TS. Lê Thị Bích Hồng
Người phụ nữ từ bao đời vẫn luôn là cội nguồn sáng tạo văn chương nghệ thuật. Là một nửa nhân loại, họ muôn đời vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận thăng hoa cho văn nghệ sĩ.
Tranh của họa sĩ Văn Bình “Chuồn chuồn và hoa sen” (ảnh Tạp chí Mỹ thuật)
Mỗi nhà văn khai thác hình tượng phụ nữ ở những khía cạnh khác nhau. Nhà văn Mác xim Gorki (Nga) đã khẳng định vẻ đẹp, nội lực tiềm ẩn của người phụ nữ ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất này:
Trời không ánh sáng hoa nào nở
Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu
Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?
Cùng chung cảm xúc bất tận về “nửa thế giới” như nhà văn Việt Nam, như: Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử… trong hành trình sáng tạo văn chương, nhà thơ Y Phương đã dành viết về người phụ nữ bằng những tình cảm trân trọng nhất, yêu thương nhất. Những người mẹ, người bà, người con gái vùng cao… là nguồn cội tạo nên thế giới. Và chính tình cảm yêu kính, trân trọng đó đối với người phụ nữ đã trở thành một phần quan trọng tạo nên phong cách sáng tác của “người đồng mình”.
Sự nghiệp văn chương của Y Phương phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, trong đó có một nội dung xuất hiện với tần suất lớn là đề tài người phụ nữ. Y Phương đã chứng minh một cách thuyết phục phụ nữ luôn là đề tài bất tận cho cái đẹp. Phái đẹp bước vào tác phẩm của anh hồn nhiên, dung dị, đôn hậu, nhân ái, bao dung… Ít ai dám gọi phụ nữ là “phái yếu” khi chạm mắt vào bài thơ “Tựa” của anh:
Người đàn ông tựa lưng người đàn bà
Còn người đàn bà tựa lưng biển cả
Người phụ nữ – hiện thân cho cái đẹp
Với Y Phương, người phụ nữ mang thông điệp về cái đẹp. Vẻ đẹp của họ toàn diện từ hình thức đến nội dung bên trong. Y Phương trân trọng miêu tả người phụ nữ từ nhan sắc đến phẩm hạnh: “Người phụ nữ Tày thể hiện vẻ đẹp trong hình ảnh đeo vòng bạc, dây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm”, đẹp một cách toàn diện…
Không lạ khi phụ nữ được ví với hoa hồng – chúa tể của muôn loài hoa. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ là vẻ đẹp bất tử. Người phụ nữ nào cũng mang thông điệp về cái đẹp. Có thể có mẫu số chung về vẻ đẹp của phụ nữ, nhưng cách thể hiện ấy thường không giống nhau. Với Y Phương, vẻ đẹp của người phụ nữ thể hiện trong tác phẩm của anh đẹp toàn diện từ hình thức bên ngoài đến nội tâm bên trong.
Văn hóa dân gian Tày thường lấy hoa làm tiêu chí cho cái đẹp. Thừa kế vốn văn hóa dân gian, trên tinh thần sáng tạo, Y Phương đã vận dụng khéo léo lối tư duy lấy hoa làm chuẩn mực cho cái đẹp, sáng tạo tác phẩm theo cách riêng. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ là vẻ đẹp bất tử. Anh khéo léo gắn những loài hoa của núi rừng Việt Bắc với phụ nữ “Hoa cháy đỏ miền rừng Phja Bjooc/ Dòng Khuổi Slao con gái tắm cùng trăng” (Lên Cao Bằng).
Hoa mang biểu tượng cho tình yêu bất tử; hoa mang ý nghĩa sự giản dị giấu thơm cay trong loài “Hoa vô danh”; hoa mang cái đẹp cảm hóa con người trở nên thánh thiện: “Em như cây hoa/ Ai gần em cũng đẹp” (Gần hoa)… Cùng với hoa, lúa cũng là một loại hoa ví với người phụ nữ: “Em là lúa/ Lợp lên anh từng hạt” (Em là… ). Lúa nước mang đặc điểm riêng khác với miền xuôi cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay; lúa mang đến niềm vui no ấm, trong thơ Y Phương, lúa còn mang ý nghĩa biểu trưng cao hơn, đó là đất nước…
Phụ nữ là hiện thân cho cái đẹp, người đẹp tỏa sáng cái đẹp. Người phụ nữ trong thơ được Y Phương chọn ví với hoa sen tôn quý trong trắng, giàu đức hy sinh. Điều quan trọng Em có sức mạnh cảm hóa bởi chính cái Đẹp. Cái đẹp từ người đàn bà có sức cảm hóa kỳ diệu “cánh mày râu”. Điều đó Y Phương đã ý thức lời truyền dạy của cổ nhân “Hồi đầu thị ngạn” (Quay đầu là bờ). Sự thành thực với mình, với tình yêu là phẩm chất cần có. Tình yêu luôn làm đẹp nhau, tôn nhau, làm đầy nhau. Biết sai phải sửa để trở thành người tốt. Ấy mới là CON NGƯỜI viết hoa.
Em được ví với mùa thu. Ngoài vẻ đẹp hình thức, hoa còn là biểu tượng chiều sâu nội tâm của người mẹ nhân hậu, giàu đức hy sinh. Bằng tư duy thơ bám chặt văn hóa truyền thống của dân tộc, Y Phương mô tả hình ảnh người phụ nữ mang âm hưởng chất dân gian của người Tày. Cách so sánh hình tượng người phụ nữ của nhà thơ thật giản dị, gần gũi, tương đồng với cách nói của người Tày. Bởi, người phụ nữ, người mẹ là cội nguồn, gốc rễ của sự sống.
Tiêu chí về vẻ đẹp phụ nữ ở mỗi quốc gia có sự khác biệt, có khi lạ thường tùy theo sự chi phối của văn hóa của đất nước ấy. Đối với người Tày, quan niệm về phẩm chất đạo đức của người phụ nữ rất khắt khe, nhưng lại phù hợp với văn hóa lối sống của “người đồng mình”. Y Phương đã xây dựng một hình ảnh độc đáo dựa trên hiện thực ngọn khói đốt đồng giữa thung lũng đá Cao Bằng: Em “Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp”, hình tượng “Em” tượng trưng cho sự sống bất diệt, em làm nên hạnh phúc gia đình bằng đôi bàn tay tảo tần, vun thu vén khéo, em và chỉ có em mới làm được một việc rất khó “cầm ngọn khói”, em đang trả lời sự thách đố của thiên nhiên… Có thể nói, Y Phương là một người sinh ra để yêu, để làm thơ, để ca ngợi vẻ đẹp của đàn bà.
Nhà thơ Y Phương và các cháu
Người phụ nữ là hiện thân cho đức hy sinh
Người phụ nữ luôn hiện lên trong tác phẩm của Y Phương là người yêu chồng, thương con, suốt đời tần tảo vì gia đình dù vất vả, gian truân đến đâu cũng không kêu ca, phàn nàn; đức tính nhẫn nhường, giàu đức hy sinh…
Y Phương tôn vinh đức hy sinh của người phụ nữ. Đó là người phụ nữ hiền lành, chân chất, đôn hậu, giàu lòng yêu nước, mang trong mình dòng máu Bà Trưng, Bà Triệu: “Vợ bên chồng/ Cha bên con/ Người yêu bên người yêu/ Lẫn vào đèo” (Phòng tuyến Khau Liêu)…
Thơ Y Phương khắc chạm số phận người phụ nữ tập trung nhất trong hình tượng người mẹ. Nương trên nền văn hóa dân tộc “chín tháng đẻ đau mang nặng” (Đò trăng), Y Phương dành những cảm xúc thiêng liêng nhất ngợi ca những phẩm chất cao quý của người mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng vô cùng giản dị. Mẹ cuộc đời và Mẹ Việt Nam đã nhuyễn nhòa máu thịt trong trường ca Y Phương.
Y Phương thấu cảm sâu sắc với tâm sinh lý của người đàn bà từ lúc mang thai đến khi giàu bản năng làm mẹ. Người mẹ đã trao truyền cho con cái những giá trị sống đẹp. Mẹ đã đưa các con vào giấc mơ cổ tích thấu cảm cho mọi số phận với tinh thần nhân văn. Người mẹ trong thơ, trường ca Y Phương luôn biết hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Người mẹ ấy vừa yêu con, vừa yêu nước tha thiết. Người mẹ yêu nước đã gửi người con trai ra mặt trận như bao người mẹ Việt Nam anh hùng khác.
Y Phương thấu hiểu tấm lòng người mẹ khi đất nước có chiến tranh, khi: “Các con đều vắng cả”, người “mẹ mùi măng chua” dẫu “bảy mươi năm rộng tháng dài/ Nhỡ mỗi khi trái gió trở trời/ Mẹ ở nhà một mình không dám ốm” (Con mắt); thậm chí “không dám ốm” dù chỉ trong nửa ngày (Chín tháng). Chiến tranh khắc chạm lên số phận những người mẹ bằng hình ảnh khái quát:
Mẹ nằm đau trận mạc
Trái tim đèn ngược bão giông không tắt
Nước đựng bằng sàng đánh đá bằng bông
(Con mắt)
Con cái là tất cả cuộc đời của mẹ. Và chiến tranh, mọi cái đều có thể. Mẹ cầu mong thần linh cho những đứa con của mẹ trở về khi giặc nước đuổi xong rồi.
Nói về cái nghèo thắt ngặt, Y Phương đã bám chặt vào văn hóa Tày: “Bốn tháng nữa mới tới mùa xôi/ Xôi trứng kiến cay trong lòng mẹ” (Sáu tháng nữa mới tới mùa thu). Trứng kiến là món ăn của người Tày. Khi xông lên mũi, trứng kiến giống như vị mù tạt. Người Tày đồ xôi, rang trứng kiến, trộn vào nhau thành một món ăn độc đáo. Câu thơ đã vượt khỏi nghĩa ẩm thực thông thường để thể hiện sự cảm thông, trân trọng với người mẹ nghèo, chịu đựng bao cơ cực, nuốt cay, ngậm cay đắng một mình.
Người mẹ hiện lên với những phẩm chất chịu đựng gian khổ một cách quả cảm, can trường. Đau khổ là khuôn đúc tâm hồn người phụ nữ để trở nên thành cao cả. Người mẹ tự dặn mình, tự nói với mình: “Mẹ nhủ lòng mình phải vững/ Vững như tường nhà” (Chín tháng).
Y Phương đã thấu cảm sâu sắc với “nửa thế giới” bằng cái nhìn trân trọng, cảm thông nỗi đau hậu chiến đang quét lên số phận người phụ nữ khi “Chưa hề biết hơi thở nóng”, nên “Em ba mươi, bốn năm vẫn trinh”, có nỗi “Buồn buồn bò lên gáy”, chỉ còn biết “cắn nát vai giường” (Đò trăng) mỗi khi bản năng đàn bà thức dậy, hối thúc những thèm muốn.
Dựa trên ý tưởng dân ca Tày “Đàn bà vác loỏng lên núi/ Đàn ông tựa vách xỏ quần” Y Phương đã diễn tả rất thành công sức đội đá vá trời của người đàn bà vào mùa yêu đương, mùa sinh nở “Núi ra hoa/ Cây ra lộc/ Đàn bà ra bầu/ Đàn ông ra râu/ Đá vật mình đê mê ra nước” (Bài hát tháng ba) để mang đến hơi thở mới về cấu tứ và phát triển ý tưởng. Nhà thơ là đề cập tới tín ngưỡng phồn thực, đến yếu tố tình dục một cách tinh tế độc đáo, đậm sắc thái dân gian.
Phát triển trên nền văn hóa dân gian đó, sau này khi học trường viết Văn Nguyễn Du, Y Phương tiếp tục có một “Mùa hoa” thứ hai giàu tín ngưỡng phồn thực. Nhan đề bài thơ “Em cười hiền” có chút như “thách đố” về sức mạnh tự nhiên vĩ đại của đàn bà, của phái đẹp: “Rừng làm gió/ Biển làm sóng/ Ta làm lửa/ Ca ba hợp sức tấn công em/ Rừng phờ phạc/ Biển mệt nhoài/ Còn ta/ Gió thổi qua tai/ Em cười hiền”.
Trong trường ca “Đò trăng”, Y Phương đưa yếu tố phồn thực vào thơ thể hiện tình cảm yêu thương, chia sẻ với những mất mát, đau thương của người phụ nữ trong chiến tranh. Anh hiểu “chiến tranh mang gương mặt đàn bà”. Người phụ nữ “ba mươi bốn năm vẫn trinh”, vẫn xa lạ với đàn ông “Chưa hề biết hơi thở nóng”, chưa có động chạm làm “Buồn buồn bò lên gáy”. Yếu tố phồn thực thể hiện bằng những chi tiết, hình ảnh khá kín đáo, nhưng đầy ám ảnh. Nhà thơ dựng lên màn độc thoại. Những câu thơ tình yêu mang thân phận đàn bà, mang khát khao tình yêu đau đớn: “Em cắn nát vai giường/ Vai giường hiện nguyên hình/ Tình yêu em”.
Trong tản văn, Y Phương đã viết về gia đình với tình yêu ăm ắp yêu thương. Là bà nội, là người mẹ làng Hiếu Lễ, là người chị, là cô con gái, là những đứa cháu trước ngày được về quê để được nói tiếng Tày trong (Núi non chất ngất); tình mẫu tử thiêng liêng được người mẹ trân trọng, nâng niu gìn giữ “Một tấm vải mà ai xin, dứt khoát không cho! Ai nài mua, dứt khoát không bán” đã “lặng thầm kể về bao nỗi nhọc nhằn vất vả, từ khi mẹ sinh con ra” đến khi “con lớn lên trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp, nết na” (Chắp hai tay con gọi mẹ)…
Với “một nửa thế giới”, Y Phương như đã sẵn có “con mắt thần” để cảm nhận đầy đủ những phẩm chất của người phụ nữ từ truyền thống đến hiện đại. Điều đó có căn nguyên từ tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, từ văn hóa độc đáo của “người đồng mình” và nhất là từ cách giáo dục của người mẹ Tày mà anh được tiếp nhận từ nhỏ. Y Phương kế thừa vốn dân gian truyền thống Mẹ Hoa – Nữ thần trông coi việc sinh sản đã đi vào sáng tác của các nhà thơ dân tộc Tày: “Bố Trời cười khà khà/ Khẽ nháy sang mẹ Hoa/ Mẹ Hoa cầm quạt phất”. Cuộc đối thoại giữa Bố Trời và Mẹ Hoa cho thấy Y Phương đã phát triển tư tưởng Mẹ Hoa lên một tầm mới tôn vinh con người vốn là truyền thống đặc sắc trong văn hóa dân gian Tày.
Tôn vinh mẹ Hoa trong văn hóa Tày có liên quan chặt chẽ đến tục thờ Mẹ Trăng trong Lễ hội Nàng Hai: “Ta múa điệu Nàng Hai” (Vũ khúc Tày)… Trong giao lưu tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ Hoa- nữ thần trông coi việc sinh sản của người Tày có ảnh hưởng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Kinh. Sức mạnh quyền năng, tín ngưỡng dân gian, chức năng bảo trợ sinh sản của Mẹ Hoa của người Tày có điểm gần gũi với 12 bộ Tiên Nương (Bà Mụ) trong văn hóa Việt. Từ Mẹ Hoa, Y Phương đã phát triển thành biểu tượng “Mẹ Chữ” thể hiện ý nghĩa trí tuệ của loài người. Dân tộc Tày gọi coi trọng “Mẹ Chữ” chỉ sau “Mẹ Gạo”, “Mẹ Nước”. Trường liên tưởng độc đáo để nhà thơ phát hiện dải đất hình chữ S phần đất liền ôm bọc lẩy biển Đông trong trường ca “Đò trăng”: “Nước Việt đời đời làm mẹ/ Đời đời miền Trung mang bầu”. Người Mẹ vượt ngoài chức năng sinh nở, che chở… để trở thành Người Mẹ Đất Nước.
Thơ Y Phương thể hiện thành thật tình yêu, lòng biết ơn, sự tôn vinh người phụ nữ. Thơ Y Phương xây dựng nhiều hình ảnh đẹp, độc đáo, tràn đầy yêu thương về người phụ nữ. Cái đẹp tỏa và sống động trong từng con chữ “sinh nở”, “cựa quậy”, “phập phồng”… Tự thân tác phẩm của anh đã nói lên một phẩm chất truyền thống của văn hóa Việt là tôn trọng và đề cao phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ nói chung và người phụ nữ Tày nói riêng đã được thể hiện trong cảm xúc trân trọng, yêu thương của Y Phương. Người phụ nữ trong tác phẩm của Y Phương hiện thân cho cái đẹp; cho đức hy sinh. Họ vừa mang phẩm chất chung của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; vừa mang vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc miền núi giàu bản sắc. Thái độ trân trọng người phụ nữ đã tạo nên phong cách văn chương Y Phương.
Tổ Quốc
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài