Nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) 17 hải lý, Hòn Chuối bé như một dấu chấm giữa mênh mông biển trời. Mỗi năm chỉ có vài đoàn khách ra thăm, tới đây, nghe giọng đọc rập ràng của trẻ nhỏ, không ai kìm nén được nỗi xúc động trong lòng mình…
Diện tích của Hòn Chuối hơn 1km vuông, mấy chục năm nay vẫn chỉ có vài chục hộ dân sinh sống. Do thiên nhiên khắc nghiệt, nhiều người đến rồi đi. Hiện tại trên hòn có 35 hộ dân với hơn 120 nhân khẩu cùng một đơn vị ra đa thuộc Vùng 5 Hải quân và Đồn Biên phòng 704 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) đứng chân.
Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên biển, quanh năm bám biển, tất bật lo toan. Chỗ ở của họ ngay dưới chân hòn nhưng phải “di trú” thường xuyên theo mùa. Tháng 4 đến tháng 10 chuyển từ gành Nam qua gành Chướng, tháng 10 trở đi lại chuyển về gành Nam.
Thương đám trẻ lớn lên mà không hề biết tới “cái chữ”, Đồn Biên phòng 704 đã lập ra lớp học tình thương và duy trì hơn 10 năm nay. Hiện tại lớp có 19 em theo học, từ lớp 1 đến lớp 4. Bắt đầu lớp 5 các em phải vào đất liền học tiếp, nếu gia đình có điều kiện, thế nhưng hơn 80% gia đình trên hòn không đủ khả năng lo nổi việc này.
Đám trẻ như những cánh hải âu, 14 tuổi đầu đã ra biển kiếm sống và cũng có em quyết tâm theo đuổi học tập. Từ cái lớp học tình thương be bé này, người lính biên phòng chấp cánh cho các em ước mơ bay xa, có em vào được đại học.
Xin gửi tới bạn đọc những hình ảnh quanh câu chuyện của của lớp học tình thương nơi đây.
Người dân sống tập trung dưới chân Hòn Chuối, phía gành Nam, đến tháng 10 họ lại “di trú” qua gành Chướng
Một buổi lên lớp của thầy và trò
Ánh mắt trong veo của học sinh trong lớp học tình thương
“Thầy giáo” Phục kiểm tra kết quả học tập của các em mỗi ngày
Không có gì chơi, giờ nghỉ các em chỉ biết chạy giỡn tung tăng quanh khuôn viên lớp học tình thương
Từ dưới chân hòn tới lớp học phải leo 365 bậc đá, độ cao hơn 150m. Sợ các em đùa nghịch, té ngã, Trung úy Trần Bình Phục luôn theo sát mỗi lúc lên, xuống
Nguồn: Vanvn.net