Không thấy muộn khi cầm trên tay bộ sản phẩm “Chuyện bình thường & những mảnh hồi ức chợt hiện” của nhạc sĩ Phú Quang, dù chúng đã ra mắt từ cuối năm 2016. Bởi giống như âm nhạc, điều gì tự nhạc sĩ chăm chút, đưa đến công chúng cũng đầy tâm huyết, cần có thời gian để chiêm nghiệm và hiểu về vẻ đẹp cuộc đời.

Bìa tự truyện của nhạc sĩ Phú Quang.


Cuốn sách dày 350 trang do Nhà Xuất bản (NXB) Văn hóa dân tộc và Alphabooks ấn hành, có phần đầu là “Chuyện bình thường”, chép lại nhạc và lời của 82 ca khúc nổi tiếng, được yêu mến và thật rõ chân dung âm nhạc Phú Quang nhất. Những trang nhạc ấy rất đặc biệt, cạnh mỗi ca khúc là một bức tranh hoặc ảnh tương đồng với nội dung, thỉnh thoảng thêm cả lời tự sự, nhận định của tác giả về bài hát ấy.

Nhưng đặc biệt nhất phải là phần “Những mảnh hồi ức chợt hiện”, là khi Phú Quang viết về mình, lại là những câu chuyện quá đỗi giản dị mà chính nhạc sĩ cho rằng chúng đã làm nên con người, âm nhạc của ông. Không theo lối hồi ký, ở đây cảm giác như nhạc sĩ nhặt trong cuộc đời mình những chi tiết, những chuyện nhỏ bé nhưng gây xúc cảm cho ông. “Đến một tuổi nào đó, khi đã bắt đầu cảm nhận được sự nặng trĩu của dấu ấn thời gian, thì những mảnh hồi ức của bao ngày đã qua lại bất chợt trở về dù không hẹn trước”, nhạc sĩ viết.

Đó là kỷ niệm thời thơ bé lúc cả gia đình rời Hà Nội tản cư theo kháng chiến, về những cơ cực của cuộc sống và niềm ham học của cậu bé Phú Quang. Nhạc sĩ nhắc đến cha, mẹ, anh trai là những người đã nhen nhóm và thổi bùng tình yêu âm nhạc trong ông. Nhạc sĩ cho biết, trong cuộc đời sáng tác của mình, ông luôn coi nhạc sĩ Hoàng Vân là thầy. Điều Phú Quang học ở vị nhạc sĩ ấy là con đường âm nhạc toàn tài, từ sáng tác ca khúc, giao hưởng, vũ kịch, đến chỉ huy dàn nhạc, rồi thủ pháp đối với âm nhạc dân gian. Có chuyện ít ai biết, Phú Quang làm nhạc công kèn corno trong nhiều dàn nhạc, nổi tiếng nhất là dàn nhạc Mùa thu. Nhưng năm 23 tuổi ông bị tai nạn, khâu 13 mũi ở môi, phải từ giã nghề kèn và chọn con đường sáng tác…

Phú Quang viết một phần về “Tôi”, một phần về “Các con tôi”, một phần về “Một vài kỷ niệm với bạn bè và những người anh”, rồi “Khán giả của tôi” mà không thấy có riêng phần về những người phụ nữ trong cuộc đời ông. Có phải ông đưa họ vào âm nhạc, để làm nên những ca khúc tha thiết niềm yêu? Nhạc sĩ đặc biệt trân trọng khán giả. Ông chia sẻ: “Những tình cảm mà khán giả dành cho tôi chính là điều lớn lao nhất mang lại niềm tin và tình yêu với cuộc sống này, để tôi vững bước vượt qua nhiều bão giông bất ngờ và để tôi có một tâm thế thanh thản trên con đường mà mình đã chọn”. Nhạc sĩ nhớ, có cô bé gọi điện đến năn nỉ ông hãy để ca sĩ Hồng Nhung hát bài “Nỗi buồn” trong đêm nhạc tới, có anh đầu đã bạc tóc, hay nhạc sĩ được “hối lộ” gói thuốc của nhân viên rạp hát khi được xem ké chương trình của ông…

Đi kèm cuốn sách là 6 đĩa nhạc, 5 CD những tình khúc hay nhất của Phú Quang, do tự ông chọn lựa người hát ưng ý nhất cho mỗi bài, rồi hòa âm. Ở đó không thể thiếu “Khúc mùa thu” – Lê Dung, “Chuyện bình thường” – Ngọc Anh, “Tình khúc 24” – Hồng Nhung, “Điều giản dị” – Tấn Minh, “Phiêu diêu” – Trần Thu Hà, “Thương lắm tóc dài ơi” – Mỹ Hạnh, “Gửi đôi mắt” – Mỹ Linh, “Hà Nội ngày trở về” – Kasim Hoàng Vũ… Một DVD ghi hình trực tiếp đêm nhạc chương trình “Những nẻo đường anh đã đi qua” vốn “cháy vé” cả ba đêm diễn vào tháng 12-2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thi sĩ Phan Đan từng nói: “Viết cho Phú Quang không phải để những bài hát có thêm một ngữ nghĩa nào”. Nhưng những câu chuyện không sắp xếp theo thứ tự thời gian, không quá chi tiết mà ăm ắp xúc cảm của ông vẫn hấp dẫn, giúp khán giả hiểu thêm về Phú Quang và những nhọc nhằn trên con đường sáng tác.

Thụy Du – Hà Nội mới