Quen biết nhà thơ Đỗ Trọng Khơi từ lâu, nói chuyện điện thoại, Email qua lại khá nhiều nhưng chưa một lần gặp mặt. Thỉnh thoảng đọc bài tản văn hay thơ của anh trên báo Văn Nghệ, tôi thấy văn anh gần đây có phong vị thiền triết khá sâu sắc. Giờ đọc bản thảo tập thơ mới này của anh, gặp nhiều bài có phong vị ấy, tôi rất lý thú và hào hứng chọn lọc chép lại một số để thưởng thức, làm tư liệu, rồi chọn ra những câu thơ tài hoa bổ sung vào cuốn NGHÌN CÂU THƠ TÀI HOA VIỆT NAM trong lần tái bản mới, sắp tới.
Trong cuộc sống ồn ào bon chen nhiều bất ổn, gặp câu thơ thanh đạm lắng sâu, thiền triết, lòng ta thấy thanh thản nhẹ nhàng; một chút điềm tĩnh, một chút an nhiên tuy chả giúp được gì cho xã tắc thì đối với gia đình, bản thân chả đáng quý lắm sao?
Nhấp chén trà trong đêm, Đỗ Trọng Khơi xúc cảm suy tư:
Chén nghiêng nghiêng một vóc gầy
tình xao mặt chén động lay vô cùng…
Chân sương gót ngập gót ngùng
lòng ta đêm thả vào trong lòng trà.
(Trà đêm)
Đêm khuya vắng, chỉ có một “một vóc gầy”, nhìn vào mặt chén trà cỏn con, một sự đồng điệu đến độ động lay tới vô cùng… Một sự cảm thông lan xa quý hiếm. Thế rồi như có gót chân sương ngập ngừng ngoài cửa. Cố nhân chăng? Tri kỷ chăng? Giai nhân chăng? Khao khát bằng hữu lắm, nhưng chỉ là sương đêm thôi. Cô đơn và buồn quá!
Nhưng một khung cảnh cô đơn, một thế giới cô đơn là điều kiện lý tưởng cho người nghệ sĩ say mê sáng tạo. Hầu hết những tác phẩm giá trị sâu sắc chả từng ra đời trong sự cô đơn hoặc đớn đau đến tột cùng đấy ư? Và quả nhiên, từ đây thi tứ đã lóe sáng. Trà thấm vào lòng, vào từng huyết mạch thì nhiều người có thể thức nhận ra điều ấy không mấy khó khăn, nhưng: “Lòng ta đêm thả vào trong lòng trà” thì chỉ có thi nhân mới cảm được mà thôi. Câu thơ vừa đẹp, vừa mênh mang sâu thẳm.
Nhiều người từng giật mình thấy tóc trắng trên đầu, rồi ngẫm ngợi thế nọ thế kia, không ít người lo ngại hoang mang, nhưng Đỗ Trọng Khơi có vẻ bình tĩnh:
Ta giờ tóc nở như hoa
cái trắng lẫn giữa nhập nhoà cái đen
Ta giờ ánh mắt cài then
ảnh nào cũng lạ, chỉ quen một mình
(Núi nho nhỏ)
Thấy tóc nở như hoa thì hơi “ra vẻ” một chút đấy, nhưng người đọc cũng cảm thông vì thấy có pha một chút xa xót tình đời. Nhất là câu “Ta giờ ánh mắt cài then, ảnh nào cũng lạ…” tưởng là “cài then” thật, nhưng không đâu, còn thấy lạ, tức là còn mong tìm hiểu, khám phá, còn ngơ ngác, ngạc nhiên, tâm hồn còn non tơ chứ chưa phải đã già. Người ta vẫn nói: thi nhân không có tuổi cơ mà! Già là hình thức bề ngoài, non tơ là nội tâm ẩn giấu, mai phục. Trong một khúc thơ ngắn mà nói được những điều tinh tế ấy quả không dễ chút nào, chắc chắn phải tu luyện kỳ công lắm.
Phong vị thiền triết thường phảng phất triết lý nhân sinh:
Kết mùa ngậm bóng hoa – rơi
mà theo hoa rụng về thời thơ sinh
Mà về thăm thẳm tâm linh
lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta
(Cầm thu)
Thông thường thấy hoa rụng, người ta hay nghĩ đến sự già nua, “lá rụng về cội”, Đỗ Trọng Khơi ngược lại: “mà theo hoa rụng về thời thơ sinh”, lạ và mới mẻ. Quy luật, tuần hoàn, cái còn trong cái mất đó chăng?
Câu: “lặng nghe tĩnh vắng xoá hình dáng ta” lại mới lạ và sâu sắc hơn, chất thiền triết tự nhiên như không, phảng phất lẽ vô thường…
Nếu kéo dài như thế e thơ bị khô chăng, nhưng Đỗ Trọng Khơi có điều hòa hợp lý, thơ anh không ít chỗ lấp lánh sắc màu khá là tươi trẻ:
Chiều vàng, chiều tím, chiều xanh
đẹp sao đẹp tận mong manh thế này
khi tình quá một gang tay
thì nghiêng vạt áo gói ngày làm đêm.
(Khi tình quá một gang tay)
Một buổi chiều nào đó, chắc là lại có pha chút tình yêu chứ gì, nên tuy chiều rồi mà còn rực rỡ quá! Nhưng anh vẫn bình tĩnh, tỉnh táo nhận ra cái đẹp tận cùng thật mong manh. Vậy xin hỏi: “tình quá một gang tay” thì là dài hay ngắn? Lại nữa: “gói ngày làm đêm” thì gói bằng cách nào? Nhưng thôi, đừng hỏi nữa, cái gọi là tình yêu ấy mà, có khi nào rành mạch được đâu! Tôi nhiều lúc cũ kỹ và lẩn thẩn thế đấy! Thơ tình mà vẫn có phong vị thiền triết, thật thú vị!
Và, đến lúc nào đó, Đỗ Trọng Khơi cũng giật mình nghĩ đến thời gian:
Một giờ một thu một tôi
mấy mươi phút nữa đất trời hoà chung
Trăng lên chưa chạm đỉnh không
cỏ xanh chưa ngọn cuối cùng chưa thôi
Hư vô thảm thắc với tôi
thời gian càng nắm càng rơi dọc đường
(Hư vô thảm thắc)
Từ cõi đời thực, anh muốn tiếp cận cõi hư vô? Cũng nên thử ngó vào chỗ này cái xem sao, chắc cũng lắm điều thú vị chứ không đến nỗi “hư vô” cả đâu! Và, nếu ngó được vào cõi này, có lẽ mỗi người có cảm nhận riêng của mình. Không ít người thì “chả thấy cái cóc khô gì cả”; một số thì thấy một chút mập mờ, “chả để làm gì”, hơi bị “vô tích sự”; số nữa thấy cũng có nét đậm đà, thi vị; số nào đó lại thấy đời mình vận vào những nét dáng hồ mơ. Vân vân… Thôi thì tùy ở mỗi người.
Nhưng hãy trở về với Đỗ Trọng Khơi, chắc là đã không ít lần “ngó vào cõi hư vô” kia, nên anh viết được một số câu thơ trong trẻo giản dị và sâu lắng, chẳng hạn như:
sinh ra là để mất đi
mất đi là để ta về cõi ta
(Ta về cõi ta)
đưa khoảng không vào cuộc chơi
mà sao cái giọng cái nhời nhẹ tênh.
(Tiếng chim xuân)
men dòng nhật nguyệt ta đi
bao điều sắc sắc đã về không không?
(Men dòng nhật nguyệt)
tay năm ngón mở bao la
lòng tay nắng cũng như là rêu phong.
(Ngày)
bờ ao con nước liu diu
dăm ba cánh lá thả điều hư không.
(Cuối thu)
chén này đong sự đầy vơi
đựng nơi miệng chén tiếng lời thế gian.
(Cõi rượu)
Tôi tự chèo lái tôi đi
đi cho hết cõi không gì mới thôi.
(Cõi không gì)
Thơ đến được thiền triết và triết lý nhân sinh là cực kỳ khó, ai có qua rồi mới biết, mà viết loại thơ này rất hao tổn calo, mệt lắm, tôi đã thấy nhiều nhà thơ hốc hác, sụt đến dăm bảy kílô sau khi hoàn thành một bài thơ ngắn. Cá biệt, như bạn tôi ở Sài Gòn đây, vừa hoàn thành tập thơ tâm đắc, lập tức người nhà phải khiêng vào bệnh viện (may mà nhà thơ có một chút ưu tiên), được các giáo sư bác sĩ tận tình cứu chữa, nên đã qua khỏi! Xin đừng ai cho rằng làm thơ nhẹ nhàng như đi dạo mát, mà ngược lại, nhiều khi nguy hiểm lắm, có thể mất mạng như chơi! (Tất nhiên là không kể loại thơ tâm tình, phản ánh, tức cảnh sinh tình, kể lể, thù tạc, tán tỉnh, giao lưu, trà dư tửu hậu… những loại này ít tốn calo và không mệt mỏi gì lắm).
Thể tạng của Đỗ Trọng Khơi, tôi chưa gặp nhưng xem ảnh thì hình như cũng không được khỏe cho lắm mà anh lại xông vào loại thơ thiền triết, triết lý cực kỳ hóc búa gian nguy. Tôi càng phục anh. Khó nhọc trần ai vậy mà Đỗ Trọng Khơi viết cứ tự nhiên như không, một lần nữa lại chứng tỏ sức tu luyện của anh ghê thật. Khi nào đạt chánh quả (ví dụ giải thưởng, bằng khen, huy hiệu…) nhớ báo tin vào Sài Gòn để bạn thơ phương Nam mừng nhé!

Theo Nguyễn Vũ Tiềm

Exit mobile version