Phong cách văn chương là thành quả của người cầm bút. Có nhiều cách đánh giá và nhìn nhận về phong cách, xin được góp thêm một vài nhận định về phong cách văn chương.

Phong cách: thử thách và vinh quang

Đề tài này được nhen nhóm từ câu chuyện có thật. Buổi chiều nọ, tôi được một nhà văn thành danh tặng cuốn sách mới. Tôi có nói thêm rằng đã đọc truyện mới của ông đăng trên tờ báo. Nhà văn quay ra hỏi tôi: Truyện đấy có hay không? Tôi trả lời: Không hay lắm. Nhà văn ngạc nhiên, hỏi lại, viết hay thế mà bảo không hay à? Tôi bảo, vì nó giống một truyện cũ của ông. Nếu tôi chưa từng đọc cái truyện cũ, mà chỉ đọc truyện in trên báo thì tôi thấy hay. Nhưng vì tôi đọc cả hai nên không thấy thật hay nữa…

Tôi tự hỏi, dường như ở đây có mâu thuẫn xảy ra: Khi chưa tạo được phong cách thì tác giả chưa được chú ý. Còn nếu cho rằng phong cách là sự lặp đi lặp lại để độc giả quen tên, biết mặt, ghi nhớ tác giả, khiến tác giả nổi tiếng thì rất có thể đó lại là căn nguyên dẫn đến sự nhàm chán cho độc giả? Vậy thì khi tác giả đã tạo cho mình được một (hoặc vài) phong cách nhất định, có nhất thiết phải tự đổi mới mình nữa không? Nếu có thì phải đổi phong cách bao nhiêu lần, đến bao giờ mới chiều được lòng độc giả?

Để kể một câu chuyện, viết một bài thơ, nếu xét về khía cạnh nội dung thì quy tắc luôn được đưa ra là: Tác phẩm viết sau không bao giờ được lặp lại cái trước đó. Hình thức thể hiện nội dung hoặc cách gọi khác là; cách viết, giọng điệu… Nội dung và hình thức đạt đến mức độ nào đấy, tạo được sự khác biệt, dấu ấn riêng, độc giả có thể nhận ra tác giả khi dùng bút danh khác hay khi chưa kịp nhìn tên ở ô tác giả thì vẫn biết. Được như vậy là người cầm bút đã tạo được phong cách cho riêng mình.

Thông thường, phong cách là một thử thách lớn đối với người mới cầm bút. Làm thế nào để vừa thoả mãn cái tôi – khi sáng tác là nhu cầu tự thân, lại vừa tạo được một cá tính sáng tạo riêng, phong cách riêng. Có thể trở thành một tác giả được hay không, có thể làm độc giả nhớ đến hay không phụ thuộc phần lớn vào sự tạo dựng phong cách của người cầm bút. Có người chỉ sau một thời gian ngắn đã tạo được phong cách và có người phải trầy trật hàng chục năm. Lại có người cả đời không tạo được phong cách, hay nói vui là… phong cách nhạt nhoà! Tạo được phong cách là sự khẳng định, một thành công bước đầu.

Phong cách là thứ phản ánh rõ tài năng, sở đoản, sở trường, quá trình tự học, môi trường sống của mỗi tác giả…

Nói nôm na, phong cách là một quá trình người cầm bút “đi tìm” con đường mới cho riêng mình. Quá trình dài hay ngắn, lâu hay nhanh tuỳ thuộc ở tài năng, học hỏi… mỗi người. Sở dĩ quá trình này khó khăn vì phải đi tìm trong vô thức. Không người viết nào đoán định được trước tác phẩm của mình khi hoàn tất sẽ thế nào, sẽ phải thuộc dạng nào… Chỉ khi tác phẩm được hoàn thành, cả chủ thể và khách thể nhìn lại mới có thể đánh giá, xếp loại được tác phẩm. Từ đó thấy được có phong cách hay không, phong cách có đặc điểm gì…

Nói phong cách là con dao hai lưỡi không sai?

Nói đến phong cách là nói đến sự ổn định nhưng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì xuất phát từ hai phía: bản thân tác giả sau khi tạo lập cho riêng mình một phong cách họ cũng muốn thay đổi, tìm tòi cái mới hơn. Độc giả cũng chưa chắc thích mãi một giọng điệu từ tác phẩm đầu tiên đến tác phẩm cuối cùng của một tác giả. Sự thay đổi này có thể nhanh chậm, rõ rệt, quyết liệt hay mờ nhạt mà đôi khi chỉ những người trong cuộc mới biết rõ.

Với người cầm bút, tìm được phong cách đã khó nhưng cái khó hơn ở đây lại không phải chuyện giữ được phong cách mà là giữ được phong độ! Phong độ viết ổn định là đòi hỏi khắt khe của người cầm bút. Một quy luật bất thành văn hình thành trong độc giả khi tiếp cận tác phẩm mới thường so sánh xem có gì khác, có bằng so với tác phẩm trước đó không? Nếu không có gì mới mà kém hơn tác phẩm trước thì bị cho là giảm phong độ. Độc giả chỉ có thể cảm thông cho tác giả khi nhận thấy sự ngang bằng (ít nhất) giữa tác phẩm mới và cũ. Nếu không thì phải có sự mới mẻ. Trong khi ai cũng biết, không phải lúc nào tác giả cũng sinh hạ ra được đứa con tinh thần xuất sắc, nổi trội.

Hiện nay, nhiều nhà văn được báo chí truyền thông đặt bài. Đương nhiên là bài vở chưa nhìn thấy mặt mũi ra sao nhưng tên tác giả là một tiêu chí quan trọng bước đầu. Người ta tin, tên tuổi người này sẽ đảm bảo chất lượng, vì tác giả rất có trách nhiệm với sản phẩm của mình mỗi lần xuất hiện trước độc giả. Còn có trường hợp, biết thừa tên tuổi này chưa chắc có bài viết chất lượng theo yêu cầu nhưng vì họ từng một thời nổi tiếng, từng được bạn đọc quen tên biết mặt. Thế nên mới có trường hợp, nhiều độc giả ngơ ngác, bất ngờ khi đọc những tác phẩm “lạ” mà kí tên người “quen”.

Có ý kiến cho rằng, đã trầy trật tìm được phong cách cho riêng mình, độc giả biết mình rồi thì có cần thiết phải nhọc công tìm một cái khác thay thế không, nhất là cái khác ấy chắc gì đã hay hơn, đã được độc giả ủng hộ hơn? Nếu hoài nghi và khẳng định không cần thì cả đời họ chỉ có một phong cách. Cũng chẳng sao. Họ vẫn tồn tại được. Những độc giả trung thành vẫn tìm đọc họ. Những độc giả thấy nhàm chán, không còn phù hợp nữa sẽ lặng lẽ bỏ đi, và những lớp độc giả khác lại thay thế vào chỗ đó. Thường thì, tạng nhà văn nào, tạng tác phẩm nào sở dĩ xuất hiện và duy trì được là bởi có tạng độc giả đó. Đằng sau bất cứ một tác phẩm nào cũng có một đối tượng độc giả ấy.

Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, trong cuộc đời người cầm bút có rất nhiều giai đoạn giống như sự lớn lên của một cơ thể, sự trưởng thành nhận thức và sự chín muồi của tài năng nên một người cầm bút phải tạo cho mình nhiều phong cách, nhiều giọng điệu. Đôi khi sự đa dạng chưa hẳn vì chiều lòng độc giả, nó cho thấy nỗ lực tìm tòi của người cầm bút, sự dấn thân để mang đến văn chương vẻ đẹp tươi mới, phong phú. Nên cũng có ý rằng, nhà văn có phong cách chính là nhà văn biết tự mình đã cũ, đã đếm thời điểm cần phải thay đổi. Nếu chưa tìm được “con đường mới” thì cần “giữ mình” mỗi khi xuất hiện.

Nguồn: Toquoc