốc gia làm được trong đó có Nhật Bản.

*

*   *

Người Nhật Bản đi bên trái đường khi tham gia giao thông. Đó là điều lạ và khá bỡ ngỡ đối với chúng tôi những ngày đầu đến thăm đất nước này. Hầu hết các nước châu Á đều đi bên phải đường. Vì sao Nhật Bản lại chọn cách giao thông bên trái? Xét về văn hóa không có gì giải thích cho nguồn gốc của tập tục này. Hỏi thăm nhiều người Nhật họ cũng không biết vì sao. Tại Tokyo, trong một lần tìm hiểu tôi mới vỡ lẽ chuyện đi bên trái đường hóa ra liên quan đến câu chuyện đã xưa lắm về những người đàn ông thuộc các võ phái khác nhau. Vốn xưa kia người Nhật cũng đi bên phải. Chuyện phải thay đổi thói quen đi lại từ bên phải sang bên trái hóa ra lại vì một nguyên cớ khá buồn cười. Xứ xở Mặt trời mọc là quê hương của võ thuật, nơi đây sản sinh nhiều võ phái lừng danh: Karate, Judo, Sumo, Kendo, Aikido…Người đàn ông Nhật Bản lập danh bằng võ thuật. Cương nghị, khẳng khái, trung thực là những phẩm chất hàng đầu của các võ sinh. Khi ra đường người đàn ông nào cũng mang bên mình ít nhất một thanh kiếm. Kiếm đối với họ không chỉ biểu hiện đẳng cấp trong xã hội mà còn là vật dụng linh thiêng thể hiện bản lĩnh của người đàn ông. Việc đụng chạm đến kiếm là xúc phạm đến danh dự của người mang nó. Kiếm đeo bên trái, khi lưu thông bên phải đường, ngược chiều nhau hai thanh kiếm sẽ sát vào nhau. Nhất là nơi thị thành đông đúc, nơi hội hè chợ búa va chạm là điều rất dễ xảy ra. Vì thế đã không ít vụ do va chạm vô tình vào kiếm đã dẫn đến hiểu lầm giữa các võ sinh. Nhiều trận thư hùng để phân rõ phải trái giữa các tay kiếm khiến không ít cái chết xảy ra. Do có quá nhiều chuyện hiểu lầm như vậy, triều đình đã quyết định đổi thói quen đi bên phải sang đi bên trái. Từ đó những thanh kiếm cách xa nhau không gây ra va chạm dẫn đến hiểu lầm đáng tiếc. Đó là một cách giải thích vì sao người Nhật Bản đi bên trái đường như hiện nay.

Thanh kiếm của người đàn ông Nhật Bản còn liên quan đến một quan niệm rất thú vị trong kiến trúc nhà cửa. Chúng ta đều biết trần nhà Nhật Bản thường làm rất thấp, cửa lùa. Trong đó một chi tiết rất lạ là vào khách sạn, nhà hàng hay bất cứ nhà dân nào ta đều thấy cửa phòng vệ sinh đều mở cánh ra phía ngoài. Điều này được giải thích liên quan đến chuyện động đất thường xuyên diễn ra ở Nhật Bản. Nếu động đất làm đổ nhà thì trần nhà thấp sẽ đỡ thiệt hại hơn, cánh cửa nhà vệ sinh kéo ra bên ngoài sẽ dễ dàng cứu người hơn là cánh cửa bị đè chặt bên trong. Song cái trần nhà thấp còn được giải thích bằng một nguyên nhân rất nhân văn liên quan đến thanh kiếm. Bản lĩnh của người đàn ông ngoài chuyện cung kiếm còn là khả năng uống rượu, giao đãi bạn bè và giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Đã uống rượu thì khó tránh khỏi say, nhiều khi quá chén gây nên thù hằn giữa các võ phái. Vì thế nhiều cuộc phân tranh bằng kiếm đã xảy ra. Triều đình ra lệnh thiết kế trần nhà, nhất là các nhà hàng chỉ được cao trên hai mét. Chẳng may khi uống rượu, hội họp, vui chơi cờ bạc nếu xảy ra cãi vã, phải dùng đến kiếm thì khi nóng giận vung kiếm lên, mũi kiếm sẽ chạm vào trần nhà. Chỉ trong tích tắc vướng víu ấy thôi cũng giúp cho các đấng mày râu hạ hỏa, bình tĩnh lại. Cái trần nhà thấp góp phần ngăn chặn bao nhiêu cuộc đâm chém chỉ vì lòng tự ái bị đụng chạm. Thế mới biết người Nhật nhân văn, tinh tế và tỉ mỉ thế nào trong cuộc sống. Sau này việc thiết kế xây dựng những trần nhà thấp thành thói quen trong quan niệm thẩm mĩ của người Nhật Bản.

Một trong những địa chỉ mà du khách nào khi tới Nhật Bản cũng mong muốn là được leo lên núi Phú Sỹ ( Fuji ). Điều đó chỉ có thể thực hiện vào thời gian Phú Sĩ không có tuyết. Trong năm chỉ khoảng hai tháng tuyết tan trên đỉnh ngọn núi huyền thoại này. Chúng tôi là những người may mắn thăm Nhật Bản vào thời gian đó. Phú sĩ cao 3376m, rộng trên 90 km2 thuộc tỉnh Shizuoka cách Tokyo gần 100 cây số. Đây là một ngọn núi lửa đã ngủ yên hơn 300 năm. Đợt phun trào gần nhất diễn ra vào năm 1707. Với hình dáng uy nghi, bí ẩn, Phú Sỹ được người dân Nhật Bản coi là núi thiêng bảo hộ cho đất nước. Từ hàng trăm năm trước người Nhật Bản đã thành lập ra “Hội những người tín ngưỡng núi Phú Sỹ” ( Fujiko ). Các tín đồ Fujiko tìm ra con đường lên núi ngắn nhất, đặt 9 trạm nghỉ và ai cũng muốn một lần trong đời leo lên đến đỉnh núi ngắm mặt trời mọc lúc bình minh.

Thăm Phú Sỹ mùa không tuyết cảnh tượng hùng vĩ và lãng mạn có giảm đi, nhưng đổi lại du khách đến gần đỉnh núi hơn. Xe hơi chạy kịch đường, lên đến trạm số 5. Từ đây đỉnh núi lồ lộ trong mây. Phú Sỹ ôm giữ trong nó cả một kho huyền thoại đầy linh thiêng, bí hiểm. Không phải ai muốn leo lên đỉnh núi cũng có thể tự mình đi được. Phải có người dẫn đường. Trên núi có nhiều lối dẫn đến những cánh rừng ma. Đấy thực sự là mê cung, chỉ có đường vào mà không có đường ra. Mỗi năm vẫn có hàng ngàn người vì lý do nào đó muốn kết thúc cuộc đời, họ chọn cách một mình leo lên núi Phú Sỹ, đi vào những cánh rừng ma ấy cho đến lúc ngã gục vì đói khát. Ở trạm số 5 chúng tôi kiên nhẫn chờ Phú Sỹ hiện ra. Người ta ví nó như một mỹ nhân khó tính rất ít khi ló mặt ngay cả trong những ngày nắng chan hòa. Mây cứ nối nhau che phủ, đỉnh núi chỉ lộ ra vài khắc rồi lại giấu mặt vào trong mây như trêu ngươi du khách.

*

*   *

Đã từ lâu người ta thường nhắc tới sức mạnh làm nên chủ nghĩa yêu nước vĩ đại của người Nhật Bản. Đó là mối liên hệ máu thịt từ truyền thống ái quốc đến trách nhiệm công dân. Từ sức mạnh tâm linh đến nghị lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tinh thần đó luôn trỗi dậy khi đất nước này đứng trước những thử thách mang tính sống còn. Những ngày ở thăm Nhật Bản tôi đã tận mắt chứng kiến những phẩm chất ấy đã thành một quan niệm sống, một bản năng tự nhiên hàng ngày. Người Nhật rất hiểu những tiềm năng và cả sự hạn chế của đất nước mình. Quốc gia họ rất thiếu tài nguyên thiên nhiên và luôn oằn mình trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Mỗi ngày họ phải chịu hàng trăm cơn chấn động. Để trụ vững trên dải đất ngặt nghèo ấy, từ xa xưa, người Nhật đã dạy cho con em họ rằng muốn tồn tại và vươn lên chỉ có một con đường là tự đứng dậy bằng ý chí, nghị lực và lòng tự trọng của chính mình.

Tôi nhớ mãi hai câu chuyện in rất sâu đậm trong trí nhớ tôi về đất nước này. Cách đây khoảng gần chục năm tình cờ tôi được xem một bộ phim lịch sử dựng trên bối cảnh cuộc chiến tranh giữa triều đình nhà Thanh, Trung Quốc với Nhật Bản. Quân đội Thiên Hoàng khi đó rất thiếu vũ khí. Người ta đã mở chiến dịch vận động người dân hiến tặng tài sản, tiền bạc để mua tàu chiến. Phong trào đã được đông đảo người dân trong cả nước ủng hộ. Một người con gái Nhật Bản trong phim đã rất tủi thân vì mình quá nghèo không có gì đóng góp cho quân đội. Lòng yêu nước khiến cô thao thức bao đêm không ngủ rồi đi đến một quyết định bất ngờ. Cô đi chào bán trinh tiết của mình. Cô thể hiện lòng yêu nước bằng một hành động không giống ai. Cô đã khóc khi cầm những đồng tiền ấy góp quỹ để mua vũ khí cho quân đội. Đó là những giọt nước mắt sung sướng, mãn nguyện. Tôi đã khóc trước hành động ấy và tin rằng không ít khán giả khi xem bộ phim này cũng đổ nước mắt. Hành động của cô đã khiến cho cái việc tưởng như đồi bại xấu xa trở nên thực sự mang ý nghĩa cao cả của lòng ái quốc.

Câu chuyện thứ hai hẳn còn hằn trong tâm trí hàng tỷ người trên thế giới là hình ảnh một em bé Nhật Bản đứng kiên nhẫn xếp hàng chờ nhận thức ăn cứu đói sau thảm họa sóng thần kinh hoàng xảy ra ở miền đông bắc Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011. Em bé đã mất cả cha mẹ. Cuộc sống của hàng chục triệu người vô cùng khốn khó. Trong bối cảnh tương tự, thế giới đã từng ghi nhận sự hoảng loạn, mất an ninh, nạn cướp bóc xảy ra ở Mỹ, Anh, New Zealand, Philippin…nhưng tuyệt nhiên không thấy cảnh tượng ấy ở Nhật Bản. Hàng triệu người trong hoạn nạn vẫn bình tĩnh, trật tự xếp hàng chờ đến lượt nhận đồ cứu trợ. Em bé mồ côi cũng không nhận sự ưu tiên từ người lớn. Thậm chí em còn nhường suất ăn vừa nhận của mình cho một người khuyết tật không xếp hàng được.

Ở trên, tôi kể chuyện vì quốc gia trong chiến tranh của Nhật trên đất Thanh. Còn giờ đây, cháu chắt chút của người con gái bán trinh góp tiền mua vũ khí xưa kia lại đứng trước hiểm họa nước lớn bành trướng muốn ôm cả biển Đông, biển Hoa Đông vào trong lòng mình. Tôi muốn hình dung lòng yêu nước của người Nhật trước thử thách về ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc và góp phần mình vào gìn giữ hòa bình thế giới. Thượng viện Nhật Bản vừa thông qua một quyết định lịch sử thay đổi Hiến pháp để tạo điều kiện cho nước Nhật có quyền tham gia vào phòng vệ tập thể giúp các đồng minh khi bị tấn công và đưa quân đội tham gia giữ gìn hòa bình trong khu vực và thế giới. Bản Hiến pháp đó đang được người dân tranh luận và sẽ tiến hành bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý vào mùa hè năm nay. Đã hơn một lần đao kiếm Lưu Cầu khiến họ bị chảy máu cay đắng, Nhật Bản cẩn thận như thế là phải, là cần thiết. Giờ đây, dư luận Nhật Bản nghiêng về ủng hộ một bản Hiến pháp sẽ nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của đất nước Mặt trời mọc đối với chính mình và với thế giới văn minh.

Ý thức tự chịu trách nhiệm cá nhân đã trở thành thói quen của mọi người dân Nhật Bản. Ai còn làm được gì thì nhất quyết không dựa dẫm, ỉ lại vào người khác. Trên xe buýt, tàu điện ngầm hay nơi công cộng, người già, trẻ em, phụ nữ không cần người khác nhường ghế ngồi, không cần sự giúp đỡ. Không ai muốn trở thành gánh nặng của xã hội. Trẻ em ngay từ tuổi mẫu giáo đã được rèn tập để có khả năng tự lập. Vấp ngã thì tự đứng dậy. Không ăn vạ, làm nũng hay vòi vĩnh: “Hãy làm tất cả những gì bạn có thể làm được, những gì không thể thì để lại cho số phận”.Khiêm nhường nhưng không tự ti, giấu dốt, không vỗ ngực tự sướng. Tôi rất thích một câu châm ngôn khác của người Nhật: “Khi hỏi về những điều mình chưa biết có thể bạn cảm thấy xấu hổ trong chốc lát. Nhưng nếu không hỏi để hiểu biết bạn sẽ phải xấu hổ suốt cuộc đời”.

Có phải thế chăng mà Nhật Bản huy động được sức mạnh và phẩm chất tốt đẹp của toàn dân để đưa đất nước đi lên ngoạn mục với những thương hiệu khổng lồ như: Toyota, Hitachi, Tosiba, Sony, Honda, Kansai, Traika, Yamaha…Đặc biệt đất nước này có đường hướng rõ ràng, khoa học trong chính sách giáo dục chăm sóc con người và giữ gìn văn hóa truyền thống tạo nên nền tảng kiến thức và một động lực tinh thần vô song để xây dựng đất nước phồn vinh. Cái đáng học người Nhật có lẽ căn cốt là ở đó.

Nguyễn Trọng Tân – (Nguồn: Tạp chia NV&TP)

(Đăng lại từ vanvn.net)